Khám phá

Miss Dior - Nốt hương của tình yêu 'bất diệt'

Phương Lan • 04-06-2023 • Lượt xem: 6085
Miss Dior - Nốt hương của tình yêu 'bất diệt'

Christian Dior từng chia sẻ trong cuốn tự truyện của mình: "Điều làm tôi nhớ nhất về những người phụ nữ trong ký ức thời thơ ấu của mình không gì khác chính là mùi nước hoa của họ. Hương thơm sẽ đọng lại lâu hơn những khoảnh khắc".
Xem thêm:
Le Smoking: ‘Cách mạng’ giành quyền bình đẳng thời trang của phái nữ
Mùi hương huyền thoại của các thương hiệu nước hoa

Nước hoa "Miss Dior" của của đế chế thời Christian Dior được mệnh danh là một hương thơm của niềm vui, ngọt ngào và sự ngây thơ. Tuy nhiên, đằng sau hương thơm đó là một câu chuyện rất "khác". Câu chuyện về người em gái thân thương của Christian Dior - Catherine Dior, cô nàng là "nguồn cảm hứng" và nàng thơ "gốc" của dòng nước hoa này. Hơn nữa, "Miss Dior" còn là đại diện cho tình yêu vĩnh cửu mà Chritian dành tặng cho cô em gái mà mình yêu thương.


Lọ nước hoa còn là câu chuyện "nhuốm" đầy mùi vị tang thương của chiến tranh Pháp lúc bấy giờ.

Catherine sinh ra ở Normandy trước khi gia đình cô bị hủy hoại bởi cuộc đại khủng hoảng Pháp. Năm 17 tuổi, cô buộc phải sống lưu vong cùng cha mình ở Provence, trước khi trở thành một chiến binh trong lực lượng tình báo Pháp. Đỉnh điểm của cuộc chiến vào tháng 7 năm 1944, Catherine bị Đức quốc xã bắt giữ và tra tấn. Christian Dior lúc đó đã tìm mọi cách để cứu em gái mình, nhưng bất thành. Catherine bị đày ra đảo cùng với 593 phụ nữ khác. Từ một tiểu thư của một gia đình danh giá từ nay phải làm việc như một nô lệ. Mười tháng "địa ngục trần gian" này đã lấy đi sự ngây thơ, hồn nhiên khỏi tâm hồn của một thiếu nữ. Tại đây, cô gặp gỡ Hervé des Charbonneries - một trong những người đã sáng lập kháng chiến Pháp. Ông là người đã có sức ảnh hưởng lớn đến cô. Nhưng vì trách nhiệm với quê hương, cô đã chọn đất nước thay vì tình yêu đời mình. 

Vào tháng 5 năm 1945, Catherine trở lại Pháp và gặp anh trai cô tại nhà ga. Lúc đầu, Christian không nhận ra em gái vì người đẹp quá tiều tụy với một cơ thể chi chít những vết sẹo của chiến tranh. 


Chiến tranh đã để lại "vết sẹo" lớn đối với nước Pháp nói chung và thời trang Pháp nói riêng. Các nhà thiết kế đã phải hy sinh và chịu đựng gian khổ để cứu "linh hồn" thời trang Pháp khỏi cuộc xâm lược của Hitler.

Catherine đã phải vật lộn với chấn thương hậu chiến tranh trong một khoảng thời gian dài. Nhưng nhờ sự động viên của anh trai, cô dần bình phục. Sau đó, Catherine đã mở một cửa hàng hoa ở chợ Les Halles và cùng "người tình kháng chiến" của mình giao hoa khắp châu Âu.


Catherine Dior và Hervé des Charbonneries là minh chứng cho một tình yêu vẫn tươi đẹp mặc dù đối mặt biết bao khó khăn, thử thách.  

