ĐỜI SỐNG

Ngân hàng máu và câu chuyện phía sau của người sáng lập

Yellowly • 14-09-2022 • Lượt xem: 408
Ngân hàng máu và câu chuyện phía sau của người sáng lập

Charles Richard Drew là một nhà nghiên cứu y học và phẫu thuật người Mỹ. Vị bác sĩ phẫu thuật và nhà nghiên cứu này đã phát triển một hiểu biết mới về huyết tương, cho phép lưu trữ máu để truyền. Kỹ thuật này đã được phát triển và áp dụng cho tới ngày nay. Nó đã mang lại cơ hội sống cho hàng triệu người mỗi năm.

Charles Richard Drew (1904 - 1950) là một nhà nghiên cứu y học và phẫu thuật người Mỹ. Vị bác sĩ phẫu thuật và nhà nghiên cứu này đã phát triển một hiểu biết mới về huyết tương, cho phép lưu trữ máu để truyền. Kỹ thuật này đã được phát triển và áp dụng cho tới ngày nay. Nó đã mang lại cơ hội sống cho hàng triệu người mỗi năm.

Nghiên cứu tiên phong của ông là những phát triển có hệ thống trong việc sử dụng và bảo quản huyết tương trong Thế chiến thứ hai. Nó không chỉ cứu sống rất nhiều người mà còn đổi mới quy trình ngân hàng máu của quốc gia và các quy trình tiêu chuẩn hóa cho các kỹ thuật lưu trữ và bảo quản máu lâu dài do Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ điều chỉnh.

Tuổi thơ của một người phi thường rất đỗi bình thường

Charles Richard Drew được sinh ra ở Washington, DC vào ngày 3/6/1904 và là người Mỹ gốc Phi. Vì sinh ra trong một gia đình nghèo, ngay từ khi còn nhỏ, Drew đã phụ giúp gia đình bằng cách đi giao báo cho khu phố.

Chân dung Charles R. Drew - vị bác sĩ đại tài

Năm 14 tuổi, ông đã đỗ vào trường Trung học Paul Laurence Dunbar, Washington, DC. Lúc bấy giờ, người Mỹ gốc phi bị hạn chế trên nhiều phương diện, kể cả học tập. Tuy nhiên duy chỉ có ngôi trường Paul Laurence Dunbar này đề cao sự bình đẳng cho tất cả mọi người và nó có danh tiếng tốt đến nỗi nhiều người muốn chuyển đến đây sống để được học tập trong môi trường như vậy. Có lẽ đây chính là chiếc nôi đầu tiên, nuôi dưỡng và tạo nên một con người lỗi lạc về sau.

Sau này, ông giành được học bổng thể thao một phần tại Đại học Amherst, Massachusetts, vào năm 1922. Tại đây, ông thể hiện sự xuất sắc của mình trong thể thao đặc biệt là điền kinh và bóng đá, mang lại nhiều vinh dự cho trường. Ông tốt nghiệp năm 1926 với những thành tích đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, Drew đã đặt cho mình mục tiêu giáo dục tiếp theo – đó là trường y.

Những bước ngoặt thay đổi cuộc đời

Vì hoàn cảnh gia đình không có nhiều điều kiện về kinh tế, Drew đã phải đi làm thêm công việc giảng dạy và sống hết sức đạm bạc để dành dụm tiền theo đuổi giấc mơ trường y của mình. Lúc đó, ông chỉ đủ điều kiện để nộp đơn vào 2 trường tại Hoa Kỳ đó là trường  Đại học Howard và trường Y Harvard. Nhưng vì một số lý do, ông không được nhận vào cả 2 trường vào thời điểm đó. Nóng lòng vì không muốn đam mê bị trì hoãn thêm, ông đã nộp đơn vào Đại học McGill ở Montreal, Canada. Sau khi được chấp nhận, năm 1928, ông đã đến Canada để theo đuổi con đường y học.

Drew có sự quan tâm nhiều hơn đến y học truyền máu trong thời gian ông thực tập và nội trú phẫu thuật tại Bệnh viện Montreal, khi làm việc với giáo sư John Beattie - giảng viên thỉnh giảng tại trường McGill. Ban đầu Drew và Tiến sĩ Beattie nghiên cứu quá trình phân hủy của máu trong các điều kiện bảo quản và chống đông máu khác nhau. Lúc bấy giờ, vẫn chưa có một phương pháp nào để tách các thành phần máu, chỉ có thể lưu trữ máu toàn phần. Điều đáng lo là thời hạn sử dụng của nó chỉ có một tuần. Các bệnh viện vừa phải duy trì nguồn cung cấp máu sẵn sàng cho bệnh nhân, vừa phải đảm bảo lượng máu lưu trữ không bị quá hạn, một vấn đề hết sức nan giải chưa có câu trả lời.

