VĂN HÓA

Nhớ nhà văn, dịch giả Kim Lefèvre: Khi ngôn từ hay thời gian đã tắt

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 23-08-2021 • Lượt xem: 3071
Nhớ nhà văn, dịch giả Kim Lefèvre: Khi ngôn từ hay thời gian đã tắt

Nhà văn Kim Lefèvre đã từ trần ngày 6.8.2021 vừa qua tại thành phố Marseille - Pháp. Bà sinh năm 1935 tại Việt Nam, cha là người Pháp, mẹ người Việt. Bà viết nhiều tác phẩm, có cuốn đã được giới thiệu với bạn đọc Việt như "Cô gái da trắng". Đặc biệt, bà còn là một dịch giả chuyển ngữ nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết... của các nhà văn trong nước ra với thế giới...

Tin và bài liên quan: 

Nhà sưu tập Phương Chánh Hùng, người yêu tiếng hát lênh đênh

Phan Huy Đường, Người tư duy tự do (Kỳ 2)

Những đầu sách của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp xuất bản tại nước ngoài

Về một tiếng kèn phiêu du và ánh ảnh

Hoàng Ngọc Hiến, người truyền thống giàu có (Kỳ 1)

Với bạn đọc Việt Nam có lẽ cái tên Kim Lefèvre chưa thật nhiều người biết. Nhưng với giới nhà văn, nhà thơ quan tâm đến việc chuyển ngữ tác phẩm, giao lưu giữa các nền văn hóa thì bà là cái tên "nặng ký" và nói là "cây cầu nối tiếng Pháp" cũng không quá! Bà là người đã cùng với nhà văn Phan Huy Đường chọn dịch một số tác phẩm của các nhà văn Việt giới thiệu với cộng đồng Pháp ngữ như Nguyễn Huy Thiệp, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Quang Lập... và một số tác giả khác. Có điều rất lạ các nhà văn Việt Nam hình như rất dễ thỏa mãn. Họ chỉ viết, in và được lăng - xê trong nước thế là đủ. Nên sự thật thì cho đến hôm nay vẫn rất ít các nhà văn Việt có tác phẩm được thế giới biết tới. Trong bài viết giới hạn tưởng nhớ về bà Kim Lefèvre vừa qua đời, tôi nghĩ rằng chưa vội bàn đến tiêu chí nội dung như thế nào là một tác phẩm đủ tiêu chuẩn  để được chọn dịch ra với quốc tế nhưng công việc đầu tiên để bắt những nhịp cầu văn hóa đó rất cần những dịch giả xuất sắc. Và nhà văn, dịch giả Kim Lefèvre đứa con của dòng máu lai Pháp - Việt với một vị thế hỗn dung và tương hợp, dẫu quá khứ đối với bà, trong tác phẩm Métísse Blanche đã từng bộc lộ là rất cay đắng, nghiệt ngã như “Còn bé, tôi mơ ước có những tai nạn may mắn nào, tháo hết dòng máu nguyền rủa ấy, để tôi thành người Việt Nam thuần khiết..." thì bà vẫn là người hiểu sâu, hiểu nguồn mạch nguồn cội của xứ sở khắc nghiệt, nhiệt đới này để chuyển ngữ ra với thế giới.  


Tập truyện ngắn "Trái tim hổ" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp do bà Kim Lefèvre dịch qua tiếng Pháp. 

Mà thật, tiếng Việt là cực khó. Thử lấy một ví dụ như dịch văn của Nguyễn Huy Thiệp càng khó hơn. Nhả văn Nguyên Ngọc từng viết về văn Thiệp "Tục tĩu đến mức nhầy nhụa. Thanh cao hết mực thanh cao. Anh Hoàng Ngọc Hiến gọi là thăng hoa. Phanh phui, mổ xẻ sự đời, tâm địa con người đến tàn nhẫn, không thương tiếc. Mà khi dắt ta vào cõi mờ ảo thì cũng đến tận cùng sương khói...".

