VĂN HÓA

Tình khúc 24, thi sĩ Dương Tường và Dương cầm lạnh

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 15-12-2021 • Lượt xem: 2526
Tình khúc 24, thi sĩ Dương Tường và Dương cầm lạnh

Trở lại Hà Nội lần này có một đêm tôi cùng cùng hai họa sĩ Ca Lê Thắng và họa sĩ Đinh Phong đến thăm thi sĩ, dịch giả Dương Tường. Thật may mắn được gặp cả phu nhân ông khỏe mạnh. Vợ chồng cô con gái thi sĩ là anh chị Hải Mai Gallery tiếp đãi mọi người thật ân tình chu đáo. Hình như ở trong ông tinh thần sáng tạo và yêu cái đẹp vẫn thao thức, chưa ngơi nghỉ...

Tin và bài liên quan: 

Bóng tối cuộc đời phía sau câu thơ 'Nỗi nhớ mùa đông'

Khai mạc triển lãm 'Mùa nước nổi' của họa sĩ Ca Lê Thắng tại Hà Nội  

Điêu khắc gia Đào Châu Hải: Ký ức tự do trong vết loang cô đơn

Triển lãm cá nhân họa sĩ Trần Hải Minh tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Nguyễn Vũ, tác giả 'Bản Thánh ca buồn' và nỗi buồn người Nghệ sĩ

Cũng vào thời gian này, mùa đông năm ngoái 2020, ra Hà Nội, khai mạc triển lãm "Người bay và giấc mơ siêu thực" họa sĩ Đinh Phong và tôi ghé thăm ông. Lúc đó ông rất yếu vì vừa ở bệnh viện điều trị về nên còn khá mệt mỏi. Tuy nhiên, nghe có khách đến thăm ông rất vui và vẫn gắng ngồi dậy được. Điều rất mừng là trí nhớ của thi sĩ không hề suy giảm. Ở ngưỡng tuổi 90 xưa nay hiếm, tai khó nghe và mắt không nhìn thấy rõ nhưng ông vẫn nhận ra những độc giả hâm mộ hay bạn bè ghé thăm ông, 


Nhà thơ, dịch giả Dương Tường (giữa) tuy vừa ở bệnh viện về nhưng vẫn vui vẻ tiếp họa sĩ Đinh Phong và nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Hà Nội, mùa đông 2020.(Ảnh: Thanh Hải)  

Thật bất ngờ khi tôi và anh Đinh Phong được chị Mai, con gái ông gửi tặng hai bản dịch "Kiều" của Nguyễn Du qua tiếng Anh. Một công trình dịch thuật lớn có lẽ là cuối đời của ông. Sự kiên nhận, tận tụy của ông với tiếng Việt, với ngôn ngữ đã trở thành nhiều giai thoại đẹp được kể trong bạn bè. Sau 2 năm đeo đuổi, bản dịch Truyện Kiều bằng tiếng Anh do Dương Tường dịch đã hoàn thành. Đây cũng là bản dịch Truyện Kiều qua tiếng Anh thứ 18 trên thế giới. Đáng lưu ý, thời gian này, thị lực của ông rất kém. Để quyết tâm dịch trước tác lớn của thi hào Nguyễn Du, như chị Mai cho biết, "bố đã phải vật lộn với chính mình hòng vượt qua những trở ngại về sức khỏe. Bố phải sử dụng màn hình cỡ lớn để làm việc hầu cho ra đời bản dịch mang bản sắc của chính mình cùng tình yêu dân tộc vĩ đại".

Dịch giả Phạm Anh Tuấn trong một phát biều trên báo chí, đã bày tỏ: “Trong mọi hoàn cảnh Dương Tường đều là nghệ sĩ. Truyện Kiều Tiếng Anh “in Version Dương Tường” là một cuộc chơi trong đó Dương Tường như người nghiện sáng tác, trong ông đã có những “xung động học lại Kiều”. Truyện Kiều qua bản dịch Dương Tường là một phiên bản mới mẻ giữa “Tài và Mệnh”. Dương Tường đã kể lại bằng trí nhớ về Kiều và lối diễn đạt hoàn toàn khác dựa trên sự hiểu biết theo lối nghiệm sinh. Đó là con đường độc đáo và khác biệt mà ở Việt Nam ít có người đi...". 

