Duyên Dáng Việt Nam

Người Hội An viết sách Hội An

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 22-05-2020 • Lượt xem: 3797
Người Hội An viết sách Hội An

Nhà nghiên cứu kiêm họa sĩ Trương Nguyên Ngã vừa ra mắt cuốn “Hội An loanh quanh chuyện phố”. Anh sẽ có hai buổi gặp gỡ cùng bạn đọc “trà dư tửu hậu” về tác phẩm, đất và người phố Hội sáng thứ Bảy và Chủ nhật (23, 24/5) tại Galerry số 57 Trần Phú, Hội An. Nếu đến đó giao lưu cùng tác giả, bạn sẽ biết thêm nhiều chuyện thú vị ngoài trang sách.

Tin và bài liên quan:

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 1)

‘Về đây nghe em' của nhạc sĩ Trần Quang Lộc: Tiếng ân tình nặng một đời người

Kỳ nữ Kim Cương và con chó ‘Phật tính’ (Kỳ 5)

Tôi biết Trương Nguyên Ngã khá tình cờ trong mấy chuyến bay từ Sài Gòn ra Hội An tìm tư liệu viết bài về bản sắc văn hóa cổ và đặc biệt là loạt bài tìm hiểu về cuộc đời, tác phẩm của các nhạc sĩ La Hối và Lê Trọng Nguyễn...

Tôi nhận ra một điều những bài hát như "Xuân và Tuổi trẻ" hay "Nắng chiều" gần như người Hội An nào cũng thuộc nhưng không phải ai cũng biết về các nhạc sĩ. Thậm chí, khi tôi đến đứng trước căn nhà xưa của nhạc sĩ La Hối trên phố Nguyễn Thái Học bây giờ là từ đường họ La vẫn hương hỏa, thờ cúng phía trên gác để hỏi thăm, thì "chủ nhân" vẫn trả lời không biết ông La Hối là ai và ở đâu (?!). Thì ra ngôi nhà đã được cho thuê để bày bán đồ lưu niệm vải vóc phía dưới.

Tôi tự hỏi có bao nhiêu chuyện hay về Hội An, tầng tầng lớp lớp xếp như mây vảy cá, như ngói âm dương trong lòng phố Hội rồi sẽ tan biến, sẽ mất đi theo thời gian như vậy. Thật là tiếc quá! Tại sao Hội An vẫn chưa có một nhà nghiên cứu trẻ tuổi tận tâm cúi xuống trên những vàng son di sản?

Nhà thơ Chế Lan Viên từng dạy học và nhà thơ Đông Trình từng đi học và lớn lên ở Hội An. Hai ông một lần hẹn nhau về thăm Hội An. Ảnh chụp ở Chùa Cầu, tháng 4.1985.

Ai sẽ "hồi cổ" với Hội An như một bài thơ của nhà thơ Đông Trình nổi tiếng, được rất nhiều người biết: "Lòng người đơn sơ như màu ngói/ Hồn phố sâu nên đường phố không dài/ Những ô cửa sổ vàng đèn mờ mắt đợi/ Em đi học về tóc xõa mềm vai”. Hay "Cơ đồ nghìn xưa dậy từ mặt đất/ Lịch sử trầm hùng in dấu vàng son" (Phố dưỡng già - Thơ Đông Trình).

Vì thế, khi biết Trương Nguyên Ngã tôi thật sự quý anh vì tình yêu phố Hội. Trước hết, anh là người sinh ra lớn lên bên sông Hoài, là "đứa con bản địa". Và anh chủ tâm đi tìm từng dấu vết để hình thành một cái trục "Hội An xưa" xoay trong tam giác tung - hoành hoan hỉ của sự viết. Vì tình yêu phố Hội sẽ là những gì thuộc hồn xưa, phách phố... là những âm vọng xưa cũ.

Với Hội An không thể là một tình yêu hiện đại! Chắc chắn là vậy! Nghe có vẻ nghịch lý nhưng đúng là thế!

Từng bài viết của anh đã ra đời in trên các báo địa phương Quảng Nam, tạp chí Đất Quảng, Văn hóa Hội An... và nhiều báo khác. Đó là "Phác thảo chân dung văn nghệ Hội An", "Những nghệ sĩ của phố", "Hương tết ngày xưa", "Góc phố thần thánh"... Hé lộ một bản lĩnh nghiên cứu với nhiều tư liệu, văn bản "đi tận nơi, tra tận gốc" chứ không hề "ăn theo nói leo" hay "lớt phớt", "vu vạ"... Những bài viết mở được biên độ tâm hồn bạn đọc theo dấu chân khảo cứu. 

Nhà nghiên cứu Trương Nguyên Ngã và nhà báo Phạm Minh Hải tại Galerry. Anh còn là một họa sĩ vẽ phố cổ nổi tiếng với tên Trương Bách Tường.

