Duyên Dáng Việt Nam

Triển lãm tranh họa sĩ Đinh Phong: Sự sửng sốt lớn trong giới mộ điệu

Trương Nguyên Ngã • 18-06-2021 • Lượt xem: 891
Triển lãm tranh họa sĩ Đinh Phong: Sự sửng sốt lớn trong giới mộ điệu

Đài truyền hình TP.HCM sẽ phát một phim chân dung về Họa sĩ Đinh Phong trong chương trình Tạp chí Văn nghệ sáng Chủ nhật, 20.6 lúc 8h45 trên kênh HTV7. Phát lại buổi chiều cùng ngày lúc 17 h trên kênh Thuần Việt và sáng thứ Sáu tuần sau (25.5) lúc 9h15 trên kênh HTV9. DDVN giới thiệu bài viết mới nhất của nhà biên khảo, nghiên cứu Trương Nguyên Ngã từ Hội An mới gửi về cho tòa soạn về người họa sĩ tài ba này.  

Tin và bài liên quan: 

Nguyễn Hữu Hồng Minh: Đinh Phong, một ấn tượng nghệ thuật (Kỳ 1)

Nguyễn Hữu Hồng Minh: Đinh Phong, một ấn tượng nghệ thuật (Kỳ 2)

Trương Nguyên Ngã, người Hội An viết sách Hội An

Đinh Phong - Tay chơi từ những giấc mơ

Họa sĩ Đinh Phong: 'Tôi nhìn thấy sự sụp đổ của những kiến trúc hoành tráng...'

Sau thành công của triển lãm cá nhân đầu tiên tại Hà Nội “Người Bay và Giấc Mơ Siêu Thực”, Đinh Phong đã trở thành một “hiện tượng đặc biệt” tạo nên một sự ngạc nhiên nếu không nói là một sự sửng sốt lớn trong giới mộ điệu và cả giới sáng tác mỹ thuật chuyên nghiệp nước nhà. Không dừng lại ở đó, Đinh Phong đã nhanh chóng ra mắt công chúng Sài Gòn triển lãm cá nhân lần thứ hai của mình với chủ đề “Giấc Mơ Siêu Thực”.

Đúng như cái tên mang hàm nghĩa là “Gió” của mình, những tác phẩm hội họa, điêu khắc đa chiều kích, đa sắc thái của Đinh Phong đã thực sự mang lại những làn gió mới, mạnh và mát lành trong giới mỹ thuật. Đồng thời ông cũng mang đến những góc nhìn mới cho giới sáng tác và công chúng mộ điệu, cũng là một sự ngạc nhiên thú vị.

Trong phòng trưng bày tác phẩm họa sĩ Đinh Phong tại Bảo tàng Mỹ thuật TpHCM trước ngày khai mạc. Từ trái: Nhà điêu khắc Đào Châu Hải, họa sĩ Ca Lê Thắng, họa sĩ Trần Lưu Mỹ, nhà sưu tập Thanh Hải (Gallery Mai) và họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Lý Trực Sơn.

Chỉ trong một thời gian ngắn “Đùng một cái” cái tên Đinh Phong xuất hiện sừng sững. Ngay lập tức, ông bước chân vào sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp một cách đàng hoàng đầy và tự tin, khiến công chúng mộ điệu và giới sáng tác, phê bình mỹ thuật nước nhà phải tốn nhiều thời gian và giấy mực để giải mã một hiện tượng có tên là “Hiện Tượng Đinh Phong”. Vậy Đinh Phong có gì hay? Vẫn là câu hỏi lớn cho giới mộ điệu.

Để giải mã hiện tượng Đinh Phong trước tiên cần minh định rõ chủ đề triển lãm “Giấc Mơ Siêu Thực”, bởi vì siêu thực là một trường phái trong hội họa nên thoạt tiên không ít người vẫn lầm tưởng những tác phẩm Đinh Phong có xu hướng theo trường phái này. Thực chất, những tác phẩm của ông vốn được sáng tác từ những giấc mơ vốn luôn ám ảnh ông trong một thời gian dài, rất dài. Và cho đến bây giờ Đinh Phong khẳng định vẫn chưa và vẫn sẽ không bao giờ áp đặt lý thuyết tạo hình vào các tác phẩm của mình. Không chấp nhận bất kỳ một sự ràng buộc vô hình hay hữu hình nào, Đinh Phong muốn phát triển tác phẩm của mình một cách hoàn toàn tự do, ngoài khuôn khổ để qua đó có thể tưng tẩy, có thể bay bổng, để có thể thỏa chí với những giấc mơ sắc màu.

