VĂN HÓA

Kỳ nữ Kim Cương và con chó ‘Phật tính’ (Kỳ 5)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 24-12-2019 • Lượt xem: 4583
Kỳ nữ Kim Cương và con chó ‘Phật tính’ (Kỳ 5)

Cuộc đời có những cơ duyên kỳ ngộ. Tôi vẫn hỏi nếu không có con chó ‘Phật tính’ ở chùa Cây Da, Kim Cương không lên đó liệu tôi có gặp lại bà hay không? Để được nghe bà kể những câu chuyện vui buồn của một nữ hoàng sân khấu một thời và những huyền hồ, giai thoại nghệ sĩ, những chuyện tình đẹp như cuộc tình Bùi Giáng?...

Tin, bài liên quan:

Kỳ nữ Kim Cương và con chó ‘Phật tính’ (Kỳ 4)

Kỳ nữ Kim Cương và con chó 'Phật tính' (Kỳ 3)

Kỳ nữ Kim Cương và con chó ‘Phật tính’ (Kỳ 2)

Kỳ nữ Kim Cương và con chó ‘Phật tính’ (Kỳ 1)

*

Sau này khi Kim Cương tặng cho tôi cuốn hồi ký “Sống cho người sống cho mình” tôi đã đọc lại không dưới ba lần để biết bà là một người nặng vì chữ Tình. Tình này không hẳn chỉ tình yêu mà còn tình người, tình nghệ sĩ. Đọc gần 400 trang sách để biết bà đã cẩn trọng chuốt từng ý, từng câu cho tác phẩm “ruột gan” này như thế nào? Một “ngọn lửa đam mê nghệ thuật từ tình yêu vô cùng tận”.  

Cũng thật là tình cờ khi người thầy dạy bộ môn Phóng sự Báo chí của chúng tôi ở khoa Báo chí trường Đại học Khoa học & Nhân văn TP.HCM năm 1994 là thầy Trần Trọng Thức, một nhà báo tên tuổi trong làng báo chí miền Nam từ trước 1975 là chồng cũ của Kim Cương. Thời sinh viên, chúng tôi cũng thường được thầy kêu về tập hợp ở nhà thầy dưới chân cầu Sơn trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh quận Bình Thạnh mỗi cuối tuần hay những dịp lễ để thầy trò quay quần, nghe thầy kể chuyện, chỉ vẽ, hướng dẫn thêm về nghề báo. Thi thoảng trong những câu chuyện về những nhân vật nổi tiếng chúng tôi cũng nghe thầy nhắc đến Kim Cương. Như vậy từ trong tiềm thức, chúng tôi đã được gặp nhau rất lâu.

Tác giả bài viết anh Nguyễn Hữu Hồng Minh (bìa trái) chụp ảnh cùng với sư thầy Thích Viên Anh (thứ 3 từ phải qua), cư sĩ Phạm Tâm Anh (thứ hai từ phải qua), nhạc sĩ Phùng  Phong (áo sọc đen, thứ hai từ phải qua)

***

Một dịp khác hình như là cuối năm ngoái, Kim Cương lại gọi cho tôi. Lần nay bà hồ hởi và rất vui. Bà nói: “Có một cậu nhạc sĩ ở Quảng Nam vào Sài Gòn làm chương trình nhạc về những ca khúc phổ thơ Bùi Giáng. Cậu muốn mời chị giao lưu. Để nói về ông Bùi. Em đến đi cùng chị nhé?”.

Bà nói đã từ lâu bà không còn muốn xuất hiện trên sân khấu. Bà từ chối rất nhiều lời mời của các chương trình và các đài truyền hình. Bà muốn khán giả nếu vẫn còn yêu thương bà thì chỉ giữ hình ảnh của một kỳ nữ Kim Cương đẹp nhất của  thời hoàng kim nhất. Một người nghệ sĩ dù nổi tiếng đến thế nào thì cũng chỉ có một thời tung hoành ngang dọc, không ai có thể là mãi mãi cả. Tuy nhiên, nếu anh biết dừng lại, giữ lại cho khán giả khoảnh khắc đẹp nhất, vai diễn độc đáo nhất thì có thể hình ảnh đó sẽ sống mãi trong lòng người hâm mộ qua bao năm tháng.

Từ phải qua: Nhà báo Nguyễn Công Khế, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, NSND Kim Cương trong đêm nhạc phổ thơ Bùi Giáng 2018.

Nói như giáo sư Cao Huy Thuần  đã viết trong lòng Kim Cương sân khấu chính là thánh đường và cũng là huyệt mộ. Vậy thì bây giờ tại sao bà lại muốn xuất hiện?

Tôi là người duy nhất được bà thổ lộ cho biết: “Vì tình cảm của chị dành riêng cho thi sĩ Bùi Giáng! Nếu người ta chỉ cần danh tiếng “vang bóng một thời” của chị thì bây giờ, lúc này chị cảm ơn vì từ trong sâu thẳm lòng mình đã xếp lại việc đó từ lâu. Khi viết xong hồi ký “Sống cho người, sống cho mình” cũng có nghĩa là Kim Cương đã thổ lộ xong hết rồi, đã khép lại vinh nhục sân khấu rồi. Nhưng đây là dịp người ta mời chị để nói về Bùi Giáng. Chị cần phải nói…”. Tôi tò mò muốn biết bà sẽ nói gì nhưng qua điện thoại bà mỉm cười và im lặng. Có lẽ, bà muốn giữ một sự bí mật mà chỉ có thể tiết lộ tại đêm nhạc.

