VĂN HÓA

Những dòng gốm sứ lưu giữ văn hóa truyền thống thế giới

Cẩm Chi • 31-03-2023 • Lượt xem: 1043
Những dòng gốm sứ lưu giữ văn hóa truyền thống thế giới

Gốm sứ Nhật Bản, Trung Quốc hay Ba Lan đều có tuổi đời nhiều thế kỷ, được làm thủ công, với vẻ đẹp dung dị, mộc mạc nhưng hàm chứa tinh hoa nghệ thuật và sự tinh tế trong từng chi tiết.

Gốm Nhật: tinh tế, nghệ thuật

Xứ sở hoa anh đào nổi tiếng với hơn 50 loại phong cách gốm sứ khác nhau, mang những đặc điểm độc đáo riêng như Imari, Kakiemon, Bizen, Iga…  

Trong đó, loại hình gốm sứ mang phong cách wabi-sabi, được thể hiện qua những tác phẩm gốm sứ rạn vỡ, sứt mẻ, hay thậm chí chưa hoàn thiện. Dòng gốm này xuất hiện đầu tiên ở Nhật Bản khoảng thế kỷ 11, gắn với sự phát triển của trà đạo của Sen no Rikyũ. Ông đã tập trung vào sự mộc mạc qua những dụng cụ pha trà tối giản, bình pha trà cùng các yếu tố liên quan. Một trong những nét mới đáng chú ý là bát đựng trà Raku – nguồn cảm hứng bất tận của nghệ thuật gốm sứ hiện đại.

Nghệ thuật kintsugi, nơi những mẫu gốm rạn vỡ được “vá” lại bằng chất liệu sơn mài có phủ lên hoặc trộn thêm với bột vàng nhằm phơi bày thay vì che giấu các “khiếm khuyết” của sản phẩm.

Hầu hết sản phẩm Raku-yaki đều là bát đựng trà, sau các công đoạn định hình, người nghệ nhân sẽ nung gốm ở nhiệt độ thấp, sản phẩm được lấy ra khỏi lò khung khi đang còn nóng và được làm nguội nhờ nhiệt độ ngoài trời. Một vài kỹ thuật tráng men truyền thống được sử dụng phổ biến bao gồm chống sáp, men nứt, men đồng hoặc sơn màu đen nhạt. Trong một số trường hợp, người thợ gốm còn gắn thêm những sợi lông ngựa trên sản phẩm, nhằm tạo những họa tiết đối xứng trên thành phẩm.

Gốm Raku-yaki thường được nặn thủ công mà không sử dụng bàn quay.

Một dòng gốm khác là Arita-yaki tại tỉnh Saga có lịch sử lâu đời nhất ở Nhật Bản từ thế kỷ 17. Arita-yaki nổi tiếng với các thiết kế sơn trên đồ gốm sứ, bao gồm màu xanh coban, kết hợp với bề mặt sứ trắng sang trọng, mang lại cho đồ gốm sứ cảm giác phương Đông. Theo thời gian, các màu khác bắt đầu được kết hợp như đỏ, vàng và xanh lục.  

Gốm sứ Arita được được làm từ một lớp đá được tích tụ lâu năm tại Izumiyama ở Arita.

Trước đây, Arita-yaki trở nên phổ biến hơn nhiều đối với người Nhật và nó bắt đầu được đưa vào cuộc sống hàng ngày. Nhiều người thích Arita-yaki bởi phần đế bằng sứ không quá nặng mà lại mỏng và bền hơn so với đồ sứ sử dụng các chất liệu khác. Tại châu Âu, Arita-yaki còn được dùng làm quà tặng bởi các gia đình hoàng gia và được sưu tập như món đồ cổ có giá trị cao trên khắp thế giới.

Gốm sứ Trung Quốc: phong phú, đa dạng

Trung Quốc là cái nôi ra đời của gốm sứ. Gắn với hình ảnh con đường tơ lụa huyền thoại của hàng ngàn năm trước, các mặt hàng gốm sứ chính là sản phẩm được ưa chuộng trong công cuộc giao lưu văn hóa Đông – Tây.

