Duyên Dáng Việt Nam

Khai mạc triển lãm 'Mùa nước nổi' của họa sĩ Ca Lê Thắng tại Hà Nội

Đông Dương • 09-12-2021 • Lượt xem: 919
Khai mạc triển lãm 'Mùa nước nổi' của họa sĩ Ca Lê Thắng tại Hà Nội

Sáng nay, lúc 10 h ngày 9.12, triển lãm có chủ đề "Mùa nước nổi" của họa sĩ Ca Lê Thắng đã khai mạc tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu - Hoàn Kiếm - Hà Nội). Ông là họa sĩ có nhiều đóng góp trong giáo dục đào tạo cũng như tiền phong, đổi mới mỹ thuật nghệ thuật Việt nên triển lãm solo đầu tiên của ông đặc biệt gây chú ý trong giới hội họa.   

Tin và bài liên quan:    

Họa sĩ Ca Lê Thắng: 'Mỹ thuật luôn cần những ngọn gió mới'

Đinh Phong, một ấn tượng nghệ thuật (Kỳ 1)

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải: 'Sức hấp dẫn đặc biệt từ những ý tưởng của Họa sĩ...'

Triển lãm tranh họa sĩ Đinh Phong: Sự sửng sốt lớn trong giới mộ điệu

Mấy ghi chú về Điêu khắc Đào Châu Hải: Những ngoại đề (Kỳ 1)

Sinh năm 1949 tại Bến Tre, Ca Lê Thắng theo gia đình tập kết ra Hà Nội năm 1955. Ông theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam từ 1963 đến 1970 (Hệ Sơ Trung 7 năm). Ngay sau khi tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm là giảng viên Hệ Trung cấp, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam từ 1971 đến 1972, sau đó cũng tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam ông theo học Hệ Đại học từ 1972 đến 1976.

1

Trong giai đoạn là sinh viên đại học (1972-1973), ông có đi thực tế sáng tác tại chiến trường Trường Sơn dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Trần Huy Oánh.

Sau ngày thống nhất, Ca Lê Thắng làm việc tại Tp HCM với vai trò giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Tp HCM từ 1976 đến 1988, cùng giai đoạn này (1983) ông có làm việc 1 năm tại Tiệp Khắc (cũ). Giai đoạn 1988 đến 2000 ông là Phó Tổng thư ký thường trực Hội Mỹ thuật Tp HCM. Năm 1974 tại Hà Nội Ca Lê Thắng đã lần đầu tiên tham gia triển lãm mỹ thuật do Hội Văn Nghệ Hà Nội tổ chức, sau khi trở lại miền Nam ông liên tục tham gia các triển lãm mỹ thuật nhiều quy mô ở trong và ngoài nước, đáng chú ý là các triển lãm: Triển lãm nhóm tranh trừu tượng (1992); Triển lãm Nhóm 10 người tại Tp HCM (Nguyễn Trung, Đào Minh Tri, Ca Lê Thắng, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Hoàng Tường, Trần Văn Thảo, Hứa Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Vũ Hà Nam, Nguyễn Thanh Bình) liên tục các năm 1991, 1992, 1993, 1994, 1995. 

Một số triển lãm nhóm tại Singapore, Hàn Quốc. Ca Lê Thắng tham gia nhiều Trại sáng tác Điêu khắc như: Huế (2000), Tp HCM (2003), An Giang (2005), Vũng Tàu (2006), Côn Đảo (2010), Đồng Nai (2011), Ninh Thuận (2014); Các Trại sáng tác Hội họa: Long Xuyên (2013), Đà Lạt (2014), Kiên Giang (2015), Vũng Tàu (2016), Triển lãm mỹ thuật và Workshop quốc tế Hanoi Art Connecting 2019...

Ca Lê Thắng là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông nhận nhiều tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Tp HCM, Hội Mỹ thuật Việt Nam, có tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Tp HCM và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng như nhiều bộ sưu tập tư nhân.

DDVN giới thiệu một số phát biểu, cảm nghĩ, trích đoạn bài viết của một số văn nghệ sĩ về tranh của họa sĩ Ca Lê Thắng.  

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam phát biều khai mạc triển lãm "Mùa nước nổi" của họa sĩ Ca Lê Thắng: - "Triển lãm này là một sự kiện đặc biệt với người yêu mỹ thuật Thủ đô. Ca Lê  Thắng là con người của cái đẹp và đổi mới. "Mùa nước nổi" là nỗi nhớ không nguôi của một họa sĩ dù gắn bó cả phần lớn cuộc đời mình với Hà Nội nhưng vẫn đau đáu một tình yêu quê hương...".   

