VĂN HÓA

Kỳ nữ Kim Cương và con chó ‘Phật tính’ (Kỳ 4)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 23-12-2019 • Lượt xem: 12974
Kỳ nữ Kim Cương và con chó ‘Phật tính’ (Kỳ 4)

Cũng từ duyên lành gặp gỡ bắt đầu bởi con chó ‘Phật tính’ trong chùa Cây Da đó, một hôm Kim Cương gọi điện mời tôi đến nhà chơi. Trong rất nhiều câu chuyện hay mà bà đã kể, tôi muốn thuật lại chính xác cuộc tình giữa bà và thi sĩ Bùi Giáng như dư luận đồn đại. Thời gian càng chồng chất lên đó nhiều giai thoại. Thực hư ra sao?

Tin, bài liên quan:

Kỳ nữ Kim Cương và con chó “Phật tính” (Kỳ 3)

Kỳ nữ Kim Cương và con chó ‘Phật tính’ (Kỳ 2)

Kỳ nữ Kim Cương và con chó ‘Phật tính’ (Kỳ 1)

Tôi nói với bà tình cờ tôi có nghe một câu hát cải lương “Anh yêu em như Bùi Giáng yêu Kim Cương”. Điều đó có nghĩa là chuyện tình của bà và thi sĩ đã đi vào “điển cố” của nghệ thuật, thậm chí theo thời gian là thành ngữ hay một vế so sánh muốn nói lên một khía cạnh, biểu hiện nào đó của tình yêu. Bùi Giáng đã mất, hôm nay chỉ còn lại bà. Vậy bà có thể kể ý nghĩa thực của nó là gì? Đó có phải là một chuyện tình thực không? Hay chỉ là những “tiếu ngạo giang hồ” của người đời?

Kim Cương và Bùi Giáng, giai thoại đẹp của văn nghệ Sài Gòn một thời vang bóng

Kim Cương nói: “Người đời họ nói có chuyện đúng, có chuyện chưa đúng nhưng đều có lý do. Tôi gặp ông Bùi Giáng lần đầu tiên lúc 19 tuổi, thời còn theo đoàn cải lương của má. Thật ra, ông đã chú ý đến tôi trong đám cưới của đôi bạn Hạnh - Thùy. Một hôm Thùy bảo tôi: “Có một ông giáo sư Đại học Văn khoa, đi học ở Đức về, ái mộ chị lắm, muốn đến nhà thăm chị”. Tôi trả lời: “Ừ, thì mời ổng tới”. Hóa ra là ông, lúc ấy đang dạy học, cũng áo quần tươm tất chứ chưa có bất cần đời như sau này. Ông thường lui tới nhà tôi chơi, vài lần mời tôi đi uống cà phê nhưng nhất định phải đi bằng xe đạp do ông chở, chứ không chịu đi bằng bất cứ phương tiện nào khác. Một hôm ông trịnh trọng cầu hôn tôi. Tôi thấy thái độ của ông không được bình thường nên tôi đều né tránh. Vài lần sau, một lần Bùi Giáng thở dài nói với tôi: “Thôi, chắc cô không ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô, vậy cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé. Nó trẻ, lại đẹp trai, học giỏi”.

Kỳ nữ Kim Cương trên bìa báo Sáng Dội Miền Nam trước 1975 (Tư liệu của nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp)

Tôi ngần ngừ: “Thưa ông, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Tôi không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẵng tính...”. Tưởng ông nói chơi, ai dè làm thiệt. Ông đùng đùng dắt ngay đứa cháu tới, mà đứa cháu đó chỉ mới... 8 tuổi (!). Thời gian trôi qua, thỉnh thoảng ông vẫn ghé thăm tôi. Mặc kệ tôi đang yêu ai, đang thất tình ra sao, thậm chí đang sống chồng vợ với người nào, ông đều không quan tâm. Trong những lúc ông điên nhất, quên nhất, không còn lưu lại một chút gì trong trí nhớ, cả thơ ca và kiến thức thì tên tôi vẫn được ông gìn giữ. Tên tôi được ông gọi đi gọi lại bất cứ khi vui khi buồn, bất cứ khi hạnh phúc khi đau đớn. Chưa một lần nào ông sàm sỡ bằng hành động hay lời nói. Xưng hô vẫn cứ tôi và cô một cách nghiêm túc và chững chạc. Một tình cảm xuất phát thật hồn nhiên, bản năng và vô điều kiện.

Trong đầu ông hình như chỉ có một số điện thoại duy nhất, một địa chỉ duy nhất - đó là địa chỉ và số điện thoại nhà của tôi.

Nhiều lần ông đứng giữa đường dang tay làm “chim bay, cò bay” la hét làm kẹt xe, công an tới bắt, hỏi cách gì ông cũng chỉ nói một câu: “Mẫu thân của tôi là Kim Cương, ở số... Hoàng Diệu, điện thoại 844...”.

Thế là công an réo gọi tôi để đi lãnh ông ra. Chuyện đó xảy ra không biết bao nhiêu lần. Có khi ông té bị thương, người ta chở vô bệnh viện, ông cũng chỉ “khai báo” y như vậy.

