Duyên Dáng Việt Nam

Nhà sưu tập Phương Chánh Hùng, người yêu tiếng hát lênh đênh

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 11-08-2021 • Lượt xem: 4540
Nhà sưu tập Phương Chánh Hùng, người yêu tiếng hát lênh đênh

Tôi biết Phương Chánh Hùng khá tình cờ khi được công ty Chu Thị mời tham gia chương trình 'Âm nhạc Việt Nam - Những chặng đường' phát trên Đài Truyền hình VN trong vai trò nhà thơ, nhạc sĩ, phát biểu về một số tác giả tác phẩm tình khúc vượt thời gian. Công việc đã cho tôi cơ hội gặp bạn bè mới. Và thật bất ngờ khi quen với nhà sưu tập nhạc xưa 'nặng ký' với các nguồn tư liệu, máy móc, băng từ... hay gói gọn trong cụm từ thượng vàng hạ cám của 'thế giới âm nhạc'...

Tin và bài liên quan: 

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Kỳ 5)

Chương trình "Âm nhạc VN, những chặng đường" gặp gỡ cuối năm

Nhạc sĩ Nguyễn Quang, người sống cùng Âm nhạc Việt (Kỳ 1)

'Bão tố' khi Nguyễn Quang làm đêm nhạc Nguyễn Ánh 9

Nguyễn Hữu Hồng Minh và Cao Minh Đức hủy show 'Còn Lại Tình Yêu' tại Đà Nẵng

Phương Chánh Hùng cho biết, anh tên Hùng, họ Phương. Đam mê sưu tầm văn hóa, nhạc xưa cũng gần bốn mươi năm. Khi làm chương trình "Âm nhạc Việt Nam những chặng đường" ban tổ chức rất cần tư liệu để viết kịch bản và quay hình ảnh đưa lên sóng. Một chương trình lớn của đài truyền hình quốc gia đòi hỏi công phu. Và thật ngạc nhiên khi một trong những bộ "sưu tập nguồn" ấy không phải nằm ở Hà Nội hay Sài Gòn mà lại ở... Nha Trang. Đúng là "tiếng lành đồn xa" hay "hữu xạ tử nhiên hương".

Bộ sưu tập Phương Chánh Hùng hiện ở số 9 đường Cổ Loa thành phố Nha Trang. Nhiều người vẫn biết anh với cái tên dân dã Hùng Audio. Bạn có thể hình dung nếu cơ duyên được chủ nhân mời một lần đến tham quan ở đây thì sẽ có cơ hội ngắm nhìn, bắt gặp, được cầm trên tay những tư liệu băng dĩa mình yêu thích trong hàng ngàn băng, đĩa nhạc xưa được sản xuất từ trước năm 1975. Đó là chưa kể cũng "mãn nhãn" như thế với các dòng máy Akai - gọi chung cho các loại máy chạy băng cối như Akai, Teac, Awa, Sony... cùng rất nhiều thủ bút, chữ ký quý giá của các văn nghệ sĩ trong nước và thế giới. 


Danh ca Khánh Ly ghé thăm nhà sưu tập Phương Chánh Hùng tại Nha Trang. (Ảnh: NVCC)

Trong một lần vào Sài Gòn, hai anh em cùng đón xe đi về Bà Rịa - Vũng Tàu thăm nhạc sĩ Trần Quang Lộc đang ốm nặng cách đây hơn năm, nhà sưu tập Phương Chánh Hùng kể với tôi: -" Tôi vẫn được nhiều nhà báo nhà đài, các fan hâm mộ mê nhạc, sưu tầm trên cả nước tìm đến bất ngờ như vậy! Anh em trong giới họ biết và đồn với nhau. Như duyên chương trình ANVNNCĐ biết tôi là do ca sĩ Phương Dung giới thiệu với nhạc sĩ Nguyễn Quang, Tổng đạo diễn. Vợ chồng Nguyễn Quang - Chu Thị đã bay từ Sài Gòn ra vô cùng thích thú. Ngay lập tức trong hôm đó, Nguyễn Quang gọi về công ty điều máy quay và các anh em đã về Nha Trang quay tư liệu nhiều buổi. Tôi rất vui vì những sưu tập âm nhạc của mình giúp ích được mọi người...". 


