VĂN HÓA

Triễn lãm 'Vết căn nguyên' của họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 30-03-2022 • Lượt xem: 1362
Triễn lãm 'Vết căn nguyên' của họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn

Triển lãm “Vết căn nguyên” trưng bày bộ sưu tập 28 bức tranh sơn dầu khổ lớn của họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn vừa khai mạc chiều 27/3 tại Mây Artspace (36/70 Nguyễn Gia Trí, phường 25, Q. Bình Thạnh, TP.HCM). Đồng thời, tại triển lãm, họa sĩ giới thiệu tới công chúng đọc tập sách mỹ thuật “Vết căn nguyên”.

Tin và bài liên quan: 

Tình khúc 24, thi sĩ Dương Tường và Dương cầm lạnh

Bóng tối cuộc đời phía sau câu thơ 'Nỗi nhớ mùa đông'

Khai mạc triển lãm 'Mùa nước nổi' của họa sĩ Ca Lê Thắng tại Hà Nội  

Triển lãm cá nhân họa sĩ Trần Hải Minh tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Nguyễn Vũ, tác giả 'Bản Thánh ca buồn' và nỗi buồn người Nghệ sĩ

Huỳnh Lê Nhật Tấn sinh năm 1973, sống và làm việc tại Đà Nẵng. Sau hai tập thơ tự do Men da (2009) và Que than (2017), anh vừa xuất bản tập sách mỹ thuật Vết căn nguyên (tháng 3/2022). Cả thơ và hội họa, Huỳnh Lê Nhật Tấn đều đến bằng con đường tự học và khổ luyện trong nhiều năm liên tục.

Họa sĩ đã lựa chọn để mang tới triển lãm 28 bức tranh trưng bày trong Vết văn nguyên. Triển lãm cá nhân lần đầu của Huỳnh Lê Nhật Tấn hồi năm 2007 đã được thực hiện với thể loại tranh thơ art graphic Dấu nối sinh tồn, diễn ra tại Viet Art Centre (42 Yết Kiêu, Hà Nội).


Trú xứ - Sơn dầu trên bố, 160 x 90 cm, 2015 - Tranh Huỳnh Lê Nhật Tấn

Huỳnh Lê Nhật Tấn cũng đã có các triển lãm nhóm như sắp đặt nghệ thuật thơ Trong bé nhỏ đến rộng lớn (2010) tại Văn Miếu, Hà Nội. Trình diễn và sắp đặt thơ Những nấc thang (2010) tại Festival Huế, Thừa Thiên - Huế. Triển lãm Mỹ Sơn - cảm xúc mới (2013) tại Mỹ Sơn, Quảng Nam…


Họa sĩ, nhà thơ Huỳnh Lê Nhật Tấn chụp ảnh cùng nhà phê bình Đặng Tiến (Pháp)

Nhà phê bình Đặng Tiến (Pháp) đã có một bài viết giới thiệu về thế giới tranh của Huỳnh Lê Nhật Tấn: "Xưa nay, nghệ thuật vẫn có chức năng soi sáng, đưa từ bóng tối ra ánh sáng những sự vật, tâm cảnh chìm khuất. Tranh Tấn là những u uẩn của tâm linh.

Trong nghĩa này, họa phẩm của anh gần với bi kịch Hy Lạp thời đầu tiên. Khi sân khấu còn là một sinh hoạt tôn giáo, nó đầy rẫy những bạo lực tàn nhẫn, những đam mê đen tối, những tội lỗi ác liệt. Nó có tác dụng thanh lọc tâm linh. Bi kịch, thời đó là một phương cách tẩy trần Katharsis.

Tranh Tấn có không khí bạo liệt ấy, thêm một ít ám ảnh tình dục. Với Tấn, vẽ là sáng tạo, đồng thời là giải thoát, là giải phóng những u uẩn, bất bình, ẩn ức sinh lý xen với nhiều khát vọng. Nhân vật bi kịch Hy Lạp tuyệt vọng trước định mệnh, nhưng màu sắc trong tranh Tấn còn lóe lên một thoáng ước mơ - nguồn sáng ấy cũng phù hợp với tâm thức con người hiện đại đã thoát ly ra cõi thần quyền..."

Tranh Huỳnh Lê Nhật Tấn cho thấy sự bưng thức ngột ngạt của nội tâm một ngày bùng nổ túa lúa trên màu sắc. Đó là một quá trình ấp ủ sinh nở vận hạn dài ngày.

Đó cũng là nguyên lý vận hành của sáng tạo cô độc như Vincent Van Gogh đã chỉ “Những bức tranh cũng có linh hồn, và linh hồn chúng được lấy từ linh hồn của người họa sĩ” .

Và chính thời điểm này tiếng nói u trầm ấy trong tranh Huỳnh Lê Nhật Tấn đang càng lúc càng sắc nét và sáng rõ. Đi qua những miền tối của vô thức bỗng thấy rõ mình vô sở trú, vô am cầu.

Thế giới đã tràn đầy những lập sắc khoe khoang, những gam màu trưng trổ nô bộc hách dịch. Thì thôi, hãy để những bức tranh hồn nhiên, rêu phong như những bài thơ vậy!

Nguyễn Hữu Hồng Minh