Hội họa

Đinh Phong, một ấn tượng nghệ thuật (Kỳ 1)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 14-04-2021 • Lượt xem: 9117
Đinh Phong, một ấn tượng nghệ thuật  (Kỳ 1)

Tranh và điêu khắc nói cho cùng cũng là những chủ thể của cái đẹp dành cho người thưởng thức. Không đòi hỏi chuyên môn mà bất cứ nghệ sĩ nào muốn bước vào thế giới sáng tạo cần phải trải qua thời gian học tập, trao dồi, tích lũy và rèn luyện thì yêu thích một tác phẩm tạo hình phần lớn theo cảm xúc tâm hồn, nhu cầu cá nhân. DDVN giới thiệu bài viết của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh về tranh của họa sĩ cũng qua góc nhìn đó... 

Tin và bài liên quan: 

Trần Đán: Siêu thực trong hội họa Đinh Phong (Kỳ 1)

Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân: Đinh Phong: Tốc lực nghệ thuật

Điêu khắc Đào Châu Hải, một bước ngoặc trong nghệ thuật Việt Nam

Nghệ thuật là sáng tạo chứ không phải sáng kiến

Tôi biết và chơi với Đinh Phong nhìn lại có lẽ cũng đã gần hai mươi năm qua giới thiệu họa sĩ Trần Hải Minh. Chỉ biết, thấy chưa ai sống hết mình vì bạn bè và lành tính như anh. Ở Phong, "thưở ban đầu" ấy, trong tôi, chỉ nổi bật cá tính, chưa bao giờ khoan nhượng sự giả dối, thiếu tôn trọng người khác. Sau đó, lạ hơn, hai mươi năm im bặt, bỗng một ngày Phong "cất tiếng" vẽ...

Từ trái qua: Họa sĩ Đinh Phong, nhạc sĩ Dương Thụ, Điêu khắc gia Đào Châu Hải và nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Cà phê thứ Bảy - Hà Nội 20.3.2021. 

Và cũng thật lạ, anh đã giấu kín "thân phận nghệ sĩ" của mình suốt ngần ấy năm.

Tuyệt nhiên tôi và nhiều bạn bè không hề biết gì đến là anh có vẽ miệt mài trong ý tưởng và tư tưởng. Có nghĩa ý tưởng sáng tạo, vẫy vùng với màu sắc chưa nào giờ nguôi khát trong anh. Còn tư tưởng là anh chọn một lối đi riêng biệt như một cậu bé với trò chơi cái que và chiếc vòng mà tung phá ra bao nhiêu tiết điệu, thể thức vũ trụ tươi mới. Chiếc vòng và cái que ấy chính là trò định mệnh khép mở một kiếp người. 

Một tác phẩm mới của họa sĩ Đinh Phong có chủ đề "Rỗng" vừa hoàn thành vào Xuân Tân Sửu 2021. (Ảnh: Đông Dương)

Cứ thế hai mươi năm Đinh Phong cặm cụi đơn độc hoan mê trong thế giới với giấc mơ sáng tạo nhiều chiều kích của riêng mình bằng cách sưu tập, đọc và phác thảo. Hành trình "ốc đảo" bưng bít và khép kín ấy tự vẽ thành những vòng, nhiều vòng căng lớn cho đến khi "vết thương" sáng tạo mở lớn chín muồi chuẩn bị cho đến một giai đoạn "nổ kén" bay lên như giấc mơ siêu thực.

Hành trình sáng tạo mà Nikos Kazantzakis (1883 - 1957) đã viết "Nhiệm vụ của mi là hãy lên đường đi đến một hố thẳm một cách im lặng và không khoan nhượng". 

Họa sĩ Đinh Phong và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh bên một điêu khắc mới của anh có chủ đề "Rổng". Sài Gòn, 3.2021.

Đó là lý do tại sao trong tranh Đinh Phong cho thấy sự hoan lộng về màu sắc và các bức tranh như cởi tung, mở tung hết biên độ chồng lấn tranh chấp, mở rộng hết nấc các vòng biên giới. Hết bức này đến bức khác với những màu sáng, độ bay khác nhau mang đến cho người xem một cảm xúc vừa xa lạ vừa thân quen....

Cho đến khi Đinh Phong quyết định bước hẳn ra ngoài ánh sáng hội họa để một lần đến chơi anh cho tôi xem trên bàn làm việc trong căn phòng mình tất cả những vựng tập, những catolog của nhiều danh họa thế giới như Vincent van Gogh, Pablo Picasso, Edouard Manet đến Andy Warhol, Henri Matisse, Salvador Dali... Thì ra suốt thời gian dài gần hai thập kỷ qua anh đã âm thầm "thiền định" để toàn tâm đọc, nghiên cứu, suy tư về con đường riêng về hội họa.

