Duyên Dáng Việt Nam

Nhà báo Mỹ: Việt Nam có thể là quốc gia phản ứng hiệu quả nhất với COVID-19

Theo Anh Tú / Một Thế Giới • 25-04-2020 • Lượt xem: 699
Nhà báo Mỹ: Việt Nam có thể là quốc gia phản ứng hiệu quả nhất với COVID-19

George Black là một nhà báo ở thành phố New York. Ông đang viết một cuốn sách về di sản của cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam. Ông vừa có bài viết "Việt Nam có thể là quốc gia phản ứng hiệu quả nhất với COVID-19" trên trang The Nation. Chúng tôi xin lược dịch lại bài viết:

Kể từ những ngày đầu tiên của đại dịch COVID-19, có ba địa chỉ ở châu Á được thế giới ca ngợi vì phản ứng hiệu quả. Đầu tiên là Hàn Quốc với dân số 52 triệu người và tính đến ngày 22.4, ghi nhận 10.702 ca nhiễm và 240 người tử vong. Thứ hai là Đài Loan, vùng lãnh thổ đã thu hút rất nhiều sự chú ý của giới truyền thông vì mối quan hệ trắc trở với Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Hòn đảo với 24 triệu người có thống kê khả quan hơn nhiều so với Hàn Quốc. Cuối cùng là Singapore với dân số 5,5 triệu người, có 11.178 ca nhiễm và 12 trường hợp tử vong. Singapore được coi là quốc gia chống dịch kiểu mẫu cho đến tuần trước, thời điểm nước này có số ca nhiễm tăng vọt chủ yếu từ khu nhà trọ dành cho lao động nhập cư Nam Á.

Bản danh sách có sự thiếu sót rõ ràng khi không nhắc tới Việt Nam. Gần ba tháng kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào ngày 23.1, số ca nhiễm được Việt Nam ghi nhận chỉ nhích lên 268 và cho đến nay vẫn chưa có ai tử vong. Dân số của Việt Nam với hơn 95 triệu người còn nhiều hơn cả Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore cộng lại.

Tuy nhiên, Việt Nam đã nhận được rất ít sự chú ý trên báo chí Mỹ. Nếu chúng ta lấy tờ The New York Times làm thước đo, ngoại trừ những bản tin vắn của Reuters, câu chuyện đáng kể duy nhất là bài báo cách đây 6 tuần viết về tác động của COVID-19 đối với ngành thời trang. Bài viết tập trung vào cô gái 27 tuổi, người đã tham dự một chương trình thời trang của Gucci ở Milan và một sự kiện ở Paris vào cuối tháng 2. Sau đó khi trở về Việt Nam, cô trình bày thiếu trung thực về hành trình du lịch của mình trên tờ khai báo sức khỏe bắt buộc. Cô đã nhận kết quả xét nghiệm dương tính vào đầu tháng 3 sau khi đã lây nhiễm cho người xung quanh và hứng chịu chỉ trích từ dư luận xã hội.

Vào năm 2003, Việt Nam là nơi ghi nhận một trong những trường hợp mắc SARS đầu tiên và được khen ngợi vì đã xử lý nhanh chóng và thành công vụ dịch. Trong vụ dịch COVID-19, Việt Nam được dự báo sẽ chịu nguy cơ cao hơn so với hầu hết các quốc gia khác vì có biên giới đất liền với Trung Quốc và lượng giao thương, du lịch lớn giữa hai nước.

Cách tiếp cận của Việt Nam không dựa trên xét nghiệm hàng loạt, đó là phản ứng hoảng loạn và không cần thiết của Mỹ và hầu hết các nước phương Tây khác. Và điều này cũng không phải do nguồn lực của Việt Nam bị hạn chế mà do Việt Nam có một chiến lược phòng ngừa chủ động để giảm thiểu lây lan. Tổng số xét nghiệm của Việt Nam khoảng 175.000 nhưng quan trọng là tính hiệu quả. Tỷ lệ xét nghiệm phát hiện ca nhiễm ở Việt Nam hiệu quả gần năm lần so với bất kỳ quốc gia nào khác. Xét nghiệm dược tiến hành với các ca nghi nhiễm được theo dõi nghiêm ngặt (bao gồm cả F2, F3). Bất kỳ ai bị phát hiện nhiễm bệnh sẽ bị cách ly ngay lập tức và sau đó nhanh chóng tạo cơ sở dữ liệu về hành tung của họ. Còn có hai ứng dụng di động để mọi người có thể ghi lại tình trạng và triệu chứng sức khỏe của họ cho hệ thống cơ sở dữ liệu cấp quốc gia. Tất cả điều này có sự giúp sức của hàng loạt đơn vị quân đội, công an, hệ thống chăm sóc sức khỏe, cán bộ cơ sở và một chiến dịch tuyên truyền linh hoạt, sáng tạo trên truyền hình, mạng xã hội và cả áp phích truyền thống.

