VĂN HÓA

Bóng tối cuộc đời phía sau câu thơ 'Nỗi nhớ mùa đông'

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 13-12-2021 • Lượt xem: 3521
Bóng tối cuộc đời phía sau câu thơ 'Nỗi nhớ mùa đông'

Nhạc sĩ Phú Quang vừa qua đời, ông để lại nhiều ca khúc phổ thơ nổi tiếng. Một trong những ca khúc đó là "Nỗi nhớ mùa đông" nhạc sĩ phổ từ bài thơ 'Không đề gửi mùa đông' của nữ sĩ Thảo Phương. Nhiều tình tiết cũng như số phận của nhà thơ, bài thơ đến nay vẫn còn là ẩn số mà bạn đọc muốn tìm hiểu. DDVN giới thiệu bài viết của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh về bóng tối phía sau bài hát này. 

Tin và bài liên quan: 

Mùi hương, Ánh sáng & Bóng tối qua bút pháp

Mê cung Từ điển - Tùy bút Nguyễn Hữu Hồng Minh

Ruồi Nhiệt Đới - Tiểu thuyết Nguyễn Hữu Hồng Minh

‘Mặt trời soi vết thương yêu’ - đêm nhạc mới

Nguyễn Hữu Hồng Minh hay huyền thoại Atlantis chưa bị nhấn chìm

Đời Thảo Phương là một cuộc hành trình truân chuyên với nhiều thử thách của số phận. Từng học nước ngoài (Hungary) và tốt nghiệp cử nhân Sinh học, nhưng thơ đã “ám” chị và làm cho chị “ngả nghiêng”.


Nhà thơ Thảo Phương, tác giả bài thơ "Không đề gửi mùa đông" 

Ai đó nói rằng thơ chỉ “chiếm ngự” những trái tim mơ mộng, đa cảm, nhưng trường hợp Thảo Phương cho thấy, thơ còn “nung chảy” cả trái tim của một nhà khoa học. Chính vì những cảm xúc chới với “loạn nhịp” ấy, thơ Việt đã có thêm những bài thơ hay như Không đề gửi mùa đông. "Không đề" hoá ra có “vấn đề”. Cái mùa đông ấy thành “mùa vàng”, “mùa nhớ” ám ảnh nhiều người Hà Nội xa quê, lưu lạc tứ xứ. Cái “ngọn gió mãi chơi” đó đã hoá thành ngọn gió ký ức…

Giờ thì chị Thảo Phương có thể lang thang đâu đó trên đầu những ngọn gió. Những ngọn gió mà một kẻ làm công việc sáng tạo lúc nào cũng muốn tang bồng, muốn cuối thác đầu ghềnh, lênh đênh cùng thân phận. Nói là nói thế, nhưng tin chị Thảo Phương mất đối với tôi và nhiều bạn bè khác là bất ngờ. Quá bất ngờ. Mới hôm kia thôi, buổi trưa chúng tôi hẹn nhau ăn cơm ở cà phê Bông Giấy, nơi thỉnh thoảng chị Phương cũng thường ra đấy vì là điểm hẹn chung của anh em văn nghệ. Lúc ấy có hai nhà thơ trẻ là Bùi Chát và Trần Nguyên Anh (báo Sài Gòn Giải Phóng). Câu chuyện lam nham thế nào đó, Bùi Chát nói: “Hai ông biết tin gì chưa? Chị Thảo Phương bệnh nặng. Bệnh viện cố nhưng hình như đã hết thuốc! Bác sĩ cho đưa về nhà rồi!”. Trần Nguyên Anh trố mắt, như không tin. Với anh, một nhà báo Bắc bây giờ ngược xuôi ở phương Nam, cái “gió mùa Đông Bắc se lòng” trong thơ Thảo Phương quả là nhớ, là da diết lắm lắm! Tôi thì quá đỗi ngạc nhiên vì không nghe thông tin chị bệnh lúc nào cả! Thậm chí, một người bạn tôi là nhà sưu tầm, cách đây không lâu còn báo tin chị Thảo Phương vẽ tranh. Anh cũng tính tài trợ cho chị, vì theo anh, các nhà thơ vẽ thường gây bất ngờ. Đúng vậy. Giữa thơ và họa có một tần số giao cảm bí ẩn nào đó. Hãy thử xem những bức tranh vẽ đề tài thiếu nữ, khát vọng tự do của nhà thơ Trần Dần vừa được Nhã Nam công bố gần đây hay tập thơ Biểu hình có tên Đàn của nhà thơ, dịch giả Dương Tường. Từ bút pháp, đến tính “ăng-ti” biểu hiện rất “ăn-rơ”, sáng và rõ. Nhà thơ khi vẽ tranh có một “sung năng” chuyển từ “vỉa chìm” của ngôn ngữ sang “ánh chớp” của màu sắc. Thời gian gần đây, các “thi sĩ” chuyển qua vẽ tranh ngày càng nhiều. Gây được tiếng vang trong công luận, có thể kể là các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quốc Chánh, Phạm Mạnh Hiên, Lê Thị Kim, Nguyễn Khắc Phục... Thế còn tranh Thảo Phương thì sao? Đang dự tính xem thử trong tuần có rảnh rỗi lúc nào tạt qua thăm chị một lúc. Chưa kịp thì được tin chị mất rồi.