Từ trái sang: Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Quang - Chu Thị Hồng Anh, ca sĩ Phương Dung, nhà sưu tập Phương Chánh Hùng cùng các nhạc sĩ trong một gặp gỡ của chương trình Âm nhạc Việt Nam nhữn chặng đường. 

Phương Chánh Hùng tóc húi cua, mắt xếch, lông mày rậm nhìn rất dữ tướng và không có chút gì là hiền hay nét gì dễ chịu như "âm nhạc" hết. Sau này chơi khá thân anh mới kể cho tôi nghe cuộc đời truân chuyên của mình từng đi buôn chuyến để kiếm ăn. Và dấu ấn của sự lăn lộn trải đời đó còn hằn trên gương mặt anh đến bây giờ. Rõ ràng là cũng nhờ "nhạc xưa" tẩy rửa rất nhiều "phong trần" rồi mới được như thế! Còn không chắc tướng còn dữ, còn "ớn ăn" nữa! Vậy nhưng anh lại là người rất tình cảm. Bởi có lẽ những người có tình cảm, có tâm hồn mới say đắm quấn quýt với lờn ca tiếng hát, mới thưởng thức được âm nhạc trọn vẹn.


Vợ chồng nhạc sĩ Từ Công Phụng (từ Mỹ) tác giả của những tình khúc nổi tiếng "Giọt lệ cho ngàn sau", "Tuổi xa người", "Trên ngọn tình sầu"... và nhà sưu tập Phương Chánh Hùng tại Nha Trang. (Ảnh: NVCC)

Và anh có những mối quan hệ rất thân tình với nhiều ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng bây giờ. Họ xem anh như người thân, người nhà. Âm nhạc rất lạ. Dễ tin người và tìm người. Phương Chánh Hùng khá thân với các nhạc sĩ Từ Công Phụng, Trần Quang Lộc, ca sĩ Khánh Ly, Phương Dung... Nhiều nhạc sĩ ở nước ngoài về đã chọn Nha Trang để thăm anh. Vì vậy anh còn giữ được rất nhiều bút tích quý báu hiếm hoi về các chữ ký, băng từ, anlbum. Thậm chí nhạc sĩ Mai Anh Việt tặng 12 ca khúc và anh đang là chủ sở hữu quyền tác giả.    


Nhạc sĩ Giao Tiên "Cô Thắm về làng", "Vó ngựa trên đồi cỏ non", "Nhớ lại người yêu" ... trước những dàn máy nghe nhạc xưa chỉ là một phần nhỏ trong bộ "sưu tập khủng" Phương Chánh Hùng (Ảnh: NVCC)

Phương Chánh Hùng có một cái duyên lớn với âm nhạc mà như anh kể, tiền định. Bắt đầu khi còn rất nhỏ. “Bây giờ nhớ lại tôi không biết có nên cảm ơn ba má mình và hoàn cảnh cuộc sống ngày trước hay không? Tôi vẫn còn nhớ để mưu sinh, nuôi con cái ba má tôi đã mở một tiệm chè có thể nói là lớn nhất bấy giờ ở cạnh rạp Tân Tiến, thành phố Nha Trang. Do vị thế đắc địa nên khách rất đông. Đặc biệt các bạn trẻ nam thanh nữ tú rất ưa chuộng. Có sự cuốn hút ấy, ngoài chè ngon ra tôi nghĩ quán gia đình tôi còn cuốn hút bởi trong tiệm luôn có 2 dàn máy Teac mở nhạc phục vụ khách nghe. Tôi thường giúp ba má chọn những "băng cối" hay, đặc biệt là những dòng nhạc xưa, nhạc trẻ... nên mình đã yêu nhạc, mê nhạc, chọn lọc gu nhạc từ đó...".


Nhạc sĩ Mạnh Quỳnh "Gõ cửa" một lần thăm bộ sưu tập. Được Phương Chánh Hùng mở cho ông nghe những tình khúc nổi tiếng của ông thu cách đây nom nửa thế kỷ ông rất xúc động.  

"Sau này anh trai tôi từ những chiếc loa, máy nghe nhạc đã chọn buôn bán đồ điện tử. Để check và thử loa, các dòng máy công việc cũng không ra khỏi cái "Tai", tức là thẩm định chất lượng âm thanh bằng cách nghe. Tôi cũng mon men theo học ông anh và cũng quyết định theo nghề này. Khoảng những năm cuối thập niên 90, người ta bắt đầu vứt bỏ những máy nghe băng cối, tôi thấy tiếc nên chú ý sưu tầm đầu máy, băng với mong muốn giữ lại những thanh âm xưa cũ của một thời...". 