Tranh trừu tượng Tam Tam. CL Acrylic trên Canvas. KT 390 x 200 cm. Sáng tác 2021

Ở Đinh Phong có một bề dày kiến thức tự thân tìm hiểu, nghiên cứu sâu về triết học, văn hóa và mỹ thuật trong nước cũng như thế giới qua sách vở, hoặc qua những chuyến đi. Với sự chiêm nghiệm của một người từng trải trên trường đời, tất cả những câu chuyện, những hình ảnh đều được ông ghi sâu vào bộ nhớ suốt gần một đời người. Tất cả đều được hiển chiếu qua lăng kính và kiến thức cá nhân, tích tụ, dồn nén từ rất lâu vào trong tâm thức, từng ngày, từng giờ, để rồi hiển hiện vào những giấc mơ gợi mở ký ức. Và khi sự dồn nén, tích tụ ấy lên tới điểm ức chế tối đa trong một tâm hồn đa cảm, tất nhiên nó…bùng nổ.

Sự đột nhiên bùng nổ của Đinh Phong bằng hai triển lãm đúng tầm đã khiến giới thưởng ngoạn đi từ hoang mang cho đến thú vị, khi họ được nhìn ngắm những tác phẩm mang phong cách cá nhân hoàn toàn tự do của ông. Và tất nhiên nền mỹ thuật nước nhà có thêm một “họa sĩ trẻ” hiện đại với những tác phẩm mang phong cách trừu tượng, cho dù Đinh Phong vẫn luôn cho rằng mình vẽ theo cảm xúc tự thân chứ không hề có ý thức sáng tác theo bất kỳ một trường phái nào.

Đây cũng là một điều khá thú vị khi nó có thể giúp mọi người nhận chân ra rằng, văn học nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng là một không gian vô tuyến tính, vô biên giới. Ở đó mọi suy tư, mọi phát kiến, mọi phong cách nghệ thuật cho dù có thể đối lập nhau đều được dung nạp trên tinh thần tự do học thuật, tự do thể hiện. Tất nhiên để được công nhận, tồn tại và phát triển lên những tầm cao hơn, các tác giả cần phải có đủ đầy nội hàm, nội lực, để tự tin dấn thân vào con đường nghệ thuật. Và những cái đó là gì, nếu không phải là nền tảng và chiều sâu kiến thức của từng cá nhân được tích lũy và chuyển biến thành năng lực sáng tác, như trường hợp của Đinh Phong.

Triển lãm “Giấc mơ siêu thực” đã lôi cuốn rất nhiều bạn trẻ đến xem tranh viết thông tin, check – in trên facebook. Đây là một tín hiệu rất mới mẻ rất khác với những phòng trưng bày tranh tượng vốn khá đơn điệu từ trước đến nay.

Nghiên cứu Dịch Kinh từ khá lâu, những luận lý đối kháng, dung hòa của âm dương, sự biến thiên của tạo hóa, những đối nghịch của các cặp nóng-lạnh, tĩnh-động, thuyết trung dung trong sự cân bằng của vạn vật…đã dần thấm nhuần sâu trong tư tưởng và trở thành tính cách sống của Đinh Phong. Những tính cách ấy, từ sâu trong tâm thức đã trở thành một bản năng, một phản xạ tự nhiên, nên lúc biểu hiện ra bên ngoài ông đã khá khéo léo thoát khỏi sự gượng ép khi xử lý kỹ thuật và màu sắc trong từng tác phẩm.

Bằng nội hàm sẵn có được biến thành cảm xúc tự nhiên của mình, trong nhiều tác phẩm Đinh Phong đã xử lý uyển chuyển những đường nét, màu sắc một cách sinh động đưa người xem vào những cung bậc cảm xúc khác nhau. Những tác phẩm của ông ngỡ chừng như tĩnh nhưng xem kỹ lại thấy động, và ngược lại tưởng như động lại hoàn toàn tĩnh lặng. Đây cũng chính là điều giúp cho các tác phẩm của Đinh Phong không bị rơi vào chủ nghĩa tự nhiên, điều mà nhiều tác giả khác đã vấp phải trong quá trình sáng tác tự do, nhưng lại không có đủ nội hàm về học thuật.

Những tác phẩm vừa được ông sáng tác gần đây đã cho thấy được sự tiết chế rõ ràng sau những bộc khởi phát tiết nhanh của thời kỳ đầu. Màu sắc, đường nét trong các tác phẩm mới của Đinh Phong bắt đầu có xu hướng khai thác chiều sâu của phong cách trừu tượng biểu ý, tuy vẫn vậy nhưng có chút khác biệt so với phong cách trừu tượng bán biểu hình của những tác phẩm được ông sáng tác trước đây. Và đây cũng là những điều được giới mỹ thuật chuyên nghiệp đáng giá khá cao về một tay cọ mới tinh vừa xuất hiện giữa nền mỹ thuật nước nhà.

Vợ chồng nhạc sĩ Trần Quảng Nam (bìa phải) và khán giả xem tranh trưng bày của họa sĩ Đinh Phong tại Bảo tàng Mỹ thuật.

