Như DDVN đã đưa tin, vào tối Chủ nhật, 10/11, tại Zen Diamond Suits Hotel (16 Lý Thường Kiệt, Đà Nẵng) bạn bè, thân hữu sẽ tổ chức đêm văn nghệ “Tưởng niệm 10 năm ngày mất Đặng Ngọc Khoa”. Sinh thời, bên cạnh tư duy nhà báo nghĩa hiệp, luôn đấu tranh cho người nghèo và công lý, anh còn một trái tim thi sĩ đa mang, trắc ẩn.. DDVN xin giới thiệu lại bài viết của Nhà phê bình thơ nổi tiếng Đặng Tiến (từ Pháp) về thơ ĐNK sau ngày anh mất.
Tin, bài liên quan:
Đặng Ngọc Khoa, dấu chân lạc đà qua sa mạc thơ (Kỳ 2)
Đặng Ngọc Khoa, dấu chân lạc đà qua sa mạc thơ (Kỳ 1)
Du Tử Lê, ‘thi sĩ của tình yêu’ từ trần
Đặng Ngọc Khoa làm thơ hay.
Thơ hay là một ngôn ngữ cách điệu có phẩm chất nghệ thuật cao, có tính trí tuệ sắc sảo và tình cảm sâu lắng. Thơ Khoa hội được những điều kiện ấy.
Nhưng lại được ít bạn bè quan tâm, lý do là: chính tác giả cũng không mấy lưu tâm.
Khoa quảng giao, kết nhiều bạn bè. Với bằng hữu, Khoa thường xuất hiện như một nhà báo năng nổ, một người hoạt động xã hội và thiện nguyện năng động, một người bạn trẻ trung, vui nhộn, có tài hoạt náo. Ít ai biết đến nội giới của con người cô đơn u uẩn, giàu cảm lụy, phát hiện qua những bài thơ ít ỏi mà Khoa để lại.
Nhà phê bình Đặng Tiến (Pháp) và nhà thơ, nhà báo Đặng Ngọc Khoa. Bức ảnh chụp lại trong cuốn "Không trái tim ai ngừng đập trên đời" do Nguyễn Hữu Hồng Minh và Huỳnh Lê Nhật Tấn biên soạn, thực hiện. Nxb Thanh Niên 2010.
Bìa cuốn "Không trái tim ai ngừng đập trên đời" tuyển chọn khá đầy đủ những bài thơ để lại của nhà thơ Đặng Ngọc Khoa. Sách được xuất bản sau ngày anh mất.
Là một bậc tài tử trước cuộc đời, trong một giai đoạn có thể nói là nhiễu nhương nhất của lịch sử, Khoa là kẻ dấn thân vào thời đại, thậm chí có khi đưa cả sinh mệnh vào những cơn tao loạn, nhưng bản thân là một nghệ sĩ, bị cơn gió chướng của số mệnh thổi tạt vào đêm nghịch lữ.
Đặc điểm của thơ Đặng Ngọc Khoa là chỗ đứng riêng, không thuộc trường phái, khuynh hướng nào, và hoàn toàn xa thời thượng. Thậm chí bài này cũng khác bài kia, nhưng tập thơ vẫn nhất quán dù rằng đa dạng: vẫn một giọng điệu, vì cùng một tâm hồn, cùng một tài hoa. Nói chung là một giọng hào sảng, đến hung hãn, tha thiết đến chì chiết, ngay thẳng mà uẩn khúc, hồn nhiên mà phức tạp.
