VĂN HÓA

Nghệ thuật làm hoa giấy tại làng nghề 400 năm ở Huế

Cẩm Chi • 06-06-2023 • Lượt xem: 1341
Nghệ thuật làm hoa giấy tại làng nghề 400 năm ở Huế

Trải qua 4 thế kỷ, làng hoa giấy Thanh Tiên không chỉ lưu giữ nét đẹp tâm linh trên bàn thờ gia tiên mà còn là tác phẩm nghệ thuật đậm bản sắc văn hóa cổ truyền của xứ Kinh kỳ.

Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10 km, làng Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế nổi tiếng với nghề làm hoa giấy có lịch sử hàng trăm năm nay, được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2013 và trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng. 

Biểu tượng triết lý văn hóa Việt

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên đã có trong danh mục thống kê các nghề thủ công từ thế kỷ 16-19, từ thời các chúa Nguyễn.

Tương truyền, sau khi vua Gia Long thu giang sơn về một mối, nhân lễ Thượng tuần, nhà vua ban chiếu đề nghị mỗi một trấn đem về kinh thành một loài hoa quý. Trong triều đình có một vị quan người làng Thanh Tiên, dâng lên nhà vua một loài hoa ngũ sắc với ý nghĩa Tam Cương - Ngũ Thường: “Ba cành hoa ở giữa tượng trưng cho Trung - Hiếu - Nghĩa. Trong đó luôn có một chiếc hoa màu vàng hoặc đỏ được làm to nhất tượng trưng cho đấng minh quân, còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín”.  Khi nghe trình bày ý nghĩa, vua ban chiếu khuyến khích làng Thanh Tiên làm hoa giấy để bày biện, bán lên kinh đô và phổ biến nghề cho mọi người. 

Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên với các loại hoa đủ màu sắc rực rỡ

Từ đó, các loại hoa giấy như Bông Lùng, Hoa Tre sử dụng ở nhiều không gian, được trang trọng để ở những nơi tôn nghiêm như bàn thờ ông bà, tổ tiên, lễ chùa chiền (Trang Ông, Trang Bà, Am cảnh và Ông táo). Các loại hoa: lan, huệ, hồng, cúc, dã quì, … thường phục vụ cho nhu cầu thờ tự, lễ nghi và trong dịp Tết. Hoa giấy Thanh Tiên không chỉ đơn thuần là một nét đẹp nghệ thuật mà còn in đậm triết lý Nho học. Vì ý nghĩa tâm nên hoa giấy Thanh Tiên tuy không có hương nhưng vẫn mang cái "thần" của nó.

Những cánh hoa nhiều màu sắc còn là biểu tượng cho triết lý Nho học.

Hàng năm vào Tết nguyên Đán, chúng ta đều bắt gặp những bông hoa giấy, nhất là hoa sen rực rỡ sắc màu được bày bán ở chợ làng quê và các chợ nơi phố thị. Ngoài ra, hoa còn được dùng làm trang trí trong gia đình, quán cà phê, nhà sách, nhà hàng truyền thống… Cứ như thế, hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay đã trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và đã lan tỏa ra các tỉnh lân cận.

Nghệ thuật của sự tỉ mỉ, tinh tế

Một điểm đặc trưng của hoa giấy Thanh Tiên đó là tất cả các công đoạn sản xuất đều hoàn toàn được làm thủ công. Người dân tận dụng những nguyên liệu sẵn có ở vùng mình như cây lùng, cây tre để tạo nên những Bông Lùng, Hoa Tre hay còn gọi là Hoa Đũa và nhuộm màu ngũ sắc. Để làm được cành hoa, người thợ phải chuẩn bị các công đoạn từ mấy tháng trước khi Huế vào mùa mưa. Tre phải lựa những cây thuộc loại lồ ô dẻo dai nhất, chẻ nhỏ vót tròn, rồi đem phơi khô làm cành và cuống hoa.

Công đoạn phết màu cho giấy và phơi khô trước khi tạo hình.

Nghề làm hoa giấy đòi hỏi cao tính kiên nhẫn và tỉ mỉ. Giấy màu phải cắt thành hình bông hoa, dán hồ tạo hình, ghép nhuỵ tạo thành từng bông hoa rồi sau đó ghép hoa vào cành. Bí quyết làm hoa giấy tập trung ở khâu nhuộm màu, sao cho giấy giữ được màu sắc lâu bền. Người làm hoa không sử dụng hóa chất công nghiệp, mà dùng các nhựa cây và lá cây để chế tạo thuốc nhuộm theo kiểu gia truyền. Chính vì sự cầu kỳ, chăm chút mà mỗi ngày mỗi người thường chỉ làm 15-20 bông.

Với óc tưởng tượng phong phú và bàn tay khéo, nghệ thuật, những nghệ nhân đã mô phỏng các loại hoa có ở tự nhiên như: Hoa loa kèn, hoa cúc hoa tường vi, hoa quỳ và hoa sen. Trong đó, hoa sen thường được ưa chuộng nhất bởi vẻ đẹp thanh lịch, giống y như hoa thật. Hơn nữa, ở làng chỉ có khoảng 10 hộ làm được hoa sen giấy đẹp chất lượng.

Hoa sen giấy luôn được nghệ nhân chăm chút tạo hình như hoa sen thật.

Mỗi dịp cúng lễ, dù đã mua rất nhiều hoa tươi nhưng người Huế vẫn không quên mua vài cành hoa giấy làng Thanh Tiên để dâng lên thần linh, tổ tiên, am miếu… Vào dịp lễ tế Nam Giao, dân làng Thanh Tiên làm hàng ngàn bông sen màu trắng và màu hồng để trang hoàng trên đàn tế trong những ngày đại lễ. Sen giấy đã được cách tân làm biểu tượng trong các lễ hội lớn như Festival Huế, lễ hội áo dài, các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật và được trưng bày ở Đại Nội - Huế…

Những cành hoa giấy được nhiều người dân yêu thích tìm mua trong nhiều dịp đặc biệt.

Giờ đây, những đóa sen đã vượt qua làng quê thanh bình để đến những chân trời mới, trở thành mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng của cố đô. Du khách đến Huế trong các dịp Festival làng nghề truyền thống thường chọn ghé thăm làng hoa giấy Thanh Tiên như một địa chỉ du lịch hấp dẫn để tìm hiểu đời sống văn hóa của một ngôi làng cổ bình yên hàng thế kỷ tại xứ cố đô.