ĐỜI SỐNG

Làm sao để chữa lành không trở thành: Chữa bên trong nhưng chỉ lành bên ngoài?

GI • 31-08-2024 • Lượt xem: 1150
Làm sao để chữa lành không trở thành: Chữa bên trong nhưng chỉ lành bên ngoài?

Thay vì tìm kiếm giải pháp từ bên ngoài, ta phải hiểu vấn đề của ta là ở đâu, từ đâu tới, nếu muốn giải quyết thì tự thân phải có khát khao để làm điều đó, đừng vội tin hay lạm dụng các hình thức “chữa lành” trong khi bạn vẫn chưa biết vết thương của mình cần trị liệu theo cách nào.

Sống ở xã hội hiện đại, dù điều kiện tốt hơn rất nhiều so với những năm về trước, thế nhưng những vấn đề và thách thức vẫn luôn tồn tại. Luôn có rất nhiều bài toán cần giải quyết, và việc tiếp cận thông tin liên tục khiến nhiều người trẻ đối mặt với nhiều căng thẳng, chấn thương tâm lý, bất ổn trong quản lý cảm xúc và trầm cảm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ trầm cảm và lo âu ở người trẻ đã tăng mạnh trong những năm gần đây do sự căng thẳng từ áp lực xã hội và cuộc sống hiện đại. WHO ước tính rằng hơn 264 triệu người trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi trầm cảm, và căng thẳng là một yếu tố nguy cơ lớn.

Trước hết chúng ta cần chấp nhận đó như một sự việc – hiện tượng, khoan hãy đánh giá những vấn đề của người khác (hoặc chính mình) là yếu đuối, mỏng manh, dễ tổn thương, có như vậy thôi mà cũng không vượt qua được là một phần thuộc về "mình". Việc phớt lờ, không chấp nhận hay thấu hiểu bản thân rất dễ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.

Sự tự nhận thức, tức là khả năng hiểu rõ về cảm xúc và tình trạng tâm lý của bản thân, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi tâm lý. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Journal of Counseling Psychology cho thấy những người có mức độ tự nhận thức cao thường có khả năng đối mặt và giải quyết các vấn đề tâm lý hiệu quả hơn.

Khi đối diện với một vài vấn đề trong cuộc sống khiến bản thân suy sụp, khó chấp nhận, căng thẳng, sợ hãi,... thường bạn sẽ lựa chọn làm gì?

Mình nghĩ một trong những cách được nhiều bạn lựa chọn là đi du lịch, tham dự những khóa chữa lành, học thiền hoặc tiết kiệm nhất là tìm một người (hoặc nhiều người) để tâm sự.

Sau khoảng thời gian đó có nhiều người thực sự sẽ cảm thấy bản thân tốt lên, một bước ngoặc để thay đổi. Nhưng cũng sẽ có một số trường hợp “đâu vẫn vào đấy”, chúng ta chỉ trốn chạy ít hôm rồi lại quay về với trận chiến của chính mình. Một nghiên cứu trên Journal of Consulting and Clinical Psychology cho thấy rằng những người chỉ dựa vào các liệu pháp bên ngoài mà không cố gắng tự thay đổi hay đối diện với vấn đề của mình thường có xu hướng dễ tái phát các triệu chứng trầm cảm và lo âu.

Vấn đề, nên đi từ gốc. 

Hãy thử sàng lọc một vài giả thuyết sau đây để tìm ra vấn đề thực sự của bạn:

Liệu bạn có đang nghiện cảm xúc tiêu cực? Thích tự nhận và muốn người khác nhìn nhận bản thân là một người luôn có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, có nhiều bất ổn vây quanh và bạn luôn phải khổ sở mỗi ngày để chống chọi, để than vãn và… người khác công nhận bạn là một người như vậy? Có bao giờ bạn thử “đánh thức” mình rằng, nếu vấn đề đó không nhìn theo hướng tiêu cực thì nó sẽ như thế nào không? Bạn sẽ đối diện và xử lý như thế nào? Và liệu có phải bản thân đang nghiện và thích cảm giác nhấn chìm mình trong những tiêu cực, thay vì nghĩ mọi chuyện tốt hơn?

