VĂN HÓA

Ngôi sao không tắt (Kỳ 2)

Nguyễn Lê Bảo Dân • 26-12-2019 • Lượt xem: 15741
Ngôi sao không tắt (Kỳ 2)

Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga nổi danh tài sắc một thời với những vai diễn để đời trong “Tiếng trống Mê Linh”, “Thái Hậu Dương Vân Nga”… Những năm cuối thập niên 70, kỳ án cả gia đình bị mưu sát sau một đêm diễn gây chấn động thời đó. Hồi ký “Ngôi sao không tắt” viết về cuộc đời bà Lê Thị Trình có kể lại nhiều chi tiết mới về thảm án này. DDVN xin trích dẫn giới thiệu cùng bạn đọc.

Tin, bài liên quan:

Ngôi sao không tắt (Kỳ 1)

Lê Quý Nghi, nhà thơ và ngón tay thơ

Nhà văn nhìn từ phía sau lưng

Sau năm 1975, chồng tôi, anh Nguyễn Nam Cường lúc đó đang làm ở Công an thành phố xin cho tôi về làm tại Sở thương nghiệp. Khi ấy tôi mới ba mươi tuổi và có ít nhiều kinh nghiệm thương trường. Trước hết, do truyền thống gia đình buôn bán từ nhỏ, ba mẹ tôi đã có một quầy tạp hóa nổi tiếng bấy giờ ở Đà Nẵng. Tôi là người đảm đương phụ trách chính việc lấy nhập hàng hóa các nơi. Trong đó có nguồn hàng từ Sài Gòn chở xe đò về, nên tiếp tục công việc ngoại giao, buôn bán với tôi thì rất thuận lợi.

Sau một thời gian, Sở thương nghiệp mở rộng thêm các công việc đáp ứng nhu cầu xã hội thời ấy là có Sở ăn uống và khách sạn. Tôi được chuyển thẳng về chịu trách nhiệm việc này. Ban giám đốc giao cho tôi phụ trách việc ăn uống bán hàng ở quán ăn Thanh Thế. Đây là một trong những địa điểm sau 1975 rất thu hút khách ẩm thực vì địa thế đẹp, ngay trung tâm và nhiều món đa dạng.

Phải nói là nghệ sĩ thường thích ăn ngon và mặc đẹp. Khi tôi chuyển về phụ trách tại đây cũng thay đổi gu đề-co quán, bảo ban nhân viên, và đặc biệt tuyển thêm nhiều đầu bếp có tiếng. Quán Thanh Thế vốn đã được ưa chuộng do vị thế trung tâm bởi gần chợ Bến Thành, có con đường chạy song song với Nam Kỳ Khởi Nghĩa thuận lợi di chuyển hay làm các hồ sơ công chứng công việc tại khu trung tâm. vì thế, tôi đã có dịp tiếp xúc với nhiều anh chị em nghệ sĩ trong Nam ngoài Bắc lúc bấy giờ thường ghé quán như các diễn viên Huy Cường, Trần Quang, Kim Cương…và nhiều tên tuổi khác. Đặc biệt với tôi, có một kỷ niệm rất khó quên với diễn viên Thanh Nga, nữ hoàng sân khấu, người đàn bà nổi tiếng là tuyệt sắc giai nhân bấy giờ.

"Nữ hoàng sân khấu" Thanh Nga

Lúc ấy, như trên đã nói, anh Nguyễn Nam Cường ông xã tôi đang làm công an thành phố. Cơ quan ông cũng không xa lắm, thuận đường nên vẫn thường ghé đưa đón tôi. Vì vậy, sau nhiều lần gặp gỡ, chúng tôi và vợ chồng cô Thanh Nga đã thành những người bạn thân. Có lẽ tên quán Thanh Thế có cái gì gần giống hay đồng cảm với Thanh Nga nên chị và ông xã thường lái xe đến rất thường. Sau đêm diễn mỗi tối Thanh Nga cũng thường ghé ăn khuya có khi đi cùng chồng và cậu con trai.   

