VĂN HÓA

Kỳ nữ Kim Cương và con chó ‘Phật tính’ (Kỳ 2)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 07-12-2019 • Lượt xem: 6451
Kỳ nữ Kim Cương và con chó ‘Phật tính’ (Kỳ 2)

Chùa mới xây xong đã có khách quý đến viếng thật là điềm lành. Đến hẹn, kỳ nữ Kim Cương ghé chùa Cây Da vào buổi trưa. Bà mang theo một con chó Phú Quốc. Đã lâu lắm tôi mới được gặp lại bà…

Tin, bài liên quan:

Kỳ nữ Kim Cương và con chó ‘Phật tính’ (Kỳ 1)

Bùi Giáng, gã cuồng khấu nhân gian

Nghệ sĩ Kim Cương khó thở, bị nhồi máu cơ tim

Tôi hoàn toàn bất ngờ vì trông bà vẫn rất trẻ, đặc biệt quý phái và sang trọng. Nói không quá, trong một số người đẹp nổi tiếng một thời như Thanh Nga, Kiều Chinh… có một nét gì đó đài các của Sài Gòn xưa cũ. Thời ấy đã mất. Hay mỗi thời kỳ thẩm mỹ của cái đẹp có thay đổi? Cả những sắc thái, văn hóa cũng vậy? Đôi khi chúng ta cảm thấy tiếc khi phải chứng kiến vẻ tàn phai, xuống cấp của một bối cảnh nhưng bất lực vì không thể nào tái dựng lại. Cuộc đời không phải là một cuốn phim. Không có sự sắp đặt diễn viên, tình huống để có thể quay lại lần thứ hai. Đành phải chấp nhận sự không hoàn hảo.

Kỳ nữ Kim Cương và Nguyễn Hữu Hồng Minh tại chùa Cây Da

Kim Cương được mệnh danh Kỳ nữ trên sân khấu Nam Bộ nhưng thật thú vị bà không chỉ là một ngôi sao cải lương mà còn ở kịch nói. Từ lâu người yêu nghệ thuật vẫn thường đồng ý Hà Nội là đất diễn của kịch, Sài Gòn mới là cải lương. Tuy nhiên, nếu làm một nghiên cứu “sát sườn”, đọc các bài viết về bà, mới biết “viên ngọc sân khấu” này ở trong một gia đình “toàn những viên ngọc” quý. Nghệ sĩ Năm Châu từng nói: “Đối với gia đình lớn của Kim Cương, hát không phải là cái Nghề mà là một cái Đạo”.

Một số vai diễn của Kim Cương để đời trên sân khấu như "Lá Sầu riêng", "Bông hồng cài áo"

Bà kể: “Tôi đã may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống sân khấu. Từ bà nội là cô Ba Ngoạn, chủ rạp Pakikao, đến ba tôi là ông bầu Phước Cương, rồi má tôi nghệ sĩ Bảy Nam, dì tôi là nghệ sĩ Năm Phỉ, người mà nghệ sĩ Ba Vân đã gọi là thiên tài sân khấu cải lương miền Nam. Ba má tôi là đôi nghệ sĩ tài danh trên sân khấu, là đôi vợ chồng rất mực yêu thương nhau trong cuộc đời, nhất là khi cuộc đời đó trải qua những biến động thăng trầm của nghệ thuật cả lương thời kỳ khai mở và trôi theo dòng lịch sử của hai cuộc chiến tranh. “Sân khấu cũng như cuộc đời”, ai đã nói câu này tôi không biết nhưng khi sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ, lại là một nghệ sĩ tài danh mà theo như cụ Nguyễn Du đã nói cho thân phận Thúy Kiều “Chữ tài liền với chữ tai một vần” thì tôi hiểu hơn ai hết sân khấu không chỉ giống như cuộc đời mà nhiều khi còn cay đắng hơn cả cuộc đời…”.   

