VĂN HÓA

Ngôi chùa kiến trúc Thái Lan giữa Sài Gòn được tạp chí Mỹ vinh danh

Cẩm Chi • 22-11-2022 • Lượt xem: 862
Ngôi chùa kiến trúc Thái Lan giữa Sài Gòn được tạp chí Mỹ vinh danh

Chùa Bửu Long tọa lạc ở quận 9 được tạp chí National Geographic của Mỹ bình chọn là một trong những công trình Phật Giáo có thiết kế đẹp nhất thế giới. Ngôi chùa gần trăm năm tuổi sau nhiều lần trùng tu đã rực rỡ tráng lệ với các công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc phật giáo Nam Tông. Thế nhưng nơi đây vẫn giữ được nét cổ kính, tịnh tâm của một ngôi chùa lâu đời.

Ngôi chùa từ thế kỷ trước

Chùa Bửu Long được thành lập vào năm 1942. Tên gọi đầy đủ của chùa là thiền viện Tổ Đình Bửu Long. Thế nhưng người dân địa phương và phật tử quen thuộc thường gọi ngắn gọn là chùa “Thái Lan” bởi kiến trúc đặc trưng của nơi này.

Nằm trên một ngọn đồi nhỏ cách trung tâm Sài Gòn khoảng 20km, chùa là chốn bình yên được nhiều người dân thành phố và các vùng lân cận tìm đến mỗi khi muốn lễ phật hay chỉ đơn giản là tìm sự bình an trong tâm hồn.

Chánh điện chùa Bửu Long đơn giản nhưng uy nghiêm.

Cách đây đúng 80 năm, chùa Bửu Long được đặt những viên gạch đầu tiên. Đến năm 2007, chùa được trùng tu, sửa chữa, xây dựng khang trang hơn. Cái hay là Bửu Long Tổ Đình vẫn giữ được nét cổ kính của một ngôi chùa nhiều lâu đời nhờ sự tính toán thiết kể cẩn thận, chỉn chu.

Khuôn viên rợp bóng cây

Ngay khi bước vào chùa, du khách sẽ bắt gặp từng hàng cây xanh tỏa bóng mát. Chúng là những “máy điều hòa thiên nhiên” giữ không khí trong chùa luôn được mát mẻ, trong lành, tách biệt hẳn với không khí nóng bức khói bụi bên ngoài.

Nhờ được xây dựng xây dựng từ rất lâu trước đây, ngôi chùa nằm hẳn trên một ngọn đồi nhỏ cạnh sông Đồng Nai. Trải qua nhiều đời chư tăng (ni) đã cố gắng giữ gìn thì cảnh quan nơi đây vẫn giữ được nét cổ kính như xưa. Có những cây xanh đã có từ khi chùa mới thành lập cách đây 80 năm.

Hàng cây xanh tạo “kết giới” ngăn cách chùa và môi trường khói bụi bên ngoài.

Khi chùa trùng tu, toàn bộ cây cổ thụ nơi đây được giữ lại, thậm chí trồng thêm cây xanh. Những kiến trúc cũ cũng được khéo léo sửa chữa, tu bổ chứ không xóa hết xây mới lại từ đầu. Những công trình mới cũng được tính toán cẩn thận để hài hòa với cảnh vật xung quanh. Mật độ xây dựng nơi đây chỉ chiếm khoảng 30% diện tích. 70% còn lại của toàn bộ khuôn viên 11ha tràn ngập cây cỏ hoa lá.

Kiến trúc mang đậm màu sắc phật giáo Nam Tông

Tổng thể các kiến trúc trong khuôn viên chùa là sự kết hợp của phật giáo Nam Tông và tinh hoa phong cách kiến trúc Việt Nam. Du khách tham quan có thể bắt gặp đường nét quen thuộc của những ngôi chùa bên Lào, Thái, Ấn tại đây: màu vàng là màu sắc chủ đạo, các pho tượng, đường nét điêu khắc, những tòa tháp, đỉnh chóp tròn nhọn...

Pho tượng mang dấu ấn kiến trúc phật giáo Nam Tông.

Một công trình kiến trúc đẹp luôn cần sự tỉ mỉ trong từng chi tiết. Và đó là điều chùa Bửu Long đã làm được. Từ việc phối vị trí đặt các công trình kiến trúc, kết hợp giữa công trình và cây xanh, cho tới các chi tiết điêu khắc nhỏ... tất cả đều được thực hiện hết sức chỉn chu. Vì vậy, nơi đây không chỉ thu hút phật tử mà còn là điểm chụp hình yêu thích của không ít bạn trẻ.

Bảo Tháp Gotama Cetiya mỹ lệ và uy nghi

Công trình kiến trúc nổi bật nhất của chùa Bảo Long chính là Gotama Cetiya. Ngôi bảo tháp mỹ lệ, nổi bật, đẹp rực rỡ giữa rừng cây cổ thụ xung quanh. Tháp cao tới 56m, bao gồm nhiều tầng và có sức chứa 2000 người. Đây có thể xem là một trong những ngôi bảo tháp lớn nhất Việt Nam.

Phía trước bảo tháp là hồ bán nguyệt nước trong vắt.

Tòa bảo tháp được thiết kế với màu trắng chủ đạo. Trên đỉnh là các chóp có màu vàng rực rỡ. Sự kết hợp màu sắc đơn giản nhưng tinh tế làm tháp Gotama Cetiya nổi bật một cách sang trọng, nhất là vào những thời khắc ngập tràn ánh nắng.

Phía trước tòa tháp, trong hồ bán nguyệt có một đài phun nước. Mỗi khi nó hoạt động (định kỳ phun) sẽ tạo nên những khoảnh khắc giao thoa giữa ánh nắng và tia nước rực rỡ sắc màu. Hầu hết bức tường xung quanh tòa tháp được chạm trổ tinh tế. Một số chỗ có các ngôi tượng được đặt cực kỳ hợp lý. Tất cả đã tạo nên vẻ tráng lệ, nguy nga cho cả tòa bảo tháp.

Những câu chuyện nhân văn, gần gũi 

Mặt trước chính điện có một đàn ong làm tổ trên bức tường. Thế nhưng các sư thầy không hề xua đuổi chúng mà để bảng cảnh báo du khách. Điều này vừa giúp đàn ong có thể tiếp tục sinh sống, vừa cảnh báo để phật tử không bị nguy hiểm. Hành động nhỏ nhưng cho thấy được tinh thần nhân văn nhà Phật.

Đàn ong vui vẻ với “ngôi nhà” ngay mặt trước chính điện.

Bên cạnh đàn ong, chùa Bửu Long còn có nhiều chú mèo trong khuôn viên. Con nào con nấy đều tròn tròn, sạch sẽ và hiếu khách, sẵn sàng để người khác cưng nựng. Tuy nhiên du khách không nên cho chúng ăn để tránh béo phì.

Hình ảnh một chú mèo lười biếng lúc hoàng hôn thật bình yên.

Một trải nghiệm đáng để thử khác ở chùa Bửu Long là đi bộ trong khuôn viên chùa lúc hoàng hôn. Khi đó, khách thập phương đã gần như không còn, ngôi chùa trở nên yên ắng lạ thường, thỉnh thoảng sẽ nghe tiếng bầy chim réo nhau về tổ, hay tiếng quét lá xa xa vọng lại. Đó là khoảnh khắc chỉ có bản thân giữa đất trời, khoảnh khắc đủ bình lặng và tịnh tâm để ta nhìn lại chính mình, để tận hưởng sự bình yên sau những giờ phút bon chen ngoài xã hội.