Đặng Ngọc Khoa (đứng) trong một chuyến làm từ thiện giúp bà con nghèo ở huyện Đại Cường - Đại Lộc. (Ảnh: Phan Chí Anh)
Một hình ảnh tân kỳ và hàm súc:
Hãy cô đơn như một cột cờ
Cột cờ sao lại cô đơn? Giải thích cũng được thôi, nhưng không cần thiết. Cứ giữ lấy một hình ảnh đơn độc và kỳ lạ ấy, làm hình tượng Đặng Ngọc Khoa. Muốn hiểu rộng, thì chọn một đoạn dài hơn:
Anh cô đơn
Như một cột buồm
Kiêu hãnh
Trong lặng im
Biển gầm gào điên loạn…
(…) Như một cột buồm anh rất đỗi cô đơn
Ngước nhìn trời vòm trời tối sẫm
(…) Những áng mây rỉ buồn câu hát cũ
Những dố khoan cũng cũ liên hồi
Chỉ còn tiếng kèn đồng cũ
Rền vang trang thơ cũ
Báo động mới toanh
Về một ngày buồn…
Cô giáo Phùng Kim Hương một thành viên của nhóm từ thiện ACE Thiện Văn do anh Đặng Ngọc Khoa sáng lập trong một chuyến đưa áo ấm đến cho trẻ em nghèo vùng cao. Tiếp nối công việc ý nghĩa sau ngày anh mất.
Cô đơn bao giờ cũng bắt đầu từ tâm trạng cá nhân; nhưng ở đây nó tiêu biểu cho cả thân phận làm người qua một loạt ẩn dụ liên kết. Ở đây là niềm cô đơn của con người trước vũ trụ hung hãn, xã hội đen tối và nghệ thuật buồn thảm. Khoa thường xuất hiện qua những cuộc rong chơi, ai biết cho rằng giọng rong ca của Khoa trầm luân trong bi kịch một thế hệ?
Sinh thời Khoa là người tầm vóc và cường tráng; thơ cũng khỏe mạnh như người:
Nỗi nhớ chồm lên như ngựa,
Và sảng khoái:
Cụng ly xa với biển Hàm Rồng
Cộp một cái ngang tàng hảo hán
Chạm nhẹ nỗi dịu dàng
Rượu khít Biển Hồ chưa?
Phả hơi về Chư-păh.
Khoa làm thơ hồn nhiên, và hồn nhiên theo vần điệu, nhưng hình ảnh mới mẻ.
Như những tin khí tượng, mà Khoa là chuyên viên thông báo:
Bước ra bậc cửa
Vấp nỗi nhớ
Vấp nỗi buồn
Vấp bản tin màu đỏ.
Tựu trung nhiều mớ
Bão không hẹn giờ
Mưa từ hốc tối
Em rất chiêm bao…
Di ảnh Đặng Ngọc Khoa - Nhà nhiếp ảnh Lê Hải chụp
Sinh thời, Khoa là người năng động, luôn luôn đương đầu, có khi đánh vật với thực tại. Cho nên thơ Khoa luôn luôn sùng sục thực tế, nóng bỏng sức sống. Cuộc sống từ mảnh đất quê hương Quảng Nam đến mũi Cà Mau tận cùng tổ quốc:
Mùi bùn thơm rủ rỉ gọi nhau về
Cà Mau Cà Mau
Gió chướng chạy rần rần khung trời xanh tái
Tôi căng mắt căng thân giấc mơ vỏ lải
Vút chim bay chạm sóng Gành Hào
Nhưng thực tại và hiện tại, có khi chắp cánh mộng mơ, bay ngược về huyền sử, cùng trong bài thơ ấy:
Chôn chân bên cầu thơm dưa hấu
Em chợ đời ám chướng u mê
Tôi trôi tôi chiều trôi cổ tích
An Tiêm thương một gã bên lề.
Một câu thơ đặc sắc mùi vị đồng quê Nam Bộ:
Điên điển vàng ươm nồi cháo cua đồng
Nhưng ngay sau đó thì câu thơ vút bay vào vũ trụ:
Niềm vui nở bên ngoài trái đất
Rồi sà cánh xuống với những người ngoài chủng tộc:
Những phận người khốn cùng thế giới
Thương nhau lang bạt giang hồ
Em bắt hụt bóng tôi giữa chợ
Năm Căn rùng rùng tôm cá bay...
Chân dung Đặng Ngọc Khoa - Ảnh: Huỳnh Lê Nhật Tấn
Thơ Khoa, thơ tài tử, không đóng khuôn vào trường phái nào, hệ tư tưởng hay nghệ thuật nào, nên tạo được bất ngờ hào hứng. Vì không tìm cách xếp hàng vào đội ngũ thơ chuyên nghiệp, Khoa tạo cho mình một thi pháp riêng mà những người sưu tầm hay viết phê bình văn học mai sau phải quan tâm.
