VĂN HÓA

Những cây cầu hàng trăm tuổi ở Sài Gòn

Cẩm Chi • 03-12-2022 • Lượt xem: 974
Những cây cầu hàng trăm tuổi ở Sài Gòn

Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch và đường sá chằng chịt, Sài Gòn có tới 200 cây cầu lớn nhỏ đã gắn liền cùng lịch sử hàng trăm năm thăng trầm của vùng đất này. Mỗi cây cầu là một chứng nhân văn hóa từ thời phong kiến, Pháp thuộc cho đến thời kỳ đổi mới và phát triển.

Những cây cầu đầu tiên

Nhắc về những cây cầu đầu tiên có tuổi đời từ 200 - 300 năm do người Sài Gòn xưa xây dựng phải kể đến cầu Thị Nghè và cầu Bông. 

Có niên đại vào thế kỷ 18 (khoảng năm 1725 - 1750), cầu Thị Nghè bắc qua rạch Thị Nghè (đoạn gần hạ lưu đổ ra sông Sài Gòn) là cây cầu nổi tiếng nối quận 1 và quận Bình Thạnh. Theo nhiều sử sách, cầu Thị Nghè do bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân cho xây dựng để chồng tiện đường qua Sài Gòn làm việc. Chồng bà là thư ký (ông Nghè), nên nhân dân gọi bà là Bà Nghè. Vùng Thị Nghè xưa là nơi có khu ruộng Tịch Điền, đàn Xã Tắc, miếu thờ Thần Nông, đàn Tiên Nông (những cơ sở này nằm trước nhà thương dưỡng lão, nay là Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè), miếu Văn Thánh…

Do một đầu cầu nằm ở Thảo Cầm Viên nên cầu còn được gọi là Cầu sở thú. Ban đầu cầu được làm bằng sắt, sau đó được xây lại bằng bê tông cốt thép. Ảnh: Charles Peyrin.

Cầu Bông là cây cầu thân thuộc nối vùng Đakao của đô thành Sài Gòn xưa với trung tâm tỉnh Gia Định - khu vực chợ Bà Chiểu ngày nay. Theo cố nhà văn Sơn Nam, cầu Bông được xây dựng vào khoảng năm 1736, được làm bằng gỗ, nhỏ và ngắn (chiều dài 50m, rộng 15m). Ban đầu cầu có tên là Cao Miên vì có một Phó vương Cao Miên lúc đó đang xin tá túc tại Bến Nghé, cho bắc cầu qua sông để tiện việc đi lại. Sau người Pháp gọi là Cambodge. Con đường này là nơi nhân viên An ninh Cảnh sát thường đóng chốt ở hai đầu cầu để kiểm xét giấy tờ tùy thân, hợp lệ quân dịch. Trải qua hơn 200 năm lịch sử, cầu Bông nhiều lần bị phá hủy, đánh sập. Tháng 10/2013, cầu Bông được tháo dỡ để xây dựng mới ngay tại vị trí cũ.

Trước 1975, cầu Bông được xem là giao thông trọng yếu nối liền hai vùng thị tứ của vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa

Cầu Ông Lãnh (cầu gỗ cũ) bắc qua rạch Bến Nghé từ đường Bến Chương Dương (quận 1) đến đường Bến Vân Đồn (quận 4). Theo học giả Trương Vĩnh Ký (1885), cầu do ông Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (1798 -1866), một tướng triều Nguyễn (khi ấy đang đóng quân ở đồn Cây Mai - Thủ Thiêm) cho bắc để tiện việc giao thông và phòng thủ chống quân Pháp tấn công Gia Định. Năm 1929, người Pháp cho xây lại bằng xi măng, dài 120 m. Sau đó, người dân khu vực lập chợ mang tên cầu Ông Lãnh, song song đó là khu vực chợ cầu Muối. Đầu thập niên 2000, hai chợ sầm uất bậc nhất này đã được di dời lên chợ đầu mối Thủ Đức và chợ đầu mối Bình Điền. Hiện nay, cây cầu mới có 14 nhịp với 3 làn xe mỗi bên với tổng chiều dài là 256 m.

Cầu Ông Lãnh cũ từng là khu vực chợ đầu mối trái cây, thủy hải sản lớn nhất Sài Gòn.

Di sản nối nhịp sống hôm nay

Trong số nhiều cây cầu của Sài Gòn, phần lớn đều là do Pháp xây dựng. Đặc biệt, cầu Mống, cầu Bình Lợi, cầu Khánh Hội, cầu chữ Y có tuổi đời lên tới hơn 100 năm.

