Du lịch

Máy bay xa xỉ nhất thế giới có sàn xuyên thấu

Ngọc Nga • 15-11-2019 • Lượt xem: 13740
Máy bay xa xỉ nhất thế giới có sàn xuyên thấu

Một công ty Thụy Điển vừa bán vé tour du lịch bằng chiếc máy bay - khinh khí cầu Airlander 10 dài 92 mét và được xem là máy bay dài nhất thế giới. Chuyến bay sẽ khởi hành vào năm 2023, các du khách sẽ có cơ hội nhìn thấy Bắc Cực từ chiếc máy bay sang trọng được thiết kế như khách sạn 5 sao.

Tin, bài liên quan:

Ngắm siêu du thuyền triệu đô, có tàu ngầm, máy bay trực thăng riêng

Khách sạn không gian đầu tiên có cả nhà hàng, rạp chiếu phim...

Cơ hội trải nghiệm “khách sạn di động” ở Bắc Cực

Khinh khí cầu Airlander 10  sẽ khởi hành từ Svalbard trên quần đảo Na Uy và thực hiện chuyến bay kéo dài 36 giờ. Airlander 10 được trang bị nội thất sang trọng như các khách sạn 5 sao. Trong máy bay có 10 phòng ngủ riêng, quầy bar và khu vực tiếp khách.

Đặc biệt, thiết kế sàn xuyên thấu sẽ mang đến cho hành khách tầm nhìn tuyệt vời ở độ cao 4.900 m. Và tất nhiên, du khách cũng phải trả cái giá không thấp để trải nghiệm chuyến bay xa xỉ này, khoảng 90.000 USD/người (hơn 2,1 tỷ đồng).

Đây cũng là lần đầu tiên, một chiếc máy bay - khinh khí cầu hạ cánh xuống Bắc Cực. Chuyến đi sẽ yên tĩnh và mượt mà hơn một chiếc máy bay thông thường.

Nội thất sang trọng với sàn xuyên thấu

Carl-Oscar Lawaczeck, CEO và người sáng lập công ty OceanSky thực hiện tour này cho biết: "Chuyến thám hiểm này dành cho du khách muốn trải nghiệm Bắc Cực theo cách độc đáo, đồng thời góp phần phát triển du lịch bền vững. Nhà thám hiểm Roald Amundsen bay từ Svalbard và qua Bắc Cực vào năm 1926 với khinh khí cầu Norge. Bây giờ chúng tôi đang thực hiện chuyến thám hiểm tương tự, nhưng chúng tôi sẽ đáp xuống Bắc Cực bằng một phương tiện bay hiện đại".

Trên chuyến bay, 16 hành khách sẽ được phục vụ bữa ăn lấy cảm hứng từ Bắc Cực bởi các đầu bếp danh tiếng. Sau khi hạ cánh ở Bắc Cực, hành khách sẽ tận hưởng chuyến tham quan trong ngày, do chuyên gia và nhà hoạt động khí hậu Robert Swan hướng dẫn.

Máy bay Airlander 10 do Hybrid Air Vehicles (HAV) sản xuất và có biệt danh là "con bum bay", được kết hợp giữa một phần của khinh khí cầu, một phần máy bay trực thăng và một phần như máy bay phản lực thương mại. Airlander dài hơn 18 m so với Airbus A380, chiếc máy bay thương mại lớn nhất thế giới và đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2016. HAV hiện đang tìm quỹ đầu tư 242 triệu USD để đưa Airlanders vào sản xuất. Hiện có 10 đơn đặt hàng tạm thời với giá 72 triệu USD mỗi chiếc.