Về con sông Vu Gia quê nhà, Khoa tạo được một hình ảnh độc đáo:
Sông từ trời chảy vào lồng lộng
Em từ mùa non tơ trong anh
(...) Không thể khác khi gọi Vu Gia
Nắng xiên khoai mình anh trở lại
Đồng bãi xanh tràn em xa ngái
Giọt lệ thầm
Rớt xuống
Chiều xa.
Nhà phê bình văn học Đặng Tiến từng phụ trách, giảng dạy Văn học Việt Nam ở Đại học Paris VII
Nhưng đặc biệt quê hương Khoa còn heo hút Tây Nguyên, những làng thượng nguồn hẻo lánh, nghèo khó mà Khoa thường viếng thăm, cứu trợ:
Đã yêu thì đến
Đã say đừng về
Ơ ! người thương mến
Mình về Măng Đen
Yêu nhau thì về
Say nhau thì về
Măng Đen Măng Đen
Cái tay buồn vì không ai nắm
Cái chân buồn vì nhớ con đường
Cái rừng buồn vì con suối cạn
Ngực ta phập phồng vì nhớ Măng Đen
Đã yêu nhau thì về trong yêu dấu
Em trong anh và anh trong bao la.
Câu thơ cuối này, dù cho lời hoa mỹ, vẫn là một hình bóng gần với Khoa trong thực tế.
Thơ tình Khoa không nhiều. Có lẽ vì dè dặt hay vì thời đại không cho phép dành nhiều thời giờ cho tình yêu:
Chúng ta sống trong một thế kỷ buồn
Bao người yêu nhau không nhìn về một hướng
Khủng bố và sóng thần
Khói đen và stress
Thơ tình của Khoa thường hào hoa, có khi kiểu cách, như bài Đa Mang làm khi còn trẻ, 1991:
Đừng khóc nữa em sóng thời gian
Hóa thạch nghìn năm máu dã tràng
Ngọc của đời nhau vùi xanh cát
Có bao giờ bừng hoa vông vang
Sau này Khoa có bài thơ giản dị mà cảm động:
Yêu em anh như trẻ thơ
Chuyện nhỏ thôi, đã hờn đã giận
Em xa xôi lòng anh trĩu nặng
Em nói đùa mà tim anh đau.
Mộng du buồn chỉ một cơn mơ
Chập chùng quãng đời anh còn lại
Phía không em anh nhìn xa ngái
Giọt lệ nào rớt phía không anh.
***
Tết ghé thăm gia đình anh Đặng Ngọc Khoa. Từ phải qua: Nhà thơ Đông Trình, nhà phê bình văn học Đặng Tiến, nhà thơ Uyên Hà trưởng CLB Thiện Văn ACE, chị Hoàng Hạnh vợ anh Đặng Ngọc Khoa
Đặng Ngọc Khoa làm thơ không nhiều, tùy hứng và không chăm lo phổ biến, không màng tạo thanh danh “nhà thơ” . Nhưng trong bản chất, Khoa là thi nhân. Thơ trước hết là một cách nhìn đời, một cách ứng xử với đời, sau đó mới là phát ngôn thành lời thành tiếng, thành tác phẩm, bằng thơ hay có khi bằng ca khúc, văn xuôi hay hội họa. Khoa là nhà thơ trong tận tủy tận xương; rồi lại tài hoa, có năng khiếu về ngôn ngữ, ngôn ngữ thông dụng hàng ngày và trong sáng tạo nghệ thuật.
Viết về thơ Khoa và đánh giá cao, là niềm vui của người phê bình, giới thiệu.
Thêm một giải thích về cách xưng hô, không theo thường tình của ngành biên khảo. Gọi tên Khoa, vì Khoa là cháu gọi tôi bằng chú, trong một giòng họ nghèo, cùng sinh cùng lớn tại thôn An Trạch, một làng nghèo không có danh vị gì. Cái nghèo khó và vô danh đã gắn bó chúng tôi. Tôi lìa quê, xa nước đã lâu, sau này mới quan hệ với cháu, qua báo chí, văn chương và nhờ kỹ thuật tin học. Với Khoa, tôi là bạn văn thông thoáng nhưng là một người chú nghiêm khắc.Tôi viết bài này công bình và khách quan, không vị tình riêng. Tuy nhiên tôi gọi tên Khoa như lúc cháu còn sống, vì không có lý do gì mà chú cháu lại thay đổi cách xưng hô.
