VĂN HÓA

Kỳ nữ Kim Cương và con chó 'Phật tính' (Kỳ 3)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 19-12-2019 • Lượt xem: 4419
Kỳ nữ Kim Cương và con chó 'Phật tính' (Kỳ 3)

Nhân kể chuyện con chó của NSND Kim Cương gửi trong chùa Cây Da, tôi bỗng nhớ đến bầy chó hung dữ khác.

Tin, bài liên quan:

Kỳ nữ Kim Cương và con chó ‘Phật tính’ (Kỳ 2)

Kỳ nữ Kim Cương và con chó ‘Phật tính’ (Kỳ 1)

Bùi Giáng, gã cuồng khấu nhân gian

Tình cờ vào thời điểm đó, tôi có một người bạn cùng với vợ thi sĩ Lê Nho Quế Sơn mở chung một quán cà phê, đồ ăn chay nhỏ trong tòa Nhà gốm Nhật trên đường Sư Thiện Chiếu sát bên hông chùa Xá Lợi. Rất nhiều anh em văn nghệ sĩ từng đến chơi uống cà phê mỗi sáng như các nhà thơ Nguyễn Miên Thảo, Từ Hoài Tấn, nhạc sĩ Mai Thu Sơn, dịch giả nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng, nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp, vợ chồng ca sĩ Minh Thắm từ Đà Nẵng vào cũng ghé thăm. Ai cũng khen là quán nhỏ, đẹp, đầy tính nghệ sĩ. Cô bạn tôi và Thanh Ngà, phu nhân của thi sĩ Lê Nho Quế Sơn thức khuya, dậy sớm để chăm chút quán đến từng chi tiết nhỏ. Từ những bức tranh treo tường đến lọ hoa, từ những ký mì tươi chở về sáng sớm lấy ở chợ Bà Hoa, đến cà phê pha phin loại một đặc biệt. Ai cũng nghĩ làm sao tận tình chăm sóc, phục vụ chu đáo cho mỗi vị khách quý ghé quán.

Chùa Cây Da và khách hành hương (Ảnh: Nguyễn Tây Sơn)

Tuy vậy mọi việc bất ngờ cứ rẽ theo một hướng khác ngoài mong muốn không thể định đoán được. Có một cái gì đó cứ chắn ngang vô hình và trái duyên. Sau này tôi mới hiểu ra cuộc sống có rất nhiều điều kỳ diệu mà chúng ta chỉ có thể lắng nghe từ bên trong để giải quyết các vấn đề chứ không nên căn cứ vào những gì tưởng đã nhìn thấy. Cái nhìn từ bên trong bao giờ cũng thấu đáo hơn cái nhìn bên ngoài. Đặc biệt là những vấn đề thuộc về hai phạm trù đạo đức và tâm linh.

Ví dụ như trên con đường Sư Thiện Chiếu ngắn và rất đẹp giữa trung tâm Sài Gòn ấy không thể là một con đường cầu may cho sự buôn bán. Đặc biệt là sát sanh. Vậy nhưng sự thực là sao? Có rất nhiều quán lẩu cá kèo, thực phẩm tươi sống trên con đường mang tên một nhà sư đạo hạnh và gần ngôi chùa Xá Lợi linh thiêng. Sự thật thì có nhiều đêm tôi đi dọc con phố ngắn đó đã phát giác thấy rất nhiều hàng quán kinh doanh lẩu tươi sống trả mặt bằng, đóng cửa. Tất nhiên đã có một thời hai bên đường nhiều quán mở ra và đã từng làm ăn phát đạt. Vì các biển hiệu vẫn còn treo lủng lẳng. Nghiệp duyên và chướng duyên là phúc phận cũng như đóng mở tùy nghi tâm thức hiểu biết của từng người. Cõi tu thì không thể sát sanh và ngược lại.

