VĂN HÓA

Hai cuốn sách đầy ký ức đậm sâu với nhà văn Sơn Nam

Ly Mai • 29-08-2023 • Lượt xem: 6379
Hai cuốn sách đầy ký ức đậm sâu với nhà văn Sơn Nam

Tưởng nhớ 15 năm ngày mất nhà văn Sơn Nam, NXB Trẻ ra mắt hai tựa sách mới và trích Quỹ Sơn Nam để trao tặng 24 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) cho các bé con nuôi và con đỡ đầu Đồn Biên phòng Lũng Cú. Đây là tấm lòng của NXB Trẻ và cố nhà văn đất Nam Bộ gửi đến những em bé nơi địa đầu Tổ Quốc. 

Tin bài khác:

Thêm hai tựa sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được dịch sang tiếng Anh

Thiên tài tập thể: Bí kíp khai phá tiềm năng sáng tạo của doanh nghiệp

 Đi và ghi nhớ

Đi và ghi nhớ là tựa một bài báo tiêu biểu của nhà văn Sơn Nam thuở sinh thời, đăng trên tạp chí Xưa&Nay năm 1997, và nay được chọn làm tựa tập sách. Điểm mới của tập sách này là số lượng bài báo dày dặn: 56 bài báo. Đây là những bài đăng trên tạp chí Xưa&Nay cùng một số báo khác trước năm 1975.

Ông Nguyễn Hạnh, phó Tổng biên tập tạp chí Xưa&Nay là người đã giúp tổng hợp những bài báo quý giá của nhà văn Sơn Nam mà ông còn lưu giữ. Theo ông, “Tạp chí Xưa&Nay làm công việc nầy như một hình thức ghi nhận sự đóng góp của ông đối với tạp chí, đồng thời cũng là nén hương để tưởng nhớ đến ông”. 

Nhà văn Sơn Nam có sức viết dồi dào, cho đến nay, vẫn chưa có công trình nào thống kê được đầy đủ tất cả những bài viết và tác phẩm của ông.

Hơn 300 trang sách của tác phẩm Đi và ghi nhớ trong lần in này gồm gần 56 bài báo thuộc các chủ đề, thể loại khác nhau, nhưng chủ yếu là khảo cứu các vấn đề lịch sử, văn hóa, tập quán của con người Sài Gòn - Nam bộ xưa và nay. Từ mục lục, có thể thấy ông bàn về:

+ Khía cạnh văn hóa của các vùng đất: “Nhớ Sài Gòn – Gia Định từ thuở sơ khai”, “Sức sống cư dân vùng châu thổ sông Cửu Long”, “Thương cảng Sài Gòn hình thành và phát triển”, “100 năm trước Sài Gòn”, “Về với Bến Tre…”

+ Con người, phong tục tập quán, đời sống tinh thần: “Biên giới & văn hóa tâm linh”, “Người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn”, “Vài nét văn hóa dân tộc qua lễ Kỳ Yên ở đình làng Nam Bộ”, “Người Sài Gòn phóng khoáng, tình nghĩa”, “Đám cưới thời xưa, thời nay”, “Cá tính dân Sài Gòn qua địa lý”, “Mâm cơm Tết Nam Bộ”…

+ Nhân vật và tác phẩm: “Suy nghĩ tản mạn nhân đọc sách Chùa Thiên Mụ”, “Kể chuyện Vương Hồng Sển”, “Tình riêng”, “Lạm bàn về sách báo Sài Gòn”, “Lai rai ba món ở Sài Gòn”, “Đọc Thượng kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông”….

Phần cuối sách có các hình tư liệu của nhà văn Sơn Nam khi làm việc, khi ở bên bạn bè thân hữu, nhà văn trong các chuyến công tác điền dã…và một trang bút tích của ông.

Đi và ghi nhớ là một tập sách thú vị cho người mến mộ và sưu tầm tác phẩm Sơn Nam, và cũng là tác phẩm rất dễ đọc dành cho bạn đọc vừa làm quen với tác phẩm của ông, bởi lối viết dung dị và đề tài phong phú.

Nhà văn Sơn Nam – Những góc đời riêng lạ

Tập sách bao gồm những bài viết về cha mình của con gái ông Sơn Nam – chị Đào Thúy Hằng – cho ta một góc nhìn rất khác, nhưng cũng tràn ngập bình dị, giản dị, đầy yêu thương như ông Sơn Nam vốn như thế. Ở cuốn sách này, còn có những bài viết độc đáo của các tác giả, nhà văn, nhà báo miền Nam yêu quý ông: Lý Lan, Võ Đắc Danh, Ngô Khắc Tài, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Trọng Chức, Nguyễn Lam Điền … với những cuộc lần theo Hương rừng Cà Mau tìm về cố quán nơi sinh ra một nhà văn – nhà nghiên cứu Nam bộ chính hiệu. Còn có những hồi nhớ, những kỷ niệm, khiến người ta hình dung ra rõ nét hành trạng của ông, đức tính của ông, con người của ông rõ ràng hơn.

Sách có các phần: Lời Tựa; Phần 1: Nhớ Ba tôi; Phần 2: Phụ lục - Chân dung một ông già đi bộ Sơn Nam. 