Điêu khắc gia Đào Châu Hải: "Có tới trên dưới cả trăm tấm tranh khổ lớn nhỏ được Ca Lê Thắng sáng tác theo ý tưởng này từ 5, 6 năm trở lại đây. Ông là họa sĩ có nhiều trải nghiệm nghề nghiệp, từng vẽ theo nhiều bút pháp, theo đuổi nhiều khuynh hướng tạo hình, từ Hiện thực cho tới Lập thể, Trừu tượng… Vậy cái gì làm ông buông bỏ tất cả để bước vào câu chuyện của ngày hôm nay? Động lực nào, khát vọng nào? Phải chăng tiếng gọi từ thiên nhiên hoang dã, cội nguồn văn hóa đã đưa ông trở lại với cảm hứng sáng tác ngày hôm nay?" 

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Duy Thông: "Trong 10 năm, series “Mùa nước nổi” có xấp xỉ 50 tác phẩm, nhiều bức khổ lớn vài mét vuông được vẽ liên tục cho thấy Ca Lê Thắng đã tìm được ngôn ngữ hội họa tâm đắc để ông có thể duy trì mạch sáng tác không ngại bị lặp của mình. Thiên nhiên mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long vừa là ngọn nguồn cảm hứng nghệ thuật vừa tạo ra các chủ đề thỏa mãn phương pháp kỹ thuật và quan niệm tạo hình của Ca Lê Thắng..."

Họa sĩ Lý Trực Sơn: "Sau nhiều miệt mài sáng tác, thể nghiệm, phân vân, chủ đề “Mùa nước nổi” đã đến với ông. Ở mảng tranh này Ca Lê Thắng đã tìm thấy con đường riêng của mình. Người đàn ông Nam Bộ ngang tàng phóng khoáng được trang bị đầy đủ học vấn bắt đầu mở cõi. “Mùa nước nổi” trong tranh của ông không diễn tả mùa nước nổi như nhìn thấy, cũng không phải trừu tượng hóa cái nhìn thấy. Nó phản ánh sự hợp làm một giữa cảnh giới tâm thức của ông với cái bao la mênh mông như thuở ban sơ của quê hương ông. Lý trí và hiểu biết không còn cản trở cảm hứng nghệ thuật và những chớp lóe thăng hoa chỉ đóng vai trò giữ nhịp cho bản rhapsody hội họa..."

Họa sĩ Đinh Phong:  Tôi đã xem tranh họa sĩ Ca Lê Thắng rất nhiều - nhiều giai đoạn nhưng cuồi cùng phải nói ấn tượng nhất với triển lãm này, "Mùa nước nổi". Anh Ca Lê Thắng là người có một bề dày văn hóa, tri thức. Từ năm 6 tuổi anh đã rời quê hương Bến Tre ra Hà Nội trải qua mấy chục năm anh đã trở thành "người Hà Nội chính cống" nhưng tính cách Nam Bộ đã ăn sâu vào tâm hồn anh từ tuổi thơ. Một con người lịch thiệp, hào sảng tri thức với bút pháp trừu tượng biểu hiện, họa sĩ Ca Lê Thắng đã sáng tạo nên những "Mùa nước nổi" như là những mảng ký ức còn lại của một người nghệ sĩ luôn đau đáu nhớ về quê hương..."


Họa sĩ Đinh Phong đang xem tranh cùng họa sĩ Ca Lê Thắng chuẩn bị cho triển lãm "Mùa nước nổi". (Ảnh: Đông Dương) 

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh:  "Thế giới sáng tạo của họa sĩ Ca Lê Thắng khá đặc biệt bởi ông là một người đặc biệt của cả lịch sử và nghệ thuật. Sinh trưởng trong một gia đình trí thức lớn, có truyền thống văn hóa, mặc dù từ đã có thời gian sống và làm việc ở Hà Nội rất lâu nhưng quê hương Nam Bộ với những mùa nước nổi vơi đầy hàng năm, những miệt vườn châu thổ vẫn chập chờn trong giấc mộng, nở đầy hoa trái cho tâm thức và ý thức thế giới sáng tạo của ông...".

Tôi nghĩ sau những bức tranh đẹp, màu sắc bàng bạc trong trẻo vẫn còn giấu kín những lênh đênh thân phận, những triết lý, nỗi niềm của người họa sĩ cá tính, tài năng, một trái tim nghệ sĩ lớn. Với những nhịp đập hoài niệm, tranh Ca Lê Thắng như những sợi tóc bạc thêm màu giữa đêm cố thổ. Tôi đọc thấy trong tranh ông những mùa gió chướng thổi hoang rọc trên những cánh đồng miền Tây nước ròng, nước nổi. Tiếng con bìm bịp kêu buồn giữa đêm tối, những kiếp sống trôi dạt chưa biết về đâu giữa những mùa điên điển lay lung, lênh đênh..."   

Đông Dương