Kim Cương thời trẻ, ảnh tặng bạn đọc báo (Tư liệu của nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp)

Bệnh viện lại réo tôi đến. Hoặc những lúc ông lên cơn, có khi vô quậy cả đám cưới nhà người ta, tôi bị người ta gọi điện đến đưa ông về. Thậm chí có một buổi ông xuất hiện trước nhà với tóc tai mặt mũi đầy máu vì mới bị ai đó đánh. Tôi hoảng hốt gọi xích lô cho ông đi cấp cứu nhưng ông không chịu.

Ông nói: “Chừng nào cô chịu lên xích lô đi với tôi thì tôi mới đi”. Tôi đành phải gọi một chiếc xích lô đi cùng ông, vừa ngồi xe vừa nghe ông nói chuyện trên trời dưới đất không một cảm giác đau đớn nào. Những lúc tỉnh táo, ông nói với tôi: “Cô nhơn hậu lắm cô mới chịu nói chuyện với tôi tới giờ này!”.

Kim Cương đã cho tôi xem bút tích một lá thư ông viết cho bà. Thật xúc động khi xem tận mắt những dòng viết tay của ông. Một lá thư thật khó tìm thấy trong thời buổi công nghệ máy tính thay đổi.

Bức thư, thủ bút của thi sĩ Bùi Giáng gửi cho kỳ nữ Kim Cương

Cô Kim Cương yêu quý!

Kể cũng gần 50 năm quen biết và yêu mến cô. Đó là hạnh phúc lớn đi suốt đời tôi. Sau này cô cao hứng đến viếng thăm tôi. Ấy là bất ngờ. Rủi ro lần đầu tôi say rượu chẳng biết gì cả. Lần thứ nhì, tôi tỉnh táo. Tâm hồn thoải mái như được cùng tiên tái ngộ. Mấy ngày rày cứ giở mấy tấm ảnh chụp chung với cô. Gương mặt cô càng ngày trông càng lạ. Mấy đứa cháu gái, cháu ruột, cháu dâu xúm xít trầm trồ: "Cô Kim Cương ngoài đời trông đẹp hơn trên tivi... Lạ quá! Lạ quá!...". Gương mặt cô có nét hồn hậu, trung hậu, dịu dàng. Ai ai cũng nhận thấy thế. Hình như sau này cô gặp hạnh phúc lớn hay sao mà bỗng nhiên cô càng trẻ hơn xưa nay?

Lúc trước đọc báo nghe cô nói có ý mua cho tôi một cái nhà. Tôi cảm động đến ngẩn ngơ. Giữa đêm tỉnh giấc, còn âm ỉ khóc lóc một mình. Nhưng cô nghĩ xem? Làm sao tôi dám chấp nhận? Tôi vốn già điên say rượu... Ở với tụi cháu sum vầy mấy chục năm nay, chúng quen thuộc tính nết tôi rồi. Chúng vui vẻ hân hoan chịu đựng. Nhiều lúc tôi lại có ý chọc cho chúng la rầy để nghe cho vui vẻ cái lỗ tai... đời buồn hiu quạnh... Tuổi già tôi có được đôi ba bạn thân và còn giữ được tình nghĩa của cô thì thử hỏi còn gì tốt đẹp hơn nữa? Xin mời cô thỉnh thoảng ghé lại nhà coi như đi nghỉ mát. Chỗ tôi có thể gọi là một thôn xóm thơ mộng. Ai ai cũng vui vẻ, thân mật, hiền lành, ít xảy ra ồn ào náo động. Đúng là nơi sinh hoạt lý tưởng. Được nhìn thấy cô là tự nhiên hết buồn, hết điên, hết say rượu.

Chúc cô suốt đời sung sướng!

Bùi Giáng 98 (Mậu Dần).

Kim Cương còn kể thêm nhiều chi tiết rất hay về Bùi Giáng: “Bùi tiên sinh rất mê truyện Kiều. Hễ giảng về Kiều với sinh viên là sôi nổi như lên đồng, là khóc sướt mướt như ông đang kể về những trầm luân người yêu ông đang mắc phải. Ông cũng coi tôi là một cô Kiều hương sắc. Ông nghĩ tôi cũng nên cảm nhận mình là Kiều, đồng cảm Kiều cũng như đồng cảm với Đạm Tiên. Chính vì vậy ông không thể chịu đựng được khi tôi chỉ thuộc Kiều lõm bõm. Trong một lần trao đổi về Kiều, tôi đọc mấy câu lỡ sai có một chút, ông liền đập bàn, la hét, nhảy dựng lên: “Tại sao Kiều mà cô nói như vậy? Đó không phải là Kiều mà là Đạm Tiên”. Thấy ông trợn mắt giận dữ, tôi cứ ngỡ ông sắp bóp cổ mình tới nơi. Tôi quên mất rằng ông cũng yêu Kiều say đắm như tình cảm ông đang dành cho tôi…”.

(Còn tiếp)