Trong nhiều chương trình trên truyền hình và trả lời báo chí, anh kể tình yêu âm nhạc đã lớn dần theo anh khi những ngày 'bon ba" đó, cứ nghe bạn bè mách ở đâu có đầu máy Akai, băng cối, là anh lại lân la đến hỏi mua. Dấu chân anh đi khắp các vùng trong tỉnh, ra tận Tuy Hòa, lên Đắk Lắk... Thời cao điểm những năm 2003 - 2004, anh có đến khoảng 6.000 băng cối, 200 đầu máy Akai. Sau này, anh bắt đầu bán bớt, chọn lọc giữ lại những băng có giá trị. Hiện tại, trong nhà anh Hùng còn hơn 100 băng cối được sản xuất trước năm 1975 của các hãng băng đĩa: Việt Nam, Shotguns, Asia - Sóng Nhạc, Trường Sơn, Sơn Ca, với đầy đủ giọng hát của các danh ca trước năm 1975 như Thái Thanh, Thanh Thúy, Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Khánh, Chế Linh, Phương Dung...


Nhạc sĩ Trần Quang Lộc (trái) và nhà sưu tập Phương Chánh Hùng. Anh cho biết trong bộ sưu tập âm nhạc đồ sộ của mình có nhiều tư liệu quý hiếm sưu tầm gần nửa thế kỷ về các bài hát của nhạc sĩ "Về đây nghe em". 

Trong những lần chat hay gọi điện nói chuyện với tôi, Phương Chánh Hùng cho biết có những băng gốc anh mua rất đắt tiền như băng Tiếng hát Duy Khánh 1, Tiếng hát Phương Dung 1 - Hương quê, Tâm sự loài chim biển (cải lương)... mà anh may mắn kiếm được. Ngoài ra, anh có khoảng 1.000 đĩa than thu âm các giọng ca nổi tiếng từ trước năm 1975; 1.500 bản nhạc xưa được anh sưu tập từ hơn 30 năm qua. Nhiều nhà nghiên cứu, các ca sĩ... muốn có bản nhạc gốc đều tìm đến anh để hỏi mượn. Mối giao tình thân thiết đến mức anh được nhạc sĩ Từ Công Phụng ở Mỹ gửi tặng các tập nhạc đã phát hành; con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn gửi tặng bản scan các bản nhạc viết tay của nhạc sĩ tài danh này.


Một số băng dĩa nhạc xưa gồm tiếng hát các nữ danh ca Thái Thanh, Thanh Thúy, Khánh Ly, Lệ Thu... trong sưu tập của Phương Chánh Hùng. (Ảnh: NVCC) 

Anh Hùng cho biết, người chơi nhạc xưa có thể chơi băng cối hoặc đĩa than. Ưu điểm của băng cối là không có tiếng nổ, tiếng lép bép như đĩa than. Tuy nhiên, chơi băng cối cũng có cái khó riêng, bởi dùng không khéo băng sẽ rối, đứt hay nhiễm từ làm âm thanh bị méo. Khó nhất là lấy đâu ra băng để nghe, vì thời nay các hãng ghi âm không ra băng cối nữa, còn đĩa than thì gần đây đã có sản xuất trở lại. Tuy nhiên, theo anh Hùng, nhiều người vẫn thích nghe băng cối hơn đĩa than. “Nghe nhạc xưa bằng máy Akai thật không gì bằng. Âm thanh không hề có chút xử lý kỹ thuật nên rất mộc mạc, càng nghe càng thấy ngấm...”. 

Theo anh Hùng, những năm gần đây, khi phong trào chơi băng cối bắt đầu phát triển trở lại, lượng đầu máy, băng từ nước ngoài về (băng trắng hoặc băng cũ) khá nhiều, nên người chơi có thể dùng để sang lại các băng nhạc cũ. Hiện tại, cộng đồng chơi máy Akai, băng cối ở Nha Trang không nhiều, bởi việc đầu tư dàn máy với đầy đủ đầu máy, âm ly, loa khá lớn, đó là chưa nói đến việc mua băng và công sang khá đắt. “Khi đã đam mê thứ âm thanh chân thực, đặc trưng của băng cối thì rất khó bỏ được. Mỗi tối, chỉ cần dành một khoảng thời gian nhỏ ngồi nghe nhạc, trò chuyện cùng bạn bè thì mọi ưu phiền, mệt nhọc của một ngày làm việc như tan biến”, anh Hùng chia sẻ.