Và bắt đầu biết để quý nhau, Trương Nguyên Ngã đã giúp tôi và dịch giả Hoàng Thu An tiếp cận các văn bản, các bài hát của nhạc sĩ La Hối, giới thiệu ngôi nhà xưa của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn thưở còn đi học. Và những chứng nhân của câu chuyện tình đầu rất đẹp và đầy éo le của nhạc sĩ "Nắng chiều". Những loạt bài viết nhiều kỳ này tôi đã đăng trên Duyên Dáng Việt NamMột Thế Giới. Có những bài, những tư liệu quý và hiếm tôi đã trực tiếp để tên cám ơn anh!

Phố -  Tranh sơn dầu - Họa sĩ Trương Bách Tường 

Những lần gặp nhau, bên ly cà phê ngắm sông Hoài, nhiều câu chuyện của chúng tôi về Hội An nhưng tôi vẫn tâm đắc với phát hiện nếu chỉ nhìn bên ngoài Faifo (tiếng Pháp chỉ phố Cổ) có vẻ ít thấy các cuộc "chuyển dời" nhưng sâu xa bên trong đô thị cổ này vẫn chịu đựng những cuộc "tấn công", những "cào xé", áp lực đe dọa một sự thay đổi "ghê hồn" trong lòng nó. Ví dụ như căn nhà ấy, góc phố ấy bên ngoài nhìn vẫn vậy nhưng bên trong đã thay đổi chủ nhân do các thế hệ tìm nơi sống mới hay cắt đứt không còn liên đới với không gian cũ. Thành thử tất cả những dữ liệu, văn hóa, thời gian trầm tích bên trong đã đứt gãy hay hoàn toàn “xóa sổ”. Thật mừng khi thấy trong cuốn sách mới của Trương Nguyên Ngã "phục hồi", "cấu trúc lại" những dữ liệu mang tố chất "mã nguồn" như vậy!

Sách cổ viết về phổ cổ. Người Hội An viết sách Hội An (Ảnh: Minh Hải)  

Hãy đọc một trang viết để thấy độ duyên dáng của cây bút cùng những chứng cứ tìm tòi lật trở không dễ có về một "di chỉ" Hội An xuất phát là Hãng sản xuất xà bông sau đó là nhà hộ sinh nơi ra đời biết bao công dân, trí thức phố Hội hôm qua. Và người phố Hội hôm nay. Và, biết đâu, cả mai sau? Rất "Quảng Nôm", chì chiết, gồ ghề và cũng vô cùng duyên dáng! Thú vị lắm, Trương Nguyên Ngã! 

"Có một thời nơi đây là hãng sản xuất xà bông của người Pháp.

Rồi lúc nào không biết nó trở thành Nhà Hộ Sinh, dân Hội An thường gọi nó là Nhà thương bà Lựu.

Hơn ba mươi năm hoạt động, có ít nhất hơn ba mươi ngàn người dân Hội An và Duy Xuyên chào đời từ phía sau cánh cửa sổ này.
Trong đó có cả gia đình của mình.

Cuộc đời mình có mấy lần sướng không tả được. Lần thứ nhất là được thoát ra ngoài cất tiếng khóc chào đời tại nơi đây. (Đoán rứa chớ hồi nớ có biết chi mô nơ).

Lần thứ hai là được run run bế trên tay đứa con gái đầu lòng chào đời. Lần thứ ba lại rộn ràng khi được bồng đứa con trai cũng chào đời tại nơi này.

Hai mươi bảy năm sau, hôm nay lại được ôm trong tay đứa con thứ ba, và là đứa con tinh thần đầu tay của mình sau tám năm ấp ủ và trăn trở.

Răng không cho cả ba đứa cùng chào đời cùng một nơi cho nó... sướng?
Ờh hỉ, vậy thì y án rứa mà mần đi.

Vậy là chọn khuôn mặt của đứa con Thứ Ba là cái cửa sổ mà phía sau đó là nơi ba mẹ nó, cô chú nó, anh chị nó, và những người dân Hội An thân thương của nó đã từng chào đời.

Đó cũng là một trong những ký ức Đẹp"

Nhà nghiên cứu Trương Nguyên Ngã đang ký tặng những bản sách đầu tiên thơm mùi mực mới ra lò. 

Tập sách "Hội An, loanh quanh chuyện phố" của nhà nghiên cứu, họa sĩ Trương Nguyên Ngã do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành (5/2020). Bố cục sách được chia làm ba phần: Ẩm thực trên phố, Loanh quanh chuyện phố, Tìm về chuyện cũ. 

Ngoài ra, tác giả còn công phu sưu tập chọn lọc giới thiệu hơn tám mươi bức ảnh về Đất và người Hội An sinh sống và sinh hoạt qua các thời kỳ. 

Một cuốn sách hay và nhiều tư liệu mới về phố cổ. Đọc để khám phá, để tìm về.

Và đọc còn để "loanh quanh" yêu thương ngày tháng cũ qua "câu chuyện" của Phố...

 Sài Gòn, 22.5.2020

Nguyễn Hữu Hồng Minh