Thành phố Cảnh Đức Trấn nằm ở phía đông bắc tỉnh Giang Tây, là nơi sinh ra văn hoá gốm sứ và nghề chế tạo đồ gốm sứ nổi tiếng của Trung Quốc. Từ thời Hán, cách đây khoảng gần 2000 năm, Cảnh Đức Trấn bắt đầu chế tác đồ gốm, đến thời Đông Tấn, thì bắt đầu sản xuất đồ sứ. Do nguyên liệu cao lanh của vùng Giang Tây khá đặc biệt, có kỹ thuật sản xuất vượt trội, sản phẩm đạt chất lượng tốt, Cảnh Đức Trấn đã trở thành trung tâm sản xuất đồ sứ của triều đình và của cả nước.

Những nghệ nhân lành nghề và tỉ mỉ trong từng khâu sản xuất gốm sứ

Đồ sứ của Cảnh Đức Trấn thường có tạo hình tinh xảo, hoa văn trang trí đa dạng, chủng loại phong phú, phong cách độc đáo. Trong đó, sứ trắng vô cùng nổi tiếng với khoảng hơn 3000 sản phẩm khác nhau. 4 loại đồ sứ truyền thống trứ danh của Cảnh Đức Trấn gồm: sứ thanh hoa (còn gọi là sứ hoa lam), sứ linh lung, sứ men hồng (hồng nhung, hồng sậm…) và sứ men màu (đỏ, xanh, lam, vàng, đen…).

Các mẫu mã đa dạng của Cảnh Đức Trấn được mệnh danh là kinh đô đồ sứ của Trung Quốc

Đồ sứ Trung Quốc được xuất khẩu sang châu Âu với số lượng lớn, nhận được sự ưa chuộng tại châu Âu và các nước Hồi giáo…

Gốm Ba Lan: đơn giản, thủ công

Gốm Bolesławiec cổ điển được trang trí bằng sơn coban, xanh lá cây và màu đỏ…là một yếu tố quan trọng của văn hóa và nghệ thuật dân gian Ba Lan. Sản phẩm thời đầu của dòng gốm này từ thế kỷ 15, là những chiếc bình bằng đá được nung từ đất sét mịn. Bình và thùng đựng đồ được trang trí bằng các hoa văn nổi và được phủ một lớp men chống trượt màu nâu, có thể thêm thiếc, bạc, hoặc hợp kim thiếc.

Thị trấn Bolesławiec – thuộc Ba Lan ngày nay – có lịch sử lâu đời về sản xuất đồ gốm nổi tiếng trên khắp châu Âu từ thế kỷ 15.

Thế kỷ 18, Bolesławiec được sáp nhập vào Vương quốc Phổ (Đức) đã mang đến sự đổi mới về kiểu dáng và chất liệu khi có sự kết hợp sáng tạo giữa thợ gốm địa phương và các nghệ sĩ. Kỹ thuật đúc phù điêu tráng men trắng và trang trí sản phẩm với huy hiệu, biểu tượng tôn giáo được thử nghiệm.

Thế kỷ 19, đồ gốm Bolesławiec phát triển kiểu dáng cổ điển như ngày nay. Một loại men trong suốt (hoa văn màu trắng và xanh coban kinh điển) được ra đời và sử dụng kỹ thuật đúc, kết hợp các phong cách Tân nghệ thuật (Art Nouveau). Đến đầu thế kỷ 20, hoa văn mang tính biểu tượng mắt công, Art Deco trở nên phổ biến. Hơn 20 cửa hàng và một trường dạy gốm hoàng gia đã được thành lập để tạo điều kiện phát triển gốm Bolesławiec trở thành một nghề thủ công.

Dù sở thích là truyền thống, hiện đại hay phóng túng, khách mê gốm cũng sẽ chọn được sản phẩm ưng ý trong vô số mẫu mã phong phú và đa dạng.

Hiện nay, đồ gốm Bolesławiec vẫn được tiếp tục làm từ đất sét trắng địa phương nung ở nhiệt độ cao, được đóng dấu bằng tay với các chi tiết thủ công và được tráng một lớp men không chì, có thể chịu sức nóng của lò vi sóng và lò nướng mà vẫn không hề bị nứt trong tủ đông.

Các nhà sản xuất gốm Bolesławiec hiện đại không ngừng cho ra các thiết kế mới kết hợp các họa tiết truyền thống. Một số mẫu cổ điển thường thấy ngày nay bao gồm Ba Lan Cổ, Con công hoa, Chuông đỏ thẫm và Khảm ngọc lục bảo. Sau nhiều năm mài dũa, một nghệ nhân đã đạt đến mức độ khi họ có thể tự mình sản xuất từ A tới Z. Những sản phẩm này được là unikat hoặc giới hạn duy nhất, được săn đón từ Hoa Kỳ và quốc tế.