VĂN HÓA

Nhà thơ Dư Thị Hoàn ‘lối nhỏ’ giao lưu cùng bạn đọc

Đông Dương • 24-09-2019 • Lượt xem: 6508
Nhà thơ Dư Thị Hoàn ‘lối nhỏ’ giao lưu cùng bạn đọc

Đây là lần đầu tiên nữ sĩ “Lối nhỏ” tái xuất với người yêu thơ ca và bạn đọc sau khoảng thời gian dài - trên dưới 10 năm im hơi lặng tiếng. Nhà thơ với những bài thơ độc đáo như “Lối nhỏ”, “Tổ Quốc”, “Thôn quả phụ”, “Tan vỡ”… từng làm thi đàn sôi động với cách viết mới, bạo liệt tung tẩy hết mình khi thể nghiệm thơ tự do và cách đặt vấn đề rất mãnh liệt ở nhiều phía của người phụ nữ từ tình yêu, gia đình đến xã hội.

Tin, bài liên quan:

Dư Thị Hoàn, 'du nữ ngâm' giữa rừng thiêng núi thẳm

Xuân Quỳnh, tiếng thơ nghìn mảnh vỡ

Lâm Xuân Thi, những câu thơ tình yêu

Buổi giao lưu sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ sáng, ngày 29/9/2019 tại câu lạc bộ Ơ Kìa Hà Nội (số 639/39/39 đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Tọa đàm, gặp gỡ văn chương còn có những vị khách yêu thơ như Nhà nghiên cứu - TS Hoàng Tố Mai, nhà lý luận văn học - TS Trần Ngọc Hiếu, Nhà phê bình - TS Nguyễn Thanh Tâm, Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp.

Người yêu văn chương có thể đăng kí tham dự sự kiện giao lưu với nữ sĩ Dư Thị Hoàn “Lối nhỏ” ở link sau đây: http://bit.ly/duthihoan
 

**

Để hiểu thêm về nữ sĩ, chúng tôi giới thiệu lại một phần bài viết có nhan đề “Dư Thị Hoàn, “du nữ ngâm” giữa rừng thiêng núi thẳm” đăng trên Duyên Dáng Việt Nam của nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh để bạn yêu văn học tham khảo trước buổi giao lưu sẽ diễn ra:

Sau bài viết của nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh trên DDVN, nữ sĩ Dư Thị Hoàn chính thức trở lại, giao lưu với các bạn trẻ yêu văn chương Thủ đô sau 10 năm im lặng tĩnh tuyệt.

“Chỉ với một “lối nhỏ”, người đàn bà ấy đã đánh thức thi đàn Việt bởi những câu thơ nổi sóng mà chưa có nữ sĩ nào làm được trước đó - vì thân phận lễ giáo và thi ca hiện thực chủ nghĩa. Sự thách thức tê liệt cũng như đầy trắc ẩn của câu hỏi "Sau phút giây êm đềm trên ghế đá/ Anh không cài khuy ngực áo cho em".

Nhưng không, nữ sĩ còn làm được nhiều hơn thế, sự bùng nổ có thật bởi dư chấn u uất ngột ngạt lôi vũ: “Có lối nhỏ chia đôi thảm cỏ/ Em thả bước chán chường/ Có lối nhỏ gập ghềnh sỏi đá/ Gót chân em nện xuống dữ dằn/ Có lối nhỏ vương cây xấu hổ/ Em sợ nó khép cánh/ Biết làm sao bây giờ/ Chính lối này đưa em tới anh”.

Tan vỡ - Bài thơ nổi tiếng nhất của Dư Thị Hoàn

Lối nhỏ cũng chính là lối định mệnh. Định mệnh thường đi vào mỗi chúng ta bằng cách lách qua lối nhỏ. Em đến với anh có thể là tình yêu và cũng có thể là ngọn lửa hủy diệt. Từ Xuân Quỳnh qua Ý Nhi đến Dư Thị Hoàn tôi đã thấy thơ nữ Việt có những ý thức, thay đổi khác. Nếu Xuân Quỳnh vẫn thiết tha, dung dị cố giữ mình trong cảm xúc ổn định, che chắn thi pháp truyền thống dù có “ngàn mảnh vỡ” thì Ý Nhi đã quyết liệt hơn, vẫn tình cảm đó nhưng trong ánh lửa chao đảo, quay quắt “bốn chiều bão nổi” của thơ tự do. Khi thi pháp quyền biến, tự do xung đột thì phản chiếu sự thực đã khác! Dưới tài năng để lộ những bài thơ lộng lẫy…”