Con chó Phú Quốc

Cũng như vậy trong Nhà Gốm Việt có nuôi hai cho chó thật hung dữ. Tất nhiên nuôi chó để giữ nhà nhưng có lẽ vì bị xích lâu ngày hai con chó chồn chân, động hơi người là mắt long lên sòng sọc, chỉ chực lao vào cắn xé. Nhiều khi tôi nghe tiếng nó tru rợn kinh động mà tiếng tru giữa trưa như làm tan cả ánh nắng tỏa bên sân chùa Xá Lợi không xa. Tôi cũng rất hãi sợ sự hung dữ của hai con chó này. Và thường những lúc sang chùa đọc sách đôi khi tâm bất loạn như vẫn còn nghe gầm ghè tiếng chó tranh nhau miếng ăn. Sẵn sàng táp vào mặt nhau lõa máu không e dè, không thương tiếc. Rõ ràng là cõi thực và cõi phúc như chỉ cách nhau một đường tơ nhưng sao mà quá khó, không dễ gì bước qua và không thể đổi chỗ cho nhau được. Tôi vẫn nghe tiếng chó sủa trên những trang sách đang mở để tiếng chuông chiều và những lời kinh xoa dịu.

Ôi, con chó ở ngoài sân chùa và con chó đã vào bên trong sân chùa như chia đôi hai căn nghiệp Thiện - Ác, âm ty địa ngục và niết bàn thượng giới. Ngỡ gần lắm nhưng lại xa lắm. Thì chúng ta vẫn nghe vang vang bên tai rõ nét sủa đấy thôi…

***

Một lần tôi đọc được nhận xét về kỳ nữ Kim Cương rất ấn tượng. Nó làm tâm hồn tôi lạnh buốt. Bởi người viết đánh giá những vai diễn của bà trên trần gian một lúc sẽ được quy chiếu, soi rọi lại như “hầm mộ”, như “nghĩa địa” nếu thực sự có giá trị vĩnh cửu thì cần được khai quật đào xới. Và đó là điểm rơi về làm một của hai trạng thái thăng hoa cùng bi kịch của người nghệ sĩ:

Kỳ nữ Kim Cương thời trẻ

“Sân khấu chính là cuộc đời và ta đều là diễn viên. Cho nên, thiếu gì mộ mà ai cũng phải đào. Trong ta là cả một nghĩa địa chôn cất bao nhiêu kỷ niệm ngậm ngùi, cay đắng uất ức, giận hờn, phẫn nộ. Ta quên vì nước mắt đã lâu khô. Nhưng chỉ cần một giọt nước mắt của Kim Cương là cả nghĩa địa sống dậy, chén ngọc vỡ toang, nước mắt nghẹn ngào. Hỷ, nộ, ái, ố trào ra với Kim Cương trên sân khấu. Ố trước định kiến, ái trước tình yêu, nộ trước bất công, và hỷ để lại lau khô nước mắt”.

Đó là những nhận xét thấu đáo, “tận huyệt” của giáo sư Cao Huy Thuần (Pháp) về những vai diễn để đời của Kim Cương.  

Bìa tác phẩm "Sống cho người, sống cho mình" của Kỳ nữ Kim Cương

Một lần khác khi trà đạo với thầy Viên Anh, ông đọc cho tôi câu thơ của Bùi tiên sinh: “Tôi bước đi ngôn ngữ rụng hai lần”. Về câu thơ kỳ lạ sau này tôi tìm ra nó nằm trong một bài tứ tuyệt của Bùi Giáng:  

Người nằm ngủ tự nghìn năm thấp thoáng
Tôi bước qua từ ngữ rụng hai lần
Tờ sa mạc như bồi phong tẩy địa
Trút linh hồn dường như thể như thân…

Kỳ nữ Kim Cương và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Tượng Đức Phật luôn được đặt nơi cao nhất, trân trọng nhất trong tư gia bà.

Sau này tôi mới thấy “ngôn ngữ rụng” thật trong mối tình đơn phương ông dành cho Kỳ nữ.

Thỉnh thoảng Kim Cương vẫn ghé chùa thăm thầy và con chó Phú Quốc. Con chó như đánh hơi được bà từ xa mỗi lần thấy bà như mừng rỡ ra mặt, cái đuôi quẫy tít không ngừng…

(Còn tiếp)