Các nhà nghiên cứu cho biết: “1/5 trường hợp mắc bệnh là do thực phẩm gây ra trong nhà bếp. Tuy nhiên, cách thức các mầm bệnh lây lan trong môi trường này vẫn chưa được nhiều người để ý kỹ”.
Nguy cơ mầm bệnh từ thói quen thiếu vệ sinh
Theo nhiều chuyên gia, nhiệt, độ ẩm, thức ăn cùng các thói quen không vệ sinh tạo ra môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn Salmonella, E coli và Listeria phát triển.
So với các khu vực khác trong nhà bếp, bọt biển và miếng rửa bát chứa nhiều vi khuẩn nhất. Một nghiên cứu cho thấy nấm mốc và nấm men trong miếng rửa này nhiều gấp 150 lần so với tay cầm bàn chải đánh răng. Thế nhưng đây cũng là vật dụng ít được các bà nội trợ để ý giữ gìn vệ sinh thường xuyên nhất. Điều này dẫn đến miếng rửa trở thành “ổ vi khuẩn” tích tụ lâu ngày.
Một trong những vật dụng làm bếp dễ rất dễ nhiễm vi khuẩn từ thức ăn dư thừa là đũa, thớt gỗ. Bên cạnh đó việc dùng chung thớt từ thực phẩm sống cho tới thực phẩm chín khiến vi khuẩn từ thịt, gia cầm và cá sống có thể nhiễm vào thực phẩm đã nấu chín và các sản phẩm tươi sống.
Việc dùng chung thớt với các loại thực phẩm dễ gây nhiễm khuẩn và ngộ độc thực phẩm
Các lọ đựng gia vị là đối tượng thường xuyên bị ô nhiễm, với khoảng 48% số lọ gia vị trong thí nghiệm cho thấy bằng chứng về sự có mặt của mầm bệnh. Số lượng vi khuẩn lây lan trên hộp đựng gia vị cao hơn đáng kể so với số lượng vi khuẩn được tìm thấy trên thớt và nắp thùng rác trong quá trình nghiên cứu.
Các vật dụng trong nhà bếp là những nơi bị nhiễm bẩn vi khuẩn trực tiếp, như: tay nắm cửa, tay nắm tủ lạnh, cán dao, quai ấm đun nước, bàn chế biến thức ăn. Khi các nguyên liệu bị nhiễm bẩn được chế biến, tất cả các bề mặt kể trên đều bị nhiễm khuẩn, từ đó lây trực tiếp sang người qua đường tiếp xúc trực tiếp qua tay bẩn, sau đó nếu cầm thức ăn đưa vào miệng sẽ gây nhiễm khuẩn đường ruột. Nếu bạn không rửa tay giữa lúc xử lý thực phẩm, vi khuẩn cũng có thể bám vào thiết bị nhà bếp, thùng rác và tủ lạnh. Đặc biệt, điện thoại cũng có thể bị nhiễm bẩn nếu bạn đang tìm kiếm một công thức nấu ăn trong khi đang sơ chế chúng dở dang.
Hộp đựng thực phẩm và túi thực phẩm lưu trữ đồ cũng chứa vi trùng, nấm men và nấm mốc. Thói quen không rửa túi mua sắm tái sử dụng hàng tuần và các hộp đựng thực phẩm ngay sau khi sử dụng cũng là tác nhân dẫn đến tình trạng này.
