VĂN HÓA

Người dân châu Á tặng quà gì trong dịp Tết Nguyên đán?

Cẩm Chi • 15-01-2023 • Lượt xem: 933
Người dân châu Á tặng quà gì trong dịp Tết Nguyên đán?

Cam quýt, nhân sâm, bánh truyền thống, thịt bò, phẩm màu, bao lì xì… được người dân nhiều nước châu Á sử dụng để làm quà tặng mang ý nghĩa sức khỏe, may mắn trong dịp Tết cổ truyền.

Tại các nước châu Á, mỗi khi Tết âm lịch đến, tục lệ trao quà Tết là nét đẹp văn hóa không thể thiếu với ý nghĩa gắn kết tình cảm, gửi gắm lời chúc mừng năm mới an lành, mọi việc may mắn, thuận lợi, thành công.

Trung Quốc là một trong những quốc gia đón Tết Nguyên Đán từ lâu đời nhất (từ năm 2879 TCN). Người dân có phong tục mang theo một túi cam quýt có bỏ kèm những phong bao lì xì khi đến nhà bạn bè, người thân trong dịp đầu năm mới. Màu vàng tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý, sung túc tại các nước phương Đông. Ngoài ra, trong tiếng Hán, chữ cam phát âm gần giống với từ giàu có, còn chữ quýt thì lại giống từ may mắn. Đặc biệt, đối với những cặp vợ chồng mới cưới thì việc tặng cam quýt được coi như lời chúc sinh con đàn cháu đống. Trong gia đình, những người lớn tuổi sẽ tặng những chiếc phong bì đỏ hay còn được gọi là hồng bao cho trẻ em hoặc những người chưa lập gia đình. 

Cam quýt và bao lì xì đỏ là những món quà Tết đặc trưng của người gốc Hoa trên khắp châu Á

Tục tặng quà tại đảo quốc Sư tử Singapore cũng đa phần tương đồng hoặc ảnh hưởng từ Trung Hoa. Mọi người cũng tặng nhau loại quả quýt cùng với phong bao lì xì đỏ kèm theo socola. Theo tiếng Quảng Đông, nó còn có nghĩa là vàng và thể hiện sự sung túc thay cho lời chúc tài lộc, may mắn. Chính vì vậy, cây quýt còn thay thế cho cây đào, cây mai, được dùng để trang trí trong nhà.

Là một quốc gia trọng lễ nghĩa, nên vào dịp trước Tết, người Hàn Quốc sẽ chuẩn bị những món quà tặng ông bà, cha mẹ và bạn bè. Sức khoẻ là điều mà mọi lứa tuổi ở Hàn coi trọng, đặc biệt là những người lớn tuổi. Do đó vào dịp Tết, con cháu thường tặng người lớn tuổi hồng sâm, linh chi, thuốc bổ, hoặc vitamin thay cho lời chúc trường thọ. Ngoài ra, người Hàn rất thịt, đặc biệt là thịt bò. Với những người có điều kiện thì thịt bò chính là món quà cao cấp nhất. Ngoài ra còn có thịt hộp, bánh hangwa… Vào ngày Tết, con cháu sẽ bái lạy ông bà, cha mẹ với ý nghĩa chúc mừng năm mới và chúc may mắn. Ông bà, cha mẹ sẽ tặng tiền, vàng hoặc một món quà mang ý nghĩa nào đó tùy thuộc vào tuổi, vị trí trong gia đình cũng như điều kiện của gia đình đó. Sau đó, cả gia đình sẽ quây quần bên mâm cơm Tết, rồi cùng nhau đi chúc Tết người thân, họ hàng.

