Cuối tuần qua, có sự kiện văn học đáng chú ý là sự ra mắt của nhóm thơ Gió Hoan - Windsoul tại "Người Sài Gòn vẫn hát" tối 10.4.2022 với thi phẩm đầu tay là "Thờ Ơ" do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Những cái tên rất mới với bạn đọc là Dona Camela, Nisuta, Nhược Chuyết, Thiện Sigmund Taro. DDVN đã có một trao đổi với nhóm thơ này...
Tin và bài liên quan:
Tình khúc 24, thi sĩ Dương Tường và Dương cầm lạnh
Bóng tối cuộc đời phía sau câu thơ 'Nỗi nhớ mùa đông'
Khai mạc triển lãm 'Mùa nước nổi' của họa sĩ Ca Lê Thắng tại Hà Nội
Triển lãm cá nhân họa sĩ Trần Hải Minh tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
Nguyễn Vũ, tác giả 'Bản Thánh ca buồn' và nỗi buồn người Nghệ sĩ
Qua tìm hiểu, DDVN đã phát hiện ra một điều khá là thú vị. Đó là nhân vật có tên Thiện SigmundTaro không ai khác chính là bút danh của nhà văn, dịch giả nổi tiếng Trần Tiễn Cao Đăng. Anh là nhà văn, tác giả của nhiều tác phẩm như Ba rốc và ẩn hoa, Những gặp gỡ không thể có (Tập truyện) Life Navigator 25: người tình của cả thế gian (Tiểu thuyết)... và những dịch phẩm được rộng rãi bạn đọc quan tâm như Biên niên ký chim vặn dây cót (Haruki Murakami), Nếu một đêm đông có người lữ khách (Italo Calvino), Thế giới như tôi thấy (Albert Einstein), Từ điển Khazar (Milorad Pavic)…
Nhà thơ trẻ Nisuta đang giao lưu cùng bạn đọc tối 10.4 tại "Người Sài Gòn vẫn hát"
Đặc biệt, mới nhất, cuốn Súng, Vi trùng và Thép (Guns, Germs, and Steel) là công trình nghiên cứu của giáo sư Jared Diamond. Đây là cuốn sách khoa học phổ thông nổi tiếng, bán chạy toàn cầu, được dịch ra 33 thứ tiếng và nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có giải Pulitzer. Cuốn sách này do nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng dịch vừa được vinh danh ở hạng mục cao nhất của Giải thưởng Sách quốc gia 2021.
Anh cũng thay mặt nhóm Gió Hoan trả lời phỏng vấn của DDVN.
*DDVN: Trước hết xin có lời chúc mừng nhóm Gió Hoan vừa cho in tập thơ đầu tiên của mình. Anh có thể cho biết tên của nhóm có ý nghĩa gì không?
Nhóm Gió Hoan trong buổi giao lưu đầu tiên của mình cùng tác phẩm "Thờ Ơ"
Nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng (TTCĐ): Thật ra, chúng tôi có hai tên, tên tiếng Việt là Gió Hoan, tên tiếng Anh là Windsoul. Chỉ cần biết chút ít tiếng Anh là có thể thấy ngay rằng tên tiếng Anh không phải được dịch từng chữ từ tiếng Việt sang và ngược lại. Tại sao như vậy, chúng tôi có nói rõ trong Lời nói đầu của tập thơ.
DDVN: Nhóm gồm những ai? Cơ duyên nào khiến các bạn đến với nhau?
Nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng tức Thiện SigmundTaro và nữ thi sĩ Dona Camela (trái)
TTCĐ: Nhóm gồm 4 người, hai nữ hai nam. Chúng tôi gặp nhau tại một khóa học viết văn, cùng tham gia một nhóm viết văn (không phải nhóm Gió Hoan). Vốn dĩ chúng tôi có ý định cùng ra một tập truyện ngắn trước bởi chúng tôi đều viết văn xuôi, nhưng rồi đến một ngày chúng tôi phát hiện ra rằng tất cả đều yêu thơ và có làm thơ. Vậy thì ta ra chung tập thơ, sao lại không? Một người nói, và từ câu nói có vẻ nửa đùa nửa thật đó, nay nhóm thơ Gió Hoan và "Thờ Ơ", tập thơ đầu tiên của nhóm, đã ra đời.
DDVN: Các anh chị đều là những người chưa từng in thơ, kể cả thành viên có thể nói đã từng in nhiều cuốn nhất là anh Trần Tiễn Cao Đăng. Điều gì khiến anh chị đến với thơ?
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh (trái) được mời nói về tập thơ "Thờ Ơ" đầu tay của nhóm Gió Hoan. Anh cho biết điều mình đã phát hiện và thích nhất khi đọc Thi phẩm là "tính đa dạng, tươi trẻ, vượt qua khuôn khổ thể thức để khẳng định chính mình với hai bè trầm, dàn đệm suy tưởng Độc thoại và Đối thoại"...
TTCĐ: Mỗi chúng tôi có một cách riêng của mình để nói về thơ. Tuy nhiên, với tư cách cá nhân, và có thể cả với tư cách đại diện của nhóm, tôi nghĩ chúng tôi có một điểm chung là đến với thơ một cách tự nhiên. Chúng tôi là những người đọc sách, yêu chữ nghĩa; tự biểu đạt mình bằng chữ nghĩa là điều tự nhiên đối với chúng tôi cũng như họa sĩ dùng đường nét, màu sắc, nghệ sĩ múa dùng thân thể mình.
Thi phẩm "Thờ Ơ" của nhóm Gió Hoan do Nxb. Hội Nhà văn ấn hành 4.2022.
Và văn xuôi hay văn vần (thơ) đều là chữ nghĩa, tuy rằng dĩ nhiên chúng khác nhau. Thơ với chúng tôi là phương tiện để biểu đạt chính mình: ý nghĩ, trải nghiệm, cảm xúc, mong muốn, những ám ảnh, những lo âu.... Thơ là phương tiện để tự hiểu, tự ý thức, tự khai phá, tự điều chỉnh. Thơ là phương tiện để giao cảm với thế giới, làm rõ hơn thế giới.
DDVN: Việc in tập thơ có gây khó khăn cho anh chị?
Thiện SigmundTaro đang trò chuyện. Sau đó anh giao lưu bằng tiếng hát cùng bạn đọc
TTCĐ: Chúng tôi không phải những người giỏi kiếm tiền. “Nhờ Trời”, chúng tôi được một người bạn, cũng là bạn văn chương thân thiết, thấu hiểu và giúp đỡ về mặt tài chính. Người thân của chúng tôi thì xứng đáng được một lời cám ơn tận đáy lòng vì đã bao dung và thể tất cho cái sự làm thơ của chúng tôi, một việc mà chúng tôi công nhận là xa xỉ. Có lẽ với chúng tôi một chút xa xỉ của tâm hồn thì có thể chấp nhận được.