ĐỜI SỐNG

Làm thế nào để tránh những suy nghĩ tích cực độc hại?

Cẩm Chi • 21-11-2022 • Lượt xem: 296
Làm thế nào để tránh những suy nghĩ tích cực độc hại?

Suy nghĩ tích cực sẽ dẫn đến hành động tích cực. Thế nhưng ép buộc bản thân phải luôn lạc quan có thể sinh ra tích cực độc hại. Chúng không chỉ tác động xấu đến bản thân mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Tích cực độc hại là gì?

Một câu chuyện phần lớn mọi người đã từng gặp trong cuộc sống. Khi bạn buồn và tâm sự với một ai đó thì nhận lại những lời khuyên đại loại: đừng buồn nữa, hãy vui lên, chuyện này có gì mà buồn... Tiếp theo có thể “ai đó” sẽ khuyên bạn, sẽ đưa ra ví dụ về những người có cuộc đời còn tồi tệ hơn để kết luận rằng cuộc sống bạn còn tốt chán. Người khác còn khổ hơn gấp mười lần.

Vậy nên... có gì đáng buồn đâu, đừng chán đời nữa, hãy tích cực lên.

Và đó chính là sự tích cực độc hại. Hay nói một cách tổng quan hơn, tích cực độc hại (toxic positivity) là hành động phủ nhận hoàn toàn những cảm xúc tiêu cực có thực và buộc con người phải luôn luôn suy nghĩ tích cực (dù có thể là giả tạo), lúc nào cũng hạnh phúc, vui vẻ lạc quan yêu đời.

Biểu hiện của tích cực độc hại

May mắn thay, sự tích cực độc hại có những dấu hiệu nhận biết không khó để nhận ra. Chỉ cần cẩn thận với những lời khuyên, lời động viên từ người khác là được.

Dĩ nhiên, không phải lời khuyên nào cũng là tích cực độc hại. Thế nhưng những lời khuyên mang theo sự tích cực độc hại thường có những từ quen thuộc sau: nhìn vào mặt tốt của nó, mọi chuyện xảy ra đều có lý do, tích cực lên, vui lên, đời còn nhiều niềm vui, chuyện đâu tệ đến thế, mày khổ một thì người khác khổ mười, thời của ông (bà cha mẹ) đâu có sung sướng như lớp trẻ bây giờ, có chút chuyện cũng buồn...

Đặc điểm chung của những lời khuyên trên là không có sự chân thành và thấu hiểu. Và chủ nhân của những lời khuyên dạng này có xu hướng khinh thường cảm xúc của người khác.

Người đang có tâm trạng tiêu cực cần sự đồng cảm và lắng nghe chứ không phải những lời khuyên tích cực độc hại sáo rỗng.

Trên thực tế, sự tích cực độc hại không chỉ đến từ những tác động bên ngoài mà đôi lúc chính bản thân chúng ta cũng tự lừa dối chính mình. Và để nhận biết sự tích cực độc hại chủ quan này khó khăn hơn nhiều.

Chúng có thể là tâm lý lẩn tránh, không dám nhìn thẳng vào những cảm xúc tiêu cực của chính mình; hoặc luôn tìm đến những cuộc vui bên ngoài; ép bản thân luôn lạc quan giả tạo; tìm đến những cộng đồng nhằm bao quanh bản thân bởi nguồn năng lượng tích cực bên ngoài, tự động viên bản thân mọi chuyện còn có thể tồi tệ hơn...

Sự nguy hiểm của tích cực độc hại

Những suy nghĩ tích cực độc hại sẽ khiến bản thân cảm thấy tội lỗi chỉ vì “lỡ” có những cảm xúc tiêu cực (buồn bã, thất vọng...). Và nó khiến người đó tệ hơn với mặc cảm tội lỗi chứ chẳng giải quyết được gì (vượt qua nỗi buồn). Bởi trên thực tế, trốn tránh không bao giờ là một giải pháp triệt để cho bất kỳ khó khăn nào. Kỳ vọng, hy vọng con người lúc nào cũng phải có tâm trạng hạnh phúc, phấn khởi, lạc quan là một điều ảo tưởng.

Phủ nhận hoàn toàn cảm xúc tiêu cực khiến con người mất đi những trải nghiệm chân thực về cuộc sống.

Con người có nhiều loại cảm xúc (cả tích cực lẫn tiêu cực) như: hạnh phúc, sợ hãi, buồn bã, chán ghét, giận dữ, ngạc nhiên, hy vọng, thất vọng...

Và thay vì chấp nhận, thấu hiểu và tìm cách giải quyết lý do gây ra cảm xúc tiêu cực thì những người có suy nghĩ tích cực độc hại lại cho rằng nỗi đau này, thất vọng này... không đáng để tồn tại và không đáng để giải quyết. Nếu chỉ công nhận những cảm xúc tích cực mà phủ nhận những suy nghĩ tiêu cực thì không khác gì tự chối bỏ một phần chính bản thân mình.

Tích cực độc hại không giúp giải quyết vấn đề mà chỉ kéo dài nỗi đau.

Làm sao để tránh những suy nghĩ tích cực độc hại

Về bản thân, hãy mạnh dạn nhìn thẳng vào nó, công nhận nó, cho phép bản thân có những lúc suy nghĩ tiêu cực. Trốn tránh không phải là cách. Trốn tránh chỉ khiến cho những cảm xúc tiêu cực có đủ thời gian lớn mạnh lên trong tâm trí bạn.

Hãy lên danh sách những hành động có thể làm một mình khi có cảm xúc tiêu cực: viết nhật ký, thiền, hay thậm chí là... ngủ.

Quan trọng nhất là nhớ luôn dành đủ thời gian cho bản thân mỗi ngày. Bạn có thể dành rất nhiều thời gian cho công việc, cho sự nghiệp, cho người ngoài. Vậy tại sao lại tiếc mười lăm phút hay nửa tiếng mỗi ngày cho chính mình!

Về bên ngoài, mỗi khi phải giao tiếp với người khác. Hãy cố gắng đặt bản thân mình vào đối phương để thấu hiểu, để đồng cảm, để xem họ muốn gì từ bạn. Rất nhiều lúc cái họ cần không phải lời khuyên mà chỉ là một người lắng nghe. Nếu tỉ mỉ hơn, bạn có thể có những biểu hiện (nét mặt, lời nói) ủng hộ câu chuyện của họ.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng trời quang mây tạnh. Ai trong chúng ta rồi cũng có lúc phải đối mặt với đau khổ và mất mát. Vì vậy phủ nhận hết những cảm xúc tiêu cực trên thực chất chỉ là tự mình lừa gạt chính mình mà thôi.