VĂN HÓA

Lê Quý Đôn và quan điểm học tập vượt trước thời đại

Quyên Hà • 19-11-2020 • Lượt xem: 5301
Lê Quý Đôn và quan điểm học tập vượt trước thời đại

Không chỉ được mệnh danh là một trong những nhà bác học lỗi lạc nhất lịch sử Việt Nam, Lê Quý Đôn (1726-1784) còn là một người thầy vĩ đại với phương châm dạy và học thực chất, tân tiến, vượt trước thời đại hàng trăm năm.

>> Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn sư trọng đạo - nét đẹp văn hóa Việt luôn được gìn giữ

>> Chu Văn An – Người Thầy mẫu mực và cao thượng

Thầy Lê Quý Đôn sinh tại Diên Hà, Sơn Nam, nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Nổi tiếng học rộng tài cao, năm 17 tuổi, Thầy đã đõ đầu kỳ thi Hương. Tuy nhiên, sau khi thi Hội mấy lần không đỗ, Thầy ở nhà dạy học và viết sách.

Sau 10 năm mở trường dạy học, vào năm 27 tuổi, thầy đã đỗ kỳ thi Hội và đỗ đầu luôn kỳ thi Đình. Với danh hiệu Bảng Nhãn, thầy Lê Quý Đôn được bổ nhiệm và lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều Lê Trịnh như Thị thư, Thị giảng Viện Hàn lâm... và cuối cùng lên chức Bồi Tụng (có thể coi là Phó thủ tướng thời đó).

Với khả năng hệ thống, phân loại và bộ óc bách khoa vốn có, Lê Quý Đôn đã viết tới 40 bộ sách. Ông được biết đến là người “tổng hợp” mọi tri thức của thời đại.

“Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn”, là những gì người ta nói về ông. Ông được gọi là “túi khôn của thời đại”, là nhà bác học lớn của Việt Nam thời phong kiến.  

Thi cử không phải là con đường duy nhất

Về quan điểm dạy học, Lê Quý Đôn là người chủ trương hệ thống kiến thức giáo dục trong những bộ sách giáo khoa. Những bộ sách thầy viết về đa dạng chủ đề và lĩnh vực là kiến thức thiết thực thầy muốn truyền đạt lại cho các thế hệ học trò của mình.

Thầy quan điểm thi cử không phải là con đường duy nhất, ai cũng phải học và có thể ứng dụng tài năng, kiến thức vào nghề nghiệp của mình, cuộc sống của mình. Quan trọng nhất là mỗi người phải không ngừng học hỏi để tiến bộ, trở thành người có ích.

Lấy ví dụ từ chính cuộc đời mình, ngay từ thế kỷ 17, thầy đã khuyên các bậc cha mẹ “dạy con phải dạy cho có nghề nghiệp... muốn con nên người phải dạy cho chúng biết sợ hãi, biết hổ thẹn, biết khó nhọc”.

Bản thân Thầy sau khi thi trượt kỳ thi Hội mấy lần, cũng không theo đuổi con đường thi cử đến cùng chỉ để làm quan như bao sĩ tử khác. Bởi vốn dĩ, thầy là người học rộng biết nhiều, coi trọng tri thức từ nhỏ, thầy chọn con đường truyền lại tri thức cho thế hệ sau.

Nói vậy không có nghĩa Thầy là người không coi trọng con đường làm quan. Bởi vì, trong suốt 10 năm mở trường dạy học tại quê nhà, chính thầy là người đã dạy nên bao học trò đỗ đạt, trở thành các vị quan thanh liêm tài đức phụng sự nước nhà.

Sau này khi chính mình đỗ đạt và được bổ nhiệm phụ trách giáo dục trong triều, thầy cũng trở thành người thầy giáo mẫu mực, hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, bình văn cho các giám sinh.

Thầy cũng chính là người phụ trách các kỳ thi Hội, thi Đình, lo việc đào tạo và tuyển dụng nhân tài cho đất nước.

Tuy nhiên, cái sự học mà Lê Quý Đôn muốn cha mẹ đốc thúc con cái theo đuổi thực sự là gì? Đó là học không phải chỉ để làm quan, học phải là để ấm vào thân, là để hiểu tường tận ngóc ngách của vấn đề, là để vận hành vào thực tế cuộc sống.

Mặc dù quan niệm thi cử để làm quan không phải con đường ai ai cũng phải theo đuổi, Lê Quý Đôn luôn nhấn mạnh sự cần thiết của việc học trong muôn dân.

Thầy từng nói: “Dù ngu dốt đến đâu, cũng nên kính giấy, tiếc chữ, dù keo bẩn đến đâu cũng tìm mua sách vở”.

Đại ý rằng, học tập không phải chỉ dành cho những người giỏi, người tài nhất trong thiên hạ. Học tập là việc ai ai cũng cần coi trọng, từ người nghèo đến người giàu, thường dân tới tri thức, vì nó sẽ cho người ta sự tiến bộ, ít nhất là so với chính bản thân mình của ngày hôm qua.

Phải nói rằng đây là những quan điểm giáo dục rất tân tiến, mà cho đến ngày nay vẫn chưa bao giờ là lỗi thời.

