VĂN HÓA

'Mùa hè không tên' - Ăm ắp nỗi niềm, chan chứa chất thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Minh Lê • 19-09-2023 • Lượt xem: 5607
'Mùa hè không tên' - Ăm ắp nỗi niềm, chan chứa chất thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Mỗi người đều có những ký ức tươi đẹp, sống mãi cùng năm tháng. Đừng trách thời gian, hãy trách mình nếu như không còn nhớ. Thật may mắn, tập truyện dài mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh "Mùa hè không tên" quả có "chất" gây nghiện đối với bạn đọc ở mọi lứa tuổi.

Tin bài khác:

Hai cuốn sách đầy ký ức đậm sâu với nhà văn Sơn Nam

Thêm hai tựa sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được dịch sang tiếng Anh

Đúng như lời nhận định của nhà phê bình văn học Văn Giá: "Tuổi tác có sức mạnh đoạt lấy tuổi thơ ở người lớn. Nhưng không phải tất cả. Ở một số người, với những phẩm chất đặc biệt, nhất là với lòng yêu con trẻ vô bờ, họ có khả năng níu giữ, dung dưỡng cái phần trẻ thơ trong chính con người mình cho đến hết cả cuộc đời. Khi đó, họ là thiên thần tuổi thơ mãi mãi. Khi đó họ đủ tư cách trở thành hiệp sĩ của tuổi thơ. Trong nỗ lực bền bỉ và cảm động của con người ở mọi thế hệ làm sao cho tuổi thơ được là tuổi thơ và bảo toàn phẩm tính trẻ thơ trong mỗi người tuổi lớn, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thực sự xứng đáng là một hiệp sĩ".

Sáng 19/9/2023 tại hội trường NXB Trẻ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (giữa) đã có buổi giao lưu, trò chuyện cùng lãnh đạo NXB Trẻ cũng như các phóng viên, biên tập viên báo đài... về tác phẩm mới "Mùa hè không tên" của ông.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có một niềm luyến lưu đặc biệt với mùa hè. Ông từng chia sẻ: “Những mùa hè tuổi thơ ngây ngô và nghịch ngợm đó đã đi vào các tác phẩm của tôi một cách tự nhiên. Vì trong ký ức của tôi, đã là học trò thì không thể không gắn với những ngày hè rong chơi thỏa thích. Những mùa hè hoa mộng đỏ thậm chí đã trở thành nhan đề hai cuốn sách tôi từng xuất bản: Hạ đỏ và Bảy bước tới mùa hè”.

Mùa hè không tên gồm hai phiên bản: Bản bìa cứng với tone màu xanh mát và bản bìa mềm tone màu vàng.

Và lần này, không khí mùa hè một lần nữa rộn ràng trong tác phẩm mới nhất của nhà văn. Nhưng tại sao lại là “mùa hè không tên”?

“Đó là mùa hè thật đặc biệt với tôi. Sau mùa hè đó, cuộc sống của tôi đã thay đổi mãi mãi.

Vì vậy tôi muốn đặt cho nó một cái tên để nó không giống với những mùa hè khác trong đời tôi mỗi khi tôi nhớ về. Tôi định gọi nó là mùa hè chia tay, mùa hè ưu tư, mùa hè định mệnh, hay sến sẩm một chút là mùa hè có mây tím bay nhưng rồi tôi thấy không cái tên nào thật sự phù hợp. Cuối cùng, tôi nghĩ nếu cần phải có một cái tên thì tôi sẽ đặt tên cho nó là 'mùa hè không tên'. Ờ, mùa hè đặc biệt của tôi cần gì phải khoác một cái tên riêng khi mà mỗi lần đầu óc tôi quay ngược về thời kỳ đó, tôi luôn thấy lòng đầy xáo trộn. Nó đã khắc lên số phận tôi những dấu vết không thể phai mờ - như vết chàm mà con người ta phải mang theo cho đến tận cuối đời”. (Trích tác phẩm).

Nhà báo Hồ Huy Sơn còn là một tác giả chuyên viết thể loại sách cho thiếu nhi, đặt câu hỏi thú vị tới nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại buổi ra mắt sách.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luôn có những sáng tạo về đề tài, nhân vật, bối cảnh hoặc cách thể hiện trong các sáng tác của mình. Tháng 1 năm 2022, sau thời gian phong tỏa kéo dài do dịch Covid-19, nhà văn cho ra đời "Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng" - một tác phẩm đáng yêu, tươi vui xoay quanh thế giới những con vật. Tiếp theo đó, sau chuyến đi châu Âu, ông viết "Những người hàng xóm" – tác phẩm lần đầu tiên lấy bối cảnh nước ngoài. Lần này trong "Mùa hè không tên", nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lấy cảm hứng từ những điều thân thuộc và gần gũi: khung cảnh làng quê, những trò chơi tuổi thơ, rung động đầu đời, bạn bè, trường lớp…

"Mùa hè không tên" có những câu chuyện tuổi thơ với vô số trò tinh nghịch, những thoáng thinh thích hồi hộp cùng vô vàn kỷ niệm. Để rồi khi những tháng ngày trong sáng của tình bạn dần qua, bọn nhỏ trong mỗi gia đình bình dị lớn lên cùng chứng kiến những giây phút cảm động của câu chuyện tình thân, nỗi khát khao hạnh phúc êm đềm, cùng bỡ ngỡ bước vào tuổi lớn nhiều yêu thương mang cả màu va vấp. 