Có lần Khoa đã viết:
Cái sống cái chết không có ranh giới
Ở người điên
Và không có trong tâm hồn người đang tỉnh.
Tất cả đều lặng yên
Tất cả đều khép kín.
Mà dù có ranh giới giữa hai cõi tử sinh, thì tôi cũng không thể gọi Khoa bằng cách khác, khi đọc thơ Khoa, những lời thơ như nhởi như chơi mà vang âm thành sấm ký:
Không thể khác khi gọi Vu Gia
Bến ly hương dấu chân hớt hải
Sông tắm gội thiếu thời thơ dại
Tóc bạc mây trời chưa nguôi thương
Và không nguôi nuối tiếc:
Trần gian đẹp quá nghìn sau nhé
Hãy nói dùm tôi những ngập ngừng.
Khi mang nặng chất đời thì mỗi lời thơ, thơ ai cũng vậy, là một lời trăn trối.
Ra Tết chú có về quê sẽ cùng bà con, bạn bè cháu rót một ly rượu Tây, rượu thật, trên một nấm mồ mô đó, trong nghĩa trang Lệ Trạch.
Từ An Trạch đến Lệ Trạch con đường bao xa ?
Noël, 2009
ĐT.
* Giới thiệu chùm thơ “Thoát bão” của thi sĩ Đặng Ngọc Khoa. Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh chọn.
Mẹ tôi
Ngày Tết
ngang qua hàng trầu cau
bỗng nhớ
Mẹ ta xưa ăn trầu môi đỏ
Cái cối xay
Cái ông bình vôi
Còn hằn dấu vân ngón cái
Một trăm năm
Một nghìn năm
Con không còn mẹ
Trên cánh đồng mồ côi
Chỉ cánh cò lẻ loi
Phơ phơ mây trắng góc trời...
Một chiều hôm
Con lại chạy về quê
Tay cầm miếng trầu
lặng lẽ
Biết tìm đâu
đôi bàn tay mẹ
Đặt lên
chữ hiếu muộn màng!
Không trái tim ai ngừng đập trên đời
Không trái tim ai ngừng đập trên đời
Thuở mẹ mang nặng tôi nào hay biết
Trong ruột máu trái tim đã đập
Người lính chết trong đêm rất xa
Mạch máu vỡ bên dòng suối cạn
Tim anh đập trong lòng bè bạn
Sẽ có một ngày như thế tim tôi
Trước cái chết lẽ nào sợ hãi?
Ngực con tôi trái tim trao lại
Không trái tim ai ngừng đập trên đời
Cho một ngày buồn
Anh cô đơn
như một cột buồm
kiêu hãnh
Trong lặng im
biển gầm gào điên loạn
những luồng gió táp mặt người mặt sóng
bãi bờ xa tít khói bếp quạnh hiu
Nơi ấy ngọn lửa vợ anh vừa nhen
đột ngột dập tắt bởi dòng tin trắng
Nơi ấy mẹ anh chặm nước mắt
rớt rơi chấp chới ngắn dài
Nơi ấy, những khúc nhân tình
tên anh không còn đọc thấy
Những câu thơ
lầm lì
cứa vào cơn mơ góa bụa
Nơi ấy, mùa thiếu nữ vời vợi
năm cửa ô mưa bụi
đêm Hà Nội chòng chành gió trở
câu thơ rét run túi áo
viên kẹo nào ngọt ấm môi con...
Như một cột buồm, anh rất đổi cô đơn
ngước nhìn trời, vòm trời tối sẫm
đâu tiếng kêu vang vọng ngực chiều
đâu âm ba người đi ngược sóng
chỉ miên man biển dài rồng rỗng
xoáy lốc cuồng phong xô lệch gầm trời
những áng mây rỉ buồn câu hát cũ
những dố khoan cũng cũ liên hồi
chỉ còn tiếng kèn đồng cũ
rền vang trang thơ cũ
báo động mới toanh
về một ngày buồn...