Nhạc sĩ Phú Quang, người phổ nhiều bài thơ hay viết về Hà Nội. Trong đó có bài "Nỗi nhớ mùa đông" của nữ sĩ Thảo Phương. 

Tôi chỉ là một đứa em nghệ thuật, mê thơ và có làm thơ, nên trong bài viết nhỏ này cũng chỉ xin thắp một nén hương lòng lên nấm mồ còn chưa lên cỏ. Gọi là cái tình thơ. Chút tình thơ. Ui chao là cái tình thơ thiêng liêng, mong manh và mông lung trong cái xã hội công nghiệp hóa tơi bời bụi khói này. Hai chị em biết nhau khi chúng tôi vẫn thường được mời đi đọc thơ tại Đại học Khoa học Xã hội Nhân Văn TP HCM, nhà văn hóa Thanh Niên và Câu lạc bộ sáng tác văn học trẻ của Thành Đoàn. Chị Thảo Phương bao giờ cũng buồn. Kỳ lạ. Có một nét gì đó thảng thốt, lo âu, xanh nhợt luôn tái hiện trên mặt chị. Một nét gì đó dở dang. Chưa nói đã thôi. Chưa cười đã tắt. Chỉ với thơ là hết mình. Thảo Phương ít có những “tuyên ngôn” về thơ nhưng tôi thấy chị nghiêng hẳn về Thơ tự do.

Chị tìm đến thể loại này chắc cũng chỉ để được bộc lộ mình nhiều nhất, đà đắm với thơ nhiều nhất. Có những câu thơ của chị ghim vào tôi tình cờ sắc cạnh như miểng chai, đọc thấy ghê ghê, khó nghĩ đây là thơ của một người đàn bà: “Trên bàn rượu hôm nay ai nhậu ai?”. Tư duy thơ chị đan chéo những vấn đề xã hội. Trong tập thơ Người đàn bà do đàn ông sinh ra tập trung được những bài đáng lưu ý như thế. Tuy nhiên, Thảo Phương được biết đến nhiều không phải bằng giọng thơ “thế sự” này mà chính là hơi thở nồng nàn, những cảm xúc chin muồi, chân thật của chị đối với cảnh vật, thiên nhiên. Nói cách khác, nếu gạt bỏ “con người thế sự” qua một bên thì hình như Thảo Phương đã thành công với “con người tâm sự”.

Trong bốn tập thơ đã xuất bản của chị, tập Khúc ca thời gian gây ấn tượng nhất vì những “tân kỳ” của nó trong thời điểm ra đời. Trước hết, tập thơ được in bằng hai thứ tiếng Việt và Anh ngữ. Người thực hiện công đoạn chuyển dịch này là nhà thơ Phan Đan. Chỉ cần nhắc đến tên anh Phan Đan cũng đủ tạo thêm sức nặng cho tập thơ thế nào. Nhân đây, tôi cũng viết thêm vài dòng về anh Phan Đan. Là một người khó tính, lực lưỡng trong “ma trận” thơ, và cũng như thơ, cuộc đời anh tang bồng ba chìm bảy nổi. Thơ anh khi cuồng nộ, sung huyết, lúc tuyệt vọng đau thương. Vì rất thích thơ anh, nên khi thấy anh nhận lời chuyển ngữ cho tập thơ chị Thảo Phương tôi đã rất chú ý sự việc này. Theo như bản thảo thì tập thơ còn có sự trợ giúp phần tiếng Anh của Phan Linh Đan, con gái anh.

Ấn tượng mới mẻ của Khúc ca thời gian còn ở chỗ người thiết kế trình bày tập thơ là họa sĩ đồ họa nổi tiếng Nguyễn Tri Phương Đông. Lần đầu tiên, những thể nghiệm về chữ được “căng” tối đa trên những diện tích hẹp để nói hết nghĩa rộng lớn từ mọi lưu vực của nó. Vì thế, chữ phóng to, thu nhỏ, chữ pop, chữ rock, chữ lộn ngược, chữ treo, chữ móc, chữ dưong tính, chữ âm bản… nhà design phóng tay hết mức để từ trường tập thơ được phổ rộng nhất đến tâm hồn bạn đọc. Là một người khá thân với Nguyễn Tri Phương Đông nên tôi được anh chia sẻ “từ gốc đến ngọn” ý tưởng cuộc cách mạng của Thơ Biểu hình này. Đóng góp vào thành công của tập thơ còn phải kể đến những tấm ảnh chụp khá lão luyện của nhà nhiếp ảnh Dương Minh Long. Nói tóm lại, tập Khúc ca thời gian của Thảo Phương mở đầu cách tiếp cận và thưởng thức thơ trên một bình diện mới. Thảo Phương đã có một ý thức rất mạnh mẽ về nâng cấp, mở rộng những biên thùy cho thơ.
 