Tủ lạnh chứa quá nhiều đồ cũng là "ổ vi khuẩn" trong nhà
Một nguồn bệnh mà bạn ít ngờ tới chính là chiếc tủ lạnh. Theo "Báo cáo sức khỏe gia đình" của Hội đồng Vệ sinh Toàn cầu (Global Hygiene Council), tủ lạnh là nơi bẩn thứ 2 trong ngôi nhà, có trung bình 11.4 triệu vi khuẩn trên mỗi cm vuông trong tủ lạnh, bẩn hơn cả nhà vệ sinh. Đây còn là nơi vi khuẩn Listeria - "sát thủ tủ lạnh" sinh sôi nảy nở - nguồn gây ra các triệu chứng cúm, suy giảm miễn dịch, khó thở, nôn mửa, sốt và thậm chí nhiễm trùng huyết sau khi nhiễm khuẩn. Thói quen để tủ lạnh bừa bộn, đặt thực phẩm tươi và thực phẩm đã nấu chín lẫn lộn, cất quá nhiều đồ ăn, để cả đồ ăn cá, thịt, rau… chưa được rửa sạch nhiễm bẩn sẽ lây lan các chất chuyển hóa của vi khuẩn trimethylamine, methyl mercaptan, hydro sulfide... dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa, dạ dày sẽ tăng lên rất nhiều. Đặc biệt thói quen sau bữa ăn từ 2-3 giờ đồng hồ, thức ăn thừa mới được cất vào tủ lạnh là sai lầm, bởi khi thức ăn ở nhiệt độ bên ngoài thì vi khuẩn đã sinh sôi phát triển.
Những biện pháp phòng tránh
Cách tốt nhất để phòng ngừa nguồn lây bệnh từ vi khuẩn là chú ý vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên căn bếp và những vật dụng tại bếp hàng ngày. Khử trùng miếng bọt biển bằng nước sôi, lò vi sóng, nên thay miếng bọt biển sau 3-4 tuần/1 lần và giặt tạp dề cách ngày 1 lần. Tất cả bề mặt của nhà bếp, bàn để chế biến thức ăn phải được vệ sinh khử khuẩn trước và sau khi làm thức ăn. Chú ý trước và sau khi chế biến thực phẩm cần rửa sạch tay với nước và xà phòng. Đồ dùng rửa xong phải treo hoặc phơi ở chỗ thoáng mát, đảm bảo cho khô hẳn mới cất. Ống để đũa phải được kiểm tra và rửa thường xuyên, đây là nơi hay bị nấm mốc khó nhìn thấy. Các tay nắm cửa, quai ấm nước, cán dao, tay nắm tủ lạnh phải được lau chùi thường xuyên. Thùng rác phải có nắp và rửa sạch mỗi ngày sau khi đổ rác, không được để rác qua đêm sẽ làm tăng sinh vi khuẩn, nấm mốc.
Bạn nên lau chùi vệ sinh khu vực nấu ăn thường xuyên
Lưu ý tiếp theo là nên tuân thủ việc phân loại. Sử dụng dao thớt riêng biệt cho thịt/gia cầm/cá sống và sản phẩm/thực phẩm đã nấu chín để tránh nhiễm chéo từ thực phẩm sống vào đồ ăn chín. Không sử dụng lại đĩa vừa đựng thực phẩm sống để chứa các loại thức ăn chín…Khi mua thức ăn tươi sống về, phải rửa sạch rồi mới chế biến, các loại thức ăn phải để vào bọc riêng biệt trước khi cho vào tủ lạnh.
Một vấn đề quan trọng khác là bảo quản thực phẩm đúng cách. Do các vi sinh vật phát triển nhanh trong môi trường từ 4-60 độ C nên việc bảo quản lạnh ở một nhiệt độ thích hợp giúp làm chậm sự phát triển của các loại vi khuẩn gây bệnh (<4 độ). Thức ăn chín sau khi nấu 2 giờ hoặc thức ăn mua về nếu chưa ăn cần để trong tủ lạnh hoặc tủ đông. Với thức ăn thừa, nếu để sử dụng cho bữa ăn sau cần đậy kín trong hộp đựng thực phẩm, rồi bảo quản trong ngăn đá hoặc ngăn mát. Trước khi sử dụng lại các thức ăn thừa cần được đun sôi đủ thời gian. Thực phẩm trong tủ lạnh nên được ăn kịp thời (sử dụng càng sớm càng tốt), tránh để lâu, tạo điều kiện cho vi khuẩn Listeria phát triển.