*

Kim Cương cùng hai nhà văn Nguyễn Tuân (phải) và nhà thơ Chế Lan Viên (trái)

Thầy Viên Anh hoan hỉ đón bà và một số khách hành hương vào đảnh lễ ở chánh điện. Kim Cương trầm trồ khen chùa đẹp. Nếu không biết thì có thể nghĩ ngôi chùa đã được xây dựng từ lâu lắm rồi. Đó là cả một câu chuyện dài về chùa Cây Da nếu muốn kể hết. Chỉ có thể nói ngắn gọn rằng bao nhiêu tâm huyết, tâm lực của thầy đã đổ ra. Là một công trình tâm lực của thầy với duyên nghiệp tu hành. Từ lúc xuống tóc khi còn là chú tiểu ở làng quê huyện Đại Đồng vùng núi Đại Lộc, Quảng Nam. Mới đấy mà đã nửa cuộc đời tu tập, kinh kệ…

Một góc hiên chùa Cây Da ngày đang hoàn thành

Buổi trưa Củ Chi nắng đẹp. Nắng rực trên các tán cây tỏa bóng trùm xuống góc hiên. Chúng tôi cùng đi xem các công trình của chùa. Kim Cương nói với thầy, bà có đem theo một con chó nhỏ muốn gửi lại chùa. Thầy Viên Anh rất vui, hoan hỉ đón nhận. Vì khuôn viên chùa rộng lại thưa người, có con chó quấn quýt, có tiếng sủa cũng cảm thấy ấm áp. Và câu chuyện buổi trưa hôm đó bên bữa mì chay thật rôm rả. Bà nói: “Con rất mong đến cửa chùa thường xuyên để lễ Phật nhưng cũng còn rất nhiều việc nên không phải lúc nào cũng đến được. Vì vậy xin thầy cho con gửi con chó nhỏ ở đây để được nghe kinh kệ, được gần Phật. Thầy cứ xem như con luôn có mặt ở hiên chùa…”. Thầy Viên Anh rất cảm động.

Rồi Kim Cương kể bà có con chó nhân đi Phú Quốc làm từ thiện. Hiện nay cuộc đời bà tập trung cho hai việc là làm từ thiện và lễ Phật. Sân khấu bà không còn quan tâm nhiều nữa sau khi hoàn thành bản thảo tập hồi ký “Sống cho đời, sống cho mình”.

Kỳ nữ Kim Cương và Nguyễn Hữu Hồng Minh trong thời gian tác giả tìm hiểu viết loạt bài "Con chó có Phật tính"

Mà con chó trong kinh Phật có nhiều giai thoại rất hay. Con chó có Phật tính không? Tại sao trong thiền học từ trên chư Phật xuống dưới tới con kiến, ai ai cũng có Phật tính, cớ sao con chó lại không? Trong kinh cũng giảng “đại nghi” tức là “đại ngộ”! Tội nghiệp cho kiếp làm chó cứ bị con người khinh là “chó má”, mang tiếng oan! Thật ra làm chó còn có nghĩa hơn nhiều người. 

Và dưới đây là một câu chuyện về Phật tính của con chó được nhớ lại bắt đầu từ con chó nhỏ của Kim Cương tặng thầy Thích Viên Anh ở chùa Cây Da trong “Thập tụng luật”.

Truyện kể rằng có con chó bỏ nhà mình sang nhà khác xin ăn, bị chủ nhà đánh đuổi. Khi cả hai đều chết xuống âm phủ, con chó kiện với Diêm vương: “Ông ấy ỷ thế làm người đã đánh đuổi tôi thậm tệ, trong khi tôi không vi phạm phép tắc của loài chó”.

Diêm vương tò mò hỏi: “Thế nào là phép tắc của loài chó?”

Con chó nói: “Tại nhà chủ, thì tôi đi khắp nơi bằng cả cái đầu, bốn cẳng và soãi đuôi ve vẩy tự do. Nhưng đến nhà lạ, bao giờ tôi cũng đứng thập thò để đuôi ngoài cửa, chỉ đưa đầu vào trước đánh hơi, chủ có vui vẻ cho phép thì tôi mới vào. Thế đấy là phép tắc của loài chó”.

Khi một bầy chó chơi cắn nhau cũng vậy, con nào cụp đuôi xuống thì những con khác biết nó đã đầu hàng, không quấy rầy nó nữa.

Diêm vương hỏi:

- Bây giờ ngươi muốn ta trừng phạt người kia cách gì?

- Xin cho ông ta đầu thai làm một người có quyền cao chức trọng.

- Tại sao?

- Vì có quyền thế địa vị thì dễ làm nhiều việc ác ôn thất đức rồi phải đọa. Xưa kia tôi cũng là một kẻ có chức quyền, vì làm nhiều sự ác mà phải đầu thai làm súc sinh.
Phật dạy, chó còn biết phép tắc, giới hạn của mình, huống chi con người…

(Còn tiếp)