ẨM THỰC
Lạ lẫm món phở gà tiến vua!
Tam Anh • 10-06-2024 • Lượt xem: 508

Phở là món ăn đặc trưng của Việt Nam và được thế giới biết đến. Phở có thể ăn với topping là thịt bò hay thịt gà, và bạn có thể tìm thấy món ăn này ở khắp các nơi dọc 3 miền đất nước Việt Nam; từ quán nhỏ trong các ngõ hẻm đến các nhà hàng, khách sạn 5 sao sang trọng. Thế nhưng, món phở với gà Đông Tảo - loài gà được mệnh danh là "gà tiến vua" thì có lẽ hiếm nơi nào có.
Hồi nhỏ, tôi thường hỏi cha tôi rằng “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” mà vua Hùng thách cưới Sơn Tinh và Thủy Tinh là tưởng tượng hay thật. Cha tôi trả lời rằng cha không biết những con vật quý hiếm kia có từng hiện diện trên đất nước mình không, nhưng gà chín cựa thì cha đã từng thấy. Loại gà “chín cựa” mà cha tôi thấy chính là gà Đông Tảo mà ông đã từng thấy trong một trại gà, vào những ngày cha đi học đại học tại Sài Gòn. Câu chuyện ấy, theo thời gian rồi chìm vào lãng quên. Tôi không cố công tìm hiểu để giải tỏa thắc mắc của mình, vì trong lòng mặc định “khó có thứ kỳ lạ như thế trên đời”. Nhiều năm sau này, từ Sài Gòn tôi về Bảo Lộc ghé thăm trang trại nuôi gà của một người bạn. Tôi nhìn thấy vài con gà có thân hình to lớn, bàn chân đỏ và lớn hơn gà thường gấp 5,6 lần, trên mỗi chân có rất nhiều cựa. Tôi hỏi người chủ trang trại thì anh cho biết đây là gà Đông Tảo hiếm quý mà anh muốn nuôi dưỡng để đưa vào thị trường phía Nam. Hình ảnh con gà Đông Tảo - Ảnh: Internet Theo lời người chủ trang trại, gà Đông Tảo có nguồn gốc từ xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ngày xưa, loại gà này là vật phẩm tiến vua, quý tộc hoặc chỉ dùng cúng tế chứ dân thường không dùng. Nghe qua câu chuyện này, tôi liên tưởng đến lời thách cưới “gà chín cựa” của vua Hùng ngày xưa. Sau đó, người chủ trang trại bắt con gà Đông Tảo để đãi chúng tôi – đoàn khách từ Sài Gòn đến. Con gà 4 ký được làm ba món gồm bóp gỏi, hầm thuốc bắc, và xào sả ớt. Quả thật thịt gà này ngon khác biệt gà thả vườn và gà công nghiệp. Ngay thời điểm đó, anh bạn rất hào hứng với kế hoạch biến gà Đông Tảo thành một loại thức ăn phổ biến như gà thả vườn, gà công nghiệp. Thế nhưng, vì nhiều lý do, kế hoạch của anh không thành. Việc không thể hấp dẫn số lượng lớn người mua gà Đông Tảo có thể vì bề ngoài của nó nhìn hơi quái lạ, trọng lượng quá lớn và đặc biệt là giá thành rất đắt. Dù người ta vẫn thích ăn gà này nhưng mang tính cá nhân nhiều hơn là tiêu thụ số lượng lớn. Sau cùng, anh và nhiều đồng nghiệp khác đã không đầu tư lớn cho giống gà này nữa mà chỉ nuôi nhỏ lẻ. Đến nay, gà Đông Tảo vẫn còn là món ăn không mấy phổ biến ở Việt Nam. Gần đây, có dịp đi ngang qua thành phố Biên Hòa, ngay lúc đói bụng, tôi tình cờ nhìn thấy một tiệm phở gà Đông Tảo trên