ĐỜI SỐNG

Làm sao để phát hiện sớm bệnh suy giãn tĩnh mạch chân?

Gia Hưng • 30-07-2022 • Lượt xem: 372
Làm sao để phát hiện sớm bệnh suy giãn tĩnh mạch chân?

Suy giãn tĩnh mạch chân xảy ra khi các tĩnh mạch trở nên mở rộng, giãn ra và chứa quá nhiều máu; có biểu hiện sưng, nổi lên, có màu xanh tím hoặc đỏ và thường gây đau đớn.

Khoảng 25% người lớn bị giãn tĩnh mạch. Trong hầu hết các trường hợp, giãn tĩnh mạch xuất hiện ở cẳng chân. Đây bệnh lý không còn xa lạ đối với nhiều người, thậm chí theo nhiều nghiên cứu gần đây thì tỷ lệ người mắc căn bệnh này đang có xu hướng tăng lên qua từng năm, đặc biệt là ở những người phụ nữ trong độ tuổi lao động và đã về hưu. 

Lý do nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chân cao gấp 3 lần so với nam giới bắt nguồn từ những đặc điểm về mặt giới tính (ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, quá trình thai nghén, uống thuốc tránh thai…) và đến từ đặc điểm nghề nghiệp (đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu, ít vận động, mang giày cao gót thường xuyên…). Những điều này đều khiến tình trạng máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ lại ở chân, không đi lên tĩnh mạch chủ để trở về tim như bình thường, lâu ngày dẫn đến suy giãn tĩnh mạch chân.

Trong 6 cấp độ bệnh được chia ra thì cấp độ C1 là mức độ nhẹ nhất với sự xuất hiện tĩnh mạch mạng nhện hay dạng lưới. Ngược lại, cấp độ cao nhất là C6 khi người mắc đã có nhiều triệu chứng nặng, trong đó đang có hiện tượng loét chân, dòng máu động mạch tới nuôi chân bị giảm. Nếu như tình trạng này để lâu, không chữa trị kịp thời và đúng cách thì có thể phải thực hiện đoạn chi (cắt chân) để đảm bảo an toàn tính mạng cho người mắc bệnh.  

Hầu hết người mắc suy giãn tĩnh mạch chân thường có các triệu chứng cơ năng (dấu hiệu cảm nhận được) như đau nhức, mỏi chân, cảm giác nóng, ngứa, châm chích khó chịu… và đi kèm với đó là các triệu chứng thực thể (dấu hiệu có thể nhìn thấy) như tĩnh mạch bị giãn ngoằn ngoèo dưới da, phồng to…

Tuy nhiên ở nhiều trường hợp ít hơn, người mắc có các triệu chứng cơ năng giống như trên nhưng sau khi được kiểm tra, thăm khám thì lại không bị suy giãn tĩnh mạch, mà liên quan đến các bệnh lý về xương khớp hay thần kinh ngoại biên. Ngược lại, nhiều người mắc suy giãn tĩnh mạch dù xuất hiện tĩnh mạch màu xanh hoặc tím, phồng dưới da nhưng hoàn toàn không cảm thấy đau nhức và không có triệu chứng cơ năng nào.

Để xác định mắc suy giãn tĩnh mạch hay không, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện siêu âm doppler mạch máu. Đây là phương pháp động trong thời gian thực có thể phân tích hướng di chuyển của dòng máu, đo được thời gian máu chảy ngược dòng nhằm chẩn đoán, khảo sát ở tư thế đứng nên phù hợp với sinh lý bệnh của suy giãn tĩnh mạch.

Song cũng cần lưu ý, sự thay đổi của cấu trúc tĩnh mạch ở giai đoạn đầu của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân gần như rất ít, không đáng kể. Vì thế vẫn có thể xảy ra trường hợp siêu âm không phát hiện bất thường, dù thực tế người mắc suy giãn tĩnh mạch chân. Lúc này, các bác sĩ có thể thực hiện thêm các nghiệm pháp khác ở cả tư thế đứng và nằm để có được những kết luận chính xác hơn; đồng thời khai thác chi tiết hơn tính chất đau ở chân của người mắc bằng cách yêu cầu miêu tả càng chi tiết càng tốt về vị trí cơn đau ở chân cho bác sĩ. 

Sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ, bệnh nhân và kỹ thuật siêu âm hiện đại cho phép phát hiện sớm bệnh suy giãn tĩnh mạch chân từ ngay giai đoạn sớm.

Để tránh bị suy giãn tĩnh mạch chân, chúng ta không nên đứng hoặc ngồi ở một tư thế trong thời gian dài khiến máu khó lưu thông trong các tĩnh mạch chân. Việc ngồi hoặc đứng lâu sẽ làm cho áp lực trong tĩnh mạch tăng lên, có thể khiến máu đọng lại quanh mắt cá chân, đồng thời bàn chân và bắp chân bị sưng và đau nhức. Do đó cần di chuyển xung quanh để làm giảm áp lực tĩnh mạch và cải thiện lưu thông máu. 

Ngoài ra, suy giãn tĩnh mạch chân có thể phát triển dựa trên các yếu tố nguy cơ như béo phì, thừa cân. Điều này tăng áp lực hơn bên trong các tĩnh mạch. Vì vậy điều quan trọng là cố gắng thực hiện lối sống lành mạnh để ngăn ngừa tổn thương nhiều hơn cho các tĩnh mạch; Ăn một chế độ ăn uống khoa học dựa trên carbohydrate phức hợp, đủ lượng protein và chất béo tốt là điều quan trọng nhất. Song song đó là tránh thực phẩm nhiều muối và bao gồm thực phẩm giàu chất xơ và kali. Uống đủ nước trong ngày.

Bài tập có lợi nhất để ngăn ngừa chứng giãn tĩnh mạch là đi bộ. Bên cạnh đó, tập yoga cũng là một lựa chọn tốt với bài tập nhiều tư thế đưa chân lên cao hơn tim, bao gồm tư thế trồng cây chuối, đứng bằng vai và tư thế nâng chân lên tường. Yoga cũng có thể giúp kéo căng và săn chắc các cơ sâu nhất ở bắp chân và gân kheo. Ở một mức độ nhất định, các cơ sâu có thể giúp các van tĩnh mạch hoạt động bình thường. 

Các loại hình tập thể dục có lợi khác bao gồm đạp xe và bơi lội.