Và sau đây tôi muốn trích lại một câu chuyện được kể lại qua nhà phê bình Thụy Khuê. Trong một lần Nguyễn Huy Thiệp gặp gỡ bạn đọc tại nhà sách Le Phénix, Paris - Pháp. Sau này,  Thierry Leclère, phóng viên báo Télérama, tường thuật lại khá trung thực việc dịch khá gây cấn diễn ra như sau.

Ông Thiệp nói: "Văn chương? Một nghề thổ tả! Tôi bảo đảm ..." Với nụ cười bối rối, nhà văn cáo lỗi: "Tôi đã không lịch sự, tôi đã không làm vừa lòng người đọc, từ lâu". Hai dịch giả của tiên sinh (maitre), có bà Kim Lefèvre  hỏi nhau: Nghề thổ tả dịch thế nào? Métier de chien (nghề con cầy). - Không, mạnh hơn, một khán giả lên tiếng: Chiant có lẽ hơn. - Ðúng đấy, tất cả cử tọa (trừ hai người) đều tán thành. "Tôi xin  nhắc lại, nghề văn là một nghề thổ tả! Ðể viết thật chân thực anh phải dày vò, anh phải đớn đau. Cả tình yêu của một người đàn bà, lẫn tiếng tăm, tiền bạc cũng không thể an ủi anh được, chẳng như hồi mới viết tôi cứ ngây thơ tưởng vậy. Nhưng đó là số phận của tôi."

Trích lại chuyện này khi viết về dịch giả Kim Lefèvre, tôi vẫn còn thấy thật thú vị. Nhưng xin lỗi, tôi vẫn nghĩ từ "nghề văn là một nghề thổ tả" mà anh Thiệp nói theo một nghĩa rất khác. Không dừng lại ở một nghĩa khốn nạn. Là chó! Nó không thể là "nghề con cầy" được! Hãy đọc lại nhận xét trên của nhà văn Nguyên Ngọc về thế giới chữ nghĩa và văn chương của Nguyễn Huy Thiệp ở trên. "Thổ tả" có lẽ như vậy! 


Nhà văn, dịch giả Kim Lefèvre, ảnh thời thiếu nữ.

***   

Ngoài là một dịch giả, bà Kim Lefèvre là một nhà văn có tên tuổi. Tôi muốn trích lại dưới đây một phần trong bài viết của nhà văn hóa Hữu Ngọc đã đăng trên báo Thế giới và Việt Nam. Giữa họ có những câu chuyện "cùng thế hệ" mà chúng tôi hôm nay "kính nhi viễn chi" vô cùng kính trọng nhưng chỉ biết đứng xa nhìn lại những dấu vết khó phai của lịch sử: 

"Cách đây khoảng hơn hai chục năm, tôi có dịp gặp chị Kim Lefèvre ở Hà Nội và ở Pháp. Chị là nữ tác giả Pháp khá nổi tiếng với cuốn tự truyện Cô đầm lai (Métísse Blanche), xuất bản năm 1989. Chị kể lại những kỷ niệm cay đắng thời thơ ấu và niên thiếu lúc ở Việt Nam, trước và sau Cách mạng tháng Tám và thời kỳ kháng chiến, đất nước chia cắt, đến khi chị sang Pháp vào tuổi 25.