Vào ngày 11.1, với ca tử vong đầu tiên ở Vũ Hán, Việt Nam đã siết chặt kiểm soát biên giới và sân bay. Bốn ngày sau, các quan chức Việt Nam đã gặp Tổ chức Y tế Thế giới và các đối tác từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh dịch của Mỹ. Sau này, WHO đã phải ca ngợi Việt Nam về đánh giá rủi ro chính xác và ban hành các hướng dẫn bảo vệ nhanh chóng.

Các ca đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện ở 3 hành khách bay trở về từ Vũ Hán vào tháng 1. Và 21 người tiếp xúc gần với họ đã được truy tìm và cách ly. Đến ngày 31.1, chính phủ đã thành lập một Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống và kiểm soát COVID-19, đứng đầu là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Mỹ mãi đến 28.2 mới thành lập Ba chỉ đạo Phòng chống dịch do Phó Tổng thống Mike Pence đảm nhiệm).

Đến giữa tháng 3, Việt Nam vẫn chỉ ghi nhận 61 ca nhiễm. Bệnh nhân 61 là một người trở về từ một lễ hội tôn giáo lớn ở Malaysia. Chính phủ ngay lập tức đóng cửa nhà thờ Hồi giáo tại TP.HCM mà bệnh nhân 61 đã ghé qua và ra lệnh cách ly khu vực sinh sống của ông ở tỉnh Ninh Thuận. Tại thời điểm này, bất cứ ai đã tiếp xúc với một tngười nhiễm bệnh đều được đưa vào trung tâm cách ly ngay lập tức và những người thuộc F2 được yêu cầu tự cách ly. Hành khách đến các sân bay quốc tế cũng bị cách ly 14 ngày trong các trại cách ly tập trung. Vào ngày 21.3 tất cả các chuyến bay quốc tế ngưng hoạt động và sau đó đến lượt phần lớn các chuyến bay và tàu hỏa nội địa bị hạn chế. Thậm chí, một số tỉnh còn tiến hành cách ly với bất cứ ai đến từ Hà Nội, nơi chiếm số đông ca nhiễm nhất cả nước.

Tâm dịch ở Hà Nội hóa ra là Bệnh viện Bạch Mai, nơi nổi tiếng thế giới vì bị hư hỏng nặng trong chiến dịch ném bom của Richard Nixon năm 1972. Khi phát hiện một người đàn ông đã đến bệnh viện vào ngày 12.3, cả xã với 11.000 người của ông ngay lập tức bị cách ly với thế giới bên ngoài. Vào ngày 29.3, chính bệnh viện, nơi số đã tăng lên 45, cũng bị phong toả. Tất cả ai từng đến bệnh viện ở bất cứ đâu trên đất nước này đều phải được xét nghiệm. Ba ngày sau, chính phủ ra chỉ thị giãn cách xã hội trên toàn quốc trong hai tuần rồi sau thêm 1 tuần nữa. Đó là hành động được áp dụng ở một số nhưng không phải ở tất cả các bang ở Mỹ. Đến ngày 9.4, hơn 1.000 nhân viên y tế tại Bach Mai và 14.400 người ghé bệnh viện đã được xét nghiệm.

