Nhà thơ Phan Duy Nhân, còn được biết qua tên Nguyễn Chính là một hạt nhân trong thời kỳ tranh đấu sinh viên học sinh trước năm 1975. Ông đề lại rất nhiều bài thơ hay và phần lớn do bạn bè tập hợp trong cuốn “Phan Duy Nhân - Thơ và đời” (nxb Đà Nẵng) phát hành sau khi ông mất.
Tin, bài liên quan:
Lê Quý Nghi, nhà thơ và ngón tay thơ
Nguyễn Ngọc Hạnh ‘phơi lòng chưa cạn cơn mưa’
Gần 500 trang sách nói về cuộc đời và sự nghiệp của một con người, đó không phải là một cuốn sách dài. Tuy vậy, đã khắc họa được những gì tinh túy nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của một nhà thơ trưởng thành từ phong trào đấu tranh yêu nước của sinh viên Huế và thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam, một chiến sĩ cách mạng kiên cường.
Chân dung nhà thơ Phan Duy Nhân
Mới đây, một hồi ức đầy cảm động về Phan Duy Nhân được tái hiện trong hồi ký “Ngôi sao không tắt” viết về cuộc đời của bà Lê Thị Trình một giao liên phong trào ngày ấy. Theo đó, vợ chồng bà tận mắt chứng kiến sự kiện lịch sử nhà thơ Phan Duy Nhân xuống đường kêu gọi bà con tranh đấu vào mùa xuân 1968 và bị cảnh sát bắn gãy chân nhưng vẫn hiên ngang, anh dũng. Duyên Dáng Việt Nam giới thiệu cùng bạn đọc.
Tuyển tập "Phan Duy Nhân - Thơ và Đời" do bạn bè thực hiện
“Một trong những kỷ niệm khó quên trong đời tôi đó là cả hai vợ chồng cùng hòa mình vào cuộc đấu tranh chính trị với chính quyền Sài Gòn mùa XUÂN năm 68.
Giai đoạn đó anh Nguyễn Nam Cường, chồng chưa cưới của tôi vừa hoạt động vừa đang học đại học Khoa học ở Sài Gòn. Tình hình cách mạng đã chín mùi. Ông anh là bác sĩ Nguyễn Minh Triết từ Đà Nẵng gửi thư cho anh Cường kêu về. Anh viết rõ “về và có thể không vào nữa!”. Tại lúc này nghị quyết Đảng bộ kêu gọi đoàn kết, tập trung đấu tranh để quyết định những bước cuối cùng cho công cuộc giải phóng đất nước.
Lúc này anh Triết đã hoạt động cùng cơ sở của ông Hà Kỳ Ngộ và anh Nguyễn Chính tức nhà thơ Phan Duy Nhân. Lúc đó chúng tôi vẫn chưa cưới nhau. Tôi giúp anh Cường những công việc cần thiết của phong trào như giao liên, tiếp tế.
Nhà thơ Phan Duy Nhân và gia đình
Trở lại câu chuyện 1968, sau khi nhận được thư của bác sĩ Triết, anh Cường bỏ học để về hoạt động ở Đà Nẵng. Cơ sở bí mật của chúng tôi họp với nhau cùng chuẩn bị dự án cho cuộc nổi dậy khởi nghĩa. Và cuộc họp đã diễn ra tại ngôi nhà cơ sở cách mạng ông giáo Thông số 12 đường Nguyễn Thị Giang thành phố Đà Nẵng. Có nhiều anh em tham gia cuộc họp này. Công việc đầu tiên tổ chức bàn là làm sao phải chiếm được đài Phát thanh. Vì khi có đài Phát thanh trong tay cách mạng sẽ phát lời hiệu triệu cuộc đấu tranh giành chính quyền đến với toàn dân. Và khắp các nơi sẽ nổi dậy đồng loạt, khiến bọn cảnh sát không thể kịp trở tay để hành động.
Cũng đêm trước cuộc cách mạng xuân 68 lịch sử đó, bộ đội đã ồ ạt pháo kích vào sân bay tạo uy thế. Ai cũng tin tưởng lịch sử chuẩn bị bước sang một trang mới.
