VĂN HÓA

Nhà văn và độc giả lý tưởng

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 14-01-2020 • Lượt xem: 6019
Nhà văn và độc giả lý tưởng

Nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng đã xuất bản nhiều truyện ngắn (Baroque và ẩn hoa, Những gặp gỡ không thể có), tiểu thuyết (Life Navigator 25: người tình của cả thế gian), tác phẩm dịch (Biên niên ký chim vặn dây cót - Haruki Murakami, Nếu trong đêm đông có một lữ khách - Italo Calvino, Xứ cát - Frank Herbert, Súng, vi trùng và thép - Jared Diamond…) và nhiều tác phẩm khác. Đầu năm 2020, cuốn tiểu thuyết hậu hiện đại "Từ điển Khazar của Milorad Pavic" do anh dịch vừa được tái bản với sự hiệu đính của dịch giả Dương Tường. Anh đã dành cho DDVN một cuộc trò chuyện đầu năm mới…

Tin, bài liên quan:

Phan Tam Khê và bí mật những dòng suối nhỏ

‘Triết gia nhà quê’ thành công với ‘Cám dỗ Việt Nam’

Nhà văn nhìn từ phía sau lưng

DDVN: Lý do gì khiến anh chuyển hướng từ dịch văn sang viết văn? Có khi nào anh nghĩ rằng nếu tiếp tục dịch thuật thì anh có thể đóng góp cho đời nhiều hơn là viết không?

Nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng (Ảnh: Nguyên Trương)
 

Nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng: Tôi viết văn từ lâu trước khi bắt đầu dịch văn chương, cho nên đúng hơn cần phải nói rằng tôi đã từ dịch văn chương quay trở lại viết văn. Viết văn mới thực sự là việc mà tôi cần làm. Nếu tôi không dịch “Biên niên ký Chim vặn dây cót”, chắc chắn sẽ có một người khác dịch nó không kém gì tôi, thậm chí tốt hơn tôi. Một cuốn tiểu thuyết như “Life Navigator 25: người tình của cả thế gian” thì chỉ một mình tôi viết ra được. Nó hay hơn hay kém hơn cuốn này hay cuốn khác, điều đó hãy để người khác nói. Nhưng ít nhất là nó khác biệt.

 

DDVN: Một số người nói cuốn sách của anh khó đọc. Tại sao anh không viết dễ hiểu hơn?

Viết “dễ” hay “khó”, dành cho đại chúng hay dành cho số ít, đó không phải là lựa chọn tùy thích của người viết dựa trên những tính toán lạnh lùng. Cũng như người này hát opera và người kia hát bolero, người này chơi vị trí trung phong còn người kia trấn giữ khung thành, đó không phải do tự họ muốn chọn là chọn đâu.

 

Thông điệp mà anh muốn gửi đến người đọc là gì?

"Từ điển Khazar" của Milorad Pavic. Bản dịch Trần Tiễn Cao Đăng, hiệu đính DươngTường xuất hiện đầu năm 2020. Tiểu thuyết có thể xem là "kỳ thư". Từ khi ra đời cuốn sách đã gây cảm hứng lớn lao cho nhiều thế hệ người đọc, là cánh cửa mở ra thế giới mới mẻ, hấp dẫn khôn cùng của tiểu thuyết Hậu hiện đại.
 

Tôi không có thông điệp nào gởi tới người đọc, nếu bạn hình dung rằng đó là một thông điệp có thể tóm gọn trong vài chữ. Nếu có gì đó mà tôi muốn gởi tới người đọc thì đó là những câu hỏi mà tôi muốn chia sẻ với mọi người. Những câu hỏi lớn về bản chất sự tồn tại của loài người, về ý nghĩa của việc làm người, chẳng hạn. Và không chỉ có vậy.

Mặt khác, tôi cho rằng nếu bạn cứ khăng khăng đòi tìm cho ra một “thông điệp” từ bất cứ cuốn sách nào, bạn đang có nguy cơ đánh mất điều cốt yếu nhất của văn chương. Thay vì tìm một thông điệp, một “triết lý”, một “tư tưởng”, những “lấp lánh trí tuệ” trong một cuốn sách, hãy tiếp nhận nó như một toàn thể. Một cái toàn thể đập vào mọi khía cạnh của bạn - trí tuệ, cảm xúc, tưởng tượng… cùng một lúc. Cuốn sách nào làm được điều ấy, bạn sẽ nhận ra nó.

