VĂN HÓA

Myanmar, cái nôi của lụa tơ sen – Nguyên liệu thời trang đắt đỏ trên thế giới

Lan Hương • 30-07-2023 • Lượt xem: 1368
Myanmar, cái nôi của lụa tơ sen – Nguyên liệu thời trang đắt đỏ trên thế giới

Làng In Paw Khone nằm trên mặt hồ Inle là địa điểm độc đáo mà du khách khó lòng bỏ qua khi đến tham quan đất nước Myanmar. In Paw Khone chính là ngôi làng duy nhất còn giữ nghề dệt lụa tơ sen thủ công được lưu truyền hơn 100 năm trước, mang đến cho ngành thời trang những tấm lụa tinh xảo và vô cùng đắt đỏ.

Hồ Inle là hồ nước ngọt lớn thứ hai Myanmar, cách thủ đô Yangon hơn 200km. Hồ có chiều dài hơn 20km, rộng hơn 10km tạo nên một khung cảnh dài rộng và đẹp như một vùng đồng bằng trù phú mỹ miều. Với khách tham quan du lịch, nơi đây không chỉ quyến rũ bởi cảnh sắc đẹp mắt mà còn hấp dẫn bởi sự độc đáo của nét văn hóa bản địa.

Hồ Inle thu thút du khách vì cảnh sắc tuyệt vời và nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa.

Con đường dẫn vào làng In Paw Khone vô cùng thơ mộng, là nơi sinh sống của tộc người Intha từ ngàn đời nay. Những ngôi nhà sản nổi trên mặt nước được dựng cao hai thậm chí ba tầng với nhiều màu sắc bắt mắt. Đây cũng chính là nơi sản xuất ra những tấm lụa sen thủ công  truyền thống, nơi cung cấp những sản phẩm lụa hoa sen đắt đỏ cho các nhà thiết kế tài năng đến các kinh đô thời trang lớn trên thế giới.

Những ngôi nhà sàn của người dân làng In Paw Khone ấn tượng với nhiều màu sắc đẹp mắt.

Sen được trồng nhiều trên các vùng đầm lầy xung quanh In Paw Khone để phục vụ cho việc dệt lụa của người dân ở đây. Tuy nhiên vào những tháng không phải vụ, người ta phải nhập sen ở các vùng khác về để đảm bảo đầy đủ nguyên liệu sản xuất.

Điểm đặc biệt ở In Paw Khone là hầu hết nhiệm vụ tách sợi sen sẽ dành cho đàn ông, còn việc quay tơ se sợi lại dành cho các phụ nữ lớn tuổi. Người dân ở đây cho rằng việc chìa bàn chân trước mặt người khác là thô lỗ, vì thế các khung cửi quay tơ đều được thiết kế sao cho phụ nữ không để lộ bàn chân của mình trước người đối diện.

Công việc thường ngày của phụ nữ ở làng In Paw Khone.

Lịch sử hình thành nghề thủ công dệt lụa tơ sen

Nghề dệt lụa đã tồn tại ở In Paw Khone từ hơn trăm năm trước, ban đầu người dân dệt vải từ sợi bông, sau đó mới tới lụa tơ tằm và rồi chuyển sang lụa tơ sen.

Người ta kể rằng hơn một thế kỷ trước, có một cô gái Intha tên Sa Oo sống trong làng đã hái sen dâng lên ngôi chùa gần nhà. Khi đó cô phát hiện những vết xơ từ chỗ cắt của thân cây sen, nó mong manh, trong suốt và mềm dẻo như tơ có thể dệt thành vải. Và cô đã sử dụng chúng để dệt thành chiếc áo choàng cho tu sĩ. Cũng từ đó, người dân trong làng đã chuyển từ dệt vải bông, vải tơ tằm sang dệt lụa từ sợi tơ sen.

Sen được trồng ở vùng nước càng sâu sẽ cho cọng càng dài, tơ nhiều và sợi tơ cũng bền hơn. Cọng sen sau khi thu hoạch được cắt thành nhiều đoạn ngắn khoảng 3 – 4cm. Người thợ sẽ dùng tay khéo léo kéo các sợi tơ rồi miết qua một tấm bảng tẩm nước, sau đó kéo tơ dài ra và bện chúng lại với nhau. Quá trình này được lặp lại khoảng 3 lần để sợi tơ tròn và dày hơn, sau đó tơ được quấn vào con suốt lớn. Và rồi tơ sen sẽ cần trải qua nhiều công đoạn nữa trước khi được dệt thành tấm vải, nhuộm và tạo hình thành các sản phẩm khác nhau.

Việc sản xuất tơ len trải qua nhiều công đoạn cực kỳ tỉ mỉ.

Các cọng sen lấy về phải được xử lý trong vòng 24 giờ, nếu để lâu hơn cọng sen sẽ bị khô, tơ bị hỏng. Và đặc biệt, toàn bộ các quy trình cho đến khi hoàn thiện đều được thực hiện thủ công bởi những người thợ lành nghề của làng In Paw Khone.

Tại sao lụa tơ sen vô cùng đắt đỏ?

Hoa sen là một phần quan trọng của Myanmar, nó như biểu tượng của sự bình an và thuần khiết trong tâm hồn. Cho tới nay, In Paw Khone vẫn là ngôi làng duy nhất trên thế giới gìn giữ nghề dệt lụa sen truyền thống. Người dân mảnh đất này tin tưởng rằng, khi khoác lên mình lụa tơ sen thì tận sâu trong tâm hồn mỗi người sẽ cảm thấy thanh tịnh và vô cùng bình yên. Không những thế, chất liệu này còn giúp người dùng giảm nguy cơ mắc bệnh tim và phổi.

Một chiếc khăn choàng cổ phải mất hàng ngàn cọng sen mới có thể dệt nên, còn những chiếc áo, quần hay khăn lớn thì cần số lượng sen gấp nhiều lần. Cụ thể hơn, người ta cần sử dụng tới 8.000 cọng sen để dệt ra tấm vải dài 2m rộng 0,6m. Có đến hàng chục loại sản phẩm khác nhau được tạo thành từ tơ len để du khách tha hồ lựa chọn như khăn quàng cổ các loại, quần áo, cà vạt, khăn trải bàn thậm chí là chăn. Nhiều người dân Myanmar thường mua những chiếc khăn tơ sen để dân lễ Phật trong những dịp đặc  biệt.

Vải được dệt từ tơ sen nguyên chất có màu đất, mềm, thoáng mát và dễ chịu tuyệt đối. Tuy không óng như tơ tằm nhưng tơ sen lại vô cùng mềm mịn, chỉ khi sờ vào mới có thể cảm nhận rõ ràng được. Bên cạnh đó, tơ sen chứa các axit amin cần thiết cho da, giúp cân  bằng độ ẩm, tăng phục hồi và giúp da luôn căng tràn sức sống. Bởi thế sử dụng lụa tơ sen còn có công dụng tuyệt vời trong trị liệu và chăm sóc làn da con người.

Việc tạo ra những sản phẩm tơ len vô cùng cầu kỳ và tốn sức, mọi công đoạn đều được thực hiện thủ công và đòi hỏi kỹ thuật cao. Bên cạnh đó việc sản xuất tơ sen còn phụ thuộc mùa vụ. Bởi thế mà giá thành loại nguyên liệu từ tơ sen thứ thiệt thường cao hơn nhiều so với những sản phẩm lụa từ chất liệu khác.