“Dư Thị Hoàn đem đến cho thơ sự chua chát và phẫn nộ tới đỉnh. Ngọn triều thơ ngả nghiêng từ những năm 1987. “Đừng bắt tôi lên diễn đàn/ Đừng buộc tôi ra sân khấu/ Hãy để tôi ngồi yên trong góc tối/ Như cái triện đen/ giáng xuống”. Và bà, “đả tung” chữ nghĩa với bốn cái tên từ Dư Thị Hoàn (thơ), Nữ Lang Trung (dịch thuật, với cuốn sách nổi tiếng “Người Trung Quốc xấu lậu” của Bách Dương), Vương Oanh Nhi (tiểu luận), Lão Bà Bà (thiền) cũng một tâm hồn ấy! “C-á-i O-a-n-h t-h-ừ-a”. Như chiết tự từ tên thật của bà. Viết theo Octavio Paz, dưới mỗi cái tên là một lần đập vỏ, một lần lột xác. Cả bản chất sống và bản thân ngữ nghĩa. Như con tằm đạp kén. Mỗi sợi tơ thêu dệt khí trời, máu, nước mắt. Mỗi bài thơ là một lần vượt cạn, một lần sinh nở về mặt tư tưởng…”.

Phiên chợ văn chương - Thơ Dư Thị Hoàn.

“Tôi gặp lại nữ sĩ Dư Thị Hoàn trong một ngày bão gió lớn ở Angkroet, cách Đà Lạt gần 30 cây số. Nơi người dân “bản nguyên” cao nguyên Lâm Viên là người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho sinh sống, theo các nghiên cứu của Alexandre Yersin - người tìm ra Đà Lạt đầu tiên. Đà Lạt cũng từ phiên âm của cái tên Lạch, Lách mà ra. Sau thi ca, cột chống tâm hồn bà không còn là chữ nghĩa mà chính là Thiền định. Mà đúng thật! Thơ không thể là nơi chốn bình an…”.

“Trong am cốc có cái tên Lão Bà Bà, nữ sĩ vang danh một thời tâm sự với tôi: “Văn chương càng hay càng xa sự thật!”. Tôi có nói với bà, đó cũng chỉ là một định nghĩa. Vì đôi khi sự thật còn ý nghĩa, lớn lao hơn gấp nhiều lần mà văn chương bất lực, tài năng bất độ đã không thể diễn tả nổi. Nhưng thôi biện minh vì điều đó vô nghĩa. Khi bà đã làm một cuộc hành hương từ bỏ mọi văn minh để trở về cuộc sống thiên nhiên, tâm linh, hoang dã cuối làng Cù Lần. Có những nền văn minh dã man nuốt chửng những nền văn minh khác! Cũng như có thời đại nuốt chửng thơ bằng tiếng thét!

Trong đêm ngủ lại giữa rừng sâu núi thẳm trong căn nhà gỗ dựng chênh vênh trên sườn núi có tên Ma Rừng ấy tôi lạc vào một cơn bão lớn chưa từng thấy. Gió gào rú, điên cuồng giật cửa. Mưa như thác đổ trên mái. Nửa khuya tôi liên tục giật mình vì cảm thấy có một bàn tay lạnh lẽo nào đấy cứ thò vào màn kéo chân tôi.

Tôi thức dậy trong ánh sáng chớp lòe giữa rừng núi.

Và tình cờ đọc được một câu của Dư Thị Hoàn bây giờ là Lão Bà Bà viết: “Tôi đang viết ký về những chuyến đi, có thể sẽ lấy tựa đề cho cả tập là “Con mắt ngoại đạo”. Tôi muốn chu du khắp nơi, tự "đày ải" bản thân mình vậy, sẵn sàng làm những việc như lau nhà, giặt đồ, cắt cỏ… như người nô bộc ấy, để được gần người dân bản xứ, lý giải tại sao họ sống cực nhọc, khổ ải vậy mà luôn mỉm cười an lạc và lễ độ…”.

Khán giả trẻ ở Câu lạc bộ "Ơ Kìa Hà Nội" bao giờ cũng đến chật kín với những chuyên đề văn học nghệ thuật.​​​​​​

Vậy đó, dù bỏ lại phía sau lưng nền văn minh, tìm về cuộc sống nguyên thủy, Lão Bà Bà vẫn rất thơ. Dù đang quan sát bằng “Con mắt ngoại đạo” thì bà cũng không thể quên tiếng thét thế kỷ của Edvard Munch, của chính bà, một nhà thơ Việt gốc Hoa:

“Thời cuộc sắp đặt tôi
Gần hết một đời rồi
Tôi đã quen chỗ ngồi
Góc tối...”

Phải chăng, góc tối đó chính là nơi trú ẩn của thơ. Bởi thơ là gì nếu không phải là rào chắn cuối cùng của tâm hồn? Ánh lửa cuối của bộ tộc tận diệt!?

Tôi đã có một đêm thể nghiệm lạ lùng khi đọc thơ Lão Bà Bà giữa rừng sâu núi thẳm. Vây trong đêm bão tố mưa ngàn thực chứng kinh cầu tự cỏ cây nguyên thủy!

Đọc thơ hay lắng nghe những giọt mưa sáng từ trời thả xuống…”.