Và anh đã đi nhiều nước trên thế giới, thăm thú nhiều bảo tàng, thư viện chỉ để thỏa sức ngắm tranh các chiều kích, suy nghiệm, các tư liệu về tranh.

Đặc biệt, Đinh Phong chuyên chú đi sâu vào thế giới sáng tạo hai danh họa có đời sống cực kỳ phức tạp nhưng nhờ vậy tác phẩm được đẩy tới bến bờ cuồng nộ thăng hoa là Willem de Kooning và Gauguin. Sắc độ giao cảm tranh ngang bằng cái chết. Ở Việt Nam anh từng gặp gỡ và sưu tập tranh của các họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Lưu Hậu, Trần Hải Minh...

Điêu khắc của họa sĩ Đinh Phong đã triển lãm ở trường Yết Kiêu - Hà Nội. 

Một điều khó tưởng tượng là ròng rã trong suốt 6 tháng, khi cơn chấn động cuồng phong màu sắc bùng phát, họa sĩ đã tách rời bạn bè và những nhịp điệu cuộc sống hàng ngày để giam mình vào thế giới vẽ. Thậm chí, để không rớt hay mất nhịp tư tưởng, màu sắc liên hoàn chuyển động, đôi khi anh vừa ăn vừa vẽ tại chỗ. Những bức tranh đã ra đời trong một nhịp điệu thần bí như thế!

Và rõ ràng Thượng đế đã thử thách mỗi người nghệ sĩ một vẻ khác nhau. Điều đó làm nên cái đẹp bất ngờ và tuyệt đối của tác phẩm.

Mỗi tác phẩm anh như là một mảng ghép vỡ vụn từ giấc mơ siêu thực của người họa sĩ. Và khi đặt chung với nhau, chúng tạo nên một thế giới của những khối màu chuyển động, uốn lượn tự do và nhẹ nhàng trong giấc mơ của ‘người bay’.

Tranh tượng họa sĩ Đinh Phong tại triển lãm "Người bay và giấc mơ siêu thực" Trường Mỹ thuật Yết Kiêu - Hà Nội, tháng 11.2020.

“Đôi lúc tôi cảm nhận từ trái tim mình, niềm vui sáng tạo như dòng điện loé sáng, soi rọi trong tâm trí. Tôi giam mình trong phòng, phóng bút vẽ lên toan những ý tưởng nảy sinh trong đầu. Đây đâu chỉ là sáng tạo không? Mà còn là đam mê, đam mê mạnh mẽ mới thôi thúc mình muốn thực hiện, muốn cho mọi người nhìn thấy, chia sẻ và cảm nhận được giấc mơ siêu thực của mình” - Anh chia sẻ với tôi trong một lần đối ẩm.

Đinh Phong say mê vẽ và sáng tác bằng nhiều chất liệu khác nhau như màu acrylic trên toan, tượng đồng, gốm phủ men... Đây là lần đầu tiên người họa sĩ cầm cọ, cầm bay, nhưng với kiến thức chuyên sâu về những nguyên lý nghệ thuật cộng với tâm thức duy lý siêu hình sẵn có, các tác phẩm của anh gần như không có dấu hiệu của sự ‘nghiệp dư’.

Tượng Đinh Phong nhìn ban đầu thấy đơn giản nhưng có thời gian chiêm ngắm, chiêm nghiệm thì thấy quá đỗi lạ lùng và độc đáo. Đó là những khối, mô, cắt lớp, gò, đụn... đầy những ẩn ngữ chồng lên nhau. Ví như tượng có tên "Giác ngộ" như một biểu ngữ tôn giáo mới không hề cũ. Đó là một nét căng, gợi lên hình ảnh chắp tay thành kính trong Phật bà Quan thế âm nghìn tay, nghìn mắt. Là chiếc lá thiêng bồ đề tán cây Phật ngồi tu luyện, quán tưởng vũ trụ và đắc đạo.

Là hình ảnh của ngọn lửa thiêng của trí tuệ và tâm thức.

 

Đinh Phong trong xưởng làm việc bên một phác thảo điêu khắc mới. 

Ở một tượng mới "Rỗng" anh chú tâm đi tìm sự rỗng ở bên trong. Cuộc sống thực sự chỉ là rỗng, trống rỗng. Chúng ta tự đặt ra những khuôn khổ, thành kiến, tự làm chật cứng vì tự đổ đầy lên nó những khái niệm mà thôi.

(Xem tiếp kỳ 2)

*Chú thích ảnh chính: Từ trái sang: Điêu khắc gia Đào Châu Hải, họa sĩ Đinh Phong và họa sĩ Thành Chương. Cà phê phố Trần Bình Trọng chiều 20.3.2021. (Ảnh: Đông Dương) 

Nguyễn Hữu Hồng Minh