Trờ lại Hà Nội lần này sau một năm trong triển lãm Mùa nước nổi của họa sĩ Ca Lê Thắng, chúng tôi lại có dịp cùng nhau đi thăm ông. Rất mừng khi thấy sau một năm ông khỏe và tinh anh hơn xưa. Vợ chồng anh Hải chị Mai, chủ Mai Galerry tổ chức một buổi tiệc tiếp đãi anh em Sài Gòn ra thật ân tình và chu đáo. Câu chuyện vui, sôi nổi, trà dư tửu hậu đến tận 3 giờ rưỡi khuya mấy anh em mới ra về. Nhiều câu chuyện hay được kể về cuộc đời, những thân phận rất đáng để chiêm nghiệm, kết đọng để qua thời gian tự thân thấm ngấm lan tỏa từ từ thành vân chữ. Thi sĩ Dương Tường cũng đã ngồi với chúng tôi khá lâu. Câu chuyện làm mọi người tưởng niệm về nhạc sĩ Phú Quang, người phổ rất nhiều bài thơ viết về Hà Nội nổi tiếng vừa ra đi. Chúng tôi đã cùng nhau nghe lại hai ca khúc Phú Quang phổ thơ Dương Tường rất nổi tiếng là "Dương cầm lạnh" và "Tình khúc 24" với những câu đẹp đến buốt trí nhớ:  "Trả lại em tờ thư hai tư gác mưa /  Mùi hoa sữa hai tư miền hoài niệm / Cơn mơ chợt hiện chợt tan...".

Nhạc sĩ Phú Quang vừa "trả lại tất cả". Thi sĩ Dương Tường cũng đã bước vào tuổi 90.

Mỗi kiếp nhân sinh đến trong cuộc đời được hân hoan, đón nhận vui buồn, hạnh phúc vừa giống nhau lại vừa khác nhau. Để đến lúc phải giã từ "Anh gửi lại em tất cả". Và người nghệ sĩ để lại "hai tư quần bóng xuống đời" chính là những thao thức, khát vọng sáng tạo. Những tác phẩm.

****


Họa sĩ Ca Lê Thắng và nhà thơ, dịch giả Dương Tường. Hả Nội, 12.2021.

Có một Dương Tường dịch giả, Dương Tường phê bình văn học, mỹ thuật, nhưng ít người biết còn có một Dương Tường thơ. Nếu cách đây mười năm, trong 36 bài tình cùng Lê Đạt, những thử nghiệm của ông còn dừng ở dạng "hữu ngôn" - biểu đạt bằng lời, thì nay, với Đàn [1], Dương Tường nhảy hẳn sang thể loại "ngoài lời" - khước từ hình thức thơ bằng ngôn ngữ.

Không thể tìm được một câu thơ, dòng thơ nào trong tập thơ của Dương Tường ngoài "Lời ngỏ" của chính nhà xuất bản và bài viết giới thiệu "Đôi điều về thơ ngoài lời" của nhà thơ Châu Diên. Và bài viết đó lại cũng chỉ trấn an những người yêu thơ mỗi một điều rằng nếu lỡ đã cầm tác phẩm Đàn trên tay thì cứ nên bình tĩnh và từ tốn, vì điều ấy "thực ra không phải là một cái gì dị thường lắm".

Thật tình mà nói, qua tập thơ này tôi càng xác quyết thêm một điều rằng, ngôn ngữ thường trừu tượng và khó chính xác. Nó chỉ gần đúng hay thật sự khả quan khi chỉ dùng để biểu đạt những tâm trạng, tâm thế đơn giản, mang hiệu quả tức thì cho cái hiện thời. Nhưng những nghệ sĩ đích thực thường va động ở bên ngoài ranh giới dễ khống chế với tầm kiểm soát ấy. Họ thường mới lạ, dị biệt và “kẹt số” ở những tầng xúc cảm. Và trong những trạng huống trải dài phi trọng lượng ấy, họ bất ngờ ngột hứng bay lên từ nhiều chân trời khác nhau.


Cuộc gặp gỡ tại Hà Nội.Từ trái qua: Mai Gallery, Họa sĩ Đinh Phong, Anh Hải (con rể), ông bà Dương Tường, họa sĩ Ca Lê Thắng, Nguyễn Hữu Hồng Minh. 