Vị bác sĩ tận tụy với công việc nghiên cứu và giảng dạy

Thành tựu sau những nỗ lực không ngừng nghỉ

Những năm cuối thập niên 30, Drew lấy bằng tiến sĩ y khoa tại Đại học Columbia với bài luận văn đột phá của mình. Đây cũng là luận văn đưa ông trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên lấy bằng tiến sĩ y khoa tại Columbia. Luận văn đề cập các vấn đề xoay quanh bảo quản và truyền máu. Drew sau đó được giao cho làm việc dưới quyền của John Scudder, người đã được cấp vốn để thành lập ngân hàng máu thử nghiệm. Drew đã nghiên cứu sâu hơn về tuổi thọ của máu khi lưu trữ trong các điều kiện khác nhau, sau đó ông đã chuyển hướng sang việc thử nghiệm tách các thành phần máu. Cũng trong khoảng thời gian đó, ông đã phát triển các phương pháp mới để tách huyết tương khỏi hồng cầu và tăng thời hạn sử dụng của huyết tương lên hai tháng. Trong huyết tương cũng chứa các chất chống đông máu và các chất kháng đông. Chức năng này sẽ được kích hoạt khi cơ thể có vết thương chảy máu. Vì vậy nó cực kỳ hữu ích cho những nạn nhân bị chấn thương và chiến tranh.

Những nghiên cứu của ông đã đưa ra giải pháp cho hàng loạt những vấn đề trước đó. Ông đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu dự án máu cho nước Anh (BFB), dự án vận chuyển máu và huyết tương cho các nạn nhân chiến tranh. Vì lúc bấy giờ nước Anh đang trong trận chiến ác liệt với Đức.

Charles R. Drew có niềm hứng thú to lớn với y học truyền máu

Drew đã cùng với các cộng sự lập kế hoạch tổ chức quy trình thu thập, xử lý và lưu trữ một lượng lớn huyết tương để đảm bảo đến Anh an toàn. Chương trình thành công rực rỡ, Hội chữ thập đỏ đã đề nghị Drew bắt đầu một chương trình thí điểm trung tâm hiến máu cộng đồng. Ông đã nghĩ ra sáng kiến dùng các “xe hiến máu” - xe chở máu lưu động có tủ lạnh. Và đây cũng chính là phát kiến mang lại cho ông danh hiệu “cha đẻ của ngân hàng máu”.

Quả ngọt để lại

Không chỉ dừng lại ở cương vị một bác sĩ tài năng, Drew với xuất thân là một người Mỹ gốc Phi, luôn cố gắng đấu tranh chống lại việc loại trừ các bác sĩ da đen khỏi các hiệp hội y tế địa phương, các tổ chức chuyên khoa y tế và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ. Và vì những mâu thuẫn về vấn nạn phân biệt chủng tộc không thể hòa giải với bên Hội chữ thập đỏ, Drew sau đó đã trở về cương vị Trưởng khoa phẫu thuật tại bệnh viện Freedmen, tiếp tục công việc đào tạo các bác sĩ trẻ tiếp bước ông.

Bức tượng tưởng nhớ những đóng góp to lớn của vị bác sĩ đại tài

Ngày 1/4/1950 trên đường lái xe đến một hội nghị, Drew đã gặp một tai nạn xe hơi nghiêm trọng. Và sự cố này cũng đã cướp đi của nhân loại một vị bác sĩ lỗi lạc. Người đàn ông vĩ đại này được đặt tên cho một ngôi trường Đại học tại Los Angeles - Charles R. Drew University of Medicine and Science. Tuy ông đã qua đời, nhưng những phát kiến của ông trong y học vẫn đang được các thế hệ bác sĩ kế nhiệm nghiên cứu và phát triển từng ngày. Cũng như những nỗ lực của ông trong việc khẳng định tài năng và vị thế của những người Mỹ gốc Phi vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều người da màu không chỉ ở Hoa Kỳ mà trên toàn thế giới.