Học rộng biết nhiều, không học vẹt, học lệch

Sinh thời, “học vẹt” chính là cách học thầy Lê Quý Đôn muốn loại bỏ nhất. Chính bởi cách học của nho giáo thời xưa vốn lấy học thuộc lòng làm trung tâm, chỉ chú trọng thuộc lòng kinh sử mà không chú trọng các môn giáo dục khác.

Tại sao Lê Quý Đôn lại ghét thói học vẹt như vậy, chính bởi thầy vốn là người học rộng hiểu nhiều, trên thông kinh văn, dưới tường địa lý. Cái sự học rộng biết nhiều của Thầy tương truyền đến ngay cả các nhà học giả sứ Thanh, khi thầy đi sứ Trung Quốc xưa, còn phải thán phục.

Trong số kho tàng tác phẩm đồ sộ mang tên Lê Quý Đôn, có những bộ sách về lịch sử - địa lý như Đại Việt thông sử, về xã hội có Phủ biên tạp lục. Đặc biệt tập 9 quyển Vân đài loại ngữ có thể coi là “bách khoa thư” đồ sộ nhất thời phong kiến, tổng hợp kiến thức triết học, khoa học và cả văn học.

Lê Qúy Đôn từng lấy sự học của chính mình làm gương, trong thời gian phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi, ông “đi tới đâu cũng để ý tìm tòi, làm việc gì mắt thấy tai nghe đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận sơ qua, giao cho tiểu đồng đựng vào túi sách”.

Nhìn nhận được hạn chế của giáo dục đương thời, vốn chỉ phục vụ mục đích thi cử làm quan, thầy từng phê phán: “Cái học ấy làm cho lời bàn luận sáng suốt bẵng đi, thói cầu cạnh ngày một thịnh hành. Người có chức vị ít giữ được phong độ thanh liêm, nhún nhường, trong triều đình không nghe thấy lời can gián. Gặp có việc thì rụt rè, cẩu thả, thấy lúc nguy thì bán nước để toàn thân, dẫu người gọi là bậc danh nho, cũng đều yên tâm nhận sủng vinh phi nghĩa”.

Qua quan điểm về sự học của Thầy, có thể thấy Thầy là con người cương trực, khảng khái và đức độ. Thầy ghét thói nịnh thần, coi trọng hành động thực tiễn giúp nước, giúp dân. Thầy cho rằng làm quan phải quên đi bản thân, vận dụng được trí óc minh mẫn, kiến thức cao rộng để khi gặp việc biết cách xử lý hiệu quả. Còn học cao đến mấy mà trên thực tế chỉ biết làm việc qua loa đại khái, rụt rè cẩu thả thì không xứng với các chức khoa bảng của mình.

Ở nền dục phong kiến, ai cũng chăm chăm vào học để đỗ đạt. Đỗ đạt rồi, thì chỉ biết ngậm miệng ăn tiền. Vì cái sự học không đến nơi đến chốn, không thấm nhuần trong tư tưởng, không mang ý nghĩ lấy kiến thức phục vụ đất nước, nhân loại.

Và chính bởi học không đến nơi đến chốn, các vị quan thi cử để đỗ đạt ấy chỉ biết hưởng vinh hoa phú quý, không có kiến thức, không đủ đức độ để can gián bề trên, chỉ dùng lời hoa mỹ thiếu thực chất nhằm chuộc lời cho bản thân.

Một mặt, thầy tôn vinh những vị quan văn võ song toàn. Thầy tha thiết cải cách giáo dục nước nhà, sao cho sách vở dạy nên những con người toàn diện hơn. “Giáo khoa dạy cả lục nghệ, trong đó cả văn tự và vũ bị. Cho nên những người đã được giáo dục lối ấy, ở trong triều đình thì làm khanh tướng, ra ngoài tỉnh quận thì làm tướng soái, không có cái gì mà không thích dụng...”.

Đối với thầy, những vị tướng có thể vận dụng văn võ song toàn, học rộng biết nhiều, ứng dụng được những gì mình học mới chính là những vị khanh hiền tướng giỏi, có ích cho triều đình, làm lợi cho muôn dân.

Phải nói rằng, những lời dạy của thầy quá đỗi sâu sắc, vượt trên thời đại. Không chỉ thời phong kiến, ngay cho đến thời hiện đại, không thể nói là thói mua quan bán chức, học lợi cho bản thân. Và cái tha thiết của thầy, cũng như tha thiết của bao thế hệ các nhà giáo dục lỗi lạc khác cho đất nước vẫn luôn như vậy. Đó là, phải dạy và học làm sao, cho mỗi người tự nhận biết được ý nghĩa của việc học.

Học để mở rộng kiến thức, để phát triển bản thân, để tường tận cái ý nghĩa và ứng dụng của việc học.

Bởi vì, “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, như lời vĩ nhân muôn đời truyền lại.

Nhờ có những người thầy có tâm với giáo dục nước nhà như Lê Quý Đôn và bao thế hệ các nhà giáo dục và thầy cô cống hiến hết mình cho nghề khác, thì mới có những thế hệ nhân tài cho đất nước phồn thịnh bao đời nay.