Không dưng ngồi nhớ
Không dưng, có những lúc không dưng
Ánh nhìn lặng lẽ, hồn rưng rưng
Trần gian đẹp quá, nghìn sau nhé
Hãy nói dùm tôi những ngập ngừng...
Đa mang
Đừng khóc nữa em anh về xa
Gối đầu trên cỏ nghĩ quê nhà
Làng anh mọc dưới ngôi sao ấy
Em có bao giờ ngóng sao sa?
Đừng khóc nữa em anh nằm đau
Lá úa vàng chân gió bạc đầu
Trái tim chầm chậm buồn khản tiếng
Chim khách chết rồi em ở đâu?
Đừng khóc nữa em đã tà huy
Lòng trời vòi vói gió biệt ly
Thổi ngược hồn anh bầm ký ức
Huyễn hoặc trăng chiều em vu quy...
Đừng khóc nữa em sóng thời gian
Hóa thạch nghìn năm máu dã tràng
Ngọc của đời nhau vùi xanh cát
Có bao giờ bừng hoa vông vang?
Đừng khóc nữa em những ngày sau
Mé biển rừng đêm những toa tàu
Đa mang yêu dấu đa mang nhớ
Có trọn đời ta đa mang nhau?
Đừng khóc nữa em những chiều xa
Tay ghì tím cỏ níu sao sa
Vết xước của trời
hồn anh đấy
Em
sẽ bao giờ em bước qua?...
Đà Nẵng - Sài Gòn 1991
Thoát bão
Như ngọn gió đơn độc
Thoát khỏi tâm bão
Anh lang thang
Dưới trời đêm
Kiệt sức
Qui Nhơn! Qui Nhơn!
Người thơ từng khóc
Đến giờ
Lệ còn ứa mắt ai
Làm sao thoát
Cám dỗ ngôi nhà xây dở
Đổ sập trong xoáy lốc
Mất hút
Mất hút em...
Làm sao thoát
Những cơn đau
Không màu
Không vị
Những trường gió
Nhiệt đới nóng
Nghịch chiều
Cũng chẳng dễ thoát
Những cơn mơ ngoài cơn mơ
Những cơn bão ngoài cơn bão
Ngổn ngang
Làm sao anh thoát khỏi chính mình
Thoát bão,
Ừ thì thoát bão
Cuồn cuộn
Quay về
Anh nhặt nhạnh chính anh...
Quay quắt Cà Mau
Nơi ấy dấu chân tôi có còn in trên bờ kênh xáng
Mùi bùn thơm rủ rỉ gọi nhau về
Cà Mau Cà Mau
Gió chướng chạy rần rần khung trời xanh tái
Tôi căng mắt căng thân giấc mơ vỏ lải
Vút chim bay chạm sóng Gành Hào
Chôn chân bên cầu thơm dưa hấu
Em chợ đời ám chướng u mê
Tôi trôi tôi chiều trôi cổ tích
An Tiêm thương một gã bên lề
Cà Mau Cà Mau
Đêm không ngủ bởi Cà Mau không ngủ
Khát sống như tôi cũng đến thế thôi mà
Nơi con cá quẫy vầng trăng cuối bãi
Em lang thang và tôi hoang mang
Có ai về đốt đuốc mùa sang
Ánh chớp đầu tiên, hy vọng cũ càng
Tuổi trẻ bao lăm vèo gió rụng
Lắng đất trở mình nghe khát khao
Đêm tối trời kinh Nguyễn Văn Tiếp
Điên điển vàng ươm nồi cháo cua đồng
Niềm vui nở bên ngoài trái đất
Tôi say khướt môi em mềm mướt
Chợt dịu dàng thảo khấu đôi tay
Những phận người khốn cùng thế giới
Thương nhau lang bạt giang hồ
Em bắt hụt bóng tôi giữa chợ
Năm Căn rùng rùng cá tôm bay
Chợt một ngày tôi xa biền biệt
Ký ức hằn những dấu chân khô
Cà Mau Cà Mau
Đừng quay quắt đừng yêu thương nhé
Mười mấy năm dài
Sóng Gành Hào còn dội ướt cơn mơ...
ĐNK