đường Nguyễn Ái Quốc (KP6, TP.Biên Hòa). Vì tò mò tôi vào ăn thử. Thú thật, tôi là người thích khám phá nét riêng của ẩm thực nên riêng về món phở, tôi ăn rất nhiều quán trên địa bàn Hà Nội, Sài Gòn, miền Tây Nam bộ, và phân tích được sự khác nhau giữa phở Bắc, phở Nam của Sài Gòn và phở Nam của miền Tây quê tôi. Nói cách khác, tôi kén ăn nên ăn thì dễ mà để quay lại ăn nhiều lần rất khó. Việc tôi ăn phở gà Đông Tảo cũng không đặt kỳ vọng đây là món ngon làm tôi say mê, mà cốt muốn biết nó khác thế nào với phở gà bình thường. Tô phở gà Đông Tảo - Ảnh: Nguyễn Huy Tại tiệm phở này, có bán cả phở gà thường và gà Đông Tảo. Giá của tô phở gà Đông Tảo đắt hơn và cũng hùng hậu hơn về topping. Nếu bạn gọi một tô thập cẩm sẽ gồm phần thịt nạc, da chân gà, trứng non, lòng mề. Có người thích ăn chân giò riêng thì gọi thêm một hoặc hai chân gà. Chân gà Đông Tảo thực sự có vị đặc biệt với sự giòn sần sật và thơm. Những ai hiểu về dinh dưỡng sẽ biết trong chân gà này chứa collagen rất nhiều. Đây là thành phần rất tốt cho da. Còn phần thịt nạc thì ngọt và mềm thơm lừng. Về nước dùng là phần cũng được soi nhiều nhất vì khẩu vị khác nhau giữa ba miền Bắc - Trung - Nam. Nước súp của tiệm phở gà Đông Tảo mà tôi ăn nghiêng về khẩu vị Bắc. Tôi là người miền Nam nhưng đánh giá nước súp tại đây ổn. Ngồi tại tiệm phở ấy, tôi vừa ăn, vừa quan sát. Tôi thấy lượng khách không tấp nập đông đúc nhưng lượng người ra vào khá đều đặn. Có nhiều gia đình mang theo con cái. Điều này cho thấy tiệm phở gà này được nhiều người biết và ưa chuộng, tuy nhiên, đến giờ theo quan sát có giới hạn của tôi, vẫn chưa thấy một tiệm thứ hai nào như vậy xuất hiện ở tỉnh lân cận Bình Dương và Sài Gòn. Vì thế, sau này, muốn ăn thì tôi phải chạy đến Biên Hòa. Có lẽ đây là tiệm phở duy nhất có bán gà Đông Tảo ở khu vực Đông Nam Bộ - Ảnh: Nguyễn Huy Với hương vị lạ này, việc bỏ công đi xa vào ngày cuối tuần thư thả rất xứng đáng. Tôi nghĩ với lượng đạm trong thịt gà Đông Tảo cũng có tác dụng hữu ích cho những ai tập luyện tăng cường cơ bắp. Tôi vốn dĩ cũng là người thích nấu ăn và muốn nấu được món lạ. Vì thế, tôi đã mua gà Đông Tảo về tự nấu. Cách làm cũng tương tự như gà thường. Sau khi làm sạch gà, tôi để vô nồi hầm chung với cải trắng cho đến khi gà chín thì vớt ra ngoài. Sau đó, tôi sao vàng quế và hồi cho vô nồi nước súp, bỏ chân gà vô hầm tiếp thêm một đoạn. Để tăng cường vị đậm đà của nước súp tôi hầm thêm với xương và nêm bột nêm, ít bột ngọt. Hương vị tôi tự nấu có khác so với tiệm nhưng chất lượng thịt gà thì như nhau. Rất thơm và ngọt. Mặc dù vậy, việc nấu nướng khá mất thời gian với tôi và có lẽ với nhiều người. Thế nên, hễ có dịp đến Biên Hòa tôi thường đến quán phở quen để thưởng thức món phở gà tiến vua ngon miệng này.