Sau khi được truyền cảm hứng từ lòng dũng cảm của em gái, Christian mong muốn tạo ra một loại nước hoa "nồng nàn hương vị tình yêu". Khoảnh khắc đó hương thơm "Miss Dior" chính thức ra đời nhưng lại thiếu một cái tên chính thức. Chỉ đến khi nàng thơ của Dior - Mitzah Bricard nhìn thấy Catherine đến thẩm mỹ viện số 30 Đại lộ Montaigne đã thốt lên: "Nhìn kìa, cô Dior kìa". Và trong khoảnh khắc đó, Christian biết mùi hương mình tạo ra phải được gọi là "Miss Dior". Vào ngày 1 tháng 12 năm 1947, chai "Miss Dior" đầu tiên đã được mở bán. Ngay lập tức, nó trở thành "quả bom" làm bùng nổ giới thời trang trên khắp thế giới.


Mỗi tuần, hơn một lít nước hoa tinh khiết "Miss Dior" được phun xung quanh nhà của Dior tại Paris.

Ngoài tình yêu cao cả được "gửi gắm" vào lọ nước hoa, thì những thông điệp về nữ quyền đã được Christian truyền tải một cách sâu sắc thông qua thiết kế chiếc nơ quấn quanh lọ. Chiếc nơ được tháo rời một cách dễ dàng mang đến cảm giác nhẹ nhàng pha chút nổi loạn, nhưng lại rất tinh tế và gợi cảm. Tinh thần tự do và thoải mái của "Miss Dior" là một tư tưởng vô cùng phóng khoáng nhưng rất tinh tế, hệt như vẻ đẹp của người thiếu nữ tuổi "chớm" lớn. "Miss Dior" không chỉ là tên của một loại nước hoa, mà đây còn là một biểu tượng đại diện cho tình yêu thiêng liêng, cao quý và là "ngọn cờ" tiên phong cho sự giải phóng nữ quyền của Dior.


"Tôi tạo ra một loại nước hoa để đưa tất cả phụ nữ chạm tới đỉnh cao vinh quang" - Christian Dior đã từng tuyên bố. 

Sau khi Christian mất vào năm 1957, "Miss Dior" đã được "tái sinh" lại nhiều lần bởi nhiều nhà thiết kế khác nhau. Bộ sưu tập Miss Dior tiếp tục mở rộng với sự cải tiến về mùi hương cũng như thiết kế: Miss Dior Cherie Eau De Parfum, Miss Dior Le Parfum, Miss Dior Eau de Toilette và gần đây nhất là Miss Dior Blooming Bouquet. Mặc dù mỗi nhà thiết kế đều có cách chế tác của riêng họ, nhưng dòng chảy ngầm của tình yêu lấp lánh luôn hiện hữu trong Miss Dior.


Hành trình tái sinh của "Miss Dior". 

Miss Dior đã trở thành một "trường thành" nước hoa không chỉ của Dior mà còn trong lịch sử thời trang cũng như ngành công nghiệp nước hoa thế giới. Ngày nay, hình ảnh Miss Dior được nàng minh tinh "Natalie Portman" khắc hoạ vô cùng thành công. Cô nàng đã tái hiện được tinh thần đặc trưng của "Miss Dior" - tinh thần can đảm, tự do, sẵn sàng hiến dâng cho những lý tưởng cao quý.


Natalie Portman có lời khen đến chiến dịch mới của Dior: "Trong chiến dịch mới của Miss Dior, phụ nữ tập trung vào những gì mình thích chứ không phải đàn ông có thích mùi hương của họ hay không. Qua đó cho thấy phụ nữ sử dụng nước hoa vì họ yêu bản thân mình chứ không phải vì bất kỳ ai khác".


Nghi thức tỏ lòng tôn kính là việc không thể thiếu mỗi khi mở nắp của một chai nước hoa Miss Dior, để tưởng nhớ và tôn vinh tượng đài người phụ nữ anh hùng trong công cuộc kháng chiến Pháp - Catherine Dior.