VĂN HÓA

Nhiếp ảnh gia Trần Hữu Trí – Trọn niềm đam mê

Phạm Lữ      • 24-05-2020 • Lượt xem: 1285
Nhiếp ảnh gia Trần Hữu Trí – Trọn niềm đam mê

Đối diện với tôi là người đàn ông với gương mặt hiền hậu, có nụ cười tươi rất dễ thân thiện. Đây là lần thứ 3 tôi gặp anh trong cái nắng gắt của Sài Gòn những ngày… hết dịch. Dù làm nghề lập trình dự án tin học nhưng anh lại đam mê nhiếp ảnh và đã gắn bó với ống kính hơn 30 năm, đạt nhiều giải thưởng ảnh trong và ngoài nước. Anh là nhiếp ảnh gia Trần Hữu Trí.

Tin, bài liên quan:

Nhiếp ảnh gia Việt Nam chiến thắng cuộc thi ảnh Agora Mùa xuân

Bức ảnh Cầu vàng ở Việt Nam đạt giải thưởng nhiếp ảnh kiến trúc #Architecture2020

Chàng khiếm thị Trần Bá Thiện đi xem… ảnh 3D

Sinh ra tại Sài Gòn, từng có 36 năm sinh sống ở Pháp và làm việc phân tích lập trình dự án tin học, nhưng anh lại mê đứng sau ống kính và đã “chơi" nhiếp ảnh hơn 30 năm qua. Năm 2006, anh trở về quê hương Việt Nam.

Nhiếp ảnh gia Trần Hữu Trí từng đạt nhiều giải thưởng ảnh quốc tế

Với một người cầm máy ảnh, hạnh phúc nhất là được ghi lại những khoảnh khắc hi hữu tạo nên một tác phẩm xuất thần khiến nhiều người xem xao động. Nếu một ai đó đến thăm, xem tác phẩm của anh, sẽ ngỡ ngàng và mê mẩn bởi vẻ đẹp thiên nhiên, con người được anh chắt chiu trong từng khoảnh khắc, được người xem gọi là “khoảnh khắc vàng”.

Anh Trí (bìa thứ hai từ phải sang) trong cuộc triển lãm ảnh 3D tại TP.HCM

Năm 2005, sau khi đoạt Giải Nhì cuộc thi “6th Europa Cup 2005” với bộ ảnh về Đồi cát Mũi Né, anh được Chủ tịch Marie-France DELATTRE mời gia nhập “Hội hình ảnh không biên giới ISF” (Image Sans Frontière), một hiệp hội nhiếp ảnh phi chính trị, phi thương mại. Mục đích của ISF là quảng bá hình ảnh nghệ thuật qua sự trao đổi và giao lưu nhiếp ảnh với các nhiếp ảnh gia trên toàn thế giới thuộc nhiều nguồn gốc văn hóa khác nhau.

Nhiếp ảnh gia Trần Hữu Trí tại triển lãm ảnh 3D của nhà báo Lữ Đắc Long

Vào tháng 10 năm 2006, anh trở thành Phó Chủ tịch ISF, từng là Trưởng ban tổ chức các cuộc thi ảnh quốc tế trực tuyến của ISF ở Việt Nam vào các năm 2008, 2010, 2012, 2014, 2016 và là Trưởng ban tổng hợp điều hành cuộc thi ảnh vòng “ISF World Cup 2019” với 6 Trưởng ban của 6 quốc gia: Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Síp, Pháp, Ý, Việt Nam và 6 Ban giám khảo độc lập.