 

Đọc tiểu thuyết của anh, có cảm giác hơi khó nắm bắt cốt truyện. Anh quan niệm như thế nào về cốt truyện và vai trò của nó trong tác phẩm văn chương?

Cuốn tiểu thuyết "Life Navigator 25: người tình của cả thế gian" của nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng thách thức bạn đọc về một cách đọc khác hay "Độc giả lý tưởng" (Ảnh: Nguyên Trương)

Cuốn sách của tôi có cốt truyện của nó, tuy rằng có thể khá khó nắm bắt. Nếu bạn bước vào nó với một tâm trạng thoải mái, một tâm trí rộng mở, dẹp bỏ mọi thứ khung sẵn có, sẵn sàng buông mình theo dòng chảy ngôn từ của nó như theo một dòng sông, để cho nó ùa vào bạn, làm đầy bạn, có thể bạn sẽ thấy mình “vào” cuốn sách một cách thật dễ dàng, không mảy may gắng sức. Nó là một cõi riêng, chỉ dần dần để lộ mình cho những ai biết đường mà thôi.

 

Chất “Tây phương”, hay chất “ngoại lai” trong văn của anh rất đậm đặc. Người đọc Việt Nam dễ cảm thấy không phải nó được viết ra cho họ. Anh hình dung độc giả của mình là người như thế nào?

Tôi không có hình dung sẵn về “độc giả lý tưởng” của mình. Độc giả lý tưởng của tôi không có sẵn: họ sẽ tự tạo ra họ. Người đọc nào bắt đầu đọc cuốn tiểu thuyết với một quan niệm đúng và một tâm thế đúng, người đó sẽ tự tạo ra độc giả lý tưởng ấy, từ chính mình. Độc giả lý tưởng của nhà văn là một ứng viên tiềm năng để cùng tác giả tham gia vào một đời sống trí tuệ - tâm hồn khác biệt và, trong chừng mực nhất định, cao hơn và đẹp hơn đời sống hằng ngày của người đó.

Mặt khác, Murakami có nói, đại ý: ông viết không phải về người Nhật hay về người phương Tây, ông viết về con người. Nhân vật của ông chỉ tình cờ là người Nhật bởi vì ông là người Nhật nên ông hiểu họ hơn cả. Ea Sola thì nói, đại ý: những vở múa của chị không dành riêng cho người Việt và không dành riêng cho người phương Tây, nó dành cho con người. Tôi cũng muốn nói điều tương tự về những gì tôi viết.

 

"Văn chương có ích gì?" - Một talkshow văn học giao lưu với đọc giả của GSTS Văn chương Trần Lê Hoa Tranh, nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh cùng nhà văn dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng do Nhã Nam tổ chức tại TP.HCM

 

Từ một giấc mơ mà để triển khai ra cuốn sách dày hơn 400 trang là một điều khó, nếu chỉ từ một giấc mơ. Điều gì dẫn dắt sau giấc mơ ấy giúp anh hoàn thành quyển sách?

 

Giấc mơ chỉ là “tia lửa” châm vào khối năng lượng tích tụ từ lâu trong tiềm thức người viết mà thôi. Không có khối năng lượng ấy thì bản thân giấc mơ không thể nảy sinh được. Nó là một quá trình tạo sinh mà phần lớn nằm ngoài ý thức của người viết. Nếu bạn là người viết văn đích thực, thì những khối năng lượng như vậy sẽ thường trực tồn tại ở trong bạn, và lúc nào cũng có thể có những khối mới hình thành mà bạn không chờ đợi. Nó như những “hạt mầm” tự chúng nảy sinh từ mảnh đất tâm hồn và trí tuệ của bạn, nếu mảnh đất ấy đủ giàu có, đủ mạnh.

 

Ý tưởng thường đến với anh như thế nào? Có phải chỉ qua các giấc mơ?