Vẻ đẹp của Thanh Nga trên sân khấu đến hôm nay vẫn lung linh một huyền thoại

Quan hệ tình bạn giữa chúng tôi một lúc một thân tình. Thanh Nga thấy tôi bận rộn với khách hàng mỗi lúc một đông nên thường ghé ít ngồi lâu. Nhiều lần chị hẹn khi nào tôi và anh Cường ghé nhà chị chơi để có thể ngồi với nhau lâu hơn. Thật tiếc là cho đến khi nữ nghệ sĩ mất chúng tôi cũng chưa có buổi gặp gỡ đó. Và đây cũng là nỗi buồn sau này của tôi.

Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga tên thật Juliette Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1942 quê ở Tây Ninh. Cha của chị là Nguyễn Văn Lợi, mẹ là Nguyễn Thị Thơ (tức bà bầu Thơ) trưởng đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga nổi tiếng một thời. Thanh Nga là một Phật tử, có pháp danh Diệu Minh.

Ảnh nghệ sĩThanh Nga - Giải danh dự Thanh Tâm 1959 - Báo Ngày Mới tặng bạn đọc

Chị đã được rất nhiều giải thưởng vang dội từ các vai diễn mình đã đóng như sơn nữ Phà Ca vở Người vợ không bao giờ cưới đoạt giải triển vọng (1958), vai Giáng Hương, vở Sân khấu về khuya giải Thanh Tâm xuất sắc (1966)… và nhiều giải thưởng khác. Gia đình Thanh Nga còn có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như mẹ là bà Bầu Thơ, cha dượng Năm Nghĩa, danh hài Bảo Quốc là em cùng mẹ khác cha, những người cháu khét tiếng sân khấu như Hữu Thìn, Hữu Châu, Hữu Lộc… Một gia đình có danh tiếng, bí kíp “cha truyền con nối” và truyền thống sân khấu. Không phải nghệ sĩ nào cũng có được một xuất xứ đáng nể trọng như vậy!

 ***

Nữ hoàng sân khấu cải lương Thanh Nga (Ảnh: Hoàng Long)

Một hôm Thanh Nga ghé quán Thanh Thế  ăn trưa và tặng cho tôi cùng anh Cường  cặp vé đi xem vở tuồng cải lương “Thái hậu Dương Vân Nga” chị diễn vai chính và đóng cùng với nghệ sĩ Thanh Sang. Thời điểm đó cái tên nữ hoàng Thanh Nga hot và ăn khách đến mức rất khó có thể chen chân vào xếp hàng hay tìm mua được vé, cho dù là vé chợ đen khá đắt. Tôi còn nhớ đêm đó chúng tôi đến rất sớm để có chỗ ngồi. Nhưng thật bất ngờ khi tới rạp Long Vân trên đường Điện Biên Phủ khán giả đông nghịt. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới chen chân được vào. Một đêm diễn thật vô cùng ấn tượng. Thanh Nga đã xuất thần với vai diễn của mình mà tôi không thể quên được. Chỉ tiếc một điều thời điểm ấy chưa có máy hình nhiều để có thể dễ dàng lưu lại được. Nhưng những băng ghi âm bây giờ còn lưu giữ được vẫn có thể thấy sự hào hùng rõ của từng lời thoại trong vở “Thái hậu Dương Vân Nga”. Sự nhập vai toát hết thần thái của nữ hoàng sân khấu Thanh Nga. 

Gia đình nhỏ của Thanh Nga trước khi xảy ra vụ án

Sau đêm Thanh Nga mời hai vợ chồng tôi đi xem chị diễn không lâu, một sáng ngủ dậy người dân Sài Gòn bất ngờ chấn động với cái tin chị bị ám sát đêm qua sau khi vừa đi diễn về.

Và cũng thật bất ngờ, anh Nguyễn Nam Cường chồng tôi cũng được chỉ định tham gia chuyên án của Công an Thành phố điều tra vụ án này…

(Còn tiếp)