Người hoài nghi tất nhiên có thể đặt ra tất cả các loại câu hỏi. Hải quân Mỹ đã ghi nhận các ca lây nhiễm trên tàu sân bay Theodore Roosevelt sau khi ghé cảng Đà Nẵng, thành phố lớn thứ ba của Việt Nam. Các nhà lý luận theo thuyết âm mưu đã ngay lập tức nhảy vào nói rằng có sự che giấu sự bùng phát ở đó. Trên thực tế, lời giải thích hợp lý nhất dường như lại là hai khách du lịch người Anh, sau đó cũng bị nhiễm bệnh, đã ở cùng khách sạn với các thành viên thuỷ thủ đoàn trên tàu. Còn Đà Nẵng, một thành phố với hơn một triệu người, mới ghi nhận 6 ca nhiễm.

Một lập luận phổ biến hơn là Việt Nam đang giấu dịch để tránh tổn thất cho ngành du lịch khổng lồ. Lập luận như thế thật vô nghĩa, vì du lịch đã bị đóng cửa với việc hủy bỏ tất cả các chuyến bay. Ở nước láng giềng Campuchia và Lào, có thể có cơ sở để đặt dấu hỏi về thống kê chính thức vì ở cả hai quốc gia, hệ thống chăm sóc sức khỏe còn thô sơ (khi tôi đến bệnh viện chính ở Viêng Chăn, thủ đô của Lào, năm ngoái, tôi được thông báo rằng cả nước chỉ có một máy MRI). Theo ông Todd Pollack, giáo sư tại Trường Y Harvard, người chỉ đạo chương trình Đối tác vì sự tiến bộ y tế tại Việt Nam, không có lý do gì để hoài nghi thông tin từ chính phủ Việt Nam vào thời điểm này. Phản ứng của Việt Nam rất nhanh và quyết đoán. Nếu dịch bệnh lớn hơn nhiều so với báo cáo chính thức, chúng ta sẽ thấy bằng chứng từ công suất phòng cấp cứu và số ca nhập viện gia tăng và chúng tôi không thấy điều này. Thông tin tại Việc Nam có thể còn những điều khiến người bên ngoài hoài nghi. Tuy nhiên, việc xử lý đại dịch rất minh bạch rõ ràng.

Vậy điều gì đến tiếp theo? Đáng chú ý, như tôi viết, Việt Nam đã không có trường hợp mới kể từ ngày 16.4. Tất nhiên, không ai biết điều gì trong tương lai nhưng sớm muộn gì thì Việt Nam cũng sẽ phải mở cửa nền kinh tế. Các sân bay chắc chắn sẽ phải mở cửa trở lại đón nhận người bên ngoài. Và một nhà dịch tễ học có thể lập luận rằng số lượng người nhiễm bệnh thấp sẽ đối mặt với nguy cơ từ làn sóng từ bên ngoài.

Tuy nhiên, những gì Việt Nam đã đạt được trong ba tháng đầu tiên cũng giúp họ có thời gian quý giá và họ đã sử dụng nó rất tốt. Họ đã đóng góp việc vận chuyển 450.000 bộ quần áo bảo hộ từ nhà máy DuPont đặt ở Việt Nam sang Mỹ. Họ đã có có khả năng để gửi 550.000 khẩu trang y tế đến các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu và thêm 730.000 chiếc cho các nước láng giềng là Lào và Campuchia. Với ngành công nghiệp may mặc, một trong những nền tảng chính của nền kinh tế, Việt Nam hiện đã tăng năng lực sản xuất trong nước lên 7 triệu khẩu trang vải mới và 5,72 triệu khẩu trang y tế mỗi ngày. Tập đoàn Vingroup, đã dùng các nhà máy sản xuất ô tô và điện thoại thông minh với lời hứa sẽ sản xuất 55.000 máy trợ thở mỗi tháng. Để chuẩn bị cho tình huống xấu, một bệnh viện 300 giường mới vừa được mở gần TP.HCM với 10 phòng áp lực âm được trang bị bộ lọc không khí đặc biệt sẵn sàng tiếp nhận các ca mới. Vào cuối tháng 3, Việt Nam đã nhập thêm 200.000 bộ xét nghiệm nhanh từ Hàn Quốc.

Vì vậy, nếu làn sóng mới có đến, Việt Nam gần như chắc chắn có cơ hội chiến đấu để kiểm soát nó như đã kiểm soát ở lần trước. Có nhiều bài học rút ra từ thành công phi thường của Việt Nam, mặc dù đáng buồn là đã quá muộn để Mỹ học hỏi bây giờ.