Đó cũng là một ẩn ức tâm lí trong “biến đồ gien” của Freud mà Octavio Paz gọi tên rõ ràng, rành mạch hơn, đó là nguy cơ bị “mất giọng” hay sự “ú ớ của ngôn ngữ”. Bởi thế, "Thơ ngoài lời" là một cách chọn của Dương Tường lúc tâm hồn ông căng như "nhạc đàn", trộn lẫn (hay hòa âm?) của quá nhiều ngột hứng, quá nhiều sự phân thân của chỉ một tâm trạng mà đẩy đến hiệu ứng "hoa đăng" của cảm xúc. Ở trạng thái "tổng phổ" ấy, ngôn ngữ đã mất tính năng độc quyền và độc diễn của nó. Nó vô cùng rối loạn khi bất ngờ bị đẩy từ một tâm thế chấn động chuyển đến trạng thái vọt trào của “hiệu sóng âm” và buộc vì cần tự vệ nó phải chuyển từ phía “thượng phong” tấn công (xuất ngữ, xuất biểu) về phía phòng thủ ( ngấp ngứ, ú ớ). Hệ quả ấy là tất yếu bởi Dương Tường đã từng có một quá trình dài nương náu vào ngôn ngữ mà chỉ "rình rập" những biến tấu chữ và khủng bố nó. Ông là một "tay chơi" ngôn ngữ ngoại cỡ. Khi đã trực tiếp đọc, xử lí nguyên bản và dịch hàng trăm tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới ra tiếng Việt thì tôi đồ chắc một điều rằng, ông cũng đã không ít lần bị rớt vào những “hố thẳm” của những trạng huống bi kịch, là buộc phải chứng kiến những tình trạng lâm sàng không thể diễn đạt nổi của cảm xúc để dự báo trước sự bất lực, dẫn đến cái chết của ngôn ngữ.

Đoạn kết của một quá trình sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính ông trong thơ như những thể hiện tự chủ và riết róng về các hướng của thi pháp như “âm bồi”, “thơ vụt hiện”, “thơ ngắn”, “tạo âm”, “con chữ”... Mà đỉnh cao chính là "thơ một câu" của nhà thơ đã được nhiều người truyền tụng như "Những ngón tay mưa/ Dương cầm trên mái" Hay chính xác, chính diện hơn, đẩy thơ đến “điểm cực”, gây ấn tượng tê liệt như bài thơ một câu “Thơ đề trên mộ chí sau này” thay lời ( hay ghi lòng?) của một thế hệ: "Tôi đứng về phe nước mắt". Nhưng với Dương Tường hình như thế vẫn chưa đủ. Ông muốn tiếp tục những thể nghiệm đa chiều. Làm sao phải mở ra được những miền không gian liên tưởng bên ngoài câu chữ cụ thể. Điều mà đã từng có trong thơ trên thế giới. Như những "ẩn dụ kép" gửi trong những bài “thư đồ thi” của Ai Cập, Trung Hoa, văn minh Lưỡng hà cổ xưa…Hay cụ thể hơn, những calligrammes của nhà thơ cách tân Pháp Guillaume Apollinaire hiện đại... Thơ Việt dường như chưa thấy xuất hiện dấu vết ấy. Đặt vấn đề về nó là dò tìm những hướng rẽ cho thơ Việt Nam đương đại.


Nhà thơ Ý Nhi, thi sĩ dịch giả Dương Tường và người viết bài trong một buổi giao lưu, gặp gỡ các bạn viết trẻ tại Câu lạc bộ Văn học Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM, 8.2003.  