Là xứ sở nhân sâm nên đa phần người Hàn Quốc thích tặng món quà sức khỏe này cho người thân

Trong khi đó, trước Tết, các gia đình ở Triều Tiên thường chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đặc biệt là quà tặng và thực phẩm. Người thân và bạn bè sẽ trao quà cho nhau, vì vậy đi mua quà trước lễ hội là một việc rất cần thiết. Món quà phổ biến nhất trong dịp tết là thẻ mua hàng ở siêu thị, sâm, mật ong, cá ngừ, thịt jam-bông hộp, đồ khô, các sản phẩm sức khỏe….Ở Triều Tiên, những quà đắt tiền như đồng hồ và thiết bị điện tử chỉ dành cho quan chức cấp cao. Đối với người dân bình thường, cuốn lịch là món quà phổ biến nhất và được xem là món quà có ý nghĩa ở Triều Tiên vì cuốn lịch được xem thứ thiết yếu hàng ngày, theo trang Koreancultureblog.com.

Lịch là thứ mà gia đình nào cũng có trong năm mới ở Triều Tiên

Ngày Tết ở Ấn Độ sẽ có chút khác nhau tùy thuộc vào mỗi địa phương. Quà năm mới ở Ấn Độ phổ biến nhất là gửi tặng phẩm màu hay bôi màu trực tiếp vào nhau. Trong các trường học, vào những ngày này, học sinh, sinh viên có thể bôi màu lên người các thầy cô giáo. Còn trong các nhà máy, xí nghiệp, nhân viên có thể bôi phẩm màu lên người các sếp để chúc một năm mới may mắn và tốt lành. Người dân còn tổ chức ngày lễ hội của sắc màu (Holi). Họ pha bột màu nhiều màu sắc rực rỡ rồi thoa hay ném lên mặt, lên người hay quần áo của mọi người, bất kể có quen biết hay không. Lễ hội thu hút sự quan tâm, tham gia của khách du lịch đến từ các nước trên thế giới.

Người dân Ấn Độ hào hứng quét màu sắc sặc sỡ nhất lên người nhau trong năm mới

Người dân Bhutan mừng Tết năm mới qua 3 ngày chính (mồng 1, 2, 3 của tháng Giêng, như Tết của Việt Nam). Tết năm mới của dân Bhutan gọi là Losar. Theo phong tục truyền thống, mía và chuối xanh luôn xuất hiện trong nhà của họ vì chúng được tin là đem đến sự may mắn và những điều tốt lành trong năm mới. Người dân Bhutan làm bánh bột nướng truyền thống hình ngôi sao, bông hoa, với những món quà đặc biệt được giấu trong tâm của chiếc bánh. Thí dụ như mảnh giấy ghi những lời chúc tụng, tiên đoán vận mạng, hoặc lời thơ, văn tốt đẹp cho năm mới; có khi là những chuyện vui cười. Khi lấy phần bánh, người nào nhận được những điều tốt, thì coi như gặp hên đầu năm; cũng có trò trêu chọc, quấy phá như giấu trái ớt trong bánh là dấu hiệu dành cho người ba hoa, miếng đường trắng là dấu hiệu cho người tốt hoặc miếng than đen, cho biết bạn là người xấu trong đời.

Những món bánh quen thuộc trong ngày Lễ Tết tại Bhutan

Tuy nhiên ở một số nước như Malaysia, vấn nạn tham nhũng rất lớn, do đó họ tránh những món quà dễ bị hiểu nhầm là hối lộ. Vì vậy, bạn không nên tặng quà trừ khi bạn đã tạo được một mối quan hệ bạn hàng thân thiết với họ. Còn tại Singapore, nhân viên của chính phủ không được phép nhận quà, trong khi đối tác có thể sẽ lịch sự từ chối món quà của bạn 3 lần trước khi chấp nhận nó.

Một số nước như Nhật Bản, Indonesia hay Philippine thì việc trao đổi quà tặng lại ăn sâu vào truyền thống của các nước này. Một phần truyền thống này được thể hiện trong thái độ lịch sự mà người ta trao và nhận quà. Họ rất thận trọng khi cân nhắc thời gian trao quà và rất chú tâm khi tặng và nhận quà.

Tại châu Á và Trung Á, bạn chỉ được sử dụng tay phải hoặc cả hai tay để cầm quà. Ở Nhật Bản và ở Hong Kong, thì bạn phải dùng cả hai tay. Đa phần các nước châu Á đều kiêng kị một số món quà như: dao kéo hay vật sắc nhọn, khăn tay, giày dép, những đồ vật liên quan đến số 4…