Những tác giả viết tập sách này có giao tình mật thiết với nhà văn, “nhờ vậy, chúng ta mới có dịp biết đến những góc đời rất riêng và cũng rất lạ của nhà văn Sơn Nam. Chẳng hạn như thuở ban đầu chàng trai tên Lạc (tên ở nhà của Phạm Minh Tày tức Sơn Nam) đã làm quen và yêu cô gái làm giáo viên đàn hay diễn kịch giỏi, rồi cậy nhờ mai mối thành thân như thế nào. Hay buổi đầu làm cha, nhà văn Sơn Nam về nhà thấy vợ nằm ổ mà không có than, đã cầm cái thùng đi mấy cây số từ Cái Bầu vô chợ Cả Nai để mua than về cho vợ; rồi ấn tượng về những ngày bé thơ cô Hằng được cha cõng đi khắp xóm trên xóm dưới để ông phụ giúp người ta xay lúa giã gạo và hai cha con ăn cơm ké quanh các nhà như vậy cũng là chuyện không tưởng đối với đa số người đời vốn chỉ biết Sơn Nam từ phía hào quang văn nghiệp.

Và còn thật nhiều những câu chuyện riêng kiểu vậy lần đầu tiên được tiết lộ từ chính người trong gia đình, không nhằm tạo thêm một vầng sáng nào nữa cho nhà văn Sơn Nam, mà như hé mở thêm các góc đời vừa riêng lẻ vừa nhỏ hẹp, để biết đâu trong số những người yêu quý ông, có dịp biết thêm, hình dung rõ hơn và hiểu đúng được ít nhiều trong số những hành trạng phồn tạp của cuộc đời ông. Có những câu chuyện thật xúc động, xuất phát từ việc Sơn Nam là người cha xa nhà luôn luôn. Đến nỗi từ quê nhà, vợ ông quyết định dắt con gái lên Sài Gòn lập nghiệp làm giáo viên theo lời mời gọi của một người bạn mở trường tư thục, Sơn Nam cũng không hề biết do lẽ ông đâu có mặt ở nhà. Cho đến một buổi hai mẹ con đang đứng đón xe buýt đến trường thì tự dưng cô Hằng nhìn thấy Sơn Nam và kêu lên “Ba!”, thế là cuộc hội ngộ của gia đình ông diễn ra tại Sài Gòn trong hoàn cảnh kỳ lạ như vậy.

Nhà văn Sơn Nam ngoài nổi tiếng về văn tài, còn khá nhiều câu chuyện xung quanh ông cũng rất được nhiều người biết đến. Một trong những chuyện vừa tế nhị vừa thực tế là chuyện tiền bạc. Ở đây, từ những góc khuất của gia đình và bằng hữu, đồng nghiệp, có thể góp phần cắt nghĩa một phần cách ứng xử thù tiếp của nhà văn Sơn Nam trong bao mối quan hệ ở đời. Đó là câu nói khẽ khi đi cùng chuyến đò với nhà văn Lý Lan về quê được bà ghi lại: “Hai mươi lăm năm trước tôi theo ông đi ngang chỗ này, ông chỉ vào ngọn rạch mịt mùng nói "quê nội trong đó". Tôi hỏi ông có muốn ghé qua nhà không. Ông im lặng để mặc cho chiếc vỏ lãi chạy tới, rồi nói khẽ: "Không có tiền về làm gì?".

Hay đó còn là bữa đi tứ giác Long Xuyên cùng nhà văn Ngô Khắc Tài, ghé trường học vào nhà tập thể giáo viên thấy đời sống nghèo khổ, Sơn Nam rút tiền mua két bia Lave để mọi người nhậu chơi. Là cái lần về An Giang cưới vợ cho con mà Sơn Nam đi hai tay không, khiến cho bạn văn biết được đã hè nhau sắm sửa khay trầu mâm quả để Sơn Nam đi làm sui “cho giống người ta”...

Bạn đọc cũng sẽ có dịp tìm gặp lại trong tập Nhà văn Sơn Nam – Những góc đời riêng lạ này loạt bài viết của nhà văn Lý Lan: Lần theo Hương rừng Cà Mau, để từ đó có thể chiêm nghiệm về văn nghiệp Sơn Nam và những ảnh hưởng của nó đến những người đọc văn ông và lớp công chúng thuộc các thế hệ về sau.” (Trích lời tựa của tác giả Lam Điền)

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu nhớ về kỷ niệm khi làm việc với ông: “Lần đầu tiên được tiếp xúc với bản thảo đánh máy và viết tay của Sơn Nam, bản thân tôi cũng thấy choáng ngợp. Choáng ngợp vì cách ông tận dụng các khoảng trắng trong trang giấy đánh máy với những chú thích viết tay chằng chịt tưởng rất lung tung nhưng cực kỳ hợp lý, làm cho người biên tập dễ dàng nhận ra những điểm nhấn mà tác giả cố ý nhấn nhá cho bạn đọc dễ nhận biết và tiếp thu. Tôi nghĩ những kinh nghiệm nầy sở dĩ có được là do ông đã có kinh nghiệm làm việc nhiều năm với các thầy cò ở các nhà in, các tòa soạn báo trước giải phóng. Nơi mà các thợ sắp chữ chì, thợ môngta đều phải tiến hành các bản vỗ in thử rất thủ công và rất nhọc công, không như các thủ tục nhập liệu hiện đại ngày nay rất nhanh chóng và chính xác, rõ ràng. 

Tin tưởng vào khả năng tiếp nhận thông tin từ chính tác giả của tôi hay sao mà sau nầy với những tác phẩm mới đưa lại cho Nhà xuất bản in, ông chỉ ghi vài dòng lưu ý mà không quan tâm đọc lại bản thảo đã dàn trang xếp chữ hẳn hoi. Dù vậy tôi vẫn chuyển cho ông bản in thử để ông đọc lại trước khi hoàn tất khâu thủ tục chuẩn bị đi nhà in. Và câu chuyện tập truyện Hương Rừng Cà Mau ngày càng dày ra, nhiều truyện hơn cũng từ lối làm việc kiểu nầy với nhà văn Sơn Nam”.