Tác phẩm "Tuổi thơ" - Ảnh Trần Hữu Trí

Trước năm 2012, khi còn tham gia nhiều cuộc thi ảnh quốc tế trực tuyến, anh gặt hái được hàng trăm giải thưởng và nhiều Bằng danh dự (FIAP, PSA, ISF, FPF, PSS, SPS, VOAV…).
 Vì có quan niệm “sống hướng nội” nên anh Trần Hữu Trí ngại đám đông, luôn từ khước các cuộc phỏng vấn qua đài truyền hình. Đặc biệt anh đã dành cho Duyên Dáng Việt Nam một cuộc trò chuyện khá thú vị:

Cơ duyên nào anh đến với nhiếp ảnh? Ai là người thầy đầu tiên của anh và người nào có ảnh hưởng lớn trong sáng tác ảnh của anh?
Khi còn sinh sống ở Pháp, ngoài việc mưu sinh với chuyên nghề lập trình dự án tin học, cơ duyên đưa tôi đến với nhiếp ảnh chính là sự đam mê. Thực vậy, ngoài giờ làm việc, tôi theo học nhiếp ảnh qua một câu lạc bộ nhiếp ảnh, rồi qua giáo trình lớp học ban đêm trong 2 năm ở trường cao đẳng quốc gia Louis Lumière chuyên về điện ảnh - nhiếp ảnh - âm thanh. Tôi xin mạn phép được nói rằng tôi học nhiếp ảnh qua trường lớp và qua năng khiếu bản năng, không qua một người thầy nào cả. Đối với các bậc thầy trong làng nhiếp ảnh Việt Nam và nước ngoài, tôi đều kính phục và tôn trọng các sáng tác có tính cách tư duy và kiến tạo, tôi tránh rập khuôn theo các tác phẩm đã có.

Tác phẩm "Cảnh quê"

Lần đầu tiên anh đoạt giải quốc tế, cảm giác của anh lúc đó như thế nào?.
Lần đầu tiên đoạt giải nhiếp ảnh quốc tế vào năm 2005 với tác phẩm “Ánh mắt và bàn tay”, tôi cảm thấy rất phấn khởi. Đây là Giải thưởng lớn do  “Wanadoo” của Pháp tổ chức. 

Quan niệm của anh làm thế nào để có một tác phẩm ưng ý ra đời, yếu tố nào là quan trọng nhất?.
Để có một tác phẩm ấn tượng, chúng ta cần hội tụ các yếu tố sau đây: Cảm xúc, ánh sáng, bố cục, khoảnh khắc, sáng tạo và ẩn chứa một thông điệp có ý nghĩa. Thứ tự các yếu tố có thể thay đổi tùy theo đối tượng, chủ đề.

Tác phẩm "Vũ khúc trên biển"

Nhiếp ảnh ngày nay đã có một bước tiến khá dài, từ máy cơ sang máy kỹ thuật số… Anh thấy các nhiếp ảnh gia ngày trước và nay có khác nhau nhiều lắm không?.
Vâng, nhiếp ảnh ngày nay có một bước tiến khá dài từ máy chụp phim sang máy kỹ thuật số với số lượng ảnh có thể lên đến cả ngàn tấm tùy theo bộ nhớ lưu trữ ảnh. Đây là một lợi điểm cho nhiếp ảnh gia thời nay vì:
– Không bị mất thời gian để thay phim, vì vậy không bị mất khoảnh khắc quan trọng cần phải bấm máy thay vì phải thay phim.
– Ảnh kỹ thuật số cho hiển thị kết quả ngay trên màn ảnh máy số chứ không còn mất thì giờ tráng phim, rọi ảnh với máy chụp phim.
– Qua wifi, phóng viên ảnh ngày nay có thể gửi ngay những bức ảnh thời sự ăn ý, còn nóng bỏng về tòa soạn. Thời đại công nghệ thông tin hiện đại giúp các phóng viên nhiếp ảnh tác nghiệp thuận tiện, nhanh lẹ, thực dụng hơn thời trước rất nhiều.
– Ảnh kỹ thuật số có thể chủ động với mọi thời điểm về điều kiện ánh sáng, còn ảnh phim thì bị giới hạn về việc phải sử dụng phim với ISO phù hợp cho từng điều kiện ánh sáng khác nhau.