Hồi đó
Con gà còn là quả trứng
Cơn mưa còn là đám mây
Người yêu chưa là người yêu cũ
Tôi chưa là tôi hôm nay

Hồi đó
Thứ hai còn là chủ nhật
Mưa thu còn vướng gió hè
Con kiến còn trách con ve
Ông La Fontaine chưa chết

Bây giờ thì tôi đã biết
Thời gian lăn bánh mất rồi
Chim bay về phía xa xôi
Trang sách níu ngày thơ dại...

Mùa hè năm ấy của cậu bé Khang không chỉ toàn chuyện leo cây hái trái và qua lại với con Nhàn hồn hậu đáng yêu ưa nuôi bọn cá dị tật, mà có Tí, có Chỉnh, rồi Túc, Đính… phải đối mặt với những thử thách của số phận. 

“Có lần tôi hỏi con Nhàn: Sao đi học thì tao thích chóng đến nghỉ hè, mà khi nghỉ hè thì tao lại mong đi học hở mày?”

Những dòng đầu tiên dễ khiến bạn đọc tưởng rằng đây là một tác phẩm hoàn toàn cho thiếu nhi. Nhưng cũng như nhiều tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đây là câu chuyện dõi theo sự trưởng thành của nhiều nhân vật. Thời thơ ấu của những đứa trẻ luôn luôn được nhà văn dành cho những dòng mô tả dịu dàng nhất, sau đó chúng lớn lên với những lựa chọn và rung động đầu đời, trưởng thành rồi bay xa. Những con đường mỗi  người lựa chọn liệu sẽ dẫn đến đâu? Và những thân tình tuổi ấu thơ sẽ để lại những gì trong tâm hồn mình? 

 “Mười năm

Biết em từ độ
Quen em từ hồi
Xa em từ thuở
Trăng còn thôi nôi

Rồi trăng sẽ lớn
Rồi anh sẽ già
Riêng em trẻ mãi
Tuổi nào mười ba

 Tay em mực tím
Tóc em nơ hồng
Chân em chim sáo
Nhớ bờ đê không?

 Mười năm phố xá
Quên đường về quê
Chỉ trong giấc ngủ
Tình anh theo về...”

(N.N.A)

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vốn nổi tiếng qua nhiều thế hệ bạn đọc với nhiều tác phẩm đi vào lòng người. Với tác phẩm này, ông vẫn luôn giữ thông điệp khơi dậy khao khát sống đẹp, sống tử tế nơi người đọc. 

Điều tài tình nơi ông chính là với cùng chủ đề, ông có thể kể những câu chuyện khác nhau và vẫn gợi lên nỗi xúc động nơi người đọc. “Khi viết về thế giới trẻ thơ, để có thể phù hợp, Nguyễn Nhật Ánh đã chủ động lựa chọn một lối viết dung dị, chân thực nhất. Nhà văn đã tạo ra được một người kể chuyện tin cậy từ đầu đến cuối” - Nhà phê bình văn học Văn Giá (Thể thao & Văn hóa, 31-5-2020).

Ở tác phẩm "Mùa hè không tên", những dòng văn của tác giả có sự thoải mái và ấm áp, như khi kể về những ký ức mình thương quý. Điểm nhấn trong tác phẩm còn là những đoạn thơ trong veo và cách kết thúc rất đặc biệt. 

Họa sĩ Hoàng Tường đã góp phần quan trọng làm nên phiên bản bìa cứng in màu đẹp long lanh với 25 hình minh họa lớn và rất nhiều minh họa nhỏ xen kẽ.

“Thế giới văn chương Nguyễn Nhật Ánh bổ khuyết vào thực tại trần trụi hôm nay những hoa lá ký ức khi ký ức là thứ đang rời bỏ tâm trí con người để phập phồng trú ẩn nơi những bộ nhớ của phương tiện kỹ thuật số. Và nhất là nó thuyết phục được những cô cậu học trò bận rộn với chương trình học dày đặc một tình yêu bền vững với sách, một khoái cảm hướng tâm và sẻ chia thay vì đốt thì giờ cho những trò tiêu khiển và điều khiển. Và đâu chỉ có trẻ con. Những người lớn cũng tìm ở ông thời gian đã mất của mình.” Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên (Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 13-3-2014).

“Tôi tin rằng nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi này sở dĩ có được một lượng bạn đọc khổng lồ đến vậy chính là nhờ những trang viết đầy ân tình, những trang viết đầy niềm tin và trách nhiệm với tuổi trẻ.”Họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn (Thanh Niên, 9-1-2023).