Cầu Mống bắc qua kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, nối liền Bến Chương Dương với bến Vân Đồn (quận 1 và quận 4), có chiều dài 128m, được xây dựng bằng thép kiên cố. Người Pháp gọi là cầu Messageries Maritimes (tên Công ty vận chuyển hàng hải của Pháp – đơn vị xây dựng cầu năm 1893), trong khi người Việt gọi là cầu Mống. Tên gọi cầu Mống có thể là tên gọi chệch từ cầu Móng, vì đây là một trong những cây cầu đầu tiên có trụ móng được xây dựng ở Sài Gòn. Giả thuyết nữa cho rằng cũng có thể vì hình dáng của cây cầu giống như vòng mống nên người dân gọi là cầu Mống. Trước năm 1975, bờ kênh Tàu Hũ ở dưới gầm cầu Mống là hai khuôn viên ấm cúng, thơ mộng cho những cặp tình nhân trẻ.

Theo thiết kế ban đầu, cầu Mống được dùng cho cả người đi bộ và phương tiện cơ giới.

Cầu sắt Bình Lợi không chỉ có số tuổi lên tới 117 năm mà đã để lại nhiều ký ức với người dân Sài Gòn khi là chứng nhân lịch sử qua bao cuộc kháng chiến, là mối liên kết Sài Gòn với các vùng miền Đông. Cầu nối quận Thủ Đức sang quận Bình Thạnh và là cầu đường sắt đầu tiên vượt sông Sài Gòn được nhà thầu Levallois-Perret thi công xây dựng vào tháng 2/1902. Với chiều dài 276m gồm sáu nhịp, cầu có một nhịp quay (ở phía bờ quận Thủ Đức), thiết kế kiểu vòm thép, mặt cầu bằng gỗ, cầu có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa.

Một số kiến trúc sư đánh giá Cầu Bình Lợi là cầu đô thị với kiến trúc độc đáo bởi là cầu thép duy nhất có tuổi thọ trên 100 năm còn tồn tại và đặc biệt có trục quay.

Từng là cầu quay độc nhất của Sài Gòn, cầu Khánh Hội bắc qua kênh Bến Nghé, ngay cửa ngõ sông Sài Gòn và kế bên bến Nhà Rồng. Cầu được xây năm 1904, người Pháp gọi là Le pont tournant, nghĩa là cầu quay, người Sài Gòn gọi là "cầu quay Khánh Hội", "cầu Bắc Bình Vương". Những năm 1940, cầu được cố định do được lắp đặt thêm tuyến đường sắt dẫn đến khu cảng. Cầu Khánh Hội đã 2 lần được phá bỏ (1954 và 2006) để xây mới nhằm đảm nhiệm vai trò là trục kết nối từ trung tâm quận 1 về quận 4, 7. Cầu mới dài 167 m, rộng 22 m với 4 làn xe, có dáng cong mềm mại và cách điệu và trở thành 1 trong 11 cầu trọng yếu trên đại lộ Đông Tây.

Cầu Khánh Hội quay khúc giữa vào giờ nhất định trong ngày để mở đường cho tàu thuyền qua lại thông thương trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Ảnh: Panorami

Cầu Chữ Y nối liền quận 5 với quận 8 (bắc qua kênh Bến Nghé và Kênh Tẻ), do Công xưởng và Công trình công chính (Pháp) xây trong 3 năm (1938-1941). Cầu Chữ Y là đầu mối giao thông quan trọng từ thành phố đi phía Tây – Nam (Nhà Bè, Rừng Sát, Duyên Hải). Đứng trên cầu, có thể nhìn thấy được nhiều tàu đậu ở cảng Sài Gòn và một phần thành phố với bán kính 2 km. Cây cầu uy nghi này đã gắn liền với 2 thời kỳ chống Pháp và Mỹ. Trận đánh nổi bật nhất là cuộc tấn công nổi dậy tết Mậu Thân 1968, nhân dân địa phương kết hợp cùng bộ đội chủ lực đã tiến công và làm nên chiến công chói lọi 7 ngày đêm rực lửa.

Cầu dài 913m, có 3 nhánh tới 3 con đường giống như hình một chữ Y lớn: Nguyễn Biểu – Nguyễn Thị Tần – Hưng Phú

Có tuổi đời hàng trăm năm, và do ảnh hưởng của chiến tranh nên hầu hết các cây cầu cổ này đã được cải tạo và xây mới nhiều lần để có diện mạo chắc chắn, hiện đại như ngày nay. Tuy vậy, ký ức hoạt động đi lại, giao thương nhộn nhịp tại những cây cầu vẫn còn đọng lại mãi trong ký ức của nhiều người Sài Gòn, để rồi trở thành một phần không thể thiếu trong trang sử hào hùng của mảnh đất này.