Tác phẩm "Cúc mâm xôi"

Có phải ngày nay dễ dàng sáng tác ra nhiều tác phẩm hơn so với thời trước hay không, thưa anh?
Ngày xưa, với phương pháp thủ công, nhiếp ảnh gia mất rất nhiều thì giờ để chỉnh sửa hậu kỳ một bức ảnh trong phòng tối khi rửa ảnh. Ngày nay, với Photoshop, việc chỉnh sửa hậu kỳ một bức ảnh không còn là vấn đề thời gian nữa.
So với thời trước, ngày nay, không chỉ với máy ảnh kỹ thuật số mà ngay chiếc điện thoại thông minh cũng có thể chụp được ảnh với sắc độ rất trung thực và rõ nét. Như vậy, ngày nay dễ dàng sáng tác ra nhiều tác phẩm hơn so với thời trước, và nhiếp ảnh dịch vụ dường như không còn đất sống.

Tác phẩm "Một ngày thu hoạch"

Trong ảnh nghệ thuật, các nhiếp ảnh gia Việt Nam của mình nếu so với các nhiếp ảnh gia trên thế giới như thế nào, anh hãy cho vài cảm tưởng để bạn đọc hiểu rõ hơn?
Đây là một câu hỏi khá tế nhị. Thử hỏi: Dựa trên tiêu chuẩn đích thực nào để so sánh? Ngoài vấn đề sắc độ ảnh thiếu trung thực, không hài hòa, gam màu rực rỡ, đôi khi đi theo lối mòn, khách quan mà nói: Nhiếp ảnh gia Việt Nam mình có thế mạnh với những bức ảnh mang tính chất nhân văn, chụp về cuộc sống đời thường, nghề truyền thống. Và nhiếp ảnh gia nước ngoài hơn nhiếp ảnh gia Việt Nam về thể loại ảnh đương đại, sáng tạo, ý tưởng, động vật hoang dã.

Tác phẩm "Làng nghề truyền thống"

Với anh, nhiếp ảnh có tầm ảnh hưởng như thế nào trong đời sống của mình, anh có khuyến khích con mình đi theo con đường đầy “chông gai” này không?.
Đối với tôi, vì đam mê nên nhiếp ảnh có tầm ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong tuổi về hưu. Tuy con gái chỉ mới 10 tuổi, nhưng bé đã có máu đam mê nhiếp ảnh. Vì vậy tôi sẽ không ngần ngại tạo “sân chơi nhiếp ảnh” cho con mình. Đây là thú tiêu khiển tốn khá nhiều tiền, nhưng là thú vui lành mạnh cân bằng được cuộc sống.
Trong suốt quá trình hơn 30 năm cầm máy, chắc anh có nhiều tác phẩm rất ư tâm đắc?. 
Mỗi tác giả đều có một số bức ảnh có khoảnh khắc tuyệt vời vì gặp may mắn vào thời điểm bấm máy. Đối với tôi, mỗi tác phẩm đều có một ý nghĩa riêng của từng thời điểm, tạo nên những cảm xúc khó tả cho chính mình. 
Phải nói là có quá nhiều cảm xúc và cũng khó mà nói tác phẩm nào ưng ý nhất bởi mỗi lần tác phẩm được ghi nhận lại trong tích tắc nào đó đều để lại cho mình những tâm trạng hưng phấn rất khác nhau. Tôi xin chọn vài ảnh như sau: 

- Tác phẩm “Tuổi học trò” gợi lại những kỷ niệm thơ mộng, trong sáng của thời học sinh cắp sách đến trường. 