Bạn thường kỳ vọng mọi điều trong cuộc sống sẽ diễn ra theo mong muốn của bạn. Việc lên kế hoạch hay có những mong đợi nhất định trong cuộc sống là cần thiết, thế nhưng nếu mọi thứ không đi theo những gì bạn nghĩ, phải chăng bạn sẽ cảm thấy khó chấp nhận và vô cùng khó chịu? Hãy xem lại cách bạn đang nhìn những gì diễn ra xung quanh, muốn ép vũ trụ vận hành theo mong muốn của mình là không thể, nhưng bạn có thể lựa chọn góc nhìn của bản thân, khi đón nhận những điều bất như ý.

Bạn có đang phóng đại cảm xúc hay suy nghĩ của mình? Những người có xu hướng lo ra, đa nghi, đa sầu đa cảm thường dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ – hồi tưởng quá khứ và tiên lượng nhiều rủi ro ở tương lai. Ở đời, thận trọng là tốt, nhưng nếu mãi để những luồng suy nghĩ “kéo đi,” bạn sẽ đánh mất những trải nghiệm quý báu ở hiện tại. Quá khứ đã qua, khi nghĩ thông thì hãy “cất” lại, tương lai còn chưa tới, dù háo hức đón chờ hay lo lắng bi quan, thì cũng hãy nhớ rằng, để đạt được thành tựu nào đó ở tương lai, đều đến từ những gì bạn đang làm ở hiện tại.

Bạn có đang lờ đi cảm xúc của chính mình? Một số người luôn dành nhiều sự quan tâm và chú ý cho cha mẹ, con cái, anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp nhưng lại hay phớt lờ cảm nhận của chính mình. Thế rồi khi bản thân gặp bất ổn thì cũng chẳng dám chia sẻ cùng ai, vì sợ sẽ khiến mọi người lo lắng cho mình, hoặc đôi lúc sẽ thấy chạnh lòng vì cứ dành thời gian cho người khác, nhưng đến khi cần quan tâm, hỏi han thì lại chẳng thấy ai. Đơn giản vì bạn đang dần huấn luyện người khác nhìn nhận bạn như một người có thể lo toan và gánh vác mọi việc, những thể hiện bên ngoài của bạn ổn định đến mức chẳng ai biết nội tâm bạn đang dậy sóng thế nào. Tất cả nằm ở sự lựa chọn. Tôi không hướng bạn theo tư duy phân cực, rằng hoặc là quan tâm bản thân, hoặc là quan tâm người khác, mà là bạn có thể chọn cả hai.

---

Tất nhiên mỗi người sẽ có một cảnh ngộ và trở ngại khác nhau, việc sàng lọc và đánh giá hy vọng là sẽ giúp gợi mở cho bạn những vấn đề bạn đang gặp. Thay vì tìm kiếm giải pháp từ bên ngoài, ta phải hiểu vấn đề của ta là ở đâu, từ đâu tới, nếu muốn giải quyết thì tự thân phải có khát khao để làm điều đó. Theo một bài viết trên Harvard Health Publishing, lạm dụng các hình thức chữa lành không đúng cách, chẳng hạn như tham dự các khóa học mà không tìm hiểu kỹ hoặc sử dụng các phương pháp chưa được chứng minh khoa học, có thể dẫn đến tình trạng tâm lý bị tổn thương nặng hơn, thay vì giúp cải thiện.

Hy vọng bạn sẽ dành nhiều thời gian và năng lượng cho việc thấu hiểu và cảm thông với chính mình, thay vì tìm kiếm một nơi nào đó, một ai đó hay một phương pháp nào đến từ bên ngoài, trong khi bản thân bạn là chẳng biết mình đang cần/muốn điều gì.