VĂN HÓA

Nàng Kiều trong bộ tranh độc đáo của họa sĩ Lê Thiết Cương

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 18-04-2022 • Lượt xem: 2922
Nàng Kiều trong bộ tranh độc đáo của họa sĩ Lê Thiết Cương

Họa sĩ Lê Thiết Cương với tôi là một ấn tượng nghệ thuật. Anh là người luôn trăn trở với khát vọng tìm kiếm, làm mới lại bản thể chính mình. Mỗi việc anh đã quyết định làm đều đặt hết chữ tâm vào đó. Vẽ Kiều và triển lãm Kiều của anh vừa khai mạc tại gallery Thăng Long (Hàng Gai - Hà Nội) trung tuần tháng 4.2022 ngỡ đề tài đã cũ nhưng không lại rất mới. 

Tin và bài liên quan: 

Gió Hoan: Bốn gương mặt như bốn cơn gió lạ của văn chương

Đinh Phong, một ấn tượng nghệ thuật (Kỳ 1)

Triển lãm 'Vết căn nguyên' của họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn

Họa sĩ Đào Thành Dzuy với 'Dzó Tháng Tư': Vẻ đẹp của sen và thiếu nữ

Họa sĩ Trần Nhật Thăng: 'Miền không' hay hạnh phúc là được tìm

Ra Hà Nội lần nào tôi và họa sĩ Đinh Phong cũng lững thững bát phố và tìm đến chơi, uống rượu với anh ở Gallery 39, phố Lý Quốc Sư. Thật thú vị khi mục kỉnh ở không gian văn hóa này nhiều sưu tập của anh rất công phu và độc đáo. Đó là tranh, gốm, tượng và sách. Chỉ riêng về sách thôi đã thấy giá trị của việc sưu tầm công phu của họa sĩ Lê Thiết Cương.


Một số bản Kiều và nghiên cứu về Truyện Kiều của Nguyễn Du trong bộ sưu tập quý hiếm.  

Nghiên cứu về "Truyện Kiều" của thi hào Nguyễn Du phải nói là khá nhiều trong và ngoài nước. Riêng về bản dịch "Kiều" đã được chuyển ngữ qua nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Nga, Tiệp Khắc, Rumani,... và nhiều nước khác. Vẽ minh họa Kiều theo từng bản dịch, thứ tiếng phải nói là rất phong phú và độc đáo. 


Một bức tranh vẽ Kiều của họa sĩ Lê Thiết Cương trong triển lãm  

Họa sĩ Lê Thiết Cương có lẽ là người khảo cứu và tham cứu nhiều nhất các bản dịch và minh họa Kiều trong bộ sưu tập khá công phu của anh mà tôi may mắn được mục kỉnh. Để anh đã chọn cho mình một các tiếp cận truyện Kiều và vẽ Kiều tối giản. Đó là bỏ qua những chi tiết rườm rà, phóng đãng mà đi thẳng vào những chi tiết nổi bật của cấu trúc. Vì thế mỗi bức tranh là một đột phá ý tưởng mới mẻ. 

"Vẽ Kiều là gì? Truyện Kiều là ga khởi hành nhưng đích đến dứt khoát phải là hội họa, phải là vẻ đẹp của chữ nghĩa đã được chuyển soạn thành vẽ đẹp của ngôn ngữ tạo hình..." - Quan điểm của họa sĩ Lê Thiết Cương khi vẽ Kiều.  

 Vì thế, trong triển lãm "Kiều" của họa sĩ Lê Thiết Cương đã có nhiều bức tranh đẹp. Không dừng lại ở đó, tranh Kiều của anh đã đem lại rất nhiều cảm xúc mới cho người thưởng ngoạn dù tác phẩm đã viết cách đây hàng trăm năm.

Để làm mới được điều đó trong nghệ thuật không dễ mà cần phải có một nghệ sĩ tài năng. Lê Thiết Cương là một tài năng lớn khi vẽ Kiều trong ngôn ngữ tạo hình của riêng anh và chính anh.


Một tác phẩm trong triển lãm của họa sĩ Lê Thiết Cương

Tôi từng viết tặng anh một bài thơ mà tạp chí "Viết & đọc" đã giới thiệu. Bài thơ có nhan đề "Gửi Lê Thiết Cương":  

Gửi họa sĩ Lê Thiết Cương 

Ở nhà của người nhiều sách
Không biết chỗ ngồi của mình thực sự ở đâu? 
Hãy thật khẽ và hãy nhín sát vào nhau
Tránh đừng làm đau sách

Ở nhà của người nhiều sách 
Ly rất ít mà khách lại quá đông
Bóng là người hay người là bóng? 
Rượu chủ nhân hào hiệp rót ra
Môi người đẹp nào vừa chạm rất thơm

Ở nhà của người nhiều sách 
Những thế kỷ cứ chất chồng lên nhau
Không có biên giới nào cho những trang văn
Thời gian rọc hai đường ray song song 
Những câu thơ nhìn xuống như ánh trăng

Ở nhà của người nhiều sách 
Albert Camus vẫn trầm tư
"Sứ mệnh văn nghệ hiện đại"
Píp trên miệng tỏa khói 
Jean-Paul Sartre càng "Buồn nôn" càng hoài nghi 
Bập tẩu cho khói cuộn nhiều hơn
Arthur Rimbaud đánh lại đôi giày 
quyết đi tiếp "Một mùa địa ngục"
Bên đường Garcia Marquez vẫn hoài 
một "Trăm năm cô đơn"

Nhà của người nhiều sách 
Nguyễn Bắc Sơn lim dim
"Ở đời như một nhà thơ Đông Phương"
Đặng Đình Hưng vẫn "Ô mai" thèm ăn cả một cái chợ 
Đỗ Hoàng Diệu bị hiếp trong "Bóng đè", 
Tô Thuỳ Yên "Thắp tạ"
Nguyễn Quang Thiều từ châu thổ trở về đứng chờ "Những người đàn bà gánh nước sông" 

Văn Cao vẫn mơ trong rừng sâu lá sa-mu gọi mưa, 
ngoài biển xanh lá phi lao gọi mặt trời 
Bàn tay chống cằm lá rũ...

Ở nhà của người nhiều sách
Những câu chuyện rì rầm như tiếng kinh cầu 
Ngay cả tiếng bật nắp chai whisky Macallan từ Columbia British cũng rất khẽ
Cẩn trọng vì Alexis Zorba đảo Crete và Nikos Kazantzaki vẫn còn đối ẩm rất gần đâu đó...
"Này con lừa cái! 
Cuộc sống quá ngắn ngủi! 
Hãy dạng chân ra!"...


Tranh Kiều của họa sĩ Lê Thiết Cương 

Ở nhà của một người nhiều sách 
Ngón Chopin vẫn lả lướt chải chuốt 
Thư phòng huyền hoặc như thánh đường 
Những bức tranh tỏa như ánh sao

Cả chủ nhân lẫn khách mời quên chỗ của mình đang ở đâu? Bởi tất cả cùng trên con tàu chìm đắm vào thế giới tưởng tượng của giấc mơ sẽ viết!…

(Hà Nội, đêm phố Lý Quốc Sư, 3.11.2019)