- Tác phẩm “Vũ điệu ba lê” thì quá ư cực nhọc bởi tôi phải đứng suốt buổi chiều ở vùng đầm lầy Camargue của nước Pháp, mang giày bốt chống thấm, chịu đựng gió lạnh và muỗi đốt mới ngẫu nhiên bắt được khoảnh khắc trong vài giây đồng hồ này. Camargue là nơi trú ngụ của hơn 400 loài chim, là môi trường sống cho nhiều loài côn trùng, đặc biệt là muỗi. Vùng này cũng nổi tiếng với việc chăn thả bò Camargue và ngựa trắng Camargue. Tác phẩm này đã đạt Huy chương Asahi Shimbun của cuộc thi “The 71th International Photographic Salon of Japan” năm 2011 ở Nhật bản.

- Tác phẩm “Hình và bóng”, vẻ đẹp từ một luồng ánh sáng xiên của buổi sáng sớm, bóng đỗ của 2 cô gánh hàng rong từ đồi cát trên cao in bóng lên góc trái của đồi cát bên dưới nằm cách xa bởi một vùng trũng tạo cho tôi một cảm giác lạ lùng. Thế là tôi cứ bấm máy với một linh cảm đó sẽ là môt bức ảnh hi hữu. Quả thật, năm 2010, với bức ảnh ấn tượng này, tôi đạt Giải Nhì bao gồm giải thưởng 3.157 Euros, Huy tượng Abu Dhabi và Huy chương Bạc FIAP của cuộc thi “Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất” qua chủ đề Hoàng tử của ánh sáng.

- Tác phẩm “Ánh mắt và bàn tay”, bàn tay gân guốc của ông lão hằn lên bàn tay non mướt của đứa cháu, hòa quyện tương phản lẫn nhau qua ánh mắt hồn nhiên của trẻ thơ. Năm 2005, tác phẩm này đạt Giải thưởng lớn của cuộc thi “Wanadoo” được tổ chức tại Pháp. 

- Tác phẩm “Lông công” được chụp tai lễ hội thả diều quốc tế ở Vũng Tàu vào năm 2009. Lúc đó trên bầu trời, các nghệ nhân thi đua nhau thả diều, còn ở dưới đất, ngay sát mặt biển thì có một cô thiếu nữ đi cắm cả ngàn Lông Công đủ mọi màu sắc rất bắt mắt. Điểm khó của bức ảnh là làm sao tránh được đoàn người hiếu kỳ bao quanh và bấm được khoảnh khắc không vướng đám đông tấp nập qua lại. Ảnh này đạt được Huy tượng của cuộc thi ”II Salon Internacional Foto Club Quilmes – Argentina” ở Argentina.

- Tác phẩm “Tạt nước”, để có được bức ảnh này, tôi phải ra Phan Rang lần thứ tư với sự trợ giúp của anh Phạm Tấn Lực. Dù tôi đã chụp đến 3 lần nhưng vẫn không ưng ý, và phải đến lần thứ tư mới có được 1 tấm ảnh với động tác đồng điệu đầy ấn tượng. 

- Tác phẩm “Qua đồi cát”: Với một không gian mênh mông đồi cát, hình ảnh hai người phụ nữ thầm lặng trên từng bước chân, tôi đã bấm máy một cách say sưa… Khi tham dự thi ảnh năm 2007, tôi đạt Giải Nhất với giải thưởng 2.000 Euros và Huy chương Vàng FIAP trong cuộc thi “The 1st International Online Digital Photographic Competition in Cyprus” của nước Cộng hòa Síp.

Vài dòng trích ngang về nhiếp ảnh gia Trần Hữu Trí:
– Tốt nghiệp Trường cao đẳng ngành dệt và tơ sợi của tỉnh Lyon (Pháp). 
– Tốt nghiệp văn bằng DUT tin học tại đại học Paris 8 - Saint Denis (Pháp).
– Tốt nghiệp văn bằng Cử nhân tin học (quản lý dự án) tại đại học Paris 10 - Nanterre (Pháp).   
– Tốt nghiệp văn bằng nhiếp ảnh chuyên nghiệp tại trường cao đẳng quốc gia Louis Lumière - Paris (Pháp).