Nhóm các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành nghiên cứu và chuyển đổi polyetylen trong nhựa đã qua sử dụng thành axit béo, một trong những thành phần không thể thiếu của xà phòng. Đây chính là khám phá tuyệt vời góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm nhựa đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
Thực trạng rác thải nhựa hiện nay trên thế giới
Rác thải nhựa là toàn bộ những sản phẩm từ nhựa không còn giá trị sử dụng và được con người thải ra môi trường. Các loại rác thải bằng chất liệu nhựa có đặc tính không thể phân hủy trong nhiều môi trường và chúng sẽ tồn tại ở đó trong thời gian rất dài (thông thường chiếm thời gian từ 50 năm đến 1000 năm).
Thời gian phân hủy của các loại rác thải nhựa.
Dựa trên báo cáo của Liên Hợp Quốc, hàng năm cả thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa. Trong số đó, hơn 80% lượng rác nhựa bị chôn lấp hoặc vứt ra môi trường, chỉ ít hơn 10% được tái chế.
Thực trạng rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu.
Ô nhiễm rác thải nhựa nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung đang ảnh hưởng nặng nề đến đời sống con người. Nó kéo theo biến đổi khí hậu, thiên tai và gây ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm.
Có thể biến rác thải nhựa thành xà phòng?
Nhựa có tính chất hóa học tương tự như axit béo, sự giống nhau này cho thấy có thể chuyển đổi polyetylen thành axit béo, sau đó dùng axit béo này để sản xuất xà phòng. Đây là chia sẻ của PGS hóa học Guoliang Liu (Đại học Bách khoa Virginia) và cũng là tác giả của nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Science. Vấn đề ở đây là các phân tử nhựa có kích thước rất lớn, khoảng 3.000 nguyên tử carbon, trong khi các phân tử axit béo thì lại có kích thước nhỏ hơn nhiều.
Giải pháp này được PGS Liu phát hiện một cách tình cờ trong một ngày đặc biệt. Đó chính là đêm Giáng sinh, khi ông đang ngắm ngọn lửa trong lò sưởi. Khi củi cháy sẽ có khói, khói này được hình thành từ các hạt gỗ nhỏ. Và rồi ông tự hỏi liệu khi nhựa được đốt, các phân tử nhựa có bị bẻ gãy thành những phần nhỏ hơn tương tự như thế hay không.
Ông Liu giải thích rằng, thành phần của củi chủ yếu là polymer như cellulose. Khi bị đốt, các polymer bị phá vỡ thành các chuỗi ngắn, sau đó nữa là thành các phân tử khí nhỏ, cuối cùng là bị oxy hóa hoàn toàn thành carbon dioxide. Với các phân tử polyetylen trong nhựa, nếu chúng ta phá vỡ tương tự như đốt gỗ nhưng sẽ dừng quá trình trước khi chúng bị phân hủy thành các phân tử khí thì sẽ thu được các phân tử polyetylen chuỗi ngắn.
Sau đó, PGS và các đồng nghiệp của ông đã chế tạo ra một lò phản ứng có thể đốt cháy nhựa một cách an toàn. Nhiệt độ trong lò được thiết kế vừa đủ nóng để phá vỡ các phân tử polymer những không để chuỗi phân tử này phân hủy hoàn toàn. Cuối cùng các nhà khoa học đã thu thập những phần còn lại sau quá trình đốt và tìm thấy sản phẩm polyetylen chuỗi ngắn chính là sáp.
Các nhà khoa học đã dùng sáp này để chế biến xà phòng, họ đã tạo ra được loại xà phòng từ nhựa đầu tiên trên thế giới và có màu sắc vô cùng độc đáo. Đặc biệt, ưu điểm của phương pháp này chính là có thể tạo ra xà phòng từ nhựa đã hết hạn sử dụng và không thể tái chế lại theo cách thông thường.
Các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp chế biến xà xòng tự nhựa đã qua sử dụng không thể tái chế.
PGS Liu cho biết có thể dùng phương pháp tạo ra xà phòng trên hai loại nhựa phổ biến gồm polyetylen và polypropylen. Đây chính là hai loại nhựa được sử dụng rộng rãi hiện nay, chúng chiếm khoảng một nửa trong tổng số rác thải nhựa trên toàn cầu.
Ô nhiễm từ rác thải nhựa hiện đang là một thách thức lớn của nhân loại, là vấn đề cấp bách mà con người đang phải đối mặt. Biện pháp tốt nhất để hạn chế tình trạng này cần có sự nỗ lực không ngừng từ chính bản thân mỗi người trong cộng đồng xã hội, và giảm thiểu sử dụng nhựa là một trong những giải pháp được khuyến khích.