VĂN HÓA

Ngôi nhà hoang giữa thác đổ rừng sâu và những pho tượng kỳ lạ (1)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 22-04-2022 • Lượt xem: 2117
Ngôi nhà hoang giữa thác đổ rừng sâu và những pho tượng kỳ lạ (1)

Trong giới chơi đồ cổ vẫn truyền tụng câu "Vật báu tìm người" ngẫm nghĩ lại thấy rất đúng. Bởi những pho sách quý, dĩa nhạc, bình gốm... phiêu lưu theo thời gian chân trời góc bể, chẳng biết nơi đâu bỗng một hôm về tay chơi nào đó. Ngẫu nhiên hay định mệnh? Làm sao trả lời được câu hỏi tại sao nhiều kẻ tìm kiếm mà "vật báu" chỉ chọn ai đó để "thuộc về"? 

Tin và bài liên quan: 

Nàng Kiều trong bộ tranh độc đáo của họa sĩ Lê Thiết Cương

Bức ảnh cuối cùng tôi chụp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Thời gian cuồng nộ - Tùy bút Nguyễn Hữu Hồng Minh

Một đốm lửa phản tỉnh - Tùy bút Nguyễn Hữu Hồng Minh

Thơ, những bí mật nội thể, là ý nghĩa sự sống - Tiểu luận

Mà đôi khi chính kẻ ấy cũng chưa hình dung ra để chờ đợi nó... Vì thế những câu hỏi hay thắc mắc đó đến nay vẫn lưu truyền trong giới sưu tập bằng những câu chuyện ly kỳ. Câu chuyện sau đây là một ví dụ...


Ngôi nhà hoang tàn giữa rừng sâu từ lâu không có người ở (Ảnh: Đông Dương)

Nguyễn Trọng Hiệp là một nhà sưu tập trẻ nặng lòng với văn hóa miền Nam. Tôi đã từng có bài viết về anh trên báo điện tử Một Thế Giới. Có một điều rất lạ tuy không học văn chương hay thư viện, những ngành học vốn gần với đam mê sưu tầm - anh tốt nghiệp thủ khoa trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. 

Tiến sĩ văn chương Hoàng Kim Oanh gọi Hiệp là "người nâng niu hồn xưa". Câu chữ thật gợi và đầy cảm giác. "Nâng niu hồn" mà có thật! Rất nhiều tư liệu quý từ bản đồ, tạp chí, tranh ảnh, dàn máy cũ... được Hiệp sưu tầm từ khắp ngõ ngách Sài Gòn đem về tỉ mẩn phục dựng lại. Có những tác phẩm công bố bản in đợt đầu tiên hay vẫn còn nguyên thủ bút, ghi chú của các nhà văn, nhà thơ như Xuân Diệu, Hồ Dzếnh, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Cung Tiến, Đông Trình... Các băng cối, các bản thu đặc biệt của các danh ca Thanh Thúy, Khánh Ly, Khánh Ngọc, các đĩa của các nhạc sĩ Lê Uyên Phương, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Phạm Thế Mỹ... theo thời gian ố màu nhưng như vẫn còn nguyên nét kiêu bạt, sang trọng, dấu ấn khó phai cho dù vàng son đã trôi nổi bao năm tháng...


Trước mặt ngôi nhà hoang giữa rừng sâu là một con suối với dòng chảy cuồn cuộn thác đổ như tiếng kêu xé thời gian đêm ngày...

Ở nhà Hiệp có một phòng văn anh để nhiều đồ sưu tầm rất quý như dĩa máy cổ, băng từ, bưu ảnh, nhạc bướm... Nhiều lần chúng tôi đàm đạo với nhau giữa hương trầm để nghe những tiếng hát từ những dĩa hát cũ khàn khàn, khê đục vọng lên u buồn làm tôi cứ tưởng những tiếng rên từ những cổ họng bị cắt đứt. Nói chung không khí rất huyền ảo và liêu trai. Một lần tôi hỏi Hiệp về sưu tập có phải "vật quý tìm người" hay "người tìm vật quý"? Hiệp trầm tư một lúc lâu mới trả lời, có thể là cả hai. Mình muốn đi tìm nhưng không có duyên thì không đạt. Còn nếu đủ duyên thì bỗng dưng nhiều vật quý tìm đến mình không mong đợi.


Nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp (trái) và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh đạp xe đi khám phá ngôi nhà hoang có những pho tượng kỳ lạ bên thác nước giữa rừng sâu.

Tôi nói với Hiệp là tôi rất tò mò về chữ duyên này. Ước gì tôi tận mắt chứng kiến chữ "duyên" trong ngữ cảnh mà tôi muốn thật rõ ràng chứ không mơ hồ. Để biết thế giới chung quanh chúng ta hiện hữu vẫn còn những chuyện huyền hồ, tâm linh bí ẩn mà khoa học không thể nào giải thích được. Để con người nên chăng phải sống và giữ trọn chữ "đạo" như ông bà ta đã truyền dạy từ nghìn đời: "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành". 

Ngôi nhà hoang kỳ dị cỏ cây mọc lút đầu người. Chỉ duy nhất còn một tấm rèm cửa sổ trong gió khẽ lay động cho thấy nơi đây từng có hơi ấm của con người...

Tưởng là một câu chuyện vui không ngờ một hôm Nguyễn Trọng Hiệp gọi điện cho tôi báo một tin sửng sốt: "Anh có rảnh để tiếp tục bàn về chữ duyên và "vật tìm người" như anh muốn hôm nào không? Nếu được thì mời anh xuống huyện X, thị xã Y. Em chờ anh ở đây! Chúng ta cùng đi khám phá hay cùng mở đầu chữ duyên trong một cuộc phiêu lưu...".

Gặng hỏi vòng vèo một lúc thì tôi "hé mở" được đôi điều bí mật. Gần đây, Hiệp khai thác một khu đất đã mua khá lâu cùng một người bạn để làm trang trại giữa rừng sâu. Và anh phát hiện ra nhiều chuyện lạ.

Nhưng lạ nhất là anh bất ngờ biết gần chỗ anh có một biệt thự hay là ngôi nhà hoang được chủ nhân xây rất đẹp nhưng không hiểu sao bỏ trống, hoang tàn không ai ở. Nhiều người dân nói rằng trong ngôi nhà có rất nhiều tượng đầu người tạc cực kỳ "sắc sảo", "hệt như thật" nhìn lạnh gáy. 


Nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp phải phát cỏ hoang mọc lút đầu gối mới rẽ được một lối đi vào ngôi nhà hoang đã từ lâu bỏ quên giữa rừng, bên thác nước réo đổ... 

Hiệp vốn có duyên với đồ cổ. Anh nhiều lần "linh ứng" nhiều điều, nhiều vật kỳ lạ tìm đến mình. Nhưng có lẽ chuyện một ngôi biệt thự bỏ hoang, từ lâu không bóng người ở, nhiều tượng đầu người "lạnh gáy" bên một dòng suối nước chảy mạnh như thác kêu gào la hét đêm ngày không ngừng. Đã thế, ngôi nhà hoang này lại ở gần trang trại anh và người bạn đang cho "phát quang" để cuối tuần có thể gia đình hay mời bạn bè thân về nghỉ ngơi là một điềm lành hay điềm dữ?

Tô đã đồng ý với nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp sẽ thu xếp công việc viết lách để cuối tuần có thể xuống huyện X, thị xã Y. cùng anh khám phá câu chuyện huyền hồ, thực hư này...

(Xem tiếp phần 2)

Bình An Gia Trang, tháng 3.2022