VĂN HÓA

Nào cùng nhón chân

Ly Mai • 08-09-2023 • Lượt xem: 1683
Nào cùng nhón chân

Nào cùng nhón chân - tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ gồm 15 truyện ngắn dung dị, đầy nhân văn và tình người. 

Tin bài khác:

Hai cuốn sách đầy ký ức đậm sâu với nhà văn Sơn Nam

'Cứ thở đi, ngày mai mình vẫn sống'

Đó có thể là lời cảnh báo về sự thiếu kết nối trong gia đình của xã hội hiện đại, mỗi người đều bận nhìn vào màn hình điện thoại, để đứa trẻ trong nhà phải cô đơn "Chơi với gấu bông". Đó có thể là câu chuyện cảm động về tình bạn của 2 bạn nhỏ trong "Đôi bạn... Ùm", biết nhà bạn nghèo, thiếu ăn nên đứa có cái ăn luôn múc cơm ra rủ bạn "ùm" chung. Hay hóm hỉnh như truyện "Nào cùng nhón chân" của 2 đứa không thích mang dép và cô nhà báo tên Bụi. Đó có thể là tình cảm quê nhà của cậu bé nọ khi theo ba vào thành phố học như "Chuyện ngoài đó..." 

Ở đây, cũng không thiếu hình ảnh trẻ em phải tự bươn chải kiếm cái ăn. Ở đây, cũng không thiếu những chia sẻ về thiên nhiên, môi trường sống, nhất là ở miền Trung, đối mặt với thiên tai, lũ lụt, hạn hán... những đứa trẻ có vẻ già hơn tuổi, nhưng vẫn trong trẻo hồn nhiên và hướng tới thiện lương.  

Những câu chuyện, dù là trên trang sách, cốt lõi vẫn muốn mang mọi trẻ em sống trên đất nước này lại gần với nhau, bằng thấu hiểu, cảm thông, nhân hậu. Đọc những câu chuyện này, như một cách giúp các em phóng xa tầm mắt, nhìn chung quanh, và thấy mỗi người đều có những cảnh sống, những ước mơ không bạn nào giống bạn nào. Hi vọng, những câu chuyện nhỏ này sẽ nhận được phản hồi tích cực từ các em thiếu nhi, các bậc cha mẹ. Việc hiểu biết sâu sắc về cuộc sống và văn hóa ở những vùng đất khác, cũng là khát khao, nhu cầu chính đáng ở mỗi người. Vì vậy, để tôn trọng tác giả và bạn đọc, chúng tôi xin giữ lại văn phong và từ ngữ có hơi hướm địa phương. Xin mời các bạn nhỏ đi vào một trận địa ngôn ngữ mới lạ, sinh động, làm giàu hiểu biết và vốn từ tiếng nước tôi của mình. 

"Nào cùng nhón chân" nằm trong tủ sách “Văn học thiếu nhi” của NXB Trẻ. Ở tủ sách này, bạn đọc nhỏ tuổi có thể tiếp xúc được nhiều giọng văn, phong cách viết, làm giàu thêm kiến thức văn chương, văn hóa và ý thức bảo vệ môi trường cho hôm nay và mai sau.

Về tác giả:

Tác giả Nguyễn Mỹ Nữ, sống và viết tại Quy Nhơn.

Châm ngôn cho chính mình: “Tôi như thế nào thì truyện của tôi như thế. Tôi không biết sống và viết giả trá”.

Các tập sách cho thiếu nhi: "Mắt núi", "Món quà của mùa hè".

Trích đoạn

“Nhưng, cả gia đình Chíp nhất định sẽ được ở gần nhau dù căn nhà mướn này có chút xíu mà mưa dột mà nắng hầm. Kệ! Chíp không cần gì hết, miễn sao, Tết có cả ba lẫn mẹ, cả anh Ủn…Ơ! còn nữa chứ! Điều bí mật và rất nhiều hoa anh vàng, nào chỉ dành riêng cho mỗi mình Chíp” (Chương 6: Tết vàng hoa cho Chíp)

“Nhưng trên tất cả vẫn là dòm ngó Ròm chị từng chút một, từng chút.  Ròm em tuy còn nhỏ nhưng lúc nào cũng muốn được lo toan cho chị, bảo vệ chị. Giả dụ như bới thêm chút cơm nói chị ăn đi cho khỏe. Sớt bớt ly sinh tố của mình qua chị, dỗ chị nín khóc khi nhớ mẹ… Vừa nghe chị ới một tiếng là lật đập đáp lại ngay: “Chị ơi! Có sao không?”. “Chị ơi! Có Ròm em đây” (Chương 8: Chị ơi! Có Ròm đây…) 

“Đêm đó, Mun không ngủ được cũng vì tức ba nữa. Ba làm như Mun ưa sống ở thành phố lắm vậy. Ở riết quen thì cũng có hơi thương thương, chứ mà, Mun vẫn thích được ở quê hơn, mà ngoài đó Mun ước gì đừng lũ nữa. Đừng lũ nữa mà, lũ ơi!” (Chương 11: Chuyện ngoài đó…)

“Sướng thiệt khi hai đứa có những khoảng thời gian thật rảnh rang hiếm hoi như vậy. Được ở không, được cùng nhìn về phía mấy cây bông điệp vàng rực bên kia đường. Được có nhau, kêu nhau là bạn và được thoải mái…”ùm”” (Chương 12: Đôi bạn…ùm)

 “Ngoài tên ấy ra, em còn được gọi thêm là bé Tết. Bé Tết hay lắm! Hay cứ như là Tết vậy. Bé Tết vui lắm! Vui cứ như là Tết vậy. Tết đẹp này, rộn ràng này, thơm tho này, mập ú này… Mọi người vẫn hay bảo vậy, và em vui lắm, chỉ trừ cái việc tăng cân béo phì. Em nào muốn thế. Tự em sinh ra vào ngày Tết nên mới có lắm thứ để ăn” (Chương 2: Cầu Vồng hóng Tết)

“Đã rất lâu rồi Xu Xoa mới nghe lại tiếng cười như thế của bố. Bố cười, bà cười, cháu cũng cười. Giọng của bà hơi đùng đục, khàn khàn. Giong bố ồm oàm. Giong Đậu Hũ dễ thương… Những giọng cười tập trung lại và kéo rê… Kéo rê mãi cùng chiều và biển” (Chương 9: Dắt bà đi chơi).