Từ mờ sáng hôm sau anh Cường đã rủ tôi hòa vào dòng người xuống đường hướng về tòa thị chính. Trên đường đi chúng tôi cũng gặp rất nhiều bà con từ trong quê ra. Trên tay họ cầm cờ và băng-rôn. Một dòng chảy khí thế hừng hực không khí cách mạng. Đã bao lâu sống trong sự bức bối kiềm kẹp, giây phút này thực sự quyết định. Là giây phút thay đổi để hành động.
Phan Duy Nhân (người thứ 3) trong cuộc họp mặt Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng (1970-1975), tháng 3.2010
Anh Cường là người của Ban tổ chức. Tôi đi theo, thấy anh đưa cho anh Phan Duy Nhân một cái đồng hồ và một đôi mắt kính. Cả hai thứ này là quà của người anh, bác sĩ Nguyễn Minh Triết gửi cho. Tình bạn giữa các anh thật đậm đà và gắn bó. Qua gian nan thử thách càng bền bỉ, cháy đượm tinh thần dấn thân vì lý tưởng thống nhất đất nước.
Kể thêm về anh Phan Duy Nhân, là người bạn thân thiết của gia đình chúng tôi. Anh tên thật là Phan Chánh Dinh sinh năm 1941 quê xã Triệu Thượng, huyện Triệu Hải, Bình Trị Thiên. Trưởng thành trong phong trào đấu tranh yêu nước của sinh viên Huế. Anh có nhiều bài thơ nổi tiếng được lưu truyền trong giới trẻ lúc bấy giờ vì tinh thần yêu nước. Bài thơ “Thư gửi các bạn sinh viên” của anh in ở tuần báo Sinh viên Huế năm 1964 có thể xem là bài thơ mở đầu cho dòng thơ ca tranh đấu của tuổi trẻ đô thị miền Nam. Anh còn có tên là Nguyễn Chính trong hoạt động tôn giáo. Sau ngày giải phóng đất nước có giai đoạn anh nắm Quyền Trưởng ban Tôn giáo chính Phủ. Phan Duy Nhân từng bị bắt và bị tù Côn Đảo từ năm 1968-1973. Cuộc đời hoạt động cách mạng khiến anh tạm quên đi hay gác qua “tình nhà” để trả “nợ nước”. Bài thơ “Thư nhà” của anh, vợ chồng tôi đều thuộc. Cứ như anh kể chuyện của mình trong thời gian xa nhau để hoạt động cách mạng. Tôi ghi lại bài thơ này của Phan Duy Nhân để nhớ về một thời yêu nhau không phải nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng chính nghĩa ấy.
Tạo đàm về "Phan Duy Nhân - Thơ và đời" tại Đà Nẵng
Thư nhà
Thơ Phan Duy Nhân
Hồi anh vượt núi về Tiên Phước
Có nhận thư em ở dọc đường
Giấy đã nhàu hoen nhiều nước mắt
Anh nhìn nhòe nét chữ em run…
Em kể:
“Anh đi, nhà bị đuổi
Ngày sinh em nhớ thấy chiêm bao
Ôm con em cũng theo lên núi
Đi kiếm anh hoài mới gặp nhau
Có khổ nghèo chi em chẳng sợ
Cái chi anh dặn cũng vâng lời
Nhưng còn anh bảo đừng thương nhớ
Đừng khóc vì anh em chịu thôi
Đôi lần em cũng nguôi đi được
Nhưng mỗi lần nguôi lại giận mình:
Anh của em nằm trên mặt trận
Ở nhà yên ấm hóa em quên…”
Rừng cũng rưng rưng màu nắng nhạt
Người thương theo mỗi chữ thư em:
“Mơ màng nhớ tiếng tim anh đập
Có bữa bồng con thức suốt đêm
Anh ở xa hoài đâu biết được
Bữa nay em cũng khá hơn rồi
Nghe tin mỗi trận bên mình thắng
Em thấy gần thêm những nỗi vui
Anh đi đường sẽ bao nhiêu dặm
Em quyết dài theo một tấm lòng
Con biết bò rồi, gần đứng được
Mỗi ngày trông mỗi giống cha hơn”.
