ĐỜI SỐNG

Nên hay không hạ cấp Tổng cục TDTT?

DDVN • 13-07-2022 • Lượt xem: 357
Nên hay không hạ cấp Tổng cục TDTT?

Ngành thể thao sắp lấy ý kiến về quy trình cơ cấu kiện toàn bộ máy Tổng cục TDTT theo đề nghị của Bộ Nội vụ. Trong trường hợp bị hạ cấp, việc quản lý và hoạt động của thể thao Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Trong bài báo Xung quanh việc sắp xếp lại Tổng cục TDTT, chúng tôi đã trích dẫn phát biểu của một số nhân vật có uy tín trong ngành thể thao, đều bày tỏ sự âu lo về việc nếu việc tinh giản bộ máy không được tiến hành thận trọng, có thể sẽ dẫn đến sự suy yếu nền thể thao nước nhà. Việt Nam đang nỗ lực để giành được những thành tích xuất sắc tầm thế giới như HCV Olympic, ASIAD và trong trường hợp “xóa” Tổng cục TDTT, e rằng những chỉ tiêu nói trên khó thành hiện thực.

Tại Quyết định số 21/2018/QĐ-TTg (viết tắt Quyết định 21) về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục TDTT trực thuộc Bộ VH-TT-DL, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 7.5.2018, có nêu rõ Tổng cục TDTT có 17 nhiệm vụ và quyền hạn. Trong đó, ở tầm vĩ mô, Tổng cục TDTT là cơ quan tham mưu, có nhiệm vụ báo cáo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ về TDTT; Chiến lược, quy hoạch tổng thể, chương trình quốc gia phát triển TDTT và các dự án, công trình quan trọng quốc gia, các dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng về TDTT.


Muốn có thêm nhà vô địch Olympic như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, thể thao VN phải có chiến lược đúng tầm

Còn về những nhiệm vụ còn lại, trong đó thể thao thành tích cao và thể thao cho mọi người chỉ là 2 mảng độc lập mà Tổng cục TDTT được giao phụ trách. Vậy nếu tới đây, khi không còn Tổng cục TDTT mà thành lập 2 cục gồm Cục Thành tích cao và Cục Thể thao quần chúng, 15 nhiệm vụ còn lại, trong đó có nhiệm vụ rất quan trọng về tham mưu các dự án luật, dự thảo nghị quyết, chiến lược phát triển quốc gia TDTT như vừa nêu ở trên, sẽ do đơn vị nào đảm nhận. Hai cục không đủ quyền hạn, chức năng để thực hiện những nhiệm vụ có tác động trực tiếp và sâu rộng đến sự phát triển của thể thao Việt Nam nói chung.

Bộ máy khó vận hành

Cũng trong Quyết định 21, cơ cấu tổ chức của Tổng cục TDTT gồm 198 đơn vị trực thuộc (như các vụ chức năng, các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, Khu liên hợp thể thao quốc gia...). Khi Tổng cục TDTT bị hạ cấp xuống cục thì cục ngang cấp với các đơn vị. Mối quan hệ về tài chính, về chuyên môn sẽ được giải quyết thế nào? Một quan chức của một Sở VH-TT lớn đã đặt ra các vấn đề bất cập nói trên. Vị này còn đặt ra câu hỏi, nếu chỉ có 2 cục, mối quan hệ, hợp tác với các địa phương, với các tổ chức hội nghề nghiệp trong nước hay quốc tế sẽ do 2 cục hay do Bộ VH-TT-DL đảm nhiệm, liệu có bất cập không khi những nhiệm vụ thiết yếu khác của thể thao Việt Nam lại bị “trả về” cho Bộ VH-TT-DL. Vô hình trung lại khiến bộ máy của bộ này càng trở nên cồng kềnh, khó vận hành hơn.

Không nên tinh giản một cách máy móc

Nhà báo Nguyễn Lưu chia sẻ quan điểm: “Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là hợp lý vì Bộ VH-TT-DL hiện có rất nhiều đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên, chúng ta không thể tinh giản một cách máy móc, mà cần xét đặc thù từng ngành. Thể thao là ngành đặc thù, việc quản lý hoạt động TDTT không như các ngành khác, nên khi cơ cấu lại bộ máy cần xét yếu tố này. Sắp xếp phải theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, còn ngược lại, nếu cản trở sự phát triển thì chúng ta phải cân nhắc. Thể thao dù không đóng góp giá trị kinh tế trực tiếp nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Thực tế cho thấy hơn 70 năm qua ngành thể thao làm được rất nhiều việc. Các thành tích của thể thao tạo nên sự khích lệ lớn đối với cộng đồng, khơi gợi lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, có ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự xã hội và uy tín quốc tế… Chúng ta có thể nhìn lại thành công của SEA Games 31 ở khía cạnh này”.

Theo Nhật Duy/Thanhnien.vn