Nhà sưu tập Phương Chánh Hùng và nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh đi thăm nhạc sĩ Trần Quang Lộc tác giả những ca khúc "Về đây nghe em", "Có phải em mùa thu Hà Nội" tại Bà Rịa Vũng Tàu 24.5.2020 trước khi nhạc sĩ mất vì bạo bệnh. 

Không chỉ là nhà sưu tập mà Phương Chánh Hùng còn rất nặng lòng với các bậc tài danh, các anh em văn nghệ sĩ. Khi có điều kiện anh luôn quan tâm đến từng "số phận con người" lúc bệnh tật, khi đau ốm. Anh là người mở rộng vòng tay kết nối văn nghệ sĩ. Như các nhạc sĩ Giao Tiên, Đài Phương Trang, Y Vũ, Nguyên Vũ, Trần Quang Lộc, Phương Dung, Mạnh Quỳnh, Bảo Thu...đều rất quý mến anh.

Nhớ mãi chuyến vào Sài Gòn vội vàng lúc đang bị ốm anh vẫn gọi cho tôi cùng sắp xếp thời gian để đi thăm nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Hai anh em hẹn nhau ở đường Trường Sơn từ buổi sáng sớm cho kịp. 

Khi chúng tôi vào nhà anh Trần Quang Lộc thì thấy tình cảm thật xúc động. Anh cởi trần, nằm trên chiếc giường hẹp do uống thuốc quá nóng. Đặc biệt, khi biết nhà sưu tập nhạc xưa Phương Chánh Hùng từ Nha Trang vào, anh đã rơi nước mắt. Thì ra giữa họ đã biết nhau từ lâu. Anh Phương Chánh Hùng chính là người kết nối giới thiệu Trần Quang Lộc cho chương trình "Âm nhạc Việt Nam những chặng đường" để ban biên tập phỏng vấn, thu, dựng các ca khúc "Về đây nghe em", "Có phải em mùa thu Hà Nội" nổi tiếng của anh. Tình bạn giữa họ càng lan tỏa để nối kết, gặp gỡ các nhạc sĩ "thế hệ vàng" một thời của miền Nam như Y Vũ, Đài Phương Trang, Nguyễn Vũ, Mạnh Quỳnh, ca sĩ Phương Dung... Và cao đẹp hơn chính là anh Nguyễn Quang tổ chức ngay đêm nhạc để mọi người nhớ đến, ủng hộ tinh thần, vật chất giúp đỡ nhạc sĩ Trần Quang Lộc khi căn bệnh đã điểm giờ cuối, gia đình cũng đã vất vả, cạn kiệt.   

Ngay tại nhà anh Trần Quang Lộc, tôi được nghe nhà sưu tập nhạc xưa Phương Chánh Hùng gọi điện cho các danh ca, nghệ sĩ nói chuyện về tình trạng của anh. Nhiều nghệ sĩ đã ủng hộ giúp đỡ anh. Ví như nhạc sĩ Từ Công Phụng, danh ca Phương Dung, danh ca Khánh Ly... và nhiều tên tuổi khác. Một số bạn bè của nhạc sĩ Trần Quang Lộc cũng vừa đến thăm và trực tiếp tặng quà, san sẻ với anh!


Từ phải sang: Nhà sưu tập Phương Chánh Hùng (thứ 3), nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa (thứ 5) và một số bạn bè trong gặp gỡ cuôi cùng chia tay nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Bà Rịa, 24.5.2020.  

Tôi thấy nhạc sĩ Trần Quang Lộc xúc động. Một mắt anh bị sụp không còn nhìn thấy do biến chứng của bệnh ung thư di căn. Anh không còn nói được. Tai cũng không còn nghe được, như gia đình cho biết. 

Nhưng anh khóc. Dòng lệ của anh ứa ra từ hốc mắt khi tôi cầm tay anh!

Vẫn còn đó những tâm hồn như Phương Chánh Hùng, những tơ duyên âm nhạc, những nổng ấm tình người... 

Sài Gòn, chiều 11.8.2021.

Nguyễn Hữu Hồng Minh