Chân dung thi sĩ Bùi Giáng chụp năm khoảng 1980 vừa được tìm thấy (Ảnh trong bộ sưu tập của Nguyễn Trọng Hiệp, lần đầu được công bố trên Duyên Dáng Việt Nam)

Đó là một đêm đối với tôi vô cùng xúc động. Vì bởi rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi đến dự đêm nhạc đặc biệt giới thiệu những ca khúc phổ về thơ Bùi Giáng này. Không chỉ có Kỳ nữ Kim Cương mà còn có sự xuất hiện của nhà báo Nguyễn Công Khế, nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, anh Nguyễn Thanh Hoài người cháu Bùi Giáng, nhà viết thư pháp Nguyễn Thiên Chương…và nhiều người khác nữa. Đạo diễn chương trình cũng là một tên tuổi trong giới sân khấu tạp kỹ, được đào tạo tại Đức, đạo diễn Tuấn Lê. 

Hồ cá trong chùa Cây Da (Ảnh: Hoàng Thu An)

Khi Kim Cương xuất hiện, tiếng nói của bà vọng lên vang rõ thánh đường sân khấu nhà hát thành phố.    

“Thưa ông Bùi Giáng! Đời ông là một đời giang hồ, chỉ biết yêu thương mọi người và mong được mọi người yêu thương lại. Riêng tôi có ba điều cảm ơn ông. Thứ nhất, ông đã để lại một sự nghiệp thi ca ẩn mật cho muôn đời sau. Thứ hai, cám ơn mối tình đơn phương 40 năm ông dành cho tôi, tới giờ tôi có thể nói đó là mối tình lớn, ông là người yêu tôi chung thủy nhất, lâu dài nhất. Thứ ba, cảm ơn vì ông đã cho tôi một bài học, rằng dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người đều phải có một mối tình chân thật để sống”.

***

Một thời gian sau tôi bớt căng thẳng hơn do định tâm và quyết định đi làm trở lại. Do công việc bận rộn, tôi ít lên chùa Cây Da thăm sư thầy Viên Anh ở ngoại thành Củ Chi. Cho đến một lần tôi được tin con chó của kỳ nữ Kim Cương gửi vào chùa đã bị mất. Nguyên do chính thì chưa tìm thấy.

Thủ bút của nghệ sĩ Kim Cương trên Hồi ký "Sống cho người, sống cho mình" tặng Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Nhưng có mấy khả năng có thể xảy ra như sau: Con chó nhớ chủ của nó là một kỳ nữ vang danh một thời nên bỏ đi tìm. Bọn ăn trộm chó ngày càng tinh vi chờ sư thầy đi vắng đánh bả bắt trộm. Và nguyên nhân cuối có thể do ở trong sân chùa lâu ngày, một hôm khách hành hương đến viếng quên khép cửa, con chó bỏ chạy ra ngoài và lạc mất.

Sư thầy Thích Viên Anh rất tiếc con chó.

Tôi đọc tin trên báo chí biết tin Kỳ nữ Kim Cương bị bệnh nhồi máu cơ tim phải đưa vào bệnh viện cấp cứu lúc nửa đêm. Không biết có cùng thời gian con chó mà bà gửi vào chùa Cây Da lạc mất hay không?

Đời sống thật vô thường. Bao nhiêu việc, bao nhiêu chuyện bức bối trong xã hội, cuộc sống thường nhật vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Ai nhớ gì một con chó nhỏ của một Kỳ nữ từng danh giá vang bóng, trong ngôi chùa ngoại thành xa xôi… 

Nhưng chắc chắn một điều khi tôi viết xong loạt bài này sẽ đến thăm bà Kim Cương và sẽ quay trở về chùa Cây Da xem thử con chó nhỏ có tìm được đường trở về không hay đã mất tích?

Tôi nhớ con chó có ‘Phật tính’, nhớ những câu chuyện huy hoàng của thế giới sân khấu qua lời kể một kỳ nữ “tài mệnh tương đố”, nhớ chuyện tình của thi sĩ Bùi Giáng với ba điều cảm ơn của Kim Cương mà không phải ai cũng nhận ra nhưng những viên ngọc tâm thành quý giá.

Thủ bút của nghệ sĩ Kim Cương trên Hồi ký "Sống cho người, sống cho mình" tặng Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Bài thơ tứ tuyệt, bốn câu tôi viết:

Thêu âm chuông

Kinh ở chùa xa níu khách nghe
Gió lùa qua trúc động ngàn khe
Sư thầy buộc cánh chuông vào gió
Người mới hành hương lại trở về...

Và nhớ chùa Cây Da. Tôi lại nhớ những tiếng chuông ngọc, trưa mùa xuân nào đó như đã xa lắm…

Sài Gòn, những ngày cuối năm 24.12.2019.

Nghệ sĩ Kim Cương và một khán giả nhí.

Kỳ nữ Kim Cương (Sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp). Lần đầu được công bố trên Duyên Dáng Việt Nam