VĂN HÓA

Làm thế nào mà người xưa có thể dậy đúng giờ khi chưa có đồng hồ?

Bá Phúc • 25-04-2023 • Lượt xem: 4153
Làm thế nào mà người xưa có thể dậy đúng giờ khi chưa có đồng hồ?

Theo một số nhà nghiên cứu sử học, người xưa thường xuyên thức dậy đúng lúc bình minh lên để bắt đầu công việc hằng ngày khi không có đồng hồ báo thức. Dưới đây là một số cách mà họ áp dụng và được các nhà nghiên cứu công nhận mức độ hiệu quả của nó.

Khi chưa có đồng hồ, người xưa thường dựa vào những âm thanh tự nhiên để báo thức như tiếng gà gáy, chim hót hoặc tiếng chuông từ các nhà thờ hay chùa chiền gần đó. Bên cạnh đó, họ cũng rất chú trọng trong việc xây dựng phòng ngủ phải hướng về phía Đông nhằm lợi dụng ánh sáng của mặt trời có thể chiếu trực tiếp vào bên trong. Một số khác cho rằng việc uống nhiều nước trước khi đi ngủ thì có thể dậy sớm hơn.

Người xưa thường dùng những âm thanh tự nhiên như tiếng gà gáy, chim hót hay ánh sáng mặt trời phía Đông để đánh thức

Thời kỳ cổ đại, những chiếc đồng hồ chạy chính xác từng giây, từng phút thực sự không cần thiết, bởi họ sống chủ yếu dựa vào một số ngành nghề không cần căn cứ chính xác giờ giấc, nổi bật nhất là ngành nông nghiệp.

Cho đến khoảng thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên, một kỹ sư người Hy Lạp cổ đại có tên là Ctesibius đã phát minh ra đồng hồ nước. Sau đó, ngoài việc sử dụng để theo dõi giờ giấc, ông dần cải tiến và bổ sung cho nó thêm chức năng báo thức.

Còn theo một triết gia Hy Lạp, ông Plato đã tự thiết kế và xây dựng một phiên bản đồng hồ báo thức cho riêng mình dựa trên cấu tạo từ các bình gốm đựng nước. Theo ông Plato, quy trình báo thức này cần có 4 chiếc bình gốm, bình này đặt trên bình kia theo một trục thẳng và nối với nhau bằng một cái ống dài. Cứ vậy, theo trình tự đến một thời điểm nhất định, bình thứ nhất sẽ đầy, lượng nước sẽ nhanh chóng đổ dồn xuống bình thứ 2 ở bên dưới và tiếp tục đến bình 3 và 4. Từ đó tạo nên một lượng khí ép trong bình thoát ra tức thì, tạo ra một tiếng huýt sáo giống như âm thanh của ấm đun nước trà.

Mẫu đồng hồ báo thức bằng bình gốm đựng nước do triết gia Hy Lạp Plato thiết kế

Tuy nhiên các công trình đồng hồ báo thức của các kỹ sư Hy Lạp chấm dứt bởi tính giờ giấc chưa đủ cơ sở chính xác. Cho đến khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, người ta mới chú trọng vào độ chính xác tuyệt đối. Và vào thời kỳ này, đồng hồ báo thức là món dụng cụ hết sức xa xỉ và chức năng báo thức vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, nghề người gõ cửa báo thức (Knocker-Upper) bắt đầu ra đời và trở nên phổ biến trong khoảng thời gian này.

Theo một số nghiên cứu lịch sử, người gõ cửa báo thức có nhiệm vụ đánh thức công nhân vào mỗi buổi sáng sớm. Những người này thường trang bị một chiếc gậy dài, dùng để đập vào cánh cửa sổ phòng ngủ của người công nhân nhằm báo thức họ.

Cho đến năm 1787, một phát minh người Mỹ có tên Levi Hutchins cho ra đời đồng hồ báo thức cơ học đầu tiên. Tuy nhiên, thiết bị chuông báo thức của ông chỉ có thể kêu lúc 4h sáng.

Mẫu đồng hồ báo thức cơ học đầu tiên của nhà phát minh Levi Hutchins

Mãi cho đến năm 1874, chiếc đồng hồ có thể tùy chỉnh thời điểm báo thức mới chính thức ra đời và nhà phát minh ra nó là Antoine Redier, người Pháp đã trở thành người đầu tiên được cấp bằng sáng chế.

Mẫu đồng hồ tùy chỉnh báo thức của nhà phát minh người Pháp, ông Antonie Redier sáng chế

Và cho đến thời điểm hiện tại, khi mọi thứ đã tiến hóa vượt trội về mọi mặt đặc biệt là công nghệ, công cụ báo thức đã trở thành một thứ thiết yếu trong đời sống và chức năng trên này cũng đã được tích hợp sẵn trong những chiếc điện thoại di động thông minh.

Những chiếc điện thoại thông minh đã trở thành công cụ báo thức thay thế cho đồng hồ truyền thống

Chính nhờ sự phổ biến và không ngừng tiến hóa của công cụ báo thức mà nó đã trở thành biểu tượng chuyển giao từ Thời kỳ Tiền Công nghiệp sang Thời kỳ Công nghiệp hiện đại.

Hình ảnh: Internet