Trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta muốn góp ý về một điều gì đó với mong muốn điều đó được cải thiện trong tương lai. Tuy nhiên, có thể vì ngại người nghe không hài lòng, hoặc bản thân sợ bị đánh giá là vô duyên, bất lịch sự, vô lễ với người lớn nên chúng ta bỏ qua và không làm gì cả. Trong bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ đến bạn ba mẹo góp ý để bạn và người nghe đều cảm thấy thoải mái.
Mô hình bánh kẹp
Mô hình này gồm ba phần: Lớp bánh trên cùng đại diện cho những điều tốt, lớp nhân đại diện cho những điều cần góp ý, lớp bánh dưới cùng đại diện cho sự tổng hợp hoặc câu hỏi.
Là con người, ai cũng có những điều tốt và điều chưa tốt. Hiển nhiên, đại đa số chúng ta chỉ muốn nghe những điều tốt về mình. Do đó, trước tiên chúng ta có thể nói những điều tốt để người nghe cảm thấy họ được nhìn nhận khách quan và sẵn sàng lắng nghe những điều chưa tốt ngay sau đó. Những điều cần góp ý với đại diện là phần nhân bánh vì nó cần sự mềm mại, khéo léo từ người nói. Chúng ta nên nói mềm mỏng, có thể đặt những câu hỏi gợi mở thay vì chỉ ra trực tiếp (ví dụ, bạn nghĩ sao nếu slide 23 mình thay mầu vàng thành trắng để người xem dễ nhìn?). Cuối cùng là tổng hợp ngắn gọn những điều tốt và chưa tốt của người nghe để họ nắm lại một lần nữa và một số câu hỏi thêm để làm rõ về vấn đề (nếu có).
Phản biện đúng đắn
Khi góp ý, chúng ta cần có kiến thức về chủ đề đó, tránh đưa những kinh nghiệm hay góc nhìn cá nhân vô để áp đặt cho chủ đề của người nói, vì một cá nhân không thể đại diện cho cái chung nhất. Tuy nhiên, nếu không có kiến thức về chủ đề đó, từ những trải nghiệm cá nhân (không phải kinh nghiệm – thứ đã được đúc kết sau một trải nghiệm), chúng ta có thể đặt câu hỏi cho người nghe nhằm gợi mở câu trả lời từ họ.
Công kích cá nhân là một lỗi thường mắc phải khi chúng ta góp ý. Nguyên nhân có thể đến từ thành kiến giữa người nói và người nghe, từ những khác biệt trong tư duy của cả hai. Do đó, khi góp ý, chúng ta cần tách bạch rõ ràng giữa thành kiến và chủ đề cần góp ý để những đánh giá từ chúng ta là khách quan nhất.
Quá chú trọng vào những điều nhỏ nhặt và không liên quan tới chủ đề là một trường hợp thường gặp trong sinh viên. Ví dụ: Trong bài thuyết trình, bạn đã phát âm từ này bị sai… Góp ý những điều nhỏ nhặt và không liên quan này sẽ biến những góp ý của bạn trở nên vô nghĩa và không có nhiều giá trị cho người nghe, bạn có thể nói những điều này với họ nếu chỉ có bạn với họ để tránh mất thời gian cho mọi người xung quanh.
Trong phần góp ý, sẽ thật tuyệt vời nếu bạn đưa cho họ những giải pháp dưới dạng câu hỏi đóng. Ví dụ, mẹ nghĩ sao nếu mình đi chợ mỗi tuần một lần thay vì đi chợ mỗi ngày, nếu vậy sẽ tiết kiệm thời gian hơn nhiều lắm á. Điều này khiến người nghe cảm thấy họ được tôn trọng và biết đâu được giải pháp đó sẽ được ứng dụng. Một sự thật là nếu bạn đưa ra giải pháp bằng những cách khác chưa chắc họ đã làm, vậy vì sao mình không đưa ra một giải pháp thật lịch sự và khiến người nghe cảm thấy họ được tôn trọng đúng không?
Nhạy cảm với môi trường xung quanh
“Read the room” là hành động “đọc vị” những người xung quanh, quan sát những thứ đang diễn ra quanh mình, từ đó để phán đoán ra tình huống, bối cảnh… giúp chúng ta có cách tiếp cận hoặc hành xử phù hợp. Điều này thường được ứng dụng trong môi trường sinh viên vì những góp ý thường diễn ra trong một không gian nhiều người.
Biết tự phân chia thời gian để phù hợp với bối cảnh là một lưu ý để chúng ta có một góp ý tốt. Nếu cảm thấy gần hết thời gian và bản thân còn khá nhiều những trao đổi, bạn có thể kết thúc để nhường lại phần trao đổi cho người khác, sau đó bạn có thể trao đổi thêm về chủ đề đó với họ sau khi kết thúc chương trình. Điều này sẽ trông bạn lịch sự hơn đó.
Đôi lúc, chúng ta lỡ nói lẹm sang một chủ đề lạc quẻ, lan man, lạc khỏi mục đích của chủ đề hôm đó, hay chỉ đơn giản là chủ đề của bạn không được đón nhận, bạn có thể kết thúc nó và trao đổi sau để những người trong phòng không cảm thấy khó chịu. Nói cho cùng, mỗi người một lối tư duy và được hình thành bởi nhiều trải nghiệm khác nhau nên những suy nghĩ của bạn có thể không được đón nhận trong thời điểm đó, và điều này hết sức bình thường. Nếu muốn, bạn có thể trao đổi thêm với họ sau khi chương trình kết thúc.