Lòng bay bay bổng theo em kể
Lấp lánh trong thư những tự hào:
“Anh ạ con cười theo tiếng hát
Biết vờn tay đón lá lao xao…
Cô chú vẫn thường hay ghé lại
Quà mua cho cháu, nhắc tin anh
Mấy bác trong tù còn nhắn dặn:
Có chồng kháng chiến, nhớ vui lên”
Em ơi, chiều đó dầm chân xuống
Dòng nước sông Tranh mát rợi người
Những nụ hôn thầm trong gió núi
Gửi về có tới được xa xôi...?
Trong anh một bóng cờ bay đỏ
Một biển yêu thương sóng dạt dào
Vẫn ngọt câu Kiều trong lửa đạn
Nằm hầm bí mật nhớ thương nhau
Anh qua nhiều lắm làng thiêu rụi
Khét khói bom trên xác mẹ già
Đất uất căm hờn người nổi giận
Lửa bừng trong mắt kẻ không cha!
Lũ giặc càng thua càng bạo ngược
Máu còn hừng hục núi sông ta
Chúng mình trước mắt còn gian khổ
Còn nén trong mơ một mái nhà…
Em hiểu nhiều rồi anh chỉ dặn:
Khổ buồn càng thấm nỗi đau chung
Anh tin con gái càng khôn lớn
Càng cháy trong tim ngọn lửa hồng
Anh ở ngoài này trong đội ngũ
Triệu người vươn tới sức đang tươi
Quyết làm cả nước thơm hoa đỏ
Cho những nơi con vẹn tiếng cười!
Trưa này trong khám nằm nghe biển
Ngoài gió mênh mông gợi nhớ nhà
Em chắc đang cùng con tập nói
Mỗi chiều thắc thỏm nhắc tên cha
Con ạ, chưa làm tròn nhiệm vụ
Ở tù ba cứ thấy băn khoăn
Bên ngoài các bác cùng cô chú
Chắc phải bù thêm những máu xương...
Nhớ bữa về thành nằm bí mật
Gan bào ruột xót nhớ thương con
Mấy lần ba nóng ran trong ngực
Đêm lạnh ngang nhà lặng bước luôn
Thôi thế phải còn mươi trận nữa
Sẽ về để nắm chặt tay nhau
Để nhìn đăm đắm vào trong mắt
Xem có ngời vui những ánh sao…
Anh nhớ điên cuồng yêu dữ dội
Xóm làng giữa ngực núi trong tim
Sáng hoài giữa cõi thiêng liêng ấy
Có bóng con cười cạnh dáng em.
(Xà lim 20, trại giam T.B. Đà Nẵng
Xuân 1968)
Ghi chú nơi viết và thời gian viết bài thơ “Thư nhà” này của nhà thơ Phan Duy Nhân có lẽ đã liên quan đến giây phút anh bị bọn quân cảnh bắn ngã xuống trong buổi sáng mùa Xuân 68 mà tôi và anh Cường tận mắt chứng kiến. Khi bị bắt, giam ở xà-lim 20 trại giam T.B Đà Nẵng anh hồi tưởng lại giây phút nhận được thư nhà, thương nhớ vợ con mà viết chăng?
Và đối với tôi, buổi sáng đầu xuân ấy được thấy rõ ràng sự dũng cảm, uy lực của anh, một nhà thơ, tôi càng vững tin hơn ngày chiến thắng không xa của Cách mạng.
Lúc bấy giờ trời hửng, nắng ấm dân chúng đổ ra đường càng nhiều. Sáng mồng Một ngày tết bao giờ cũng linh thiêng. Mọi người đi tảo mộ ông bà, trà trộn vào cuộc đấu tranh. Từ bến đò Xu dẫn về thành phố thanh niên đi tràn trên mặt lộ. Để tránh bị theo dõi có thể bị lộ nguy hiểm, tôi và anh Cường cũng chen vào giữa đoàn người đó. Trên tay nhiều đồng bào đã giơ cao cờ và căng ra những tấm băng - rôn lớn. Mọi người đi theo hiệu lệnh hướng dẫn hướng về phía chùa Tỉnh hội trên đường Ông Ích Khiêm thành phố Đà Nẵng.