Ngoài tập thơ Khúc ca thời gian, bài thơ của chị được nhớ, được nhắc đến nhiều nhất là bài thơ Không đề gửi mùa đông. Bài này qua âm nhạc, Phú Quang đã phổ thành ca khúc Nỗi nhớ mùa đông. Nếu tôi nhớ không lầm thì bài thơ xuất hiện lần đầu tiên trên báo Tuổi Trẻ bên cạnh bài chị trả lời phỏng vấn giữa những năm 1990. So với nguyên tác, ca từ có thay đổi ít nhiều. Nhưng điều ấy không còn quan trọng khi mỗi người đã là một “nửa linh hồn” cho sự thành công hiếm có ấy. Những câu thơ “sống Nam hoài Bắc” đau đáu trước mỗi mùa thu về phụt cháy ký ức: “Hình như ai đi ngang cửa / gió mùa đông bắc se lòng / Chút lá thu vàng đã rụng / Chiều nay cũng bỏ ta đi”. Và những hình ảnh đẹp như một mùa thu vàng trong tranh Levitan: “Làm sao về được mùa đông / Dòng sông đôi bờ cát trắng / Làm sao về được mùa đông / Mùa thu cây cầu đã gãy…”.

Trong một dịp giao lưu với các bạn yêu văn học tại nhà văn hóa Thanh Niên, chị Thảo Phương rất tin vào sự “bất tử” của bài hát này. Tôi vẫn còn nhớ chị có nói về cái hữu hạn của mỗi cuộc đời, sự biến mất của mỗi nhà thơ ở lưng chừng thời gian và chị tin, qua ca khúc này người yêu nghệ thuật sẽ còn mãi nhớ đến Thảo Phương. Thật hạnh phúc cho người nghệ sĩ sáng tạo và tin vào công việc, vào hành trình sáng tạo của chính mình. Thảo Phương là một trong những chứng nghiệm của hạnh phúc đó… 


Nhạc sĩ Phú Quang (phải) và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh trong chương trình ca nhạc Duyên Dáng Việt Nam chủ đề "Xuân" tổ chức ở Hà Nội 2016. (Ảnh: Nguyên Trương) 

Nhà thơ Thảo Phương tên thật là Nguyễn Mai Hương. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Chị sinh năm 1949 tại Ninh Bình. Tuy nhiên trong tập thơ in song ngữ Khúc ca thời gian, chị lại tự bạch mình sinh tại Việt Bắc. Thảo Phương tốt nghiệp cử nhân sinh học tại Hungary. Trở về nước, chị dạy học 8 năm tại Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Sau đó chị chuyển qua làm cán bộ thư viện trường Quản lý Kinh tế Trung ương.

Tên tuổi nhà thơ Thảo Phương được khẳng định từ năm 1990, khi ra mắt tập thơ đầu tay Thơ Thảo Phương. Sau đó là các tập Bài ca buồn, Người đàn bà do đàn ông sinh ra, Khúc ca thời gian, Chiếc gạt tàn vỏ ốc (tập truyện ngắn)… Chị đã được giải thưởng báo Văn Nghệ 1989 - 1997.

Thảo Phương còn viết kịch bản phim. Đáng chú ý là kịch bản phim Chim Phí bay về nguồn (Hãng phim Giải Phóng) của đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo.

Nhà thơ Thảo Phương phát hiện mình mắc bệnh ung thư cách đây nửa năm. Chị qua đời lúc 18h ngày 19/10 tại nhà riêng, hưởng dương 59 tuổi.

*DDVN giới thiệu nguyên bản bài thơ của nhà thơ Thảo Phương. 

KHÔNG ĐỀ GỬI MÙA ĐÔNG 

Dường như ai đi ngang cửa,
Hay là ngọn gió mải chơi?

Chút nắng vàng thu se nhẹ,
Chiều nay,
Cũng bỏ ta rồi.

Làm sao về được mùa đông?
Chiều thu - cây cầu...
Đã gãy.

Lá vàng chìm bến thời gian,
Đàn cá - im lìm - không quẫy.

Ừ, thôi...
Mình ra khép cửa,
Vờ như mùa đông đang về!


(SG - 8.1992  -  Thảo Phương) ​​​​​

*Nghe bài hát "Nỗi nhớ mùa đông" thơ của Nữ sĩ Thảo Phương - nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. Ca sĩ Ngọc Anh trình bày: 

Nguyễn Hữu Hồng Minh