Duyên Dáng Việt Nam

Mở rộng bờ bằng… sóng biển

Kim Ngân • 16-05-2020 • Lượt xem: 1070
Mở rộng bờ bằng… sóng biển

Các nhà khoa học vừa tạo ra thiết bị để mở rộng bờ biển bằng cách dùng lực của sóng biển để đẩy cát về phía bờ. Đây là một dự án nghiên cứu mới của Học viện công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ nhằm giúp các hòn đảo nhỏ và thị trấn ven biển đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao trên khắp thế giới. 

Tin, bài liên quan:

NASA khai thác băng trên Mặt trăng làm nước uống và nhiên liệu tên lửa

'Thủy triều đỏ' khiến bãi biển phát sáng màu xanh kỳ ảo

Dự án do nhà khoa học Skylar Tibbits của MIT dẫn đầu, sử dụng lực của sóng biển để di chuyển cát vào bờ, nhằm bồi đắp, mở rộng bờ biển ở các đảo hoặc thị trấn có nguy cơ bị nước biển “lấn đất”. 

Nhóm nghiên cứu của MIT được mời đến Maldives để thử nghiệm thiết bị mới

Ông nghĩ ra ý tưởng về các tàu ngầm chìm khi thấy các rạn san hô và dòng hải lưu có thể giúp bồi đắp các bãi cát trên đại dương vào những thời điểm khác nhau trong năm.
Các tàu chìm này sẽ được đặt dưới đáy đại dương mô phỏng các rạn san hô hoặc đá, hoạt động như những con dốc tự nhiên nâng sóng biển lên cao hơn bình thường. Khi sóng đổ xuống ở phía bên kia của đường dốc sẽ tạo một lực lớn đẩy dần cát từ đáy đại dương vào bờ. 

Mô phỏng cách thức hoạt động của thiết bị này

Trong thử nghiệm đầu tiên, thiết bị này đã giúp một hòn đảo nhỏ ở Maldives mở rộng bờ biển hơn 1,5 mét, di chuyển hơn 300 m3 cát vào bờ trong 4 tháng. Nhà khoa học Skylar Tibbits chia sẻ: “Bằng cách dùng sức mạnh tự nhiên của đại dương, chúng tôi tin rằng có thể thúc đẩy việc dùng cát để bồi đắp các bãi biển, phát triển các hòn đảo”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi tin rằng đây là một cách bền vững để mở rộng nhiều khu vực ven biển trên thế giới”. 

Hòn đảo ở Maldives, nơi các nhà khoa học thử nghiệm dùng sóng biển bồi đắp bờ cát

Theo nhóm nghiên cứu, khoảng 40% dân số thế giới sống ở các vùng ven biển hoặc các quốc đảo đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao. Trước đây, một số nước đã nạo vét cát từ đáy đại dương và chuyển vào bồi đắp bờ, tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng phương pháp này không thể dùng lâu dài. 
Nhà khoa học Skylar Tibbits nhận định: “Việc nạo vét cát có thể hủy hoại môi trường biển, lãng phí năng lượng, thời gian, tiền bạc và công sức. Việc này nên dừng lại khi chúng ta có thể hiểu quá trình hình thành cát biển và sử dụng sức mạnh tự nhiên để tác động vào chúng”.

Hình ảnh cát được bồi đắp trước và sau thử nghiệm

Nhóm nghiên cứu đã phát triển một số loại bóng khí khác nhau, gồm cả loại chứa đầy cát và loại chứa đầy không khí, đặt ở độ sâu khác nhau để có thể điều chỉnh theo sự thay đổi của thời tiết hoặc dòng hải lưu.
Tibbits tin rằng các thiết bị này thân thiện với môi trường hơn là dùng máy móc hạng nặng để nạo vét cát mà một số quốc gia đang sử dụng nhằm gia cố bờ biển. 

Nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành 2 thử nghiệm nữa vào cuối 2020, đầu 2021

Việc này mô phỏng rạn san hô hoặc quá trình hình thành núi lửa, có thể thúc đẩy tích tụ cát. Những thiết bị này dễ dàng di chuyển, điều chỉnh theo mùa hoặc tận dụng các điều kiện thời tiết (như bão) để “hút cát” tối đa, bồi đắp bờ biển”, ông giải thích.
Nhóm nghiên cứu được một tổ chức hỗ trợ các quốc đảo và khu vực ven biển đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao mời đến Maldives. Đến nay, nhóm đã tiến hành 4 thử nghiệm thực địa và sẽ tiếp tục thêm hai cuộc thử nghiệm vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021. 

(Theo Daily Mail)