Xu hướng làm việc từ xa (remote) đã trở nên phổ biến trong bối cảnh xã hội chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trái với điều đó, có nhiều ý kiến cho rằng cách làm việc này không còn phù hợp với hiện nay, thậm chí chỉ dành cho những kẻ “mềm yếu”.
Kể từ lúc đại dịch Covid-19 bùng phát và được báo động trở thành đại dịch toàn cầu, con người và các doanh nghiệp đồng thời thay đổi cách làm việc để thích ứng trong hoàn cảnh không thể gặp mặt nhau. Mọi người bắt đầu làm quen với cách làm việc tại nhà, nhưng vẫn phải đảm bảo năng suất làm việc. Việc cho phép nhân viên làm việc từ xa giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận thêm nhiều ứng viên tiềm năng, cắt giảm một cách tích cực chi phí văn phòng và giảm thiểu mức độ lây nhiễm. Xu hướng làm việc từ xa (remote) trở nên phổ biến mạnh mẽ trong khoảng 2 - 3 năm về trước.
Sau khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi, cuộc sống của con người dần trở lại guồng quay ban đầu. Các doanh nghiệp bắt đầu kêu gọi nhân viên trở lại đời sống văn phòng, thậm chí sử dụng đến biện pháp sa thải nếu ai không tuân thủ. Mặc dù các nhân viên có thể chứng minh năng suất công việc ổn định khi làm ở nhà, nhưng đa phần các ông chủ lớn tuổi không đồng ý điều đó. Họ cho rằng những nhân viên thích làm việc từ xa bởi vì họ “mềm yếu”. Định kiến này xuất phát từ tiêu chuẩn của “một người lao động lý tưởng”.
Ban đầu, chỉ có đàn ông đi làm, phụ nữ chỉ việc ở nhà lo nơi xó bếp. Họ chỉ có nhiệm vụ chăm lo cho gia đình. Cho đến giai đoạn những năm 1970, phụ nữ mới bắt đầu tham gia vào lực lượng lao động sản xuất. Tuy nhiên, việc một người phụ nữ sẽ gặp nhiều bất lợi hơn một người đàn ông do những quy tắc và chuẩn mực đánh giá từ tiêu chuẩn của “một người lao động lý tưởng”. Họ chỉ được giao những công việc nhàm chán, khó có cơ hội thăng tiến,… Đến giai đoạn tứ tuần, những người phụ nữ buộc phải cân bằng giữa công việc và gia đình. Lập gia đình sẽ là một rào cản khiến người phụ nữ khó tránh khỏi bước lùi trong sự nghiệp.
Thế nhưng bối cảnh xã hội thay đổi kể từ đại dịch Covid-19. Cả đàn ông lẫn phụ nữ đều hài lòng với việc làm việc tại gia. Theo một cuộc khảo sát do Đại học Chicago và ITAM thực hiện, 2/3 người lao động nhận thấy mặt tích cực của xu hướng làm việc từ xa. Một nghiên cứu khác cho thấy 10% số đàn ông có thu nhập cao hơn vào năm 2022, giảm được tận 77 giờ làm việc so với năm 2019. Đây được xem là một cơ hội rộng mở cho các cặp vợ chồng làm việc văn phòng, khi người phụ nữ có thể linh động công việc còn người đàn ông có thể san sẻ trách nhiệm gia đình.
Tuy nhiên việc các sếp mong muốn môi trường công sở có thể quay trở lại bình thường có thể được phân tích trên nhiều lý do. Có thể các CEO cảm thấy khó khăn trong việc quản lý nhân sự thông qua các thiết bị điện tử, khó khăn trong việc đánh giá chất lượng công việc. Mặt khác, một số CEO phản đối cách làm việc hiện đại này chỉ vì mang tư tưởng kỳ thị tính linh hoạt trong công việc.
Dù sao câu chuyện người lao động làm việc tại nhà đã trở nên phổ biến khắp xã hội hiện nay, cho nên các ông chủ lớn tuổi có thích hay không thì trạng thái này đã diễn ra và duy trì hầu hết ở các môi trường hiện nay. Các doanh nghiệp nên cân bằng được việc quản lý nhân viên làm việc tại văn phòng và tại gia. Như thế hiệu quả công việc vẫn được duy trì. Nhờ đại dịch mà tư tưởng phân chia công việc theo giới tính dần được bác bỏ, sự công bằng được thể hiện ở đa lĩnh vực.
Làm việc từ xa giúp chúng ta có cái nhìn đa dạng giữa văn phòng và nhà ở. Việc này có thể gây ảnh hưởng đối với một số gia đình. Họ sẽ phải cân bằng giữa việc làm công ty và việc gia đình. Joan Williams, giám đốc Trung tâm Luật Đời sống Công việc tại Đại học Luật California bày tỏ: “Đó là một sự thay đổi lớn. Nó tốt hơn cho phụ nữ. Tốt hơn cho cả những người đàn ông thực sự muốn hiện diện ở nhà".