Anh Phan Duy Nhân đúng là một người cách mạng kiên cường. Một kẻ sĩ chân chính. Anh không biết sợ là gì! Trước chùa Tỉnh hội anh xuất hiện công khai trước bà con như một cánh chim đầu đàn. Trên tay cầm loa và anh hướng về phía đồng bào nói oang oang, rõ ràng minh chính từng lời. Anh kêu gọi bà con trật tự, đi thành hàng lối và xuống đường. Tất cả đi về phía tòa thị chính.
Phải nói rằng sự xuất hiện uy nghi, dũng cảm đúng lúc của anh Phan Duy Nhân đã lấy lại lòng tin của rất nhiều người dân xuống đường buổi sáng hôm ấy. Tại chùa Tỉnh hội, ban đầu tôi thấy tập trung chỉ khoảng hơn một trăm người và sau đó số lượng đang dần dần đông thêm. Phần lớn bà con cách mạng kêu gọi tập trung là ở trong quê ra thành phố. Cuộc sống khó khăn, lam lũ, bị chèn ép tang thương bom đạn nên ai nấy cũng có dáng vẻ xanh xao. Khi nghe tiếng nói oang oang phát qua chiếc loa phóng thanh cầm tay đầy uy lực của anh, bà con mới lấy lại chút tự tin và đang dâng lên mạnh mẽ mỗi lúc càng cuộn cuộn như sóng trào cuốn về phía tòa thị chính.
Nhà thơ Phan Duy Nhân và mẹ
Và chính lúc này đúng như dự đoán của chúng tôi, bọn quân cảnh mặc sắc phục rằn ri đã xuất hiện trên nhiều xe jeep ồ ạt phóng vào phía đám công dân chúng. Nhiều người sợ hãi đã bỏ hàng để chạy.
Anh Phan Duy Nhân vẫn không sợ. Anh ưỡn ngực về phía tụi lính và tiếp tục cầm loa phóng thanh kêu gọi bà con ổn định trật tự để cứ di chuyển tiến về phía trước hướng tòa thị chính. Bọn cảnh sát quân cảnh lăm lăm súng ống trên tay làm thành một rào chắn để cản lại. Anh Nhân vẫn không khuất phục, cứ cưỡng lại. Đôi bên co kéo quyết liệt. Anh cứ kêu gọi bà con tiến lên.
Và súng đã nổ. Một tên cảnh sát đã bắn thẳng vào chân anh Phan Duy Nhân. Anh gục xuống. Đám đông kêu thét hỗn loạn.
“Có người chết! Có người chết!”
“Ngăn chúng nó lại. Đừng để bọn chúng bắt anh!...”.
Nhưng bọn cảnh sát dữ tợn, hằm hè quây lại bẻ tay anh Phan Duy Nhân bỏ lên xe jeep chở đi. Vết thương đạn trổ sâu hoắm loang loáng máu chảy. Di chứng vết thương đạn phá gãy chân ấy cho đến ngày hòa bình giải phóng, mỗi khi trái gió trở trời là anh vẫn bị đau! Và mãi mãi không thể quên được hình ảnh bọn cảnh sát dã man bắn vào anh Phan Duy Nhân, anh té xuống trước mắt hai chúng tôi với bao nhiêu người dân chứng kiến.
Trong cuộc xuống đường Mậu Thân tại thành phố Đà Nẵng năm Mậu Thân 1968 ấy, anh Nguyễn Việt Hùng anh chồng tôi cũng bị cảnh sát bắn bị thương ở tay. Cả anh Hà Kỳ Ngộ vô cùng kiên cường cũng bị bắt trong đợt đó.
Đó là những kỷ niệm về chiến tranh, chiến đấu bên cạnh anh em, bà con, đồng đội mà mãi về sau sống trong hòa bình ký ức tôi không bao giờ quên. Hàng năm, các hội đồng hương, anh em trí thức tranh đấu phong trào có dịp gặp lại chúng tôi vẫn ôn lại từng hình ảnh thân thương…