Mẹ chị, người Nam Định hiền dịu, rất được chị yêu mến. Do “trót dại” thời trẻ, phải lấy một “lính Tây”, người bố này bỏ mẹ con chị về Pháp. Hai mẹ con long đong vất vả, trôi dạt vào Nam. Khổ nhất cho cô bé là ở đâu, cô cũng bị khinh miệt vì thời kháng chiến chống Pháp, cô mang dòng máu kẻ thù Pháp trong người, ngay cả khi bị gửi vào cô nhi viện. “Còn bé, tôi mơ ước có những tai nạn may mắn nào, tháo hết dòng máu nguyền rủa ấy, để tôi thành người Việt Nam thuần khiết, để mình hòa với mọi người chung quanh và với bản thân mình. Tôi tránh soi gương, đi qua những vũng nước, tôi không dám nhìn xuống bóng mình”. Tác giả tự phân tích mình một cách tỉnh táo: mình là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân, dân tộc này lại là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân. “Tôi miễn cưỡng nhớ lại sự cai trị thực dân đáng xấu hổ và cái ngạo mạn của người da trắng. Tôi là cái quả hôi tanh: sự phản bội của một người Việt Nam là mẹ tôi (lấy Tây)”. Cũng may, ngoài tuổi hai mươi, cô Kim được một “bà xơ” giới thiệu với một bà lớn ngoan đạo, cho đi học ở Đà Lạt. Cô đậu tú tài, được học bổng sang Pháp học, đậu tiến sĩ và ở lại Pháp.

3

Tác phẩm đầu tay của nhà văn, dịch giả Kim Lefèvre đã được chuyển ngữ, giới thiệu với bạn đọc VN với cái tên "Cô gái lai da trắng".   

Bị chà đạp ở Việt Nam như vậy, mà chị Kim khi trưởng thành vẫn nhớ và yêu da diết quê mẹ Việt Nam. “Tôi đã yêu đất nước này, quê hương tôi với bao người quen thuộc biết bao. Những người da màu đồng, nhớ đôi mắt bầu dục đen sáng và thông minh của cậu tôi, nhớ cử chỉ của bà tôi giơ đũa lên kêu “khà khà!” khi bữa cơm có món ăn ngon, nhớ dáng đi nhún nhẩy của bà hàng xóm, hàm răng của bà đen như hạt na... Ngày nay, tôi yêu mảnh đất này một cách khác, không theo kiểu đứa trẻ khổ đau, mà là một người lớn có thể phân biệt cái gì đã mang lại cho tôi cũng như cái đã loại trừ mất ở tôi”.

***

Tháng 11. 2005, khi sang châu Âu, đến Pháp, tôi được mời đọc thơ ở Poyer du Vietnam - Paris cùng nhà thơ Ly Hoàng Ly một đêm tuyết trắng. Tại đây, tôi đã đọc bài thơ "Ắn Hải cảng" của mình qua bản chuyển tiếng Pháp của nhà nghiên cứu Đoàn Cầm Thi với hiệu đính của nhà Việt Nam học Poisson.

Hôm đó thật cảm động khi tôi được gặp dịch giả Kim Lefèvre. Qua dự giới thiệu của nhà văn Trần Thiện Đạo bà chúc mừng tôi "lần đầu tới Paris" và hỏi một số thông tin về quê hương. Bà nói rất thích đọc thơ nhưng "chưa dịch thơ bao giờ" vì thơ vốn "rất khó". Nhưng bài "Ăn Hải cảng" qua bản tiếng Pháp bà được nghe là khá đạt. Trong hôm trình diễn thơ, tôi chỉ đọc tiếng Việt còn bản tiếng Pháp "Ăn Hải cảng" do chị Hồng Ngọc vợ của anh Võ Văn Thận ở Poyer du Vietnam đọc. Bà Kim Lefèvre nói với tôi giữ liên lạc và chịu khó gửi thơ cho bà xem. Bà muốn biết những nhà thơ trẻ ở Việt Nam viết ra sao!

Thật là một kỷ niệm đẹp của tôi với Paris.

Ngoảnh lại, thời gian quá nhanh! Tôi cũng đã không còn trẻ nhưng ngọn lửa thi ca vẫn cháy trên tay...

Tôi ngỡ ngàng khi biết tin bà Kim Lefèvre mất. Một dịch giả thực tâm và thực tài với văn học Việt đã ra đi! 

Sao bỗng nhiên tôi cứ nhớ những câu thơ trong bài "Le pont Mirabeau" của nhà thơ Apollinaire: "Thời gian sao cứ rì rì / Hy vọng sao mà dữ dội...".

Sài Gòn, chiều 23.8.2021

Nguyễn Hữu Hồng Minh