VĂN HÓA

Ký ức tự do trong vết loang cô đơn

Điêu khắc gia Đào Châu Hải • 09-12-2021 • Lượt xem: 1124
Ký ức tự do trong vết loang cô đơn

Có tới trên dưới cả trăm tấm tranh khổ lớn nhỏ được Ca Lê Thắng sáng tác theo ý tưởng này từ 5, 6 năm trở lại đây. Ông là họa sĩ có nhiều trải nghiệm nghề nghiệp, từng vẽ theo nhiều bút pháp, theo đuổi nhiều khuynh hướng tạo hình, từ Hiện thực cho tới Lập thể, Trừu tượng… Vậy cái gì làm ông buông bỏ tất cả để bước vào câu chuyện của ngày hôm nay?

Tin và bài liên quan:    

Họa sĩ Ca Lê Thắng: 'Mỹ thuật luôn cần những ngọn gió mới'

Đinh Phong, một ấn tượng nghệ thuật (Kỳ 1)

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải: 'Sức hấp dẫn đặc biệt từ những ý tưởng của Họa sĩ...'

Triển lãm tranh họa sĩ Đinh Phong: Sự sửng sốt lớn trong giới mộ điệu

Mấy ghi chú về Điêu khắc Đào Châu Hải: Những ngoại đề (Kỳ 1)

Như DDVN đã đưa tin, sáng nay, lúc 10 h ngày 9.12, triển lãm có chủ đề "Mùa nước nổi" của họa sĩ Ca Lê Thắng đã khai mạc tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu - Hoàn Kiếm - Hà Nội). Ông là họa sĩ có nhiều đóng góp trong giáo dục đào tạo cũng như tiền phong, đổi mới mỹ thuật nghệ thuật Việt nên triển lãm solo đầu tiên của ông đặc biệt gây chú ý trong giới hội họa. Bài viết của Điêu khắc gia Đào Châu Hải về thế giới tranh họa sĩ Ca Lê Thắng. 

 

KÝ ỨC TỰ DO TRONG VẾT LOANG CÔ ĐƠN 

(Memory of freedom in the smudge of loneliness)  

Sau nhiều trải nghiệm sáng tác hội họa theo các khuynh hướng, phong cách khác nhau, những năm gần đây họa sĩ Ca Lê Thắng chủ yếu sáng tác bằng ngôn ngữ biểu hiện tượng trưng tối giản. Ông không mô phỏng, miêu tả đối tượng hội họa một cách cụ thể về không gian, ánh sáng, hình thể. Trên bề mặt chạy dài hết chiều ngang của tấm vải vẽ, ông tạo ra một mảng màu lớn, trên đó đắp nhiều lớp màu chồng lên nhau. Họa sĩ sử dụng màu acrylic - một họa phẩm có thể hòa tan trong nước tạo ra những biên độ đậm nhạt, đặc loãng, loang chảy theo ý muốn. Có lẽ đây cũng là phương pháp tạo hình truyền thống rất nổi tiếng của họa phái Thủy mặc phương Đông.


Điêu khắc gia Đào Châu Hải (thứ 2, phải sang) trong khai mạc triển lãm "Mùa nước nổi" của họa sĩ Ca Lê Thắng tại trường Đại học Mỹ thuật (Yết Kiêu - Hà Nội) sáng nay. 9.12.2021. (Ảnh: NHHM)

Những gam màu ấm, nóng, giàu năng lượng là sự lựa chọn yêu thích của Ca Lê Thắng. Nước khi pha với màu được sử dụng như chất liệu dẫn động, tạo ra độ loang chảy rất nhạy cảm với thị giác. Cũng theo liên tưởng thị giác, khi xếp những tấm tranh của Ca Lê Thắng nối nhau theo chiều ngang, ngay lập tức sẽ thấy một mảng màu lớn chạy dài, như một dòng chảy, là sóng, nước, mây trời, là chuyển động của vật chất… Cách tạo lớp không gian chồng lấn hòa với độ loang chảy của màu là chỉ dẫn đến nhận thức về tạo hình, tạo nghĩa. Nước bào mòn vật chất, đất bùn, phù sa, cỏ cây, đá, loang thành màu của thời gian, của thiên nhiên hoang dã, thành màu trầm tích ẩn sâu dưới tầng địa lý ngàn năm…

Có tới trên dưới cả trăm tấm tranh khổ lớn nhỏ được Ca Lê Thắng sáng tác theo ý tưởng này từ 5, 6 năm trở lại đây. Ông là họa sĩ có nhiều trải nghiệm nghề nghiệp, từng vẽ theo nhiều bút pháp, theo đuổi nhiều khuynh hướng tạo hình, từ Hiện thực cho tới Lập thể, Trừu tượng… Vậy cái gì làm ông buông bỏ tất cả để bước vào câu chuyện của ngày hôm nay? Động lực nào, khát vọng nào? Phải chăng tiếng gọi từ thiên nhiên hoang dã, cội nguồn văn hóa đã đưa ông trở lại với cảm hứng sáng tác ngày hôm nay?


Tranh họa sĩ Ca Lê Thắng trong triển lãm cá nhân vừa khai mạc tại Hà Nội. 

Đứng trước những tác phẩm của họa sĩ, quan sát và để mình chìm vào suy tưởng, tôi như lắng nghe được, nhìn và hình dung ra lời thầm thì của sóng nước, của tạo hóa, đang kể lại câu chuyện ngàn năm; rằng: Dòng nước đó bắt nguồn từ nơi xa xăm nào! Nó lấy phù sa của mình bồi đắp nên bao nhiêu vùng dân cư, văn hóa nào? Ở đây, Ca Lê Thắng là người kể chuyện, bằng ngôn ngữ hội họa của chính mình. Ông tái tạo hình ảnh thị giác, ông hóa thân vào hình ảnh đó và kể lại câu chuyện phiêu du của một dòng chảy, dòng chảy của vật chất, của đời sống, của văn hóa tâm linh, của lịch sử đau thương da diết… Một dòng chảy mang nỗi buồn mênh mang trước khi đổ ra biển lớn.


Mùa nước nổi - Tranh họa sĩ Ca Lê Thắng

Ở cái khoảng không gian man mác, bao la mênh mông trời nước đó, tôi hình dung ra Ca Lê Thắng như một vết loang nhòe cô đơn trên chiếc ghe tam bản, xa lắng cuối chân trời xa xăm điệu vọng cổ.

Hà Nội, ngày 2, tháng 11, năm 2021

Điêu khắc gia Đào Châu Hải