Một số truyện của tôi bắt đầu từ những giấc mơ, chẳng hạn một truyện ngắn mà một số người thích là “Đầu của hoa hậu Ấn”. Tuy nhiên, một số truyện khác thì ý tưởng nảy sinh khi tôi đang đi bộ buổi tối, hoặc khi tôi đang ngẫm nghĩ về một truyện tôi đã đọc. Chẳng hạn, “Chuyện Gaucho Bi Bự khoái mắm tôm” (sẽ có trong tập “Những gặp gỡ không thể có” đã xuất bản) là một truyện nảy sinh trực tiếp từ cảm hứng khi nhớ lại một chi tiết trong tiểu thuyết “2666” của Roberto Bolaño.

 

Bìa tập truyện "Những gặp gỡ không thể có" của Trần Tiễn Cao Đăng

 

Anh bắt đầu viết văn như thế nào? Anh thường quan tâm đến điều gì với tư cách nhà văn?

Từ nhỏ tôi đã “viết văn”. Khoảng bốn, năm tuổi, tôi tự sáng tác những truyện tranh, truyện cao bồi Viễn Tây hay truyện du hành vũ trụ, hai loại truyện mà tôi mê tít thời đó. Đến tuổi thiếu niên, tôi bắt đầu viết “văn xuôi” đúng nghĩa, là những “tiểu thuyết” phiêu lưu mạo hiểm, bắt chước theo một số cuốn tôi đọc và ưa thích hồi đó, như “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer”. Trong những năm đại học, tôi miệt mài viết một cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng mà tôi đặt tên là “Vũ trụ loài người”. Dự án đó đã bị bỏ dở, nhưng tôi đã sử dụng một vài yếu tố của nó trong các tiểu thuyết của tôi sau này.

Tôi quan tâm nhiều nhất đến những sự kỳ diệu của thế giới và cách con người đối xử với những sự kỳ diệu của thế giới, trong đó có những sự kỳ diệu ở đồng loại họ và bản thân họ. Với tôi, đó là nguồn “đề tài” và “cảm hứng” vô tận.

 

Anh thường đọc những ai? Những nhà văn nào ảnh hưởng tới anh nhiều nhất?

Tôi cần phải kể tên những người sau đây, mà tôi biết mình chịu ảnh hưởng nhiều nhất (bằng cách này hay cách khác) và phải hàm ơn: Kawabata Yasunari, Akutagawa Ryunosuke, Federico Garcia Lorca, Rabindranath Tagore, Nikos Kazantzakis, Franz Kafka, Fyodor Dostoyevsky, Italo Calvino, Roberto Bolaño, Krasznahorkai Laszlo.

 

"Tôi không có hình dung sẵn về “độc giả lý tưởng” của mình. Độc giả lý tưởng của tôi không có sẵn: họ sẽ tự tạo ra họ" (Trần Tiễn Cao Đăng)

Dự định sáng tác trong tương lai của anh là gì?

Hiện tôi đang giai đoạn hoàn tất cuốn tiểu thuyết thứ hai (thật ra là cuốn tôi bắt đầu viết đầu tiên) với nhan đề “Cospolist nổi loạn”. Nó cũng là một cuốn dày như cuốn thứ nhất, nhưng là một thế giới khác, một cấu trúc khác, một giọng điệu khác… Có thể nó sẽ dễ tiếp cận đối với nhiều người hơn. Ngoài ra, tôi đang bắt đầu viết một số truyện khác - có thể là truyện vừa, có thể là tiểu thuyết, tôi chưa thể biết được - mà ở đó tôi đang muốn tự thử thách mình.

Trần Tiễn Cao Đăng trong một buổi giao lưu cùng độc giả (Ảnh: Trần Nguyễn Anh)

Vậy, với tiểu thuyết sắp tới, anh có định sẽ làm sao cho bạn đọc dễ tiếp cận hơn không? Hoặc chọn đề tài gần gũi hơn không?

Có thể. Chất của tôi vẫn không thay đổi, nhưng lúc này hay lúc khác tôi sẽ “điều chế” sao cho tác phẩm đến được với nhiều người hơn.

 

Cám ơn nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng đã dành cho Duyên Dáng Việt Nam cuộc phỏng vấn cởi mở đầu năm mới này!