Giới mộ điệu hẳn đã thực sự lạ lẫm và ngạc nhiên trước những tác phẩm điêu khắc của Đinh Phong được trưng bày trong triển lãm. Thông thường theo các quy ước của điêu khắc, các tác giả luôn cố gắng giữ được sự liên kết cần thiết và liên tục trong quá trình tạo hình để tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh trong từng tác phẩm. Ngược lại, trong quá trình sáng tác tự do bất chấp khuôn khổ của mình, những tác phẩm của Đinh Phong lại có thể cho thấy nhiều mô thức cách điệu khác nhau tùy theo từng góc nhìn, do đó tạo nên nhiều cảm xúc lạ lẫm khác nhau đối với giới thưởng ngoạn.

Nói một cách cụ thể hơn, mỗi tác phẩm đơn lẽ của Đinh Phong là sự cộng hưởng của vài tác phẩm khác nhau tùy theo sự tự do bay bổng trong cảm hứng sáng tác, từ đó mang đến sự thú vị cho giới mộ điệu tùy theo vị trí khi thưởng lãm. Có thể là khởi đầu cho một trường phái mới trong điêu khắc chăng? Việc đó còn phải chờ xem các tác phẩm của ông trong tương lai.

Nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng là một con đường gian nan chỉ có vạch xuất phát mà không bao giờ có đích đến. Những họa sĩ, điêu khắc gia khi chấp nhận dấn thân vào con đường mỹ thuật chuyên nghiệp đều biết rằng, đây là một con đường cực kỳ gian khổ, một hành trình dài đằng đẵng đầy khắc nghiệt của cả một đời người. Con đường đó chưa bao giờ dành cho những kẻ không có đầy đủ nội lực, hoặc không lãnh hội và biểu hiện được những nội hàm từ kiến thức mang lại qua những tác phẩm của mình.

Và trên con đường ấy người nghệ sĩ luôn là những kẻ lữ hành cô đơn. Cô đơn trong sáng tác, cô đơn trước những búa rìu dư luận, và nhiều khi cô đơn ngay cả với chính mình. Sự cô đơn đó có thể nhấn chìm những hoạ sĩ non tay xuống tận vực sâu vô vọng, đồng thời lại là những động lực quý giá để những họa sĩ có nội lực tự soi thấu vào khoảng không sâu lắng nhất trong trí não của mình, để rồi bùng cháy trở lại với những tác phẩm mới.

Đôi khi sự cô đơn trong sáng tác và tâm trạng rã rời, bế tắc lúc đối diện với mảnh bố trắng toanh, những hũ màu vô hồn vương vãi đâu đó trong xưởng vẽ, đã khiến Đinh Phong tự thổ lộ với bên ngoài, nhưng thực ra là đối thoại với chính cá nhân mình: “Vẽ là âm u trong cõi điếc/ Vẽ là tuyệt vọng lộ trình câm” (Vẽ – thơ Đinh Phong). Nhưng sau những lúc đó, chính nội hàm đầy bản lĩnh đã trỗi lên trong linh hồn ông, trở thành những chiếc phao nâng đỡ không cho phép ông bỏ cuộc: “Vẽ là bay lên ngạo nghễ lộng gió trời/ Những sư tử của của một thời tăm tối/ Hống đêm dài gầm vang thế kỷ/ Nỗi nung nấu u khuất toạc đêm đen”. (Vẽ – thơ Đinh Phong) Những tiếng vang nội tâm ấy được phát ra từ một con người lẽ ra đã đến lúc được nghỉ ngơi sau những phong ba, bão táp cuộc đời, giờ đây lại muốn dấn thân vào một cuộc chơi đầy mạo hiểm, nhưng cũng đầy ma lực quyến rũ của niềm đam mê bất tận đã được dồn nén hơn bốn mươi năm.

Nội lực tự thân có thể giúp đỡ Đinh Phong vượt qua được những khoảng khắc cô đơn vô vọng, hay rồi sẽ nhấn chìm ông giữa cuộc chơi đầy ma mị có tên là mỹ thuật? Những tác phẩm của ông là câu trả lời một cách chính xác nhất, khi những sắc màu đã mang đến một linh hồn cho tác phẩm qua bàn tay ma thuật của người họa sĩ đang bay bổng với những giấc mơ, tìm kiếm lại những thời hoàng kim đã mất.

Mỹ thuật mãi mãi là một con đường không hề có đích đến, có chăng chỉ là những bến đỗ tạm xa gần. Đỗ ở bến nào còn tùy thuộc vào khả năng và nội lực và sự đam mê của từng nghệ sĩ sáng tác. Vẫn mong rồi đây sẽ được nhìn thêm những bến bờ xa rộng hơn của họa sĩ Đinh Phong – Người mang giấc mơ biến thành nghệ thuật.

NNC Trương Nguyên Ngã