ĐỜI SỐNG

Lá bàng rừng và các sản phẩm độc đáo qua bàn tay nghệ nhân xứ Huế

Lan Hương • 24-03-2023 • Lượt xem: 1265
Lá bàng rừng và các sản phẩm độc đáo qua bàn tay nghệ nhân xứ Huế

Từ những chiếc lá bàng rừng tưởng chừng chẳng còn tác dụng gì khi kết thúc vòng đời của nó, thế nhưng qua bàn tay và sự sáng tạo của ông Võ Ngọc Hùng, rất nhiều sản phẩm độc đáo từ xương lá bàng được thành hình như nón, quạt, những chiếc mũ cách điệu… tất cả đều xuyên sáng và được tạo hình vô cùng bắt bắt khiến nhiều người thích thú.

Sức sáng tạo của con người là không giới hạn, bất kể ở đâu và độ tuổi nào. Niềm đam mê tạo nên sự mới lạ cho cuộc đời luôn trăn trở trong tâm trí những người con đất Việt. Cũng vì lẽ đó, ông Vũ Ngọc Hùng – cụ ông ở tuổi 65 vẫn miệt mài tìm tòi những chất liệu độc đáo và khác biệt cho các sản phẩm của mình.

Sự sáng tạo không ngừng nghỉ

Ngụ tại 36/13 Kim Long, phường Kim Long, thành phố Huế, tên tuổi ông Hùng đã được nhiều người biết đến, nhiều khách du lịch tìm đến để hiểu rõ hơn về cách thức ông làm ra những chiếc nón từ xương lá bàng và để mua kỷ niệm những sản phẩm vô cùng độc đáo này.

Rất nhiều sản phẩm độc đáo từ xương lá bàng rừng được ông Hùng sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của người dân và khách du lịch.

Nói về nguồn gốc bén duyên với nghề, ông kể: Từ khi còn trẻ, ông đã làm đủ nghề để mưu sinh, cũng đã trải nghiệm và vật lộn với không biết bao nhiêu khó khăn trong công việc. Ông từng làm lò gạch, bốc thuốc bắc, thợ nề, thợ may, làm muối, đi rừng… tới lui cũng khoảng hơn 28 nghề khác nhau.

Trong một lần biết về họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo và những chiếc nón lá sen trong triển lãm tại Festival Huế, ông đã nảy ra suy nghĩ làm sao để tạo ra những sản phẩm nón truyền thống hay cách điệu nhưng bằng một loại chất liệu khác. Và từ đó những chiếc nón từ xương lá bàng rừng của ông đã thành hình.

Nghề nào cũng lắm công phu

Khi mới bắt tay vào làm thử, ông Hùng đã dùng qua nhiều loại lá nhưng không cho kết quả như ý. Một ngày nọ ông đi rừng cùng bạn và tình cờ phát hiện ra lá bàng rừng, đây là loại lá có kích thước to và dày dặn. Ông hái thử mấy chục lá về làm nón và đã thành công.

"Một sản phẩm muốn có được chỗ đứng trong lòng khách hàng cần phải đảm bảo được yếu tố chất lượng, thẩm mỹ, và độc đáo. Và cũng nhờ những tháng ngày vất vả với bao nhiêu nghề, đã rèn luyện được đức tính kiên nhẫn và không nản lòng trước thất bại", ông Hùng chia sẻ.

Nón lá bàng rừng có đặc tính trong suốt, nhẹ và che được nắng mưa. Ông Hùng cho biết quy trình để tạo ra một chiếc nón cũng vô cùng công phu và tỉ mỉ. Những chiếc lá được chọn phải dày, không thủng lỗ, không bị sâu, gân lá cứng. Lá bàng làm nón phải già, vì lá non ngâm nước sẽ bị phân hủy hết. Độ dài lá cũng không kém phần quan trọng, phải đạt tiêu chuẩn độ dài từ đỉnh xuống mép nón, những lá nhỏ cũng không dùng được.

Những chiếc nón lá bàng rừng được trang trí họa tiết công phu, càng làm nổi bật thêm nét độc đáo của chiếc nón truyền thống.

Theo kinh nghiệm của ông, thời điểm tốt nhất để hái lá bàng rừng vào khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm. Lúc này thời tiết nắng nhiều, ít mưa, đi đường rừng không sợ trơn trượt hay côn trùng, rắn rết, mà lá bàng thu hoạch được cũng đẹp, khỏe và ít bị sâu mọt.

Để tạo ra một chiếc nón thành phẩm trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là tách xương lá, đây là khâu tiêu tốn nhiều thời gian và vất vả nhất trong cả quá trình. Lá bàng phải được ngâm một tháng rưỡi để phần màng diệp lục phân huỷ, sau đó dùng bàn chải đánh răng chải hết phần mục để thu lại gân lá.

Tách xương lá chính là công đoạn khó khăn và tốn nhiều thời gian nhất.

Tiếp đó là công đoạn tẩy trắng, ghép lá lên vành rồi đưa cho thợ chằm nón. Khâu chằm nón cũng đòi hỏi sự chuyên nghiệp không kém, để đảm bảo sao cho sản phẩm hoàn thành thật thẩm mỹ. Cuối cùng là khâu trang trí, vẽ họa tiết hoa văn để tạo điểm nhấn và làm cho chiếc nón thêm bắt mắt.

Sau đó, ông Hùng sẽ phủ lên bề mặt ngoài cùng của nón một lớp sơn bóng PU để giúp chống thấm, chống ẩm mốc và giúp nón bền bỉ với nắng mưa. Thay vì phủ lớp dầu lên nón, ông chọn sơn PU để giúp nón giữ được màu sắc tự nhiên của gân lá, lại giúp tăng sức chống chịu với điều kiện thời tiết.

Nón có độ trong suốt và nhìn xuyên được ánh sáng, với độ bền bỉ cao vừa làm vật che nắng che mưa vừa có thể dùng trang trí trong nhà.

Tính tổng cộng từ khâu ngâm lá đến khi ra đời chiếc nón hoàn thiện phải mất thời gian khoảng 2 tháng. Còn nếu đã có xương lá sẵn thì một ngày một người thợ có thể làm ra được 2 cái.

Rất nhiều sản phẩm được sáng tạo từ lá bàng rừng như mũ, quạt, túi xách... với ngoại quan thẩm mỹ thu hút thị hiếu của nhiều người. 

Không chỉ dừng lại ở nón lá truyền thống, ông Hùng còn sáng tạo rất nhiều sản phẩm từ xương lá bàng để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách chẳng hạn như quạt, dù, mũ, túi xách, vẽ tranh trên lá… Tất cả các sản phẩm đều có họa tiết xinh xắn, bắt mắt. Và không ai khác, vợ ông Hùng – bà Lê Thị Kỳ Ngộ chính là người đã vẽ lên các sản phẩm do chính ông tạo ra.