Vì thế, cũng cần nói thêm "Thơ ngoài lời" hay cuộc "phá vây chữ" không chỉ là tham vọng của riêng Dương Tường mà còn là của cả nhóm Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng...lúc đó. Từ những năm 1970, nhà thơ Trần Dần đã đưa ra quan niệm "Thơ không lời" mà nhiều bài "biểu hình" của ông đến hôm qua vẫn gây nhầm lẫn là những phác thảo tranh (?!). Sự xuất hiện Đàn của Dương Tường hôm nay đã xác minh lại điều đó. Với Đàn, vấn đề trước nhất nhà thơ muốn gửi gắm là tự vẽ lại biểu đồ của chính mình trong cuộc diện kiến hay giao tiếp với vũ trụ. Trong cõi nhân sinh phù thế này, người nghệ sĩ đã lĩnh hội được những gì cho mình và “nói” được gì cho người? Đâu là những giao cảm “đàn đồng điệu”? Như lời Dương Tường tâm tình với tôi, tác phẩm thơ là một giao hưởng “đàn” gồm 4 chương là "Moderato", "Presto", "Scherzo" và "Andante Cantabile". Người nghệ sĩ sáng tạo phải hoá thân để trở thành một dấu lặng trong một tổ khúc, một vệt sóng "ba đào" phong vũ trên phong nhiêu biển cả. Thế giới mãi là cuộc biến động. Cuộc đời là những giấc mơ bị đảo lộn.

Những nhạc khúc trong "Vũ trụ đàn" với sự bay bổng vỡ tung lên từng mảnh của cây đàn Lyre ( không lời và âm gợi tùy tâm thức) như mãi mãi tìm người viễn hành tri âm. Ở khúc dạo đầu "Moderato" với cách điệu hiệu quả từ chữ "Đàn" tự thân nó bỗng chuyển thành một dấu nối truyền âm vọng rất xa. Vọng âm đó là những thông điệp từ cái “Tôi” nhỏ nhoi đến với những miền không gian, những chân trời sáng tạo kì ảo rộng lớn. Những điều ( hay những vấn đề?) tưởng như to lớn từ "tích hợp" ấy tự thân nhà thơ đã sống qua và lặn sâu vào nó để bất ngờ gọi về những "biểu hình thơ" rất thoáng đạt, sống động và tự nhiên. Tôi thích nhất là “vân đàn” hay có thể hiểu là “vân vũ trụ” mà Dương Tường cho in ở bìa 4 tập thơ.(Có đồng điệu không khi gần đây nhà thơ Lê Đạt cũng viết về “Vân chữ” trên báo Văn nghệ?). Nó nói lên độ rung của cảm xúc hay sự bản năng sống của khách thể. Mỗi người trong chúng ta đến trong cuộc sống này như những người khách và ra đi với sự dửng dưng lạnh lẽo của cái nhìn “quán trọ”. Vậy thì đâu là ý nghĩa “chất lửa sống” trong cuộc “chết điếng” của chúng ta? Dương Tường lí giải điều đó trong "Đàn tâm đồ". Ấy là tấm lòng, nguồn tri âm với bạn bè “cùng một lứa bên trời lận đận” ( Lí Bạch). Có thể nhận ra trong bài thơ “tâm đồ” này tiếng "đàn đồng điệu" với nhiều chữ kí của các nghệ sĩ lớn như Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Hiệu, Bùi Xuân Phái, Bửu Chỉ... Những “vân lòng”, “cầm lòng” “giữ lửa” với nhau trong một tâm trạng “lúc ngả lòng / tôi vịn câu thơ mà đứng dậy” ( Phùng Quán) của một giai đoạn nhiều thử thách với nhiều biến cố nghệ thuật. Ở nhiều bài “rời” khác của phần "Presto", "Scherzo", hay "Andante Cantabile"... mô-típ "vân đàn" lặp đi lặp lại nhiều lần như một sự phản tỉnh. Như một tiếng nhạc cầm day dứt nỗi mình và lòng người. Đó là cái thần thái, biến hoá khôn lường của “Thơ ngoài lời”. Một thế mạnh của thơ cần được ghi nhận khi ngôn ngữ ú ớ hay tắt tiếng.

------------

(*) Chú thích ảnh chính trong bài: Họa sĩ Ca Lê Thắng (phải) và ông bà Dương Tường tại cuộc gặp gỡ đêm 10.12.2021 (Ảnh: Đông Dương). Tập thơ nhắc trong bài là Thi phẩm "Dương Tường, Đàn - Thơ ngoài lời (Nxb Trẻ).

DDVN giới thiệu bài hát "Dương Cầm Lạnh" của nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ thi sĩ Dương Tường. Trình bày ca sĩ Thùy Dung. 

Nguyễn Hữu Hồng Minh