VĂN HÓA

Món ăn nghèo cũng là văn hóa

DDVN • 07-11-2021 • Lượt xem: 406
Món ăn nghèo cũng là văn hóa

Với tôi, ẩm thực chính là sự trải nghiệm. Vì không ai nói được về ẩm thực nếu chưa từng ăn những món mà mình nói tới.

Cứ phải ăn đã, rồi mới nói. “Học ăn học nói học gói học mở” cơ mà! Nghĩa là, phải ăn trước rồi mới nói sau, phải biết gói trước rồi mới biết mở sau. Chỉ có điều, tôi vốn nghèo, nên thường ngày chỉ quen trải nghiệm những món ăn ít tiền, riết rồi quen.

Tôi còn nhớ, vào một dịp lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng mà tôi được là khách mời, trong bữa tiệc rất hoành tráng, khi những món như tôm hùm được bày ra ngồn ngộn, tôi chỉ biết ngồi nhìn. Không quen thì không ăn, thế thôi!

Cách đây chục năm, ở Hà Nội xuất hiện một nhà hàng ăn uống đặc biệt. Đó là nhà hàng mang tên “Cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh số 37”. Hình thái “mậu dịch quốc doanh” quay trở lại chăng? Không, đây là một nhà hàng “đương đại”, nhưng từ hình thức tới nội dung đều mang đậm tính chất của một nhà hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh thời bao cấp.


Bên trong nhà hàng tái hiện ký ức thời bao cấp ở Hà Nội

Mục đích mà chủ nhân nhà hàng này muốn, và đã ấp ủ qua rất nhiều năm, là tái hiện những ký ức thời bao cấp gian khổ với những món ăn đạm bạc theo nghĩa “nghèo đạm và ít…tiền”. Những ai tới nhà hàng này có thể được thưởng thức món “phở không người lái” nổi tiếng thời chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Gọi là phở “không người lái” từ gợi ý là thời đó Mỹ hay dùng máy bay không người lái do thám miền Bắc Việt Nam, nhưng phở “không người lái” thì đơn giản hơn nhiều. Đó là món phở mà nước dùng chỉ là nước sôi nêm bột ngọt và không hề có một miếng thịt nào, dù là thịt thái mỏng, tạm gọi là “người lái”, phơ phất trên bát phở. Phở ấy giá 1 hào rưỡi, theo thời giá đầu những năm 70 thế kỷ trước tại miền Bắc. Còn ăn có ngon hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào người ăn chứ không phải vào bát phở. Nếu thực khách quá đói (mà thời ấy thì đói thường trực), bát phở “không người lái” ắt hẳn “trên cả tuyệt vời”. Nó ngon quá vì người ăn đang đói quá!

Những năm tháng chiến tranh, rồi sau đó là những năm tháng hòa bình đầu tiên đầy biến động, đúng là người dân miền Bắc, rồi người dân cả nước phải sống trong những hoàn cảnh thắt ngặt, túng thiếu. Nhưng bây giờ, khi ngồi với những người bạn từng sống qua thời bao cấp ấy với mình, lại chỉ nghe toàn những chuyện cảm động. Về tình người, về sự quan tâm giúp đỡ nhau khi khốn khó, khi tối lửa tắt đèn (theo đúng nghĩa đen), về những chắt chiu trong mỗi gia đình để có thể sống và nuôi con khôn lớn, ăn học nên người. Mà sao hồi ấy, khốn khổ là thế, lại có nhiều học sinh học giỏi đến thế! Ăn không đủ no, mặc không đủ ấm mà vẫn học giỏi, sau này vẫn thành những nhà khoa học, những văn nghệ sĩ đóng góp rất nhiều cho đất nước. Ngay bây giờ, điểm mặt các thủ khoa hàng năm thi đỗ vào các trường đại học lớn, vẫn thấy các học sinh con nhà nghèo chiếm tỉ lệ áp đảo. Chẳng lẽ, nghèo mới học giỏi sao?

Tôi không phải là người cực đoan, cố chấp để cứ nghĩ cái gì hồi xưa cũng tốt hay đẹp hơn bây giờ, vì nghĩ như thế là đi ngược lại sự phát triển, đi ngược quy luật tiến hoá. Nhưng vì sao, mỗi khi nhớ lại thời bao cấp, tôi cứ băn khoăn không thể lý giải những thành tựu mà con người thời bao cấp ấy đạt được. Thời ấy, đúng là quá khổ, nhưng chất người Việt Nam lại không hề thấp, mà ngược lại. Có lẽ, chính ý chí vượt khó, chính sự tôi rèn trong gian nan đã khiến người Việt ở thời điểm cực kỳ khốc liệt ấy chứng tỏ được những phẩm chất vượt trội của mình.

Và thêm một điều rất quan trọng nữa là chất văn hóa hàm chứa trong những món ăn hết sức đạm bạc, hết sức rẻ tiền nhưng được các bà nội trợ chế tác với tất cả tình yêu thương và sự chắt chiu, đã góp phần tạo nên cái chất người đặc biệt của thời bao cấp ấy.

Vì thế, những cung cách giúp người Việt nhớ lại thời gian khó chưa xa của mình là cần thiết. Nhớ lại để biết mình đã từng phải đương đầu với những gì, và mình có thể vượt qua những trở lực gì. Với thế hệ thanh niên bây giờ, cho họ biết chính cha mẹ họ đã phải sống cực nhọc như thế nào, đã vươn lên như thế nào từ những bát phở “không người lái”, có lẽ không vô ích. Bởi đó chính là “văn hóa tối giản” hay “văn hóa tối thiểu” làm nên những “hiệu quả tối đa” mà thế hệ trước đã thể hiện một cách không thể tuyệt vời hơn.

Một bát phở “không người lái”, nhiều khi lại giúp ta nhớ lại những điều không thể quên, không được phép quên, những điều “có